Tối ngày 11/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc rất tốt đẹp chuyến công tác thăm chính thức Cộng hòa Singapore và Brunei Darussalam theo lời mời của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Quốc vương Brunei Darussalam Sultan Haji Hassanal Bolkiah.
Trong 72 tiếng đồng hồ, Thủ tướng Chính phủ có lịch trình hoạt động dày đặc với hơn 30 hoạt động; trong đó nổi bật là các cuộc hội đàm và tiếp xúc với tất cả Lãnh đạo cấp cao của hai nước; các cuộc tọa đàm, trao đổi với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu, quỹ đầu tư lớn của hai nước và thế giới; gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ nhân viên các cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại Singapore và Brunei.
Chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng bởi đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới khu vực Đông Nam Á hải đảo kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cũng như kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Đặc biệt, đây là chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ tới Singapore sau gần 5 năm và tới Brunei sau gần 16 năm.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam với hai nước đang phát triển tích cực và mạnh mẽ; Việt Nam và Singapore kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2023; Việt Nam và Brunei vừa kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao năm 2022.
Chuyến thăm góp phần tiếp tục triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là ưu tiên phát triển quan hệ với các nước láng giềng và ASEAN, trong đó có quan hệ Đối tác Chiến lược với Singapore (một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam) và Đối tác Toàn diện với Brunei (đối tác quan trọng trong ASEAN và là nơi chứng kiến Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN vào tháng 7/1995). Trước khi Thủ tướng lên đường thăm Singapore và Brunei, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn cần cố gắng thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN, đưa quan hệ với từng nước đi vào thực chất, hiệu quả.
Chuyến thăm đã đạt được những kết quả rất quan trọng, vừa toàn diện, chiến lược, vừa thực chất, cụ thể.
Tăng cường tin cậy chính trị chiến lược
Cả hai nước đều dành cho Thủ tướng Chính phủ sự đón tiếp hết sức trọng thị, chu đáo, thân tình và theo nghi thức cao nhất dành cho Người đứng đầu Chính phủ. Phía Brunei đã dành nghi lễ lễ tân đặc biệt khi toàn bộ thành viên hoàng gia đã đón và tham dự cuộc tiếp Thủ tướng Chính phủ và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Phía Singapore dành cho Thủ tướng và Phu nhân nghi lễ “ngoại giao hoa lan” mà nước này dành riêng cho những vị khách quý, một cử chỉ thể hiện thiện chí nhằm thúc đẩy tình hữu nghị, quan hệ hợp tác giữa Singapore và các quốc gia khác.
Lãnh đạo hai nước đều bày tỏ coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam, đánh giá Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng nhanh nhất và là một trong những đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng của khu vực; mong muốn cùng Việt Nam đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Các nhà Lãnh đạo Singapore và Brunei đều nhất trí không ngừng gia tăng tin cậy chính trị chiến lược với Việt Nam thông qua tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và các thỏa thuận hợp tác quan trọng. Nhân dịp chuyến thăm, nhiều văn kiện hợp tác đã được ký kết giữa Việt Nam với hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác hàng hải, thanh niên, lãnh sự, nghiên cứu khoa học và đào tạo.
Các kết quả thực chất đạt được trong chuyến thăm không những góp phần làm sâu sắc hơn hợp tác giữa Việt Nam với hai nước trong các lĩnh vực truyền thống như chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, giáo dục đào tạo, dầu khí, du lịch, giao lưu nhân dân…, mà còn tạo khuôn khổ cho các lĩnh vực hợp tác mới giàu tiềm năng.
Tiếp thêm động lực mới cho hợp tác kinh tế với Singapore và Brunei
Về kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất các biện pháp tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực quan trọng và được Lãnh đạo các nước ủng hộ, trong đó có việc thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Singapore, Việt Nam – Brunei.
Tại Singapore, điểm nhấn là việc hai bên ký kết biên bản ghi nhớ về Quan hệ Đối tác Kinh tế số – Kinh tế xanh Việt Nam – Singapore, tạo tiền đề cho triển khai hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, năng lượng sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Hai bên đã nhất trí về các biện pháp thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường tiếp cận với nguồn vốn đầu tư và tài chính, trong đó có tài chính xanh; mở rộng và phát triển các khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) tại Việt Nam theo hướng xanh, thông minh, bao trùm, tiết kiệm năng lượng.
Lãnh đạo Singapore cũng đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam vừa phê duyệt Quyết định chấp thuận đầu tư cho khu công nghiệp VSIP Nghệ An II, thể hiện quyết tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước.
Với Brunei, lần đầu tiên hai bên ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Brunei, giúp triển khai đồng bộ, bài bản hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực cùng quan tâm trong 5 năm tới.
Việt Nam và Brunei nhất trí đẩy mạnh hợp tác năng lượng – dầu khí, tăng cường hợp tác, hỗ trợ nhau tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm và hàng hóa Halal toàn cầu; đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất hóa chất; cũng như hợp tác kinh tế số, kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và ứng phó biến đổi khí hậu; tạo thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối, đa dạng hoá thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng, cơ cấu thương mại.
Phía Brunei đánh giá Việt Nam là một trong các đối tác giàu tiềm năng có thể mở rộng hợp tác để góp phần giúp Brunei chuyển đổi cơ cấu và đa dạng hóa nền kinh tế.
Chuyến thăm đã tiếp thêm động lực mới quan trọng, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với hai nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất ở khu vực; gửi đi thông điệp về quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam với hai nước cùng hợp tác, phát triển tự cường, bền vững, tăng cường kết nối và bổ trợ kinh tế, hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Những kết quả của chuyến thăm góp phần tích cực hỗ trợ công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, thiết thực triển khai Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030
Thông điệp quan trọng về những định hướng lớn của Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp Singapore và Việt Nam; tọa đàm với 32 quỹ đầu tư lớn của Singapore và quốc tế có trụ sở tại Singapore để thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) và tọa đàm với các doanh nghiệp năng lượng-hóa chất hàng đầu Brunei; tiếp lãnh đạo nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Standard Chartered, Sembcorp, Temasek Holding…
Qua chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ đã gửi tới các đối tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư Singapore, Brunei và quốc tế thông điệp quan trọng về những định hướng lớn của Việt Nam trong bối cảnh thế giới đã và đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều quốc gia, doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện nhiều sự điều chỉnh lớn, tái cơ cấu và tái định vị chuỗi sản xuất.
Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Việt Nam hướng đến phát triển một nền kinh tế bền vững dựa trên ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường; kiên quyết không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; đặt con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất cho mọi chính sách phát triển.
Các nhiệm vụ, giải pháp xuyên suốt của Việt Nam trong thời gian tới là: thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; tiếp tục mở cửa nền kinh tế, chuyển sang thu hút FDI có chất lượng và có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, năng lực sản xuất; đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan tỏa cao; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.
Tại các buổi tiếp xúc, các diễn đàn, Thủ tướng khẳng định quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất, với việc giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường – chính sách ổn định, có tính dự báo cao và thực thi minh bạch, tạo thuận lợi cho các lĩnh vực hợp tác mới.
Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án FDI thuộc các ngành, lĩnh vực như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số; năng lượng mới, năng lượng tái tạo; các khu công nghiệp sinh thái gắn với đô thị thông minh, đô thị sinh thái, dịch vụ chất lượng cao tạo thành các hệ sinh thái công nghiệp – đô thị.
Về chuyển đổi xanh, Thủ tướng đề nghị các đối tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ Việt Nam xây dựng và hoàn thiện thể chế vì mục tiêu tăng trưởng xanh; huy động, thu hút các nguồn tài chính xanh, phát hành trái phiếu xanh, các công cụ để hạn chế các hành vi sản xuất/tiêu dùng không thân thiện với môi trường…; nâng cao năng lực tiếp nhận, nghiên cứu và làm chủ công nghệ; kết nối, giới thiệu đối tác, thúc đẩy đầu tư trong kinh tế xanh, tuần hoàn; xây dựng ngành công nghiệp chuyển đổi năng lượng; nâng cao năng lực quản trị đối với cả khu vực công và khu vực tư nhân trong nước, hướng đến sự minh bạch, hiệu quả cao và phát triển bền vững.
Về chuyển đổi số, Thủ tướng đề nghị các đối tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam, nhất là về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển hệ sinh thái công nghệ; tăng cường đào tạo và phát triển nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao; nâng cao kỹ năng số; hỗ trợ quảng bá các nền tảng số Việt Nam tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ và ra thị trường quốc tế; đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, qua đó, đóng góp vào quá trình xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số của Việt Nam.
Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước cũng như quốc tế đều bày tỏ hết sức tin tưởng vào sự ổn định và ngày càng cải thiện của môi trường kinh doanh của Việt Nam, khẳng định sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ, mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài, bền vững tại Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số.
Củng cố đại đoàn kết toàn dân tộc và đề cao vai trò trung tâm của ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, động viên cộng đồng người Việt Nam tại Singapore và Brunei, khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36 và Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, góp phần củng cố, phát huy khối đại đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc.
Trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước, Thủ tướng đề nghị tiếp tục quan tâm tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt hòa nhập, sinh sống, học tập và làm việc ở sở tại, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh và mở rộng hợp tác đầu tư, được đối xử công bằng.
Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn coi cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam ở hơn 130 quốc gia trên thế giới là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là một trong những động lực phát triển của đất nước. Đảng, Nhà nước không có mục tiêu nào cao hơn là giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Cũng trong chuyến thăm, Thủ tướng đã trao đổi thẳng thắn, tin cậy với Lãnh đạo của Singapore và Brunei về những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông; thống nhất những phương hướng lớn nhằm tăng cường phối hợp giữa ta với hai nước tại các thể chế hợp tác đa phương. Thủ tướng cùng lãnh đạo hai nước cùng chia sẻ khát vọng về một ASEAN đoàn kết, gắn kết, một Đông Nam Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng; nhất trí cao sẽ cùng hợp tác để giữ vững đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế đang diễn biến phức tạp hiện nay.
Với những kết quả quan trọng nêu trên, chuyến thăm chính thức Singapore và Brunei của Thủ tướng Chính phủ đã thành công tốt đẹp, góp phần đưa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Singapore và Đối tác Toàn diện Việt Nam-Brunei lên tầm cao mới, củng cố thêm niềm tin của bạn bè, đối tác quốc tế và nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài về chủ trương, đường lối, chính sách và tương lai phát triển của Việt Nam. Chuyến đi còn góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh Việt Nam, phục vụ thiết thực công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, đóng góp tích cực vào việc củng cố đoàn kết của ASEAN, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới./.
Cong TTĐTCP