Số hóa và kinh tế số đã và đang xâm nhập vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống, Việt Nam quốc gia đang phát triển đang được đánh giá là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh việc áp dụng đưa công nghệ số vào các hoạt động thông tin, xây dựng, hạ tầng đô thị,… Mới đây, tại Hà Nội, Hội thảo “chuyển đổi số – nền tảng xây dựng đô thị thông minh”do Tổng hội Xây dựng Việt nam (THXDVN) phối hợp với Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Viện khoa học công nghệ Vinasa (Hội Tin học xây dựng Việt Nam), Viện nghiên cứu và phát triển đô thị thuộc Tổng hội XDVN tổ chức. Tiến sỹ Đặng Việt Dũng, Chủ tịch THXDVN đã có cuộc trao đổi với Ánh sáng và Cuộc sống về lĩnh vực này.
Phóng viên(PV): Thưa Chủ tịch, là người gắn bó lâu năm với lĩnh vực xây dựng và đô thị, Ông có thể cho bạn đọc hiểu rõ hơn về chuyển đổi số, các tác động của chuyển đổi số đối với quá trình xây dựng, phát triển, quản lý đô thị!
Chủ tịch Đặng Việt Dũng (CT.ĐVD): Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng về thông minh hóa. Biểu tượng của cuộc cách mạng công nghiệp lần này là các hệ thống thực – số (hay còn gọi là các hệ thống vật lý – xã hội – số, Cyber – Physical – Social Systems, CPSS) trong đó công nghệ số được tích hợp một cách hữu cơ vào các thực thể vật lý, xã hội để tạo thành các thực thể “thông minh” (Smart). Cũng giống như các cuộc cách mạng công nghiệp trước, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thay đổi mạnh mẽ và triệt để môi trường sống của con người, môi trường hoạt động của các tổ chức. Với các đột phá mạnh mẽ về công nghệ kết nối số (Internet vạn vật – IoT, kết nối không dây…) và dữ liệu số (Trí tuệ nhân tạo, học máy, học sâu, phân tích dữ liệu lớn, chuối khối…), công nghệ thông tin, từ chỗ chỉ là các công cụ hữu ích để làm những việc cũ theo cách cũ, đang trở thành hợp phần hữu cơ của mọi thực thể, mọi tổ chức.
Cùng với tiên bộ của công nghệ số, thuật ngữ “thông minh” hay “Smart” xuất hiện ngày càng phổ biến và gắn với ngày càng nhiều các thực thể quen thuộc đều được gắn thêm chữ thông minh: điện thoại thông minh, TV, máy giặt, xe hơi thông minh (tự lái), cho đến căn nhà thông minh (smart home), bệnh viện, trường học thông minh, nhà máy, trang trại thông minh cho đến cả quốc gia thông minh (đề án Smart Nation của Singapore chẳng hạn). Các thực thể thông minh, đến lượt mình lại được kết nối với nhau, trao đổi thông tin với nhau, thậm chí tự ban hành những quyết định, giải pháp thông qua môi trường số để tạo thành các hệ thống thông minh như y tế thông minh, giáo dục thông minh, chiếu sáng thông minh, giao thông thông minh hướng tới một cộng đồng thông minh. Sự kết nối đã lấy đi nhiều vị trí hoạt động của con người theo hướng tích cực. Các mô hình kinh tế mới dựa trên kết nối cung – cầu như kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế lao động tự do (Gig economy) đang trở nên phổ biến, dần thay thế các mô hình kinh doanh truyền thống. Xu hướng thông minh hóa nhờ chuyển đổi số dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc của môi trường sống và làm việc của mỗi người, môi trường kinh doanh của từng doanh nghiệp cũng như tạo ra nhu cầu phải thay đổi phưong thức quản lý của các cơ quan nhà nước.
PV: Theo ông, để theo kịp, hội nhập với quá trình chuyển đổi số quốc gia, những người tham gia ngành xây dựng đô thị, hạ tầng,… cần phải làm gì?
CT.ĐVD: Việc chuyển đổi số thực chất là cuộc cách mạng công nghệ cao tạo ra năng suất, hiệu quả, sản phẩm chất lượng cao hơn thông qua nền tảng số. Chuyển đổi số chính là quá trình tự thay đổi của các tổ chức (các doanh nghiệp, các địa phương, các đô thị, các ngành…) bằng cách nhanh chóng tạo ra môi trường số thông qua công nghệ để giúp quá trình tự động hóa chuyến nhanh từ phạm vi nhà máy ra ngoài xã hội, tối ưu hóa cách thức vận hành, giảm bớt sự can thiệp của con người trong quản lý và điều hành xã hội, nâng cao năng suất và hiệu quả quản trị.
Việt Nam chúng ta đang khởi đầu quá trình xây dựng các đô thị thông minh, chiếu sáng thông minh, khu công nghiệp thông minh, trang trại, tòa nhà, căn hộ thông minh, nhà máy thông minh, hạ tầng thông minh…, tức là đang trong quá trình song song thông minh hóa từng thực thể cùng với hình thành môi trường kết nối. Tất cả quá trình này đều hình thành từ các công trình xây dựng và là sản phẩm của ngành xây dựng.
Chuyển đổi số gắn liền với việc kết nối tất cả các chủ thể liên quan đến công trình xây dựng, chia sẻ và dùng chung dữ liệu thông qua kết nối số. Điều này thể hiện rõ nét nhất qua mô hình thông tin công trình (BIM). Nhìn từ góc độ chuyển đổi số, BIM chính là cách thức tổ chức dữ liệu về toàn bộ vòng đời của sản phẩm xây dựng một cách thống nhất và dùng chung cho tất cả các chủ thể liên quan. Việc thống nhất và dùng chung dữ liệu về công trình xây dựng thông qua kết nối trên môi trường số, tăng hiệu quả tương tác giữa các chủ thể liên quan đến công trình, giúp đơn giản hóa các quy trình xây dựng. Mô hình cũng hướng tới việc kiểm soát tự động ở tất cả các khâu từ Thiết kế – Đấu thầu – Thi công – Duy tu bảo dưỡng, giảm ảnh hưởng tác động của con người và mang lại lợi ích cho tất cả các chủ thể liên quan. Ở mức độ chi tiết hơn, các quy trình thiết kế, quy trình thi công cũng có thể được sắp xếp lại, tự động hóa tối đa theo hướng hiệu quả hơn, nâng cao đáng kể chất lượng và năng suất của hoạt động xây dựng.
Chuyển đổi số cũng tác động rất lớn đến công tác quản trị – quản lý ngành xây dựng. Ớ cấp độ toàn ngành, các sản phẩm xây dựng thông minh, các quy trình xây dựng thông minh đòi hỏi phải sửa đối hành lang pháp lý hiện hành vốn được thiết kế cho phương thức hoạt động xây dựng cũ. Các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cần nhanh chóng xây dựng hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuấn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến các sản phẩm xây dựng thông minh, bao gồm cả các tiêu chí, tiêu chuẩn cho đô thị thông minh. Để đẩy nhanh hơn nữa việc phổ biến BIM trong ngành xây dựng cần sửa đổi phương pháp quản lý xây dựng dựa trên hồ sơ, bản vẽ sang quản lý dựa trên dữ liệu và tài liệu điện tử với chữ ký số.
PV: Vậy chuyển đổi số và nền kinh tế xanh có liên quan, tác động gì tới các họat động của Doanh nghiệp ngành xây dựng, đặc biệt khi Việt Nam cam kết Net zezo khí phát thải vào năm 2050, mà Thủ Tướng CP đã cam kết tại COP26, thưa ông?
CT.ĐVD: Chuyển đổi số, cùng với chuyển đổi xanh đang là hai xu hướng phát tất vếu của xã hội loài người. Đây là một quá trình khách quan, tác động đến mọi ngành, mọi lĩnh vực, trong đó có ngành xây dựng. Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11 tháng 2 năm 2020 của Bộ Chính Trị về Chiến lược phát triển ngành năng lượng đến 2030, định hướng đến năm 2045 khẳng định: Sử dụng NLTK&HQ, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội. Nghị quyết 29 của Ban chấp hành trung ương khóa 13 đã khẳng định chuyển đổi số là một phương thức mới, hiệu quả để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Dù muốn hay không thì mọi tổ chức trong ngành, dù là các doanh nghiệp tư vấn thiết kế, thi công xây lắp, tư vấn giám sát hay các cơ quan quản lý nhà nước về đô thị và xây dựng cũng sẽ phải chuyển đổi. Chủ động chuyển đổi để thích nghi với môi trường hoạt động mới sẽ mở ra nhiều cơ hội mới để phát triển. Ngược lại, việc trì hoãn chuyển đổi số sẽ dẫn đến rất nhiều thách thức, có nguy cơ tụt hậu bị mất khả năng cạnh tranh và phá sản.
Việc hiện đại hóa ngành xây dựng không phải là ngoại lệ. Ngành xây dựng đã tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin từ lâu, 100% các bản vẽ kỹ thuật đã được làm trên máy tính, phần mềm tính kết cấu, dự toán xây dựng đã trở thành công cụ không thể thiếu trong các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng. Tuy vậy, chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh là vấn đề mới, rất rộng lớn, gần đây đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo trao đổi về nội dung này nhưng đến nay vẫn còn nhiều câu hỏi cần làm rõ.
PV: Xin cảm ơn ông, Chúc ông và gia đình đón xuân mới Mạnh khỏe, An khang và Thinh vượng!
Quang Hùng (thực hiện)