TP HCM “siết” an toàn đường thủy

43

Để tránh tai nạn giao thông đường thủy, công tác kiểm tra được TP HCM duy trì thường xuyên, liên tục. Các đơn vị vận hành tuyến cũng có nhiều cách làm hay để bảo đảm an toàn

Sau vụ tai nạn đường thủy tại vùng biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra các điều kiện an toàn về vận tải đường thủy trên toàn địa bàn.

Tổng kiểm tra thường xuyên, liên tục

Theo đó, trong các ngày đầu tháng 3, đoàn liên ngành đã đồng loạt tiến hành kiểm tra các bến khách ngang sông Cần Giuộc – Cần Giờ, tuyến phà biển Cần Giờ – Vũng Tàu, tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng – Linh Đông) và tuyến tàu cao tốc TP HCM – Vũng Tàu.

Đoàn liên ngành kiểm tra thực tế tại các bến tàu, bến khách ngang sông ở TP HCM

Kết quả ghi nhận cho thấy các đơn vị quản lý cũng như thuyền trưởng chấp hành tốt quy định về an toàn giao thông thủy. Hầu hết các phương tiện đều trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy, áo phao, phao cứu sinh, thuyền trưởng có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, phương tiện được đăng kiểm định kỳ… Tuy nhiên, đoàn kiểm tra vẫn nhắc nhở các đơn vị không lơ là, chủ quan, luôn chú trọng nâng cao dịch vụ, bảo đảm an toàn cho hành khách.

Cụ thể, khi tiến hành kiểm tra tuyến buýt đường sông số 1, đoàn công tác yêu cầu chủ đầu tư phải thay đổi cách ghim áo phao (khi kiểm tra áo phao được ghim bằng băng keo) để hành khách dễ tiếp cận hơn. Tương tự, tại bến đò Hội Sơn (TP Thủ Đức), đoàn kiểm tra khuyến cáo đơn vị khai thác tuyến đò này phải thường xuyên nhắc nhở người dân mặc áo phao khi lên đò.

Theo ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, tuy chưa có trường hợp vi phạm nhưng công tác kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải đường thủy vẫn được duy trì thường xuyên, liên tục trong thời gian tới. “Ngoài đoàn kiểm tra liên ngành, Sở GTVT đã yêu cầu thanh tra sở, Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố tăng cường tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn giao thông thủy, tuyệt đối không cấp phép vào – rời cảng, bến thủy nội địa đối với phương tiện không đủ điều kiện an toàn – nhất là các phương tiện tại ga tàu thủy Bạch Đằng, ga tàu cao tốc Bạch Đằng, bến thủy đưa rước khách tại TP Thủ Đức, quận 7, huyện Cần Giờ, Nhà Bè” – Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông Bùi Hòa An thông tin Sở GTVT TP HCM đã đề nghị Công an thành phố chỉ đạo đơn vị liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát phương tiện thủy vận chuyển hành khách, hàng hóa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chở quá tải trọng, không đăng ký đăng kiểm, không cấp phép rời bến… “Riêng UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện nơi có bến thủy nội địa hoạt động, chúng tôi đề nghị tuyên truyền cho người dân chấp hành các quy định khi đi trên tàu, thuyền. Ngoài ra, phải kiểm tra, xử lý các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng không phép cũng như xử lý việc tàu thuyền chở quá tải trọng, hành khách không mặc áo phao” – ông Bùi Hòa An đặc biệt nhấn mạnh nhằm tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra do chủ quan.

Các chủ tàu cam kết

Ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xanh DP (Greenlines DP – đơn vị vận hành các tuyến tàu cao tốc TP HCM – Vũng Tàu, Bến Bạch Đằng – Củ Chi – Bình Dương), cho biết doanh nghiệp luôn đặt an toàn của du khách lên hàng đầu khi đưa tàu cao tốc, tàu du lịch vào phục vụ. Vì vậy, đơn vị này rất ủng hộ việc kiểm tra thường xuyên và liên tục nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định về đường thủy của các hãng tàu, chủ tàu.

Theo ông Hải, tàu cao tốc của Greenlines DP luôn bảo đảm các điều kiện an toàn vận tải thủy. Về máy móc bảo đảm an toàn, con tàu thường trang bị 2 máy phòng khi sự cố chết máy giữa chừng vẫn có thể chạy tiếp vào bờ.

Ông Hải chia sẻ thêm trên những tàu của Greenlines DP, công ty này ưu tiên bố trí đến 5 cửa thoát hiểm, giúp hành khách thoát hiểm nhanh nhất khi có sự cố. Ngoài ra, camera hành trình được lắp ở trước và sau tàu để dễ dàng trích xuất dữ liệu khi có sự cố xảy ra.

Tương tự, ông Phạm Quốc Chánh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quốc Chánh, đơn vị khai thác tuyến phà biển TP HCM – Vũng Tàu, cho biết để bảo đảm an toàn cho hành khách khi vận hành, công ty luôn đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn vận tải thủy như: Trang bị thiết bị cứu hộ, cứu nạn, áo phao, phòng cháy chữa cháy; tất cả thuyền viên đều có chứng chỉ bằng cấp chuyên môn. Ngoài ra, mỗi ngày, thuyền trưởng có trách nhiệm cập nhật tình hình thời tiết liên tục, trong trường hợp thời tiết xấu, Cảng vụ Hàng hải ở 2 đầu bến sẽ không cấp phép cho tàu khởi hành.

Thực địa tuyến buýt đường sông số 1 (bến Bạch Đằng – TP Thủ Đức), phóng viên nhận thấy ngay dưới ghế ngồi của mỗi hành khách đều trang bị đầy đủ áo phao. Tiếp viên, phụ tàu luôn nhắc nhở hành khách giữ trật tự khi ngồi trên tàu nhằm bảo đảm an toàn. Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật – chủ đầu tư tuyến buýt sông trên, cho biết loại hình giao thông công cộng này được người dân ưa chuộng, lượng khách có xu hướng tăng. Để tạo đà phát triển và mở thêm tuyến sông số 2, đơn vị luôn đặt mục tiêu an toàn của hành khách lên trên hết. “Việc đầu tư phương tiện, đào tạo thuyền trưởng được chú trọng hàng đầu” – ông Nguyễn Kim Toản nhấn mạnh.

Làm tốt để “chia lửa” với đường bộ

Theo ông Trần Song Hải, một con tàu an toàn ngoài phương tiện đạt chuẩn thì thủy thủ đoàn phải có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm. Tất cả thủy thủ đoàn đều phải có chứng chỉ cứu hộ cứu nạn và chứng chỉ về phòng cháy chữa cháy; hằng quý có thực tập các sự cố về sóng to gió lớn, cứu hộ người rơi xuống sông, xử lý chân vịt bị quấn rác… Riêng hệ thống radar phải tốt, phải nhạy, kết nối tốt tín hiệu với các cơ quan quản lý.

“Chúng tôi làm tốt để mong thu hút nhiều khách lên tàu đi du lịch, cảm nhận một phương thức vận chuyển mới an toàn và chia lửa với giao thông đường bộ” – ông Trần Song Hải nói.

 

Nguồn: https://nld.com.vn