Các cơ quan báo chí quan tâm nhiều đến việc triển khai các cơ chế đặc thù phát triển TP.Cần Thơ

19

Chiều 18-4, UBND TP Cần Thơ  đã tổ chức buổi họp với các cơ quan báo, đài quý I-2022. Tại cuộc họp này , các cơ quan báo chí  đã nêu 23 câu hỏi về  phát triển KT-XH, trong đó tập trung vào thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho thành phố Cần Thơ vừa được Quốc hội thông qua.

Tại cuộc họp, báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH quí I-2022 của thành phố, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP. Cần Thơ cho biết: Với nỗ lực vượt qua khó khăn sau đại dịch COVID-19, các ngành, lĩnh vực và hoạt động sản xuất kinh doanh ở Cần Thơ tiếp tục đà phát triển tích cực. Trong đó, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 41.918 tỉ đồng, đạt 23,63% (tăng 12,6% so với cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 505 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ, đồng thời kim ngạch nhập khẩu ước thực hiện 118,9 triệu USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ.

Trong quí I, thành phố đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 460 doanh nghiệp các loại hình, đạt 32,85% kế hoạch, với tổng số vốn hơn 2.347 tỉ đồng, tăng 21,37% về số lượng và giảm 43,13% về số vốn. Các khu chế xuất và công nghiệp thu hút thêm 1 dự án mới, vốn đầu tư đăng ký 1,26 triệu USD, đồng thời điều chỉnh 2 dự án, với tổng vốn đăng ký tăng 1,71 triệu USD. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp đạt 548,49 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại cuộc họp này , các cơ quan báo chí  đã nêu 23 câu hỏi về  phát triển KT-XH, trong đó tập  trung vào thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho thành phố Cần Thơ vừa được Quốc hội thông qua.

Với những câu hỏi liên quan việc rà soát, xử lý 148 khu dân cư tự phát trên địa bàn, tiến độ thực hiện dự án tổ hợp sân golf ở Cồn Ấu, cũng như việc xử lý công trình sân golf trái phép ở huyện Phong Ðiền, công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công  ở những công trình trọng điểm, rà soát việc hoàn thiện hạ tầng tại các dự án khu dân cư và tái định cư cho người dân đã được làm rõ vào giao cho từng đơn vị sớm có báo cáo cho lãnh đạo thành phố và tiếp tục thông tin thêm cho các cơ quan báo, chí.

Về triển khai thực hiện Nghị quyết (NQ) số 45/2022/QH15  – thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Ông Lê Thanh Tâm – Giám đốc Sở KH&ĐT thông tin cho biết: Đối với những dự án trọng tâm, trọng điểm, nhất là liên quan đến Nghị quyết 45, thành phố Cần Thơ sẽ cố gắng triển khai sớm nhất Trung tâm kết nối, sản xuất chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL đặt tại TP Cần Thơ. Bởi trung tâm này mang tính vùng, tạo điều kiện cho các tỉnh thành xung quanh và thành phố Cần Thơ cùng phát triển, tránh tình trạng “được mùa mất giá”

Thành phố  cũng chỉ đạo với những dự án đã có nhà đầu tư đến, làm thủ tục hoặc đã chủ trương đầu tư thì phải tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hết mình cho doanh nghiệp. Trong đó có hai dự án là nhiệt điện Ô Môn 5 và khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) tại Vĩnh Thạnh. Với những dự án giao thông, mở rộng kế nối, công tác giải phóng mặt bằng sẽ đưa vào áp dụng cơ chế đặc thù và ngân sách thành phố sẽ  bố trí 50% để thực hiện. Việc chuyển đổi đất lúa  phục vụ cho các dự án phát triển của thành phố từ 2022 đến 2026 sẽ được áp dụng cơ chế đặc thù, các dự án trước đó  đã triển khai nhưng chưa thu hồi đất vẫn thực hiện theo các qui định của pháp luật hiện hành, ông Tâm thông tin thêm.

Phát biểu kết luận cuộc họp báo quí I, ngoài việc nhắc lại và giao  nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị  phải báo cáo đúng hạn với lãnh đạo thành phố về các vấn đề các báo, chí nêu  tại cuộc họp này, trong đó có phương án xử lý sau  rà soát, xử lý 148 khu dân cư tự phát trên địa bàn  do Sở TNMT phụ trách được ấn định vào ngày 15/5 tới.  Ông Dương Tấn Hiển Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ đã thông tin về ba dự án lớn ở Cần Thơ nằm trong cơ chế đặc thù Nghị quyết số 45/2022/QH15.

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ,  dự án thứ nhất là cụm trung tâm năng lượng điện Ô Môn, trước đây  đã được qui hoạch để  triển khai bốn nhà máy sau đó EVN xin thêm một nhà máy nữa. Một nhà máy  ở đây có vốn đầu tư khoảng 1,3 tỉ USD. Năm nhà máy nhân lên thì vốn đầu tư bằng mấy chục năm vừa qua TP kêu gọi đầu tư.

Hiện nay nhà máy Ô Môn 1 đã hoàn thành và đi vào hoạt động; Ô Môn 2 đã cấp chủ trương đầu tư và đang làm thủ tục để triển khai đầu tư xây dựng; Ô Môn 3 đang xin Quốc hội để xin vốn ODA thực hiện, dự kiến sẽ triển khai sớm dự án này; Ô Môn 4 đang phát hành hồ sơ chọn lựa đơn vị thi công; Ô Môn 5 đang xin chủ trương để xây dựng thêm. “Đây là một trong những dự án rất quan trọng mà TP sẽ tạo mọi điều kiện để thu hút… ; Nếu đầu tư đồng bộ năm nhà máy này thì nguồn thu ngân sách của Cần Thơ  sẽ tăng thu rất lớn. Vì vậy mà Bí thư Thành ủy  đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải tập trung, hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai cụm năng lượng Ô Môn này” – ông Hiển cho hay.

Dự án thứ hai là Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP). Với dự án này, thành phố đã  quy hoạch khu công nghiệp tại huyện Vĩnh Thạnh là 900 ha. Hiện tại đã  giao giai đoạn 1 cho VSIP là 293 ha , VSIP hiện là nhà đầu tư cũng đang khẩn trương xin Thủ tướng cấp chủ trương đầu tư và  cam kết với TP là 12 tháng sau doanh nghiệp vào khu công nghiệp này đạt 50% trở lên.

Về dự án thứ 3 –  Kinh tế hàng không  còn gọi là “thành phố sân bay – qui mô 10.000 ha” bố trí  nằm xung quanh sân bay Cần Thơ , sẽ kêu ưu tiên gọi đầu tư  Trung tâm liên kết sản xuất tiêu thu nông sản vùng ĐBSCL. Theo phê duyệt phê duyệt giai đoạn 1 của Quốc hội là 490 ha , nhưng thành phố Cần Thơ mong muốn quy hoạch lớn hơn, vì có nhiều nhà đầu tư quan tâm Trung tâm này…“Nếu Trung tâm này sớm hình thành và đi vào hoạt động , ngoài thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của  Cần Thơ, còn thúc đẩy chung cho cả vùng ĐBSCL” – ông Hiển nhấn mạnh.

 

Trường Ca