“Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm – Thực trạng và giải pháp”

27

Mức giá xăng, dầu sau 4 lần giảm liên tiếp hiện đã tương đương với mức giá thời điểm tháng 1/2022. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Báo Điện tử Chính phủ, giá của nhiều mặt hàng thiết yếu trong nước vẫn tiếp tục neo ở mức cao, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, đặc biệt là trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch 2 năm vừa qua.

Để cùng tìm giải pháp lành mạnh hoá thị trường trong nước, góp phần bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trong thời gian tới, ngày 4/8, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Toạ đàm: “Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm – Thực trạng và giải pháp với sự tham dự của các vị khách mời: Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT); bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính); chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực; chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Thị trường có độ trễ

Lý giải về thực trạng “xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm”, bà Đinh Thị Nương cho biết: Sở dĩ có tình trạng này là do một số nhóm hàng hoá, dịch vụ chịu tác động trực tiếp của giá xăng dầu, khi xăng dầu điều chỉnh giá giảm thì các nhóm hàng cần thời gian, độ trễ nhất định để đơn vị sản xuất kinh doanh rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng dầu.

Về tình trạng “tăng nhanh, giảm chậm” trong hoạt động vận tải, ông Trần Bảo Ngọc thông tin: Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 30-40% trong tổng chi phí các yếu tố cấu thành nên giá dịch vụ vận tải. Do đó, khi giá xăng, dầu biến động tăng mạnh như thời gian trước hoặc giảm sâu như thời điểm 1 tháng gần đây thì các đơn vị kinh doanh đều phải tính toán lại.

“Ví dụ như với xe taxi, khi giá nguyên liệu biến động, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện kê khai giá với Sở GTVT địa phương. Sau đó, phải điều chỉnh đồng hồ tính tiền, phải in lại tờ niêm yết giá… Tất cả những công đoạn đó sẽ cần một khoảng thời gian nhất định. Bên cạnh đó, còn có yếu tố tâm lý khách hàng và đối thủ cạnh tranh”, ông Ngọc nói.

Vụ trưởng Vụ Vận tải cũng cho biết, theo Luật Giá, hiện chúng ta đang quản lý giá dịch vụ vận tải trên quy luật của thị trường. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, quyền quyết định giá và cạnh tranh giá của các đơn vị kinh doanh vận tải.

Các đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện đầy đủ những quy định trong công tác quản lý giá, ví dụ như phải thực hiện kê khai giá. Hoặc đối với những lĩnh vực mà Nhà nước có quy định khung giá thì không được tăng giá quá khung. Và kê khai giá rồi thì phải thực hiện niêm yết giá đầy đủ và phải bán theo đúng giá kê khai đã niêm yết.

Với những doanh nghiệp vận tải bị phát hiện có vi phạm trong việc kê khai, niêm yết giá, ông Trần Bảo Ngọc khẳng định: Chúng ta có đầy đủ công cụ, Nghị định quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá. Đối với xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, lái xe thậm chí phải trả lại tiền cho hành khách nếu thu quá cao hoặc với các vi phạm nghiêm trọng hơn thì đơn vị chức năng sẽ thu hồi phù hiệu kinh doanh vận tải của doanh nghiệp đó.

Mặc dù đồng tình với cách lý giải của 2 cơ quan chức năng về chu trình và độ trễ của giá cả thị trường nhưng chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng “không thể trễ tới hàng tháng, thậm chí là mấy tháng được”.

“Ý kiến phản ánh của người dân rất quan trọng. Người dân có quyền phản ánh nếu thấy giá xăng dầu giảm mà giá vận tải, giá một số mặt hàng mua bán, đi lại vẫn như cũ. Khi đó, họ có quyền phản ánh với các cơ quan chức năng. Tôi mong các cơ quan chức năng có các biện pháp xử lý kịp thời. Không thì người dân sẽ cảm thấy nản lòng, bởi kiến nghị nhiều mà không được xử lý”, TS. Cấn Văn Lực bày tỏ.

Chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội

Trước thực trạng nhiều nhóm hàng hoá, dịch vụ tiếp tục neo ở mức giá cao trong khi xăng, dầu đã giảm đến 4 lần liên tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)cho biết: Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích dự báo thị trường và cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết và kịp thời cho những tháng còn lại trong năm để tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành giá và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4% Chính phủ đề ra.

Phối hợp chặt chẽ chính sách tài chính, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; Nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ một số đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như: ngư dân đánh bắt thủy hải sản, giao thông vận tải, người nghèo, người có thu nhập thấp.

Riêng đối với giá sách giáo khoa, Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT tiếp tục kê khai và rà soát giá. Trường hợp các khoản chi phí như: chi phí phát hành, một số chi phí quản lý doanh nghiệp… tăng thì Bộ Tài chính sẽ yêu cầu các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, từ đó giảm giá sách giáo khoa để chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, đảm bảo về an sinh xã hội.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông và công khai minh bạch về giá để cho người tiêu dùng hiểu, theo dõi, giám sát và hạn chế những thông tin gây thất thiệt, hoang mang cho người tiêu dùng và gây bất ổn cho thị trường.

Về phía Bộ GTVT, ông Trần Bảo Ngọc cũng cho biết, Bộ GTVT đã rà soát tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý giá để phối hợp với Bộ Tài chính ban hành những văn bản điều hành phù hợp. Bên cạnh đó, Bộ GTVT tiếp tục rà soát các điều kiện kinh doanh, đặc biệt các điều kiện kinh doanh vận tải, điều kiện nào không còn cần thiết, phù hợp thì cắt giảm để tiết giảm chi phí cho các đơn vị kinh doanh vận tải và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Tiết kiệm chi phí, cải cách thủ tục

Đồng tình với các giải pháp mà Bộ Tài chính và Bộ GTVT đang thực hiện trong công tác quản lý giá, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhìn nhận: Việc tăng giá hay giảm giá trong cơ chế thị trường là tất nhiên và trong bối cảnh hiện nay việc này có thể sẽ diễn ra thường xuyên.

Do đó, bên cạnh những giải pháp kiểm tra, kiểm soát hay các chế tài xử phạt, ông Vũ Vinh Phú cho rằng cần cải tiến các thủ tục kê khai giá, dán tem nhanh hơn để vừa đáp ứng nhu cầu chung cho xã hội và cũng để thuận tiện cho doanh nghiệp kinh doanh.

“Tất cả các hoạt động phải đồng bộ, như trong chuỗi cung ứng hàng hoá, trong đó có cả xăng dầu. Chúng ta phải tiết kiệm chi phí, luôn luôn đổi mới sáng tạo nhằm thực hiện mục tiêu chung của Chính phủ là kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Và, cuối cùng, tôi cho rằng, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành cũng như sự tuyên truyền của các cơ quan báo chí, làm thế nào dần dần chúng ta xây dựng nếp tự giác hơn trong vấn đề lên-xuống giá. Chúng ta cần lưu ý hơn những vấn đề trên, coi như một trận đánh để rút kinh nghiệm cho những lần sau”, ông Phú nói.

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng: Các bộ, ngành cần đưa ra cả 2 nhóm giải pháp bao gồm trước mắt và lâu dài nhằm bảo đảm tính bền vững chính sách. Trên hết, cần phải có giải pháp đồng bộ, đặc biệt là không nên phản ứng thái quá câu chuyện giá cả.

Đối với công tác kiểm tra, giám sát, ông Lực đồng tình về việc thời gian tới cần thiết phải tăng cường kiểm tra, giám sát để lành mạnh hoá thị trường. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cho rằng “không thể làm triệt để nếu ý thức của người dân và doanh nghiệp chưa thực sự vào cuộc”.

“Người dân hoàn toàn có quyền phản ánh về việc giá cả gia tăng. Tuy nhiên, bối cảnh này, Nhà nước, doanh nghiệp, người dân thực hành tiết kiệm. Chúng ta tiết kiệm tốt cũng là một biện pháp phòng chống lạm phát tốt.

Mặt khác, chúng ta cần tăng cường thêm ý thức cả doanh nghiệp và người dân trong câu chuyện giá cả. Về lâu dài, ngoài truyền thông để người dân biết và hiểu, còn phải tạo văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Hy vọng thời gian tới, giá cả xăng dầu thế giới, lương thực thực phẩm đi theo chiều hướng dịu hơn và chúng ta cũng không nên lo lắng thái quá với lạm phát mà không dám làm gì”, chuyên gia Cấn Văn Lực chia sẻ.