BNEWS Năng lượng sinh học tham gia ở hầu như tất cả các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có chính sách cụ thể nào hỗ trợ liên quan đến loại hình năng lượng này
Hội thảo trực tuyến “Phát triển năng lượng sinh học tại Việt Nam góp phần thực hiện cam kết COP26. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Hiện nay, Việt Nam vẫn còn thiếu cơ chế để khuyến khích chođiện sinh khối, điện rác phát triển. Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia, bộ ngành đưa ra tại hội thảo trực tuyến “Phát triển năng lượng sinh học tại Việt Nam góp phần thực hiện cam kết COP26” do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức.
Theo TS Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn, Cục Biến đổi khí hậu – Bộ Tài nguyên Môi trường, chiến lược của Việt Nam trong hướng tới mục tiêu Net Zero là sẽ giảm nhu cầu năng lượng tổng thể thông qua tăng hiệu quả sử dụng năng lượng; sản xuất điện không phát thải nhà kính và chuyển đổi sử dụng điện, nhiên liệu phát thải thấp hoặc không phát thải trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông, công nghiệp…
Ngoài ra, Việt Nam sẽ thu giữ carbon từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch các nguồn cố định trong ngành công nghiệp sản xuất năng lượng, công nghiệp nặng; chuyển đổi rác thải thành năng lượng; phát triển giao thông vận tải sử dụng điện và năng lượng sạch.
“Có thể thấy năng lượng sinh học tham gia ở hầu như tất cả các hoạt động phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa có chính sách cụ thể nào hỗ trợ liên quan đến loại hình năng lượng này. Khó khăn đầu tiên để phát triển điện sinh khối là tài chính và công nghệ. Công nghệ không phải quá khó, Việt Nam có thể làm chủ, nhiều đơn vị đã và đang nghiên cứu, làm chủ công nghệ. Nhưng các chính sách của Chính phủ còn thiếu và các điều kiện cơ sở cho đốt rác, thu hồi khí, phát triển điện sinh khối thì chi phí còn rất cao so với các nguồn năng lượng tái tạo khác như gió, mặt trời…”, TS Lương Quang Huy nói.
Nhà máy điện sinh khối KCP-Phú Yên được xây dựng tại huyện miền núi Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên). Trong ảnh: Trạm biến áp 110 KV của nhà máy. Thế Lập- TTXVN.
Cũng theo bà Phạm Hương Giang, Phó Trưởng phòng Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, đến năm 2035, tiềm năng phát triển điện sinh khối từ trấukhoảng 370 MW; gỗ củi, phụ phẩm lâm nghiệp 3.360 MW, bã mía 470 MW, rơm rạ 1.300 MW, khí sinh học 1.370 MW. Tổng tiềm năng các loại hình này là hơn 9.600 MW.
Tuy vậy, loại hình năng lượng này đang vấp phải nhiều rào cản, từ sự thiếu sự ổn định và bền vững trong cung cấp nhiên liệu, giá nguyên liệu… đến các cơ chế khuyến khích của Chính phủ chưa hấp dẫn. Việt Nam cũng đã có một số chính sách thúc đẩy nhưng đến nay, số nhà máy và tỷ lệ tham gia của điện sinh khối, điện rác vào hệ thống điện là rất thấp.
“Cần xem xét lại cơ chế chính sách để thu hút sự đầu tư cả về công nghệ và nguồn tài chính của chủ đầu tư tư nhân trong điện sinh khối. Có thể xem xét “thưởng thêm” cho các công nghệ tiên tiến, mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, về cơ chế giá FIT, Bộ Công Thương đang thấy giá FIT cho điện sinh khối, điện rác chưa thực sự hấp dẫn, do vậy, cần xem xét lại trong thời gian tới”, bà Phạm Hương Giang nói./.
Nguồn TTXVN