Đà Nẵng: Dự tính cho tương lai về xử lý nước thải

114

 

Quá trình đô thị hóa nhanh tại TP  Đà Nẵng đã gây một sức ép lớn lên hệ thống cấp nước cũng như thoát nước tại các Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt. Cấp, thoát nước là một vấn đề quan trọng của thành phố, nếu hệ thống xảy ra sự cố thì sẽ gây ô nhiễm ở những con kênh, bờ biển, nơi mà nó chảy qua.

Thực trạng hiện nay của vấn đề xử lý nước thải

Những năm gần đây, cùng với tốc độ phát triển kéo theo việc gia tăng diện tích đô thị hóa tại TP Đà Nẵng, mô hình chung đã làm giảm số lượng hồ điều tiết trong thành phố từ 42 hồ còn 30 hồ, tương ứng với diện tích hồ còn khoảng gần 200ha, với dung tích tối đa khoảng 3,5 triệu m3.

Đà Nẵng đang khá chật vật trong công tác giảm thiểu tác động từ ô nhiễm môi trường mà một trong những vấn đề dẫn đến việc đó chính là ô nhiễm nguồn nước.

Các vùng đất trũng thấp chứa nước của đô thị cũng dẫn bị mất đi thay vào đó là mật độ bê tông hóa cao dẫn đến mất hệ số thấm, tăng tốc độ chảy tràn, nước tràn xuống nhiều với tốc độ nhanh hơn gây ngập, tắc nghẽn, tê liệt hệ thống cống…

Về công tác xử lý nước tại Đà Nẵng có thể chia ra làm 2 loại chính: Xử lý nước từ sông, hồ chảy ra biển và Xử lý nước thải. Đối với nước từ sông, hồ thuộc tự nhiên nên thường công tác xử lý không quá khó khăn. Nhưng với nước thải trong sinh hoạt hay nước thải từ các hoạt động sản xuất, chế biến của các nhà máy, KCN,…thì công tác xử lý lại cực kỳ khó khăn khi loại nước này chứa rất nhiều tạp chất có hại nếu như không xử lý hiệu quả có thể mang tới những hệ lụy cực kỳ lớn đến môi trường cũng như sức khỏe con người.

Từ đâu dẫn đến nguyên nhân

Mật độ dân số ở Đà Nẵng ngày càng đông, công suất xả thải lớn hơn, kéo theo hệ thống xử lý nước thải tăng quy mô số lượng dẫn đến không thể đặt thêm hệ thống ngay trong khu dân cư.

Các bể xử lý quá tải khi các trận mưa lớn buộc phải ra lệnh đóng miệng nhận nước thải, chấp nhận xả thải qua các giếng tách dòng làm xả tràn ra bãi biển du lịch tại Mỹ Khê (Sơn Trà) hay tại khu vực vịnh Thanh Bình (Hải Châu) hiện đang diễn ra. Phần đô thị bị nén nhiều nhất gây áp lực cho hệ thống thoát nước là phần lõi đô thị cũ hiện chiếm khoảng 60% diện tích hiện tại của thành phố.

Đà Nẵng hiện nay có tốc độ đô thị hóa nằm trong top cao nhất toàn quốc, đó cũng là gánh nặng lên hệ thống xử lý nước thải nơi đây.

Đô thị hóa phát triển kéo theo gánh nặng cho hệ thống thoát nước. Việc tăng mật độ dân cư đồng nghĩa tăng công suất nước thải đi trong hệ thống về đến các miệng xả. Cùng với đó sự gia tăng các nhà máy, xí nghiệp, chợ, chung cư,…khi xả thải gây tắc nghẽn hệ thống đường cống hình thành rào cản cho công tác xử lý nước thải tại các trạm, nhà máy.

Hiện nay việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ở Đà Nẵng đều được tính toán dựa trên quy mô dân cư địa phương mà không dựa theo quy mô dân số tăng đột biến tại các thời điểm lễ hội và mùa du lịch, đó là chưa kể khi có tình huống bất lợi như thiên tai, mưa bão vào mùa hè. Đây cũng là nguyên nhân làm tăng đột biến lượng nước thải sinh hoạt trong cống dẫn đến việc xử lý nước thải ở nhà máy quá tải nên buộc phải xả tràn nước thải ra bờ biển và làm ô nhiễm bờ biển nhiều lần như hiện nay.

Công tác xử lý gặp những khó khăn.

Đề xuất giải pháp cho vấn đề thoát nước và xử lý nước thải của Đà Nẵng, đại diện Công ty TNHH Mục tiêu môi trường và Công cộng (EPT) đã đưa ra giải pháp và cho rằng giải quyết nhanh tình huống mà ít tốn kém giúp đối phó cấp bách các vấn đề thoát nước và xử lý nước thải nổi cộm của TP Đà Nẵng đang gặp phải.

Không để cống tách dòng xả tràn ra biển Mỹ Khê, tăng nhanh 30-50% công xuất nhà máy xử lý nước thải Hòa Xuân nhằm đáp ứng cho công suất xử lý trong những năm sắp tới, xử lý nhanh cho các ao, hồ, bàu, vịnh đang bị ô nhiễm nặng, màu nước đen, bốc mùi hôi thối.

Tại Đà Nẵng theo thống kê, tổng lượng nước thải sinh hoạt từ khu vực đô thị là gần 900.000 m3/ngày đêm. Trong khi đó, Tổng công suất thiết kế của các trạm xử lý nước thải đô thị đang vận hành mới khoảng 284.300 m3/ngày đêm (tức chỉ có khoảng 1/3 khối lượng nước thải được xử lý).

Nhiều nhà máy, trạm xử lý tại thành phố Đà Nẵng lại gặp phải tình trạng vừa thừa, cũng lại vừa thiếu khi mùa khô thì lượng nước đầu vào lại không đủ cho nên công suất của các trạm xử lý hoạt động ‘cầm chừng, nhỏ giọt’ gây lãng phí, còn về mùa mưa thì lại quá tải khi lượng nước đổ về lại quá nhiều không thể xử lý kịp nên nguồn nước ô nhiễm sẽ trôi theo kênh chảy thẳng ra biển gây ra những hệ lụy khôn lường đối với thiên nhiên.

Nhiều nhà máy, trạm xử lý nước thải tại TP Đà Nẵng đang gặp áp lực lớn về công tác xử lý nước thải vì sự quá tải từ nguồn nước đầu vào

Trạm xử lý nước thải Sơn Trà (Trạm) được Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng phân công công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng trực tiếp hệ thống thu gom, thoát nước lưu vực Sơn Trà, một lưu vực trọng điểm trong sự phát triển du lịch của thành phố Đà Nẵng.

Trong thời gian đại dịch COVID-19 kéo dài từ giữa năm 2020 đến nay, trải qua các đợt thực hiện giãn cách xã hội đã gây không ít khó khăn trong công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng hệ thống thu gom, thoát nước trên lưu vực thành phố Đà Nẵng.

Các hệ thống kênh rạch tiêu thoát nước thải sinh hoạt của thành phố vẫn còn nhiều kênh hở và các cửa xả cũ, hư hại nặng. Trong khi tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh, lưu lượng xả thải liên tục tăng cao. Thiết kế hệ thống thoát nước của Đà Nẵng hiện nay chủ yếu là các tuyến cống chung, vì vậy khi trời mưa nước mưa sẽ pha lẫn với nước thải chảy tràn ra sông, biển gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong dư luận.

Ngoài ra, hầu hết các cửa thu nước mưa không có cấu trúc ngăn mùi hôi nên người dân thường xuyên bịt cửa thu làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước mưa, gây ngập úng…

Do đó, vấn đề xử lý nước thải được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng quan tâm, chỉ đạo sát sao, ngành Tài nguyên và Môi trường luôn thực hiện các giải pháp thu gom, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.

Hướng đi đúng đắn từ chính quyền

Những năm gần đây, TP Đà Nẵng đã quan tâm nhiều hơn về công tác môi trường khi đã đầu tư vào công tác xây mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải trên địa bàn. Cụ thể gần đây vào tháng 2/2022, UBND TP Đà Nẵng cùng với Ban QLDA  ĐTXD  các  CTGT  đã chính thức khởi công dự án Tuyến cống thu gom nước thải đường 2/9 đoạn từ đường Phan Thành Tài đến đường Thăng Long.

Tuyến cống thu gom nước thải đường 2 tháng 9 đoạn từ đường Phan Thành Tài đến đường Thăng Long đã được UBND TP  phê duyệt với tổng mức đầu tư 168,3 tỷ đồng, quy mô gồm đầu tư các tuyến ống áp lực dài khoảng 5.400m, 2 giếng tách, 2 trạm bơm nước thải và hệ thống điện trung hạ thế, trạm biến áp phục vụ vận hành. Thời gian triển khai thi công là 660 ngày dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng ngày 30/6/2023.

Tuyến cống này sẽ góp phần bổ sung sức mạnh cho công tác xử lý nước thải trên địa bàn TP Đà Nẵng. Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đánh giá về tuyến đường ống này:  “Đây là dự án trong nhóm công trình động lực – trọng điểm của TP  giai đoạn 2021-2025 với mục đích nâng cao năng lực thu gom nước thải khu vực trung tâm TP, khắc phục tình trạng nước thải tràn ra sông Hàn gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị, nâng cao chất lượng đời sống cho dân cư sinh sống trong khu vực nói riêng và TP nói chung”.

Vào tháng 2/2022, UBND  TP Đà Nẵng cùng với Ban QLDA  ĐTXD  các CTGT  đã chính thức khởi công dự án Tuyến cống thu gom nước thải đường 2/9 đoạn từ đường Phan Thành Tài đến đường Thăng Long nhằm đáp ứng nhu cầu cấp, thoát nước trên địa bàn

Những dự án mới được xây dựng nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải và nước mưa gây ra tại các bãi tắm thuộc khu vực phía Đông quận Ngũ Hành Sơn và nâng cao hiệu quả xử lý các trạm xử lý nước thải của thành phố thông qua việc thu gom, đưa nước thải có tải trọng ô nhiễm cao về trạm xử lý, để thúc đẩy phát triển ngành Du lịch dịch vụ khu vực ven biển phía Đông quận Ngũ Hành Sơn.

Để có thể kịp thời thực hiện các đề án về môi trường trong năm 2022, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng tiếp tục triển khai và thực hiện các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Công ty và các cấp có thẩm quyền giao. Thực hiện quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn TP Đà Nẵng đạt hiệu quả cao theo đúng sổ tay vận hành và dự toán được phê duyệt.

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên môn tìm các giải pháp hữu hiệu xử lý mùi hôi tại các trạm xử lý nước thải do Công ty quản lý, nguồn tiếp nhận, cửa xả và các vị trí nhạy cảm về môi trường. Thường xuyên theo dõi để có hướng xử lý kịp thời các sự cố về thoát nước và xử lý nước thải theo chỉ đạo của UBND TP, Sở TN&MT, Sở Xây dựng…

Ngoài ra tương lai TP Đà Nẵng sẽ cải thiện tình trạng xử lý nước thải bằng nhiều giải pháp, chính sách, dự án mới để mọi người dân Đà Nẵng không còn sống trong cảnh ô nhiễm nguồn nước, ngập lụt,…

Việc thường xuyên xử lý mùi hôi phát sinh tại các cửa xả, cơ cấu tách dòng ven sông, ven biển và tại các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn Thành phố, Công ty đã xây dựng và triển khai thực hiện kịch bản ứng phó và xử lý sự cố nước thải tràn ra biển qua các cửa xả khu vực ven biển phía Đông và Vịnh Đà Nẵng nhằm chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và giảm thiểu tối đa thiệt hại đối với môi trường, cảnh quan bãi biển.

Đến nay, tình trạng ngập úng trong khu vực nội thị đã cơ bản được kiểm soát, phần lớn lượng nước thải sinh hoạt của các quận trung tâm đã được thu gom, xử lý, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các tuyến kênh hở, hồ điều hòa từng bước được cải thiện. Bên cạnh đó, Công ty còn thường xuyên tích cực tham gia xử lý các sự cố, các điểm nóng ô nhiễm môi trường theo chỉ đạo của UBND Thành phố, tiêu biểu như: tình trạng ô nhiễm tại khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, khu công nghiệp Hòa Cầm, khu công nghiệp Liên Chiểu,…

Cần tăng tốc những công trình ‘trên giấy’

Tuy rằng TP Đà Nẵng đã và đang chú tâm vào công tác nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, nâng cao an sinh xã hội nhưng nhìn chung tốc độ vẫn chưa cao. Vậy nên mô hình chung thì những nhà máy xử lý nước trên địa bàn thành phố vẫn chưa vận hành một cách đồng bộ, chỉ có một số ít khi đấu nối đường ống xử lý đã hoàn thiện nên công tác xử lý nước thải mới đạt được tiến độ đề ra.

Làm việc với ông Hà Văn Thành – Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng trong sáng ngày 8/4 về công tác xử lý nước trên địa bàn TP Đà Nẵng, ông chia sẻ: “Những dự án TP Đà Nẵng sắp hoặc đang triển khai cố gắng đẩy nhanh tiến độ để nó có thể khớp nối lại như đoạn thoát nước riêng từ khu vực Hồ Xuân Hương (Ngũ Hành Sơn) đến Quảng Nam, hay những đoạn thoát nước như khu vực Mỹ An (Ngũ Hành Sơn) và Mỹ Khê (Sơn Trà).

Căn bản thành phố Đà Nẵng hiện đang đi đúng hướng, mọi chương trình thu gom và xử lý tới hiện nay nhìn chung đã ổn, cái cần điều chỉnh chính là công tác khớp nối, vận hành và đẩy nhanh tiến độ các công trình sắp, cũng như đang chuẩn bị để có thể gắn kết hệ thống xử lý nước thải trên toàn thành phố Đà Nẵng một cách đồng bộ, hiệu quả”.

 

Cần đẩy nhanh tốc độ xây dựng, hoàn thiện, khớp nối các công trình sắp cũng như đang triển khai để đồng bộ hệ thống xử lý nước thải

Đà Nẵng đang từng bước xây dựng được một hệ thống xử lý nước thải hiệu quả. Trong những năm tới, TP sẽ thực hiện ngưng hoạt động những Nhà máy xử lý nước thải đã xuống cấp nghiêm trọng như Trạm xử lý nước thải Hòa Cường nhằm đẩy mạnh công tác hiện đại hóa, đồng bộ hóa các nhà máy, tạm xử lý,…cũng như nâng cao quy mô để có thể đáp ứng nhu cầu Đô thị hóa đang diễn ra ngày một nhanh tại Đà Nẵng.

Đắc Bình-Chiến Thắng