Tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế diễn ra tại các cơ sở y tế trên toàn quốc đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám chữa bệnh và sức khỏe của người dân
Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với các bệnh viện (BV), sở y tế các tỉnh, thành về thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế mới đây, PGS-TS Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), cho biết thống kê của 34/63 sở y tế, 21/39 BV tuyến trung ương và 2 BV trực thuộc trường đại học cho thấy 28 sở y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương, 15 BV tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất.
Chuỗi cung ứng bị đứt gãy
Trong đó, các thuốc thiếu tại cơ sở khám chữa bệnh (KCB) gồm: một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, tăng huyết áp, thuốc sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền. Mặt hàng vật tư tiêu hao, hóa chất báo cáo thiếu chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm.
Ngoài ra, 14/34 sở y tế và 8/21 BV tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị (TTB) y tế chuyên sâu như: phòng mổ, chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm chuyên sâu.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo một số BV ở TP Hà Nội cho biết sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay, bệnh nhân đã trở lại khám bệnh bình thường, thậm chí còn có tình trạng quá tải hơn so với trước đại dịch.
Việc thiếu thuốc, vật tư y tế có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị của người bệnh
“Bệnh nhân tăng, nhu cầu điều trị và phẫu thuật cũng tăng nhưng thuốc điều trị và nhiều loại vật tư y tế lại đang cạn nguồn, thậm chí phải điều trị cầm chừng vì không đủ dùng. Với bệnh nhân cấp cứu, BV vẫn cố gắng đáp ứng nhưng bệnh nhân mổ phiên, mổ dịch vụ thì phải trì hoãn hoặc liên hệ các BV khác để hỗ trợ” – một lãnh đạo BV cho hay.
Một số địa phương cũng cho biết sau những vướng mắc trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc và nhiều vụ “lùm xùm” trong ngành y tế, việc đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, TTB y tế tại hàng chục tỉnh, thành đang bị chậm trễ, ảnh hưởng đến việc KCB, quyền lợi của người bệnh…
Nói về việc thiếu thuốc, vật tư, TTB y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết xảy ra tình trạng này một phần do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; một số nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát… Tuy nhiên, theo bà, nguyên nhân chính gây thiếu thuốc vẫn là việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; chậm gia hạn đăng ký thuốc.
“Ngoài ra, công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, TTB, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; một số cán bộ, ngành, địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm” – bà Hương nhận định.
Bộ Y tế mở 3 gói thầu
Nêu giải pháp liên quan đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế và TTB, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đang tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc, giải quyết các hồ sơ tồn đọng theo đúng quy định. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện để ban hành các văn bản liên quan đến cấp phép lưu hành. Ngoài ra, cấp phép nhanh nhất khi có đề nghị của các cơ sở nhập khẩu, cơ sở KCB đối với các thuốc hiếm về nguồn cung, sử dụng cho bệnh hiếm, nhu cầu điều trị của BV…
Ông Lê Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược – Bộ Y tế, cho hay dự kiến đến ngày 15-7, khoảng 3.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, sinh phẩm y tế… sẽ có giấy đăng ký lưu hành hết hạn ngày 31-12-2022 được công bố gia hạn hiệu lực theo quy định. Đây sẽ là đợt công bố thứ 2 về gia hạn hiệu lực số đăng ký. Trước đó, đầu tháng 6-2022, Cục Quản lý dược cũng gia hạn hơn 6.200 giấy đăng ký lưu hành thuốc, vắc-xin và sinh phẩm y tế.
Theo đại diện Bộ Y tế, đầu tháng 6 vừa qua, bộ đã cấp 738 giấy phép nhập khẩu sinh phẩm chẩn đoán; 21.762 giấy phép nhập khẩu TTB y tế và 22 số lưu hành TTB y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19; 856 số lưu hành đối với TTB y tế loại C, D. Đồng thời, xây dựng Cổng thông tin điện tử để các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh TTB y tế kê khai, công khai giá theo quy định. Đến nay, trên 140.000 thông tin giá TTB y tế được công khai trên Cổng điện tử của Bộ Y tế.
Ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, cho biết đơn vị vừa tổ chức mở hồ sơ đề xuất tài chính các gói thầu cung cấp thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023 với 106 danh mục thuốc. Theo đó, có 3 gói thầu giai đoạn 2022-2023 gồm: gói số 1 cung cấp thuốc cho các tỉnh, thành miền Bắc với 46 nhà thầu; gói số 2 cho các tỉnh, thành miền Trung và khu vực Tây Nguyên với 45 nhà thầu; gói số 3 cho các địa phương miền Nam với 45 nhà thầu.
Dự kiến trong tháng 7-2022, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia sẽ công bố kết quả lựa chọn nhà thầu sau khi tổ chuyên gia đánh giá, thẩm định, xem xét cần có kiến nghị, đánh giá thêm gì không… Liên quan công tác đấu thầu mua sắm thuốc, ông Dũng cho biết Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia cũng đã gửi thư đàm phán giá lần 1 với 62 biệt dược, thuốc gốc có giá trị sử dụng lớn.
Tuân thủ đúng quy định đấu thầu
Tại văn bản về việc bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế gửi sở y tế các tỉnh, thành, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và cơ quan y tế các bộ, ngành, Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị chủ động tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ, xử lý tình huống theo thẩm quyền, tuân thủ đúng quy định và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Theo Bộ Y tế, thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra thiếu thuốc, vật tư y tế.
Theo https://nld.com.vn