HÀ NỘIBảo tàng Công nghệ thông tin sẽ khai trương phòng trưng bày số hai vào ngày 4/5, đánh dấu bước hoàn thiện của bảo tàng sau ba năm khởi công.
Đây là nơi lưu trữ những hiện vật và nhiều câu chuyện thú vị trong lịch sử phát triển của ngành Công nghệ thông tin. Tiến sĩ Nguyễn Chí Công – Nguyên Trưởng tiểu ban mạng, Chương trình quốc gia về Công nghệ thông tin đã ấp ủ ý tưởng này trong suốt 40 năm.
Phòng trưng bày thứ hai vốn là phòng khách tầng hai của gia đình ông. Hiện, phòng có 5 tủ lớn trưng bày các thiết bị công nghệ thông tin đặc sắc; sách lý thuyết và thực hành; ấn phẩm giáo dục, lịch sử, văn hóa và nghệ thuật; chương trình hệ thống và phần mềm ứng dụng…
Phần lớn hiện vật tại đây là do TS Nguyễn Chí Công sưu tầm, sử dụng, cất giữ kể từ khi trở thành kỹ sư tin học vào đầu thập kỷ 70 và nhiều món đồ do bạn bè, cộng đồng quan tâm trao tặng.
Thông qua các hiện vật quý giá, Bảo tàng Công nghệ thông tin giới thiệu đến người xem về lịch sử nền công nghệ thông tin Việt Nam, kèm các mốc sự kiện, lịch sử, con người và chính sách… Từ đó, mỗi người có hình dung đầy đủ về quá trình hình thành phát triển của ngành công nghệ thông tin Việt Nam từ thuở ban sơ.
TS Nguyễn Chí Công chia sẻ, mỗi hiện vật đều có sức sống vượt thời gian qua lời giới thiệu của người trong cuộc. Mặc dù, Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề, chỉ trong hai năm đầu tiên sau khi ra mắt, bảo tàng vẫn thu hút hàng nghìn lượt khách, được giới truyền thông và cộng đồng mạng đưa tin rộng rãi.
Bên cạnh đó, Bảo tàng Công nghệ thông tin còn có sự đồng hành của Tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX để phát huy các giá trị lịch sử trong việc đào tạo, phát triển ngành công nghệ.
Đại diện FUNiX chia sẻ, đơn vị đồng hành cùng bảo tàng trong nhiều hoạt động như: bảo quản, hệ thống hóa, số hóa và phát huy giá trị của các hiện vật trong việc đào tạo nguồn lực, phát triển ngành Công nghệ thông tin… Hàng tháng, học viên, mentor FUNiX sẽ có hoạt động tham quan bảo tàng để giao lưu, tìm hiểu về ngành, qua đó, khơi nguồn cảm hứng học tập.
Giám đốc FUNiX Lê Minh Đức cũng cho biết, FUNiX muốn đóng góp cho việc truyền thông, giới thiệu bảo tàng đến công chúng, truyền cảm hứng cho người Việt về ngành IT. “Sự đồng hành của FUNiX với bảo tàng cũng góp phần xây dựng một hệ sinh thái học tập – trải nghiệm phong phú, kết nối học viên với các chuyên gia, mang đến những giá trị bền vững về kiến thức, kỹ năng mềm, định hướng nghề nghiệp…”, bà nói thêm.
Bảo tàng Công nghệ thông tin khai trương ngày 27/1/2020, bị ngắt quãng tiến độ hoàn thiện bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh. Chủ nhân của bảo tàng – TS. Nguyễn Chí Công là người trực tiếp tham gia đề án chế tạo VT80 – chiếc máy tính đầu tiên của Việt Nam.
Với tình yêu to lớn với ngành, ông xây dựng bảo tàng để tưởng niệm công lao của các bậc tiền bối đã khuất và nhóm công nghệ thông tin đi trước, đồng thời, góp phần truyền lửa cho các thế hệ đi sau.
Bảo tàng bắt đầu mở cửa Phòng trưng bày thứ nhất vào ngày 27/1/2020. Phòng nằm ở tầng một, nhà riêng của TS. Nguyễn Chí Công, số 89, ngõ 41 Đông Tác, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội. Phòng trưng bày có các bảng di động để trình bày ảnh và tóm tắt tiểu sử một số nhân vật liên quan đến Công nghệ thông tin Việt Nam, các tủ trưng bày ba nhóm hiện vật và tư liệu với khoảng 200 hiện vật, sách vở…
Ngoài ra, phòng còn đặt thiết bị quay video và màn hình phục vụ hội họp từ xa. Trên hai bức tường đối diện có hai bảng cố định để minh họa lược sử phát triển công nghệ thông tin thế giới và trong nước.
Theo https://vnexpress.net