Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực

12

Tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 -2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 và trong thời gian tới của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, người dân, doanh nghiệp thụ hưởng thành quả một cách thực chất và hiệu quả; hướng tới việc hình thành công dân số, xã hội số.

Qua 1 năm triển khai Đề án 06, đến nay cả nước đã hoàn thành và đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử, một số dịch vụ có tỷ lệ người dân hưởng ứng tham gia cao. Việc đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến đã mang lại hiệu quả rất lớn, tiết kiệm chi phí, nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời thay đổi tư duy trong phối hợp đồng hành của các bộ, ngành trong phối hợp giải quyết phục vụ nhân dân.

Đã bước đầu triển khai kết nối dữ liệu góp phần làm sạch thông tin tín dụng ngân hàng; cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng số; cung cấp 8 sản phẩm dữ liệu dân cư cho cơ quan, tổ chức, cá nhân phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế phục vụ khám chữa bệnh tại 94% cơ sở y tế; tích hợp thông tin thẻ ATM phục vụ rút tiền…

Hệ thống định danh và xác thực điện tử đã phê duyệt trên 17 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân, trong đó trên 2,6 triệu tài khoản đã kích hoạt; cấp 76,5 triệu thẻ căn cước công dân. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 12 đơn vị bộ, ngành và 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 31 địa phương; Có 4 bộ, ngành đã triển khai số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung; 5 bộ, ngành và triển khai số hóa một phần.

Báo cáo kết quả triển khai chuyển đổi số năm 2022, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, trong 107 nhiệm vụ mà Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ban hành thì đến nay có 42 nhiệm vụ của các bộ, ngành đã hoàn thành; 2 nhiệm vụ đang triển khai; 59/63 địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ.

Trong năm, các lĩnh vực về nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nền tảng số, nhân lực số, an toàn, an ninh mạng, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh đều đạt được những kết quả nổi bật. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 97,3%; 11 tháng đầu năm có hơn 63 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 5,8 triệu văn bản điện tử gửi và nhận qua trục liên thông văn bản quốc gia. Ước tính tỷ trọng kinh tế số đạt 14,18% GDP; số lượng doanh nghiệp công nghệ số đạt 70 nghìn doanh nghiệp…

Chuyển đổi số đã góp phần giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành.

Thủ tướng khẳng định, chuyển đổi số đã từng bước chuyển đổi nhận thức và chuyển đổi thói quen từ môi trường thực sang môi trường số. Nhiều sản phẩm chuyển đổi số đã thể hiện được tính hiệu quả, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp;chuyển đổi số là chuyển đổi cả về tư duy và hành động. Chính phủ số là động lực chính, then chốt, dẫn dắt việc xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần phải tiếp thu thành tựu kinh nghiệm quốc tế, vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế của đất nước, địa phương, đồng thời cần có tư duy, tầm nhìn chiến lược.

TG