Tây Nguyên có tiềm năng rất lớn để phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT). Tuy nhiên, việc đánh giá đúng tiềm năng để bổ sung quy hoạch, khai thác, đầu tư đồng bộ, cân đối, tính toán một cách hài hòa, bảo vệ môi trường, đảm bảo cuộc sống của người dân, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và nguồn thu cho ngân sách vừa là cơ hội, vừa là thách thức mà các địa phương trong khu vực phải đi tìm lời giải.
“Đánh thức” tiềm năng
Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 54.470 km2, bằng 1/6 diện tích cả nước, với dân số gần 6 triệu người, có đường biên giới dài hơn 600 km giáp Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia. Đây là khu vực có vị trí địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái đa dạng và là địa bàn chiến lược phòng thủ rất quan trọng. Tây Nguyên có nhiều loại địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau với độ cao trung bình khoảng 500-600 m so với mặt biển.
Thời tiết Tây Nguyên thuận lợi cho nông nghiệp hữu cơ và NLTT, là nơi có cường độ bức xạ tốt. Các khu vực Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông có lượng số giờ nắng rất cao, khoảng 5,1-5,3 giờ/ngày. Đây là tiềm năng rất lớn để các tỉnh Tây Nguyên phát triển nguồn NLTT, đặc biệt là khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với định hướng là “ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn NLTT, năng lượng mới, năng lượng sạch”. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2-10-2020 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị.
Một dự án điện gió được triển khai đầu tư ở huyện Đak Đoa. Ảnh: Hùng Hoa Lư |
Biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nghiêm trọng, trong đó, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề. Do đó, Việt Nam ngày càng chú trọng đến yêu cầu về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh gắn với mục tiêu giảm thiểu phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Đây vừa là thách thức lớn, đồng thời cũng tạo ra cơ hội lớn cho phát triển năng lượng xanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển NLTT và cơ chế khuyến khích phát triển các dự án NLTT, nhất là nguồn điện mặt trời, điện gió, nhiều dự án được các doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển nhanh trong năm 2020. Đây được xem như cơ hội đầu tư, đánh thức tiềm năng ở khu vực Tây Nguyên. Để khuyến khích các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư xây dựng nhà máy điện gió, điện mặt trời, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan có những đánh giá tổng quan về hiện trạng và khả năng phát triển nguồn NLTT này. Đây cũng là căn cứ để các địa phương tiếp tục bổ sung quy hoạch, đề ra các chính sách, tầm nhìn xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ việc truyền tải, phát huy công suất phát của các nhà máy điện NLTT, không để tình trạng nghẽn lưới làm giảm hiệu quả đầu tư như đã xảy ra trong giai đoạn 2019-2020 ở một số địa phương.
Tại Gia Lai, mặc dù dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế-xã hội nhưng năm 2021, thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt hơn 7.880 tỷ đồng, đạt 156,15% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, riêng khoản thu từ các công trình điện gió đạt trên 2.100 tỷ đồng. Gia Lai được đánh giá là tỉnh có tiềm năng lớn về điện gió và điện mặt trời. Toàn tỉnh hiện có 163 dự án điện gió và điện mặt trời với tổng công suất 21.875 MW, tổng vốn đầu tư dự kiến trên 539.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 16 dự án điện gió đang được triển khai xây dựng với tổng công suất 1.142 MW, Gia Lai thu hút được một nguồn lực đầu tư đáng kể với hơn 40.000 tỷ đồng.
Trong các kết quả nghiên cứu kết hợp với bản đồ địa hình và bản đồ quy hoạch sử dụng đất đai, bản đồ lưới điện truyền tải đã xác định các khu vực có thể xây dựng các dự án năng lượng điện gió và điện mặt trời ở Tây Nguyên sẽ không bị trùng vào khu vực có địa hình quá dốc, khu vực đất cấm, rừng phòng hộ. Hiện trạng và khả năng hấp thụ, truyền tải điện năng sản xuất từ các dự án điện gió và điện mặt trời của lưới điện truyền tải khu vực Tây Nguyên cũng được đánh giá, đưa một số kiến nghị, giải pháp để khắc phục tình trạng nghẽn lưới truyền tải theo quy hoạch đã được phê duyệt khi các nguồn NLTT được xây dựng và đấu nối vào lưới điện.
Kết quả nghiên cứu cũng đã tính toán cân đối nguồn phát và phụ tải trên địa bàn Tây Nguyên ở cấp 220 kV và 500 kV. Theo đó, cấp 220 kV chỉ tính ở khu vực Tây Nguyên, còn cấp 500 kV thì có tính đến các đường dây liên kết, các trạm biến áp trên địa bàn các tỉnh lân cận. Việc cân đối cũng tính toán cho 2 mùa mưa, nắng có liên quan đến công suất phát của các nhà máy thủy điện và nhà máy điện mặt trời đối nghịch nhau trong khai thác kinh doanh.
Theo những tính toán dựa trên giá trị trung bình của quốc tế và Việt Nam, 4.000 MW điện gió tương đương với 6,7 tỷ USD vốn đầu tư là một khoản đầu tư rất quan trọng đối với các tỉnh Tây Nguyên. Khoản này bao gồm 6,51 tỷ USD chi phí tài sản cố định và 151 triệu USD chi phí vận hành trong 25 năm vòng đời của các dự án điện gió. Những dự án điện gió này có thể tạo ra xấp xỉ 21.000 việc làm và thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh. Phần lớn những khoản đầu tư và việc làm này sẽ được hiện thực hóa ở địa phương và trải dài trong chuỗi cung ứng, từ các hoạt động vận tải, xây lắp đến vận hành, bảo dưỡng.
Việt Nam đã xác định điện gió là một ngành then chốt đối với an ninh năng lượng và giảm thải carbon theo Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị, dự thảo Quy hoạch điện quốc gia và các văn bản khác. Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mức giá FIT cho điện gió được áp dụng ở mức 8,5 Cent/kWh đối với tất cả các dự án đạt mốc ngày vận hành thương mại (COD) trước ngày 1-11-2021. Chính sách này đã định hướng phát triển rõ ràng cho thị trường điện gió trên bờ. Tính tới hết tháng 8-2021, chính sách này đã khuyến khích khối lượng đầu tư khổng lồ với hơn 140 dự án điện gió ký hợp đồng mua bán điện với đơn vị vận hành lưới điện quốc gia là Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Cần điều chỉnh đầu tư điện mặt trời mái nhà
Do không lường trước những khó khăn, hơn 1 năm trước, nhiều người dân, doanh nghiệp ở các tỉnh Tây Nguyên ồ ạt đầu tư điện mặt trời mái nhà để được hưởng ưu đãi giá bán trong thời gian 20 năm, lợi nhuận tính toán khi các dự án được hoạt động hết công suất. Dịch Covid-19 bùng phát khiến điện tiêu thụ giảm mạnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải tiết giảm huy động làm cho nhiều dự án điện mặt trời ở Tây Nguyên đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì phải vay ngân hàng. Nhiều chủ dự án đầu tư điện năng lượng mặt trời mái nhà ở Tây Nguyên đã phải gửi đơn tập thể kêu cứu vì bị cắt giảm sản lượng điện.
Theo bản đồ tiềm năng thương mại năng lượng gió và năng lượng mặt trời, khả năng hấp thụ NLTT của lưới điện truyền tải trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên cho thấy, tổng diện tích đất có thể phát triển nhà máy điện gió, điện mặt trời lần lượt là 106.869 ha và 29.519 ha với tổng công suất tương ứng là 5,1 GW và 24,6 GWp. Hạ tầng lưới điện Tây Nguyên theo quy hoạch đến năm 2030 có khả năng hấp thụ 4.175 MW, chiếm khoảng 14% tổng tiềm năng NLTT thương mại. |
Qua khảo sát cho thấy, phần lớn các chủ đầu tư điện mặt trời đều vay ngân hàng để đầu tư kinh doanh. Có doanh nghiệp vay ngân hàng thương mại chiếm 70-80% tổng mức đầu tư và lãi suất vay 9,5-12%/năm. Vì vậy, áp lực trả nợ gốc và lãi của doanh nghiệp hàng tháng là một thách thức lớn.Việc ngành điện cắt giảm huy động lượng điện không những gây ra sự lãng phí mà còn khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng. Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia cho biết: Trung bình ngày trong 2 tuần đầu tháng 9-2021, mức công suất đỉnh của toàn quốc là hơn 29.700 MW, sản lượng toàn hệ thống điện quốc gia là 624,3 triệu kWh/ngày. Mức tiêu thụ này thấp hơn 24% so với trước khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội diện rộng từ giữa tháng 7; đồng thời thấp hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng khu vực miền Nam, trung bình ngày trong 2 tuần đầu tháng 9-2021 mức công suất đỉnh gần 12.200 MW, sản lượng toàn hệ thống điện miền Nam là 243 triệu kWh/ngày. Mức tiêu thụ này thấp hơn 29% so với trước khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội từ giữa tháng 7; đồng thời thấp hơn 23% so với cùng kỳ năm 2020.
Đak Lak và Gia Lai là 2 địa phương “bùng phát” các dự án điện mặt trời mái nhà xây dựng trên đất nông nghiệp. Công ty Điện lực Đak Lak kiểm tra thực tế hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn có công suất từ 100 kWp trở lên thì phát hiện có đến 13 đơn vị xây dựng công trình trang trại trên đất trồng cây lâu năm. Các trang trại này chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chưa chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác mà mới đăng ký nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp khác gửi UBND huyện tổng hợp trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Cũng qua kiểm tra 28 trang trại nông nghiệp, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Đak Lak cho biết có nhiều nơi chưa triển khai hoạt động sản xuất nông nghiệp. Thậm chí, các chủ trang trại sang nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất và đăng ký xây dựng rồi cho người khác thuê lắp điện mặt trời mái nhà chỉ trong một thời gian ngắn đã gây khó khăn cho việc quản lý ở địa phương.
Tại Gia Lai, các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra hơn 400 dự án điện mặt trời mái nhà trên địa bàn được nghiệm thu, đấu nối để hợp đồng bán điện hưởng giá ưu đãi theo Quyết định số 13/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì phát hiện có nhiều dự án chưa có hoạt động kinh tế trang trại, hồ sơ chất lượng chưa đảm bảo, kết cấu công trình yếu, chưa có hệ thống phòng cháy chữa cháy.
NGUYỄN DŨNG