Theo quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Hà Nội sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt vành đai đi dọc theo đường vành đai 4, cắt qua sông Hồng tại cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Xây dựng tuyến đường sắt dọc theo vành đai 4. (Ảnh minh hoạ)
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở).
Theo quy hoạch này, các tuyến đường sắt quốc gia hiện có gồm tuyến xuyên tâm Yên Viên – Ngọc Hồi và tuyến vành đai Hà Đông – Bắc Hồng sẽ được dỡ bỏ, thay vào đó sẽ là các tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 6.
Đáng chú ý, Hà Nội sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt vành đai đi dọc theo đường vành đai 4, cắt qua sông Hồng tại cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quyết định nêu rõ: “Việc bố trí đường sắt đi chung hoặc đi riêng với các cầu đường bộ sẽ được xác định trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng trình cấp thẩm quyền phê duyệt”.
Bên cạnh đó, trong phạm vi lập quy hoạch sẽ có 6 cầu đường sắt đô thị kết nối các khu vực bắc với nam sông Hồng, cụ thể: tuyến số 1 đi qua sông Hồng tại vị trí cầu Long Biên mới cách cầu hiện có 75m về phía thượng lưu; tuyến số 2 đi qua sông Hồng tại vị trí cách cầu Nhật Tân khoảng 1,3km về phía thượng lưu, tuyến số 4 qua sông Hồng tại vị trí các cầu Vĩnh Tuy khoảng 1,2km về phía hạ lưu;
Tuyến số 6 qua sông Hồng tại cầu Thăng Long; tuyến số 7 qua sông Hồng tại cầu Thượng Cát và tuyến số 8 qua sông Hồng tại vị trí cách cầu Thanh Trì khoảng 1,4km về phía hạ lưu (đối với các tuyến số 4, số 8 việc bố trí đường sắt đô thị đi chung hoặc đi riêng với các cầu đường bộ sẽ được xác định trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng trình cấp thẩm quyền phê duyệt).
Theo quyết định, vị trí, quy mô, hình thức xây dựng cầu (hoặc hầm) của các tuyến đường sắt đô thị qua sông Hồng, các công trình depot, nhà ga trên tuyến… sẽ được xác định cụ thể theo dự án đầu tư xây dựng riêng được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, về đường thuỷ, đoạn qua khu quy hoạch sẽ bố trí 6 cảng đường thủy nội địa gồm: 2 cảng chính Hà Nội và Khuyến Lương; 4 cảng địa phương Chèm – Thượng Cát, Bắc Hà Nội, Thanh Trì và cảng Bát Tràng.
Chức năng, quy mô diện tích, công suất cảng được xác định cụ thể theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và sẽ được cụ thể hóa trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng trình cấp thẩm quyền phê duyệt.