Tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

68

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Phân bổ vốn bảo đảm công khai, minh bạch

Quyết định nêu rõ việc phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thuộc Chương trình phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định liên quan; bảo đảm công khai, minh bạch, quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương.

Việc phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thuộc Chương trình nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Việc phân bổ cụ thể ngân sách trung ương và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương phải phù hợp với tình hình thực tế, khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; mục tiêu, nhiệm vụ, dự kiến kết quả thực hiện kế hoạch hằng năm và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm trước.

Không phân bổ vốn của Chương trình để chi cho các hoạt động thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước đã được bố trí đầy đủ từ nguồn vốn chi thường xuyên.

Định mức phân bổ

Quyết định nêu rõ định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương cho từng dự án. Cụ thể, phân bổ vốn ngân sách trung ương của Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo tối đa 15% cho các bộ, cơ quan trung ương; tối thiểu 85% cho các địa phương.

Đối với Dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, vốn sự nghiệp ngân sách trung ương phân bổ cho các địa phương trên cơ sở kế hoạch hằng năm căn cứ nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà ở của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo và đề xuất kinh phí hỗ trợ thực hiện, quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Định mức hỗ trợ: Nhà xây mới 40.000.000 đồng/hộ; sửa chữa nhà 20.000.000 đồng/hộ từ vốn sự nghiệp ngân sách trung ương.

Đối với Dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình, phân bổ vốn ngân sách trung ương của Tiểu dự án tối đa 25% cho các bộ, cơ quan trung ương; tối thiểu 75% cho các địa phương.

Quyết định quy định các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tự cân đối được ngân sách (trừ tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Nam) trung ương hỗ trợ có mục tiêu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và duy tu bảo dưỡng từ ngân sách trung ương cho các huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bố trí nguồn vốn thực hiện Chương trình từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác đảm bảo thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình trên địa bàn.

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương và tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi thì căn cứ vào tình hình thực tế, khả năng cân đối ngân sách, các địa phương phải ưu tiên bố trí đủ vốn ngân sách địa phương theo quy định tại Nghị quyết số 24/2021/QH15 để triển khai thực hiện Chương trình theo kế hoạch hằng năm và 5 năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, ưu tiên vốn bố trí thêm nguồn vốn cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tỷ lệ vốn đối ứng

Các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương từ 70% trở lên: Hằng năm, ngân sách địa phương đối ứng tối thiểu bằng 3% tổng ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình.

Các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương từ 50% đến dưới 70%: Hằng năm, ngân sách địa phương đối ứng tối thiểu bằng 10% tổng ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình.

Các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương dưới 50% và tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam: Hằng năm, ngân sách địa phương đối ứng tối thiểu bằng 15% tổng ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình.