Tết ở một con hẻm bên kênh Nhiêu Lộc

85

“Tết rồi”. Một năm không mấy khởi sắc của những người bán hàng tỏa ra từ con hẻm TP.HCM. Mà chẳng sao. Tết vẫn là Tết. Gạt qua bao bộn bề, lo toan, ai cũng vui như Tết.

Cái hẻm ấy cạnh bờ kênh Nhiêu Lộc. Sáng sớm, một ngày như mọi ngày, tiếng rao vẫn văng vẳng đâu đây. Tiếng rao đập vào thân cây, va chạm vào bức tường cũ kỹ ám bụi thời gian, ám thứ mùi quen thuộc với người dân hai bên kênh từ lâu lắm rồi.

“Ve chai bán!”, “Mài dao, mài kéo đây!”.

Tiếng rao xua tan đi không gian bàng bạc giáp Tết. Đúng rồi, Tết đó, dịp nhà nhà đều vui sum vầy hạnh phúc dù cái hẻm Honda không lọt này có đủ người tứ xứ.

Người Nam, người Bắc hay người Hoa đều có chung niềm vui nho nhỏ, nhưng dường như niềm vui hay trăn trở chắc cũng bằng nhau khi giao thừa càng đến gần. Đâu có xôn xao nỗi lo về dịch, nhưng Tết vẫn là Tết chứ, vẫn phải mưu sinh.

Người dân mua hoa mai, cúc, mào gà… trang trí Tết trong một con hẻm ở quận Tân Bình – Ảnh: GIA TIẾN

Hẻm chi mà ngang dọc như mê cung trận đồ. 

Đến gần mấy bức tường rêu phong trong hẻm mới thấy nó giống một người bạn vong niên lâu ngày không gặp. Tường không chỉ là tường mà còn có cả người ngồi cạnh. Thế là đủ. Dù là kẻ lạc lõng với giọng Bắc đặc sệt.

Dù là kẻ mang cái mác lãng du chỉ để cảm nhận thứ cảm xúc vị kỷ. Cũng phải thôi, đâu cũng thế, người lạ được chào đón trong con ngõ xa xôi. Tôi lạ lẫm, tôi cười, tôi nói, đáp lại là thanh âm vang vọng.

Cuộc sống vốn chỉ bình dị thế thôi nhưng cho ta khám phá, trải nghiệm. Mỗi nơi có một cộng đồng, một cuộc sống. Gần Tết, khung cảnh trong con phố nhỏ bắt đầu sôi động. Một thế giới mở ra trước mắt tôi.

Tết mà. 

Người lớn, trẻ em và cả vật nuôi, tất cả hòa cùng với nhau trong một không khí đặc biệt. Nhưng nhìn kìa, có những người đang mang trong mình trăm ngàn nỗi lo. Đội quân với đầy thúng, mẹt, bưng bưng xách xách. Chục chiếc ghế nhựa chụm lại mà bàn, mà tán. “Sao rồi. Lo đủ hông?”, “Có tiền chưa?”…

Tết ở đây bắt đầu bằng những câu chuyện thường nhật. Trông họ bề ngoài không hào hứng lắm nhưng trong tâm đầy lo âu. Lo chi Tết đến, có lo cũng giấu kín đi, bởi Tết thì cần phải tươm tất, không nghĩ suy, mà dành những điều tốt đẹp cho năm mới đến. Dù không biết năm sau sẽ tiếp diễn thế nào cái cuộc sống bên bờ kênh xám đen này.

Những ngày Tết, các con hẻm ở TP.HCM treo cờ đỏ rực, hòa cùng những chậu hoa cúc vàng làm không gian Tết luôn rực rỡ – Ảnh: GIA TIẾN

Hẻm TP.HCM cũng bé như ngõ ở Hà Nội nhưng không hoàn toàn giống vậy. Hẻm ở Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận đúng như nghĩa nguyên thủy nhất của từ “hẻm”.

Gọi là hẻm, là thứ người đi đường không bao giờ ngó tới, không biết cuộc sống trong đó có những gì.

Hẻm TP.HCM lâu đời lắm rồi, hẻm chứng kiến bao đổi thay của đất này, hẻm chỉ rộng một mét nhưng nhiều lắm người với người. Chọn TP.HCM để mưu sinh dù ba bốn đời chắc đều qua thời gian sống trong hẻm.

Có người nghèo, có người khá hơn chút nhưng phóng khoáng và thương nhau. Đói thì có cơm chay ăn. Đi xe đạp, xe Honda có hỏng thì cũng nhờ vá được miễn phí. Hoặc trả tiền sau cũng được.

Hẻm cả trăm năm. 

Có hẻm già hơn nữa. Có hẻm lại mới xuất hiện dăm chục năm vì nhà cửa xây lên đập xuống. Có lần đi thực tế sáng tác ở mấy “hẻm kinh tế mới” ở quận 1, ghé đôi hẻm lớn ở đường Thủ Khoa Huân, bên hông chợ Bến Thành mới biết hẻm có cả một lịch sử gắn bó với TP.HCM.

Cư dân chủ yếu là các gia đình người Hoa di cư từ thời Pháp thuộc. Dân cư sau giải phóng về lại đây từ nông thôn, buôn bán lề đường mưu sinh. Họ cất những căn nhà chỉ vài mét vuông, được gọi là nhà thùng cactông, sống vài thế hệ từ đó đến nay.

Chợ từ hẻm. 

Cứ xâm xẩm là xe thùng bán chợ đêm bày trận. Cũng mưu sinh cả thôi mà. Khi con người thành phố mệt mỏi thì bán bưng chính là cách họ quên đi tất cả. Cứ thả lòng vào giá nọ tiền kia, có khi chả nhớ gì về cảnh sống chật chội trong căn nhà gỗ.

Họ coi sống như thế thành quen rồi. Đất cũng xắt ra miếng nên bám trụ được ngày nào hay ngày đó. Vì họ lam lũ, vất vả quen rồi. Chị bán đồ chiên đằng kia mang khuôn mặt buồn bã với mái tóc pha sương. Con của chị vẫn đang chờ.

Còn thêm một cháu mới ra đời chưa đầy sáu tháng. Vẫn phải bán hàng. Con dại cái mang. Con khổ mẹ khó. Nhưng tất cả vẫn chưa là gì. Vẫn chưa đủ để đánh gục người đàn bà vốn đã quen kham khổ. Cười thôi chú. Tết nên vui thôi. Chị nói vậy đấy. Bán hết xe hàng là có chút gì đó rồi. Từng ngày, rồi từng ngày thế thôi.

Đến Tết. 

Hẻm cũng sáng hơn. Vì có nhiều hơi người hơn. Tự nhiên có chuối từ đâu chở đến. Các bà, các má nháy nhau chọn những nải đẹp nhất, những trái bắt mắt nhất để sắp mâm ngũ quả. Có cậu bé tìm nải chuối vàng. Làm gì có. Tết mà, nhu cầu thường ngày đành tạm hoãn lại thôi.

Chạy ngược chạy xuôi khắp phố không có nải chuối vàng. Chuối xanh to bè, béo mập cũng được mua đến hết. Duy nhất một nải ngả vàng đã được một cậu bé mua về. Cho người bà có căn nhà gỗ be bé ở tít xa kia. Bà nói thích ăn chuối tiêu. Cũng tội, chuối hằng ngày rẻ, đến Tết tăng lên gấp mấy lần. Thôi thì mua vì là Tết.

Tét nhộn nhịp, Tết bán mua. Người mua kẻ bán dễ tính hơn ngày thường. Hẻm trông thế mà chợ chiều tấp nập. Chợ hàng và chợ người. Chợ kia làm không công. Thợ sửa xe cũng dọn ra mà không lấy tiền.

Cậu thợ có hình xăm hình hổ trên tay. Cũng là xăm thôi, sở thích của một người làm công việc có tính nghệ thuật, nó cũng bình thường như bao người khác thôi. Quan trọng là tấm lòng của cậu khi cắt tóc miễn phí cho mấy ông cụ trước khi Tết đến.

Con người đến khi bước sang năm mới dường như không còn nhìn nhau với đôi mắt hờ hững, với sự bàng quan và vô tình trong đánh giá. Thì thế thôi, cả anh nấu cơm chay với đầy dầu mỡ trên tay cũng cười tươi roi rói. Bình thường anh chỉ lướt qua nhau với một cái gật đầu, để nấu kịp hàng đi bán.

Hẻm nhỏ. Thế giới bé con ấy mở bung ra, tỏa sáng thuần khiết. Trong một thời khắc con người không vướng, không bận. Dòng người vẫn thấy nụ cười trên môi. Trên áo họ, trên quần họ vẫn đọng lại phong sương, còn dính bùn đất từ hàng hóa họ mưu sinh.

Theo Tuổi Trẻ