Lãi suất tiền gửi tăng cao và nguyên nhân

143

Thời gian gần đây,các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) bắt đầu có hiện tượng đua nhau tăng lãi suất huy động. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc các ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng nóng trong 04 tháng đầu năm 2022. Dự báo trong thời gian sắp tới, tiền mặt sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn khi mức lãi suất tiền gửi đang tăng trong khi các mảng đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng… đang bị chững lại và có tỷ suất rủi ro cao.

Ảnh minh họa.

Đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước ( NHNN) đặt ra mức tăng trưởng tín dụng 14%. Tuy nhiên, tính riêng trong quý I, mức tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng đã đạt 5,04%. Đến hết tháng 4/2022, tăng trưởng tín dụng đã đạt 6,75% đạt gần 50% so với mức tăng trưởng tín dụng đặt ra cả năm. Tín dụng tăng trưởng cao đã đem đến một bài toán khó về rủi ro thanh khoản cho các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ. Tình trạng hiện nay, các ngân hàng bắt buộc phải tăng dần lãi suất huy động, hút vốn tiền gửi để xử lý hiểm hoạ rủi ro thanh khoản nêu trên.

Tham khảo lãi suất huy động của một số ngân hàng, tại ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đang có mức lãi suất cao nhất là 7,8%/năm, nhưng để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải gửi từ 999 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 12 tháng. Theo sát sau đó là một số ngân hàng đang có lãi suất trên 7% như SCB (7,6%/năm), NamABank (7,4%/năm), MSB (7%/năm)… hay xấp xỉ 7%/năm như LienVietPostBank (6,99%/năm), MBBank (6,9%/năm), VietBank (6,9%/năm), Việt Á (6,9%/năm)… So với thời điểm cuối năm 2021, lãi suất trung bình tại các ngân hàng đã tăng lên từ 0,3-0,5%/năm tùy từng kỳ hạn gửi.

Trong kinh tế vĩ mô, lãi suất cũng là một công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa lạm phát. Việc lãi suất tăng sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến lạm phát khi chỉ tiêu này cũng đang gặp rất nhiều áp lực tăng từ giá xăng dầu và giá các mặt hàng tiêu dùng khác tăng như hiện nay.  Vì vậy, NHNN và các ngân hàng TMCP cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng, vẫn nên giữ mức ổn định của lãi suất trong thời gian tới .

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc ngân hàng Tiên Phong nhận định: “Tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn tiếp tục giữ ổn định lãi suất trong thời gian tới, nếu có điều chỉnh thì chỉ điều chỉnh ở mức không đáng kể. Vì thực tế dù có áp lực lạm phát, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước còn có các công cụ khác, đặc biệt là hạn mức tăng trưởng tín dụng. Do đó, tôi cho rằng chúng ta có thể vẫn giữ ổn định lãi suất trong năm nay”.

Để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, NHNN có thể dùng kênh bơm tiền từ việc phát hành trái phiếu của các ngân hàng TMCP rồi NHNN mua lại trái phiếu đó với kỳ hạn nhất định. Tuy nhiên, vấn đề hạn chế tăng trưởng tín dụng  hoặc xem xét quản lý đúng mục đích của dòng tiền tín dụng cần phải đặt lên hàng đầu hiện nay.

Việc tăng trưởng tín dụng tăng có thể cho thấy dấu hiệu tích cực trong bối cảnh kinh tế phục hồi mạnh mẽ hậu covid. Các hoạt động buôn bán, giao thương, sản xuất được hoạt động trở lại. Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý, hiện có rất nhiều khoản vay được lái mục đích. Cụ thể,  mục đích khoản vay được các ngân hàng lái sang sản xuất kinh doanh, nhưng bản chất lại là để phục vụ các kênh đầu tư có tỷ suất rủi ro cao như BĐS, chứng khoán… . Vì vậy, NHNN cần phải kiểm soát chặt nguồn vốn đầu tư, cấp tín dụng tại các ngân hàng TMCP, tránh để xảy ra trường hợp tín dụng tăng trưởng để bơm những quả bóng BĐS, chứng khoán ngày một phình to và đẩy lãi suất tiền gửi, lạm phát ngày càng tăng.

  Đức Bình