Chiều ngày 26/9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “COVID-19 và FDI: Tác động và triển vọng”.
Tham dự Tọa đàm đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tỉnh Bắc Ninh, Đồng Nai và Tổ hợp Samsung Việt Nam, Nestlé Việt Nam (Ảnh VGP/Nhật Bắc)
Tham dự chương trình có: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc; Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng; Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam Binu Jacob; ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam.
Tại Tọa đàm, lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương có thế mạnh thu hút đầu tư FDI và đại diện các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đang đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam, đều khẳng định tinh thần sẵn sàng đoàn kết, chia sẻ khó khăn để cùng vượt qua tác động của đại dịch COVID-19, tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thời gian qua, trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu hiện nay, trước làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có nhiều cuộc gặp với các đại sứ, DN, hiệp hội DN để lắng nghe kiến nghị, giao cho các Bộ ngành, các địa phương xem xét giải quyết các khó khăn, tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư để họ yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Tại Tọa đàm, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định thông điệp nhất quán của Chính phủ trong việc tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư khắc phục khó khăn của dịch bệnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế. Cả nước có 34.141 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 403,19 tỷ USD. Vốn thực hiện ước đạt 245,14 tỷ USD. Khu vực này phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của ngân sách, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người lao động.
Trước những tác động tiêu cực do các đợt bùng phát dịch COVID-19 gây ra, thời gian vừa qua, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn mà DN đối mặt, luôn nỗ lực hành động vì một mục tiêu cao nhất là phòng, chống dịch, đồng thời hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và triển khai hoạt động với phương châm như Thủ tướng Chính phủ đã nói: “An toàn để sản xuất và sản xuất phải an toàn”.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cụ thể hóa, thống nhất tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn lộ trình mở cửa sản xuất và các hoạt động kinh tế xã hội ngay trong cuối tháng 9 này.
Cộng đồng DN có vốn đầu tư nước ngoài đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh, bày tỏ sự lạc quan vào khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam và cam kết tiếp tục đầu tư, kinh doanh lâu dài, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng lộ trình thích ứng an toàn, xác định quan điểm mới về chống dịch.
“Ở chiều ngược lại, cộng đồng DN, trong đó có DN FDI, đã thể hiện tinh thần đoàn kết, chung tay chia sẻ có trách nhiệm với Chính phủ, chính quyền địa phương, hỗ trợ người dân, cộng đồng trong cuộc chiến với COVID-19 bằng nhiều hình thức. Các DN đã thể hiện tinh thần vượt khó, thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.
Qua khảo sát, có 67% DN châu Âu đánh giá tích cực về triển vọng môi trường kinh doanh Việt Nam. DN Nhật Bản bày tỏ sự lạc quan vào khả năng kinh tế Việt Nam phục hồi sớm trong năm 2021, trong đó 47% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
DN Hàn Quốc đều có kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam. Phần lớn DN Hoa Kỳ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh, tin tưởng Việt Nam sẽ sớm khống chế dịch bệnh.
Những tín hiệu tích cực này đã cho thấy sự lạc quan, tin tưởng về khả năng phục hồi phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ của Việt Nam thời gian tới. Đồng thời, khẳng định Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư.
8 giải pháp giải quyết khó khăn với các khu kinh tế, khu công nghiệp
Chia sẻ về các nhóm vấn đề khó khăn thách thức đối với khu công nghiệp, khu kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nêu rõ những cơ chế chính sách trong ngắn hạn và dài hạn để giải quyết các vấn đề đó.
Nhóm giải pháp thứ nhất mang tính cấp thiết và cần triển khai ngay là chúng ta phải triển khai có hiệu quả Nghị quyết 105 của Chính phủ với tinh thần trách nhiệm cao, tập trung xử lý các điểm nghẽn, ách tắc với phương châm sớm nhất, hiệu quả nhất để giảm tác động tiêu cực đối với DN.
Thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN. Thời gian qua,
Bộ KH&ĐTcũng đã tổ chức hàng loạt buổi làm việc trực tiếp đến DN để tìm hiểu các khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở đó, Bộ đã làm việc với các địa phương có liên quan cũng như các bộ, ngành. Mô hình xử lý này rất hiệu quả.
Nhóm giải pháp thứ ba là các điạ phương cần khẩn trương xây dựng và công bố ngay chương trình phục hồi kinh tế và kế hoạch mở cửa trong tình hình mới, DN chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất kinh doanh, an toàn thì sản xuất, sản xuất phải an toàn.
Địa phương cũng tăng cường đối thoại hơn nữa với cộng đồng DN để nắm bắt được những vướng mắc cụ thể của DN và xử lý thực chất những kiến nghị đó.
Về phía cộng đồng DN, Thứ trưởng đề nghị cộng đồng DN phát huy tính tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, phối hợp chặt chẽ cùng các đại phương để tìm ra các biện pháp hữu hiện mở cửa dần dần, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Về dài hạn, có 4 nhóm giải pháp:
Thứ nhất, cần xác định phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế tiếp tục là mô hình và giải pháp quan trọng để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới công nghiệp hoá đất nước, hài hoà giữa các vùng miền, bảo đảm phát triển bền vững.
Thứ hai, chúng ta cầp tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các DN trong khu công nghiệp, khu kinh tế thông qua nâng cao hiệu lực, hiệu quả của mô hình một cửa tại chỗ gắn với vai trò các ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Thứ ba là đối với các địa phương, cần rà soát và kiện toàn cơ quan quản lý Nhà nước tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó triệt để phân cấp, uỷ quyền cho các ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để bảo đảm thực hiện cơ chế một cửa liên thông. Nhanh chóng triển khai các thủ tục đầu tư để tạo điều kiện cho doanh ngiệp sớm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Giải pháp cuối cùng rất căn cơ là cần hoàn thiện hành lang pháp luật, quy định về khu công nghiệp, khu kinh tế.
Thu hút đầu tư nước ngoài gắn với phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, chúng ta thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài nhưng cũng tập trung ưu tiên hỗ trợ cho DN trong nước phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ như đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Quan điểm là không thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà chú trọng vào chất lượng, hiệu quả và sự phát triển bền vững.
Theo đó, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư nước ngoài từ xu hướng đa dạng hóa và tái định vị sản xuất thuộc các ngành công nghệ cao; đổi mới sáng tạo; có sự lan tỏa, trong đó nhà đầu tư cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu, gắn với hợp tác đào tạo nhân lực; nghiên cứu và phát triển; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam.
Gần đây nhất, Chính phủ đã có Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, mục tiêu đặt ra đến 2025 có khoảng 1.000 DN làm công nghiệp hỗ trợ đủ cung cấp cho các DN, tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. Đến năm 2030, sẽ có 2.000 DN làm công nghiệp hỗ trợ.
Chia sẻ thông tin về chương trình phục hồi kinh tế sau dịch đang được Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, hiện nay, Bộ KH&ĐT đang khẩn trương trình Chính phủ xem xét ban hành Chương trình phục hồi kinh tế đến năm 2023, trong đó có nhóm các giải pháp để hỗ trợ DN phục hồi. Chương trình này hướng tới 4 mục tiêu.
Mục tiêu thứ nhất là bắt kịp và tận dụng cơ hội từ xu hướng phục hồi nhanh của các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Mục tiêu thứ hai là thúc đẩy cải cách cơ cấu và nâng cao hiệu lực, hiệu quả, sức cạnh tranh nội tại của nền kinh tế để chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài.
Thứ ba là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện 3 đột phá chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Cuối cùng là hỗ trợ việc làm, dịch chuyển cơ cấu lao động, nâng cao năng lực bền vững cho người lao động.
Đã sản xuất phải an toàn
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ, để thực hiện mục tiêu “Đã sản xuất phải an toàn”, trước tiên, các địa phương phải quán triệt đầy đủ và nghiêm túc các văn bản liên quan đến phòng chống dịch bệnh và sản xuất trong điều kiện bình thường mới.
Thứ hai, các địa phương phải rà soát các phương án sản xuất của từng DN trên địa bàn. Cụ thể, nếu xuất hiện F0, DN cần xử lý theo hướng có F0 tại phân xưởng nào thì phong toả phân xưởng đó, chứ không phong toả toàn bộ DN. Sau khi đưa F0 và F1 đi cách ly thì thực hiện phun khử khuẩn và làm vệ sinh phân xưởng để 24h sau đó có thể đưa lực lượng mới vào sản xuất. Phương án này đã triển khai rất hiệu quả tại Bắc Ninh.
Thứ ba, cần thống kê chi tiết số lượng người lao động cần tiêm của từng DN, kế hoạch tiêm chủng của địa phương để gửi về Bộ Y tế, từ đó có cơ sở để phân bổ vaccine cho các địa phương.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, để sản xuất đảm bảo an toàn thì phải thực hiện “5 xanh”: Địa bàn “xanh”, DN “xanh”, nơi ở “xanh”, vận chuyển công nhân từ nơi ở đến nơi làm việc “xanh”, công nhân “xanh” (tiêm đầy đủ vacine theo quy định hoặc nhiễm đã khỏi bệnh).
Ông Tuyên đề nghị, sau khi hướng dẫn việc khôi phục sản xuất được ban hành, địa phương phải quán triệt nghiêm túc đến các cấp, ngành và DN, từ đó, rà soát lại phương án DN đã xây dựng trước đây để điều chỉnh bổ sung, thích ứng với tình hình hiện nay; cùng DN tổ chức triển khai phương án đã được phê duyệt.
Về phía DN, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị phải cam kết thực hiện tốt việc phòng chống dịch tại cơ sở của mình và đặc biệt hướng dẫn tốt thực hiện “5K” trong sản xuất và sinh hoạt của công nhân; lập danh sách người lao động cung cấp cho Sở Y tế địa phương để xây dựng kế hoạch tiêm vaccine theo tiến độ vaccine được cấp về địa phương.
Nhiều bài học từ địa phương
Là lãnh đạo hai địa phương có nhiều DN FDI đang đầu tư kinh doanh, trong đó có những DN lớn như Samsung, Canon, Nestle…, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và chính sách là “chìa khoá” thu hút vốn FDI trên địa bàn như thường xuyên gặp gỡ, tổ chức các hội nghị để kết nối các DN trong nước và nước ngoài để lắng nghe các khó khăn cũng như kiến nghị của DN (Đồng Nai) hay chính sách “hai ít, ba cao, bốn sẵn sàng’ của Bắc Ninh.
Bắc Ninh đặt tiêu chí “2 ít”, đó là ít đất, ít dùng lao động vì đặc điểm Bắc Ninh có diện tích đất tự nhiên nhỏ nhất. Do đó, Bắc Ninh tập trung khuyến khích các dự án công nghệ cao, tiết kiệm đất, dùng ít lao động.
Tỉnh cũng có tiêu chí “3 cao”: Suất vốn đầu tư các dự án FDI cao, tăng cường tính lan toả dự án. Hai là ưu tiên các dự án FDI công nghệ cao, gắn với giải quyết vấn đề gây ô nhiễm môi trường. Ba là hiệu quả cao, tập trung làm sao thu hút nguồn lực cho ngân sách, góp phần đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Bắc Ninh có “4 sẵn sàng”: Trước hết là tập trung sẵn sàng mặt bằng, tạo cho các nhà đầu tư đến với Bắc Ninh có điều kiện tốt nhất. Hai là sẵn sàng nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đầu tư. Ba là sẵn sàng cơ chế, cải cách thủ tục, chính sách ưu đãi, tận dụng tối đa chính sách ưu đãi về pháp luật. Bốn là sẵn sàng hỗ trợ, giải quyết mọi khó khăn,” Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết.
Đáng chú ý, cả Bắc Ninh và Đồng Nai đều là những địa phương điểm nóng trong đợt bùng phát thứ 4 của đại dịch COVID-19 nên cũng rút ra được nhiều bài học phòng chống dịch cũng như hỗ trợ đồng hành cùng các DN, nhất là linh hoạt thực hiện các phương án ”3 tại chỗ”, “2 địa điểm, một cung đường”;chủ động xây dựng Kế hoạch từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế – xã hội.
Với Đồng Nai, địa phương mạnh dạn trao quyền chủ động cho DN chứ không bắt buộc DN phải sản xuất hay ngừng sản xuất. DN tự chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất của mình theo các phương thức mà DN chọn. Địa phương chỉ yêu cầu là khi công nhân đi làm trong DN thì bắt buộc công nhân phải ở vùng xanh, vùng xanh đi đến vùng xanh. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ tiếp tục tiêm cho những công nhân chưa tiêm vaccine; hỗ trợ cơ sở để test nhanh cho DN với giá cả hợp lý hoặc khuyến khích DN nếu có đội ngũ y tế thì có thể tự test cho công nhân của mình theo quy định Bộ Y tế ban hành.
Khi DN xảy ra F0 thì chính quyền đồng hành cùng DN để xử lý, trị bệnh F0, đưa các F1 đi cách ly và tiếp tục truy vết F2 trong DN.
Còn tại Bắc Ninh, địa phương đầu tiên hứng chịu đợt dịch thứ 4 vào đầu tháng 5/2021, địa phương đã nhanh chóng triển khai phương án “3 cùng”, đề nghị các DN thực hiện biện pháp này. Đây là phương án để không phải đóng cửa các nhà máy nên đòi hỏi DN cùng chia sẻ với tỉnh, cũng như kêu gọi công nhân chia sẻ với các nhà máy.
Sau đó, tỉnh thành lập 40 tổ công tác trực tiếp kiểm tra điều kiện an toàn của DN. Tỉnh quyết định 50% số lượng công nhân được sàng lọc “sạch” về y tế đưa vào nhà máy sản xuất ngay. Còn số lượng 50% công nhân còn lại có phương án quản lý chặt chẽ tại cộng đồng dân cư và khu lưu trú để sẵn sàng thay thế nếu dịch kéo dài. Nhờ đó, chỉ trong 8 ngày (từ ngày 2/6 đến 20/6) dịch đã được khống chế và đưa sản xuất trở lại tương đối ổn định.
“Qua kinh nghiệm chống dịch, chúng tôi thấy việc hỗ trợ phục hồi sản xuất rất quan trọng. Chúng tôi đã thành lập tổ phản ứng nhanh do Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh làm tổ trưởng, chúng tôi gọi là tổ “3 nhất”: Tư vấn hiệu quả nhất, giải quyết nhanh nhất, chống dịch an toàn nhất. Như vậy, dù trong lúc dịch căng thẳng nhất nhưng các nhà máy vẫn hoạt động công suất từ 50% trở lên. Chúng tôi cũng tạo điều kiện tối đa để tiêm phòng cho công nhân và thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho các công nhân, kể cả không có hợp đồng lao động”, ông Vương Quốc Tuấn chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết, thời gian tới, để tiếp tục là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, Bắc Ninh sẽ tập trung vào các nội dung: Tạo điều kiện thuận lợi nhất về môi trường đầu tư, ưu đãi cho các nhà đầu tư; phương châm “3 cao, 4 sẵn sàng” tiếp tục được triển khai, sẵn sàng về mặt bằng, hạ tầng đầu tư, cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất về nguồn nhân lực, các cơ quan quản lý nhà nước sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, thay đổi phương thức xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư theo đúng địa chỉ mà chúng ta mong muốn, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư một cách chủ động; có phương án thu hút đầu tư vào từng lĩnh vực thế mạnh của địa phương (công nghiệp điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…), tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ DN về điều kiện sản xuất, phương tiện đi lại cho công nhân, điều kiện ăn ở cho công nhân, tháo gỡ cơ chế cho chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam…
DN FDI lớn vững tin ở môi trường đầu tư của Việt Nam
Nestlé là nhà đầu tư có mặt tại Việt Nam hơn 25 năm qua, đồng thời mới đây lại có quyết định tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư tại Việt Nam, với khoản đầu tư mới trị giá 132 triệu USD xây dựng nhà máy Nescafé Trị An đặt tại Đồng Nai. Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, bày tỏ tin tưởng vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu và khu vực và cam kết tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam.
Nhân dịp này, ông Binu Jacob chia sẻ những khuyến nghị giúp Chính phủ thành công với các mục tiêu kép và làm tăng trưởng thu hút đầu tư FDI trong giai đoạn tái phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
“Chúng tôi ủng hộ định hướng chính sách chiến lược của Chính phủ là thích ứng với virus một cách an toàn, tái mở cửa nền kinh tế”, ông Binu Jacob nói, nhấn mạnh vaccine là yếu tố then chốt để cho phép tái mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế.
Bên cạnh đó, sự phối hợp các chính sách trên toàn quốc và giữa các tỉnh thành là rất quan trọng. “Về vấn đề đó, chúng tôi hoan nghênh việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 cũng như việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng”, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam chia sẻ.
Ông Binu Jacob bày tỏ đánh giá cao những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ trong cải thiện thể chế và làm cho môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và lành mạnh hơn. “Chúng tôi cũng rất vui mừng khi Chính phủ chú ý lắng nghe những quan tâm và kiến nghị của cộng đồng DN tư nhân mà buổi tọa đàm ngày hôm nay là một dẫn chứng nữa cho sự quan tâm đó”.
Cũng có mặt tại Tọa đàm, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết trước làn sóng dịch bệnh COVID-19 diễn ra từ cuối tháng 4 vừa qua, trong 6 tháng đầu năm, Samsung vẫn thuận lợi trong việc đạt mục tiêu xuất khẩu.
Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam nhìn nhận, Việt Nam đang cung cấp một môi trường đầu tư hấp dẫn như nguồn lao động dồi dào, tình hình chính trị xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng sản xuất và lưu thông cùng các ưu đãi đầu tư. “Gần đây, có nhiều ảnh hưởng tiêu cực phát sinh do đại dịch COVID-19, tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài”.
Ông Choi Joo Ho cho biết: Trên cơ sở sự tự tin tích luỹ được sau khi khắc phục những khó khăn do đại dịch COVID-19 cùng với sự tin tưởng vào Chính phủ Việt Nam, Samsung Việt Nam đang liên tục mở rộng
đầu tư. Cho đến thời điểm hiện tại, Samsung đã giải ngân toàn bộ vốn đầu tư đã được phê duyệt và hằng năm, vẫn duy trì đầu tư bổ sung hàng trăm triệu đô la.
Trong thời gian tới, Samsung Việt Nam dự kiến tiếp tục đầu tư thiết bị sản xuất cho 6 nhà máy và đa dạng hoá các hạng mục sản xuất như thiết bị 5G hay máy tính xách tay; đồng thời đầu tư nâng cao vị thế kinh doanh tại Việt Nam của công ty thành cứ điểm nghiên cứu và phát triển chiến lược thông qua việc xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Bày tỏ hoàn toàn ủng hộ chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc theo đuổi mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa “phát triển kinh tế, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho kiến nghị Việt Nam cần liên tục kiểm tra về tính hài hòa giữa 2 mục tiêu này.
Bên cạnh đó, xây dựng chế độ bảo đảm “sản xuất không gián đoạn” trong bất cứ hoàn cảnh nào là điều rất cấp thiết. Nghĩa là, dù trong bất cứ hoàn cảnh bất thường nào thì dây chuyền sản xuất của các nhà máy cũng không dừng hoạt động và vẫn vận hành theo đúng phương châm hướng dẫn chuẩn và lộ trình đã được định sẵn.
Ngoài ra, các tỉnh nơi tập trung chủ yếu các khu công nghiệp cần thống nhất được một phương châm chuẩn về phòng dịch để việc lưu thông vận chuyển người và hàng hóa được diễn ra thuận lợi, giảm thiểu thiệt hại trong các tình huống bất thường như dịch bệnh COVID-19.
Kết thúc buổi tọa đàm, lãnh đạo các bộ, địa phương đều cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN để hỗ trợ DN cùng vượt qua đại dịch COVID-19. Với thông điệp Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra là “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, các DN nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài hãy yên tâm, tin tưởng vào công tác chỉ đạo, phòng chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới và chắc chắn với những giải pháp đã và đang triển khai thực hiện, sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, các DN đầu tư vào Việt Nam ổn định và phát triển hơn nữa./.