Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa giao giám đốc Sở GTVT TP hướng dẫn thực hiện việc đánh giá tác động giao thông đối với các dự án đầu tư công trình xây dựng kết nối vào hệ thống giao thông đường bộ ở TP theo đề xuất của sở này.
Đây được xem là một kiểu báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đã được quy định trong Luật bảo vệ môi trường.
Còn với giao thông, dù các nước đã áp dụng nhưng tại Việt Nam vẫn chỉ dừng ở đề xuất của địa phương. Theo đó, các dự án chung cư, khu nhà ở thấp tầng, trung tâm thương mại, trường học, nhà hàng tiệc cưới… trước khi triển khai phải đánh giá tác động giao thông. Nếu việc đánh giá không đạt thì dự án không đủ điều kiện triển khai. Kế hoạch này được triển khai ra sao?
Không đạt thì không xây
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Công Bằng, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP, cho biết các dự án nói trên ở nội thành gồm: TP Thủ Đức và các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú được đánh giá trong phạm vi 0,5km. Những dự án ở ngoại thành tại các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ được đánh giá trong phạm vi 0,3km.
Ông Bằng cho biết việc đánh giá tác động giao thông chỉ thực hiện đối với các dự án mới, còn các dự án đã làm rồi thì không thực hiện.
Kết quả đánh giá là cơ sở để cơ quan chức năng xem xét quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và số liệu cũng được cập nhật chung vào số liệu của TP để làm cơ sở nhằm phân tích và đưa ra các giải pháp điều hành giao thông, phát triển đô thị cũng như việc đầu tư mới các công trình giao thông trong khu vực.
Với chủ đầu tư, đây là cơ sở để xác định đề xuất quy mô dự án và quá trình tổ chức thực hiện (đầu tư một lần hay phân kỳ đầu tư) nhằm phù hợp với hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu, tương lai.
Trường hợp không đạt ngay tại thời điểm khi dự án đưa vào hoạt động và tương lai thì dự án không đủ yêu cầu chấp thuận chủ trương đầu tư.
Trường hợp không đạt khi dự án đi vào hoạt động và đạt trong giai đoạn tương lai thì có thể xem xét giảm quy mô đầu tư hoặc phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn. Trường hợp đạt trong thời điểm đưa vào hoạt động nhưng không đạt trong giai đoạn tương lai thì phân kỳ đầu tư dự án theo từng giai đoạn.
Ai đánh giá, giám sát?
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP, việc đánh giá tác động giao thông sẽ thực hiện ngay giai đoạn nhà đầu tư xin chủ trương đầu tư dự án để xác định quy mô đầu tư của dự án. Nhà đầu tư có thể tổ chức lập hoặc thuê đơn vị tư vấn bằng nguồn kinh phí của nhà đầu tư. Đồng thời, nhà đầu tư chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu và chất lượng báo cáo do mình thực hiện.
Song song với trình đề xuất dự án, nhà đầu tư đưa ra các biện pháp giảm thiểu tác động của công trình đến hệ thống hạ tầng giao thông. Nhà đầu tư cũng có thể đề xuất hoặc đóng góp kinh phí để cải tạo nút giao thông, xây dựng công trình giao thông khác mức, làm thêm bến xe buýt, trạm dừng, cải tạo không gian đi bộ… trước dự án của mình.
Sở Giao thông vận tải TP chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện việc thiết kế phương án kết nối, đánh giá tác động giao thông của dự án. Qua đó đảm bảo phù hợp với hạ tầng giao thông tại khu vực, tránh gây quá tải cho hệ thống hạ tầng giao thông xung quanh dự án.
Sở cũng sẽ tiếp nhận, kiểm tra độ tin cậy, sự phù hợp và có ý kiến chuyên ngành hồ sơ thiết kế phương án kết nối, đánh giá tác động giao thông và phản hồi bằng văn bản về cơ quan đầu mối thẩm định dự án.
Ngoài ra, sở cũng cập nhật dữ liệu khảo sát, tính toán đánh giá tác động giao thông vào phần mềm quản lý và khai thác mô hình mô phỏng dự báo giao thông của TP. Tổng hợp các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và nghiên cứu, để xuất giải quyết, báo cáo về UBND TP xem xét, quyết định.
TP Thủ Đức, các quận huyện hướng dẫn, phối hợp với các sở ngành TP hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án và xây dựng công trình xã hội, các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án.
Nhiều nơi trên thế giới đã làm và họ cũng gặp khó khăn tương tự nhưng họ đã xây dựng các khuôn khổ pháp luật liên quan. Ngoài các tiêu chí, tiêu chuẩn thì cũng phải cho người dân biết đâu là đơn vị tư vấn có uy tín, có khả năng làm để người dân, doanh nghiệp lựa chọn khi có nhu cầu.
Ông Huỳnh Xuân Thụ
Cần thiết và nên làm từ lâu
Kiến trúc sư Huỳnh Xuân Thụ, phó chánh văn phòng Sở Quy hoạch – kiến trúc TP, cho hay điểm đầu tiên chủ đầu tư các công trình xây dựng trong đô thị buộc phải làm là tuân thủ quy hoạch đô thị, bao gồm: quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành (giao thông, hạ tầng kỹ thuật khác…). Trong các đồ án quy hoạch thì một phần nào cũng đã cân nhắc các yếu tố ảnh hưởng đến các yếu tố xung quanh.
Theo ông Thụ, đối với đánh giá tác động môi trường, hầu như cơ sở nào cũng có phát thải (khói, nước thải, bụi…) và phải đưa ra phương án xử lý. Trong lĩnh vực giao thông nếu có tác động tiêu cực thì cũng cần đưa ra giải pháp xử lý. “Tuy nhiên, tùy vào phương án xử lý của chủ đầu tư, nếu thấy hợp lý thì chấp nhận chứ không có nghĩa khi có tác động tiêu cực là không cấp phép”.
“Đánh giá tác động giao thông là một hướng phù hợp vì trong đô thị của chúng ta hiện nay có rất nhiều vấn đề chồng lớp lên nhau, quan hệ phức tạp. Chẳng hạn như hiện có nhiều vị trí giao lộ lớn mở trường học, nhà hàng tiệc cưới gây tắc nghẽn giờ cao điểm nhưng không có phương án xử lý”, ông Thụ nêu.
Để áp dụng có hiệu quả, ông Thụ góp ý cần tránh phát sinh thủ tục hành chính rườm rà. Việc đánh giá phải công khai minh bạch, không làm khó doanh nghiệp.
Các tiêu chuẩn, tiêu chí cần phải được ban hành thành quy định, công khai cho người dân, nhà đầu tư được biết. Trước khi bắt đầu dự án thì họ có thể tham chiếu được, tránh việc mua bán đất đai xong rồi lại không được xây dựng dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại…
Còn theo ông Hà Ngọc Trường – phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP, do chúng ta bỏ ngỏ việc này nên bấy lâu nay nhiều khu vực TP nhất là nội thành bùng lên rất nhiều công trình cao tầng, phá vỡ quy hoạch giao thông.
Vì thế, việc xây dựng hướng dẫn đánh giá tác động giao thông sẽ tạo một bước đệm cho các nhà đầu tư tới đây phải nghiên cứu các vị trí, các khu vực mới để đầu tư xây dựng. Từ đó, giúp TP điều tiết, giãn dân từ khu vực trung tâm ra khu đô thị mới, vùng ngoại thành, ông Trường cho biết.
Nên mở rộng quy mô đánh giá tác động
TS Võ Kim Cương, nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho hay phạm vi đánh giá tác động giao thông trong đề xuất còn quá nhỏ. Các tuyến đường đều kết nối với nhau nên cần mở rộng quy mô.
Chẳng hạn có thể đánh giá về lưu lượng giao thông của toàn TP, xem sức chứa tối đa là bao nhiêu từ đó phân tích ra cho từng khu vực nhỏ. Nếu đánh giá tác động giao thông chỉ khu trú cho từng khu vực thì chỉ giải quyết được khu vực đó rồi rộng ra khỏi phạm vi đánh giá lại xảy ra tác động thì rất khó xử lý.
Tiếp đó, TP nên áp dụng các mô hình đánh giá tác động giao thông mẫu từ các quốc gia, các đô thị đã làm và hiện tại không còn kẹt xe nữa. Các mô hình đó đã có thực tế và xử lý được các vấn đề phát sinh, còn đề án của chúng ta còn mới nên tính thực tế chắc chắn là chưa cao.
Thế giới đã làm, ta không thể chần chừ
TP.HCM đang đầu tư hoàn thiện tuyến đường vành đai 2 – khu vực nút giao thông Mỹ Thủy, TP Thủ Đức – Ảnh: TỰ TRUNG
Theo ông Phan Công Bằng – phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đánh giá tác động giao thông không làm ngay là sẽ quá muộn. Khi đã xảy ra ùn tắc giao thông, giải quyết hậu quả sẽ khó khăn, phức tạp và tốn kém hơn nhiều.
Nhìn từ một số quốc gia, các nước phát triển như Na Uy, New Zealand, Singapore… đã có nhiều nghiên cứu và đưa ra hệ thống khung hướng dẫn, sổ tay, kho dữ liệu tra cứu phục vụ cho các nhà tư vấn cũng như các nhà quản lý.
Ở các nước trên, có một điểm chung là họ đưa ra những quy định cụ thể để thực hiện đánh giá tác động giao thông đối với bất kỳ một dự án nào thêm vào quy hoạch khu vực sẵn có.
Sở Giao thông vận tải TP cho rằng với Việt Nam, hiện nay chưa có quy định nào về đánh giá tác động giao thông. Do đó, sở đã phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm của các nước khác và khảo sát, đánh giá từng công trình cụ thể tại TP, các tiêu chuẩn, quy định hiện hành để có cơ sở xây dựng hướng dẫn. Hướng dẫn đã được hoàn chỉnh lấy ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, các sở ngành liên quan trước khi hoàn thiện trình UBND TP.
Sở Giao thông vận tải TP cho rằng đánh giá tác động giao thông cần được nghiên cứu, đánh giá đưa vào các hệ thống văn bản pháp luật hiện hành để việc thực hiện được nhân rộng và đạt hiệu quả cao hơn trong đó quy định rõ trình tự thực hiện, tiêu chí thực hiện, đơn vị lập, chịu trách nhiệm.
Hiện TP đang tập trung đầu tư hoàn thiện các tuyến đường vành đai 2, 3, 4 và các tuyến cao tốc. Việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết hợp với đánh giá tác động giao thông sẽ xây dựng được các cơ chế chính sách để phát triển các khu đô thị vệ tinh, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (kể cả đường sắt đô thị) đảm bảo hoàn chỉnh các hướng kết nối.
Theo https://tuoitre.vn