Ngày 23/9, tại Hà Nội, phát đi tuyên bố về Khát vọng Điện sạch, Phát triển xanh của 10 liên minh và tổ chức đại diện cho hơn 200 nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, chống biến đổi khí hậu.
Một nhà máy điện gió ngoài khơi đang được xây dựng trên biển tỉnh Trà Vinh
Tuyên bố bày tỏ sự trăn trở trước bản dự thảo Quy hoạch điện VIII mới đưa ra ngày 5/9/2021 “thể hiện sự tụt hậu so với xu hướng phát triển năng lượng xanh, sạch của thế giới”. Bản dự thảo thể hiện “những bước lùi” so với bản dự thảo tháng 3/2021 khi tăng thêm khoảng 3.000MW điện than và giảm khoảng 8.000 MW điện tái tạo vào năm 2030. Như vậy, trong 10 năm tới công suất điện than mới sẽ tăng thêm gần 20.000 MW, trong khi đó điện mặt trời chỉ tăng thêm khoảng 2.000 MW, và không phát triển điện gió ngoài khơi. Vì vậy, các nhà khoa học đồng lòng Tuyên bố để thể hiện rõ hơn quyết tâm đòi hỏi phải có sự thay đổi nội dung của Dự thảo Quy hoạch Điện VIII không để tồn tại 5 vấn đề lớn dưới đây:
Thứ nhất, Dự thảo Quy hoạch điện VIII mới chưa phản ánh được và có phần đi ngược lại với: Chủ trương lớn đã nêu trong Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển năng lượng của quốc gia yêu cầu “Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch…; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng”.
Thứ hai, Dự thảo Quy hoạch điện VIII mới này vẫn vạch ra lộ trình phát triển điện đi ngược xu thế của thế giới. Việc tiếp tục phát triển mạnh điện than mới trong 10 năm tới đặt Việt Nam vào nhóm số ít các quốc gia đi ngược với nỗ lực chung của toàn cầu trong cắt giảm nhiên liệu hóa thạch để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.
Hạn chế phát triển năng lượng tái tạo trong 10 năm tới sẽ khiến Việt Nam tụt hậu xa so với sự tiến bộ khoa học công nghệ năng lượng của thế giới. Trong khi nhiều quốc gia đang phát triển đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và đẩy nhanh ứng dụng các giải pháp công nghệ để tối đa hóa lợi thế của năng lượng tái tạo như tích trữ năng lượng, lưới điện thông minh, năng lượng tái tạo phân tán và kết hợp với nông nghiệp, giao thông, sản xuất hydrogen… thì Quy hoạch điệnVIII lại chọn phương án kiềm chế năng lượng tái tạo và chưa có lộ trình thúc đẩy ứng dụng những tiến bộ này.
Điện mặt trời lắp đặt trên ao nuôi tôm ở tỉnh Bạc Liêu
Sự phát triển của công nghệ năng lượng đang diễn ra rất nhanh, rất cần một tầm nhìn chiến lược, khả năng dự báo và những bước đi đột phá về chính sách để đón bắt cơ hội mới. Tuy nhiên, dự thảo Quy hoạch điện VIII hiện tại không thể hiện được điều này và đang lặp lại bài học thất bại của Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh khi cách đây 5 năm không dự báo đúng sự phát triển của năng lượng tái tạo, dẫn tới sự bị động và không đồng bộ giữa chính sách với thị trường, quy hoạch nguồn và lưới, gây ra những bất cập như hiện nay.
Thứ ba, bản dự thảo mới dựa vào quá nhiều yếu tố bất định và không quan tâm đến góc nhìn kinh tế – tài chính, theo đó các dự án điện than được tiếp tục là sự lựa chọn đắt đỏ, gây ra các hệ lụy cho nền kinh tế nói chung và không khả thi để triển khai.
Hầu hết các dự án điện than mới sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu, trong khi đó giá than đang tăng phi mã. Thực tế giá than 6 tháng đầu năm 2020 đã là 98,8 USD/tấn, đến năm nay đã tăng lên 159,7 USD/tấn có nghĩa là tăng 150%. Trong khi đó giá than được dự báo trong dự thảo vào năm 2030 chỉ ở mức 75 USD/tấn. Như vậy giá sản xuất điện than đưa ra trong dự thảo đang thấp hơn so với thực tế. Nếu tính cả chi phí ngoại biên (chi phí môi trường sức khỏe) giá sản xuất điện than có thể tăng thêm 5 UScent/kWh nữa, tương đương 15- 16UScent/kWh, đắt hơn tất cả các loại hình năng lượng tái tạo.
Với tỷ trọng điện hóa thạch cao, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với thuế các bon của các nước phát triển và mất đi ưu thế cạnh tranh. Đồng thời, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các doanh nghiệp FDI có nhu cầu sử dụng điện sạch và theo đuổi mục tiêu trung hòa các bon mà họ cam kết.
Bên cạnh đó, bài học từ Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã cho thấy hàng loạt dự án điện than chậm tiến độ do khó tiếp cận tài chính. Khó khăn này sẽ ngày càng gia tăng khi phong trào thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch ngày càng mạnh mẽ và những quốc gia còn lại cuối cùng trong nhóm hỗ trợ phát triển điện than cũng đã tuyên bố dừng cấp tài chính hoặc chuyển hướng đầu tư sang năng lượng sạch. Điều này cảnh báo rất rõ nguy cơ các dự án điện than không tiếp cận được nguồn vốn, dẫn tới chậm tiến độ và gây rủi ro cho an ninh năng lượng quốc gia.
Bản dự thảo hiện tại chưa rà soát toàn diện những khía cạnh nêu trên mà chỉ xem xét ở phạm vi của hệ thống điện.
Thứ tư, Dự thảo Quy hoạch điện VIII mới này không tính đến hậu quả mà chúng ta để lại cho thế hệ tương lai.
Quy hoạch điện VIII được phê duyệt năm nay sẽ định hình tương lai ngành năng lượng trong 10- 15 năm tới. Các nhà máy điện than được quy hoạch xây dựng từ nay tới 2035 sẽ vận hành trong vòng 30 – 60 năm nữa trong khi thế giới đang đoạn tuyệt điện than và bước vào kỷ nguyên năng lượng sạch.
Thứ năm, Dự thảo Quy hoạch điện VIII mới mâu thuẫn với mục tiêu sức khỏe sinh thái, một sức khỏe và an toàn môi sinh trong phát triển chính sách can thiệp cộng đồng, cơ sở cho phòng chống dịch bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm trong những năm tới đây ở Việt nam và trên thế giới.
Càng tăng sản lượng điện từ than và nguồn gốc dầu mỏ khác, càng duy trì tình trạng ô nhiễm không khí, căn nguyên gây một phần tư tổng số chết bệnh tim mạch, một phần ba số chết vì ung thư phổi, và hai phần năm số chết vì các bệnh gây viêm phổi tắc nghẹn mạn tính. Còn duy trì nhiệt điện than, còn tiếp tục phá vỡ môi trường sinh thái phát sinh nhiều bệnh tật mới, bao gồm cả bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm vốn đã tăng nhanh trong thời gian qua ở nước ta. Dự thảo Quy hoạch điện VIII tiếp tục duy trì và hơn thế còn tăng thêm 20.000 MW điện than tới năm 2030 là sự đi ngược lại mục tiêu sức khỏe sinh thái và an toàn môi sinh cho an ninh sức khỏe toàn cầu, mà Việt Nam là một thành viên cam kết thực hiện từ hơn thập kỷ qua.
“Từ những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị Bộ Công Thương điều chỉnh lại bản dự thảo trước khi trình lên Chính phủ, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học độc lập và các ý kiến phản biện xã hội”, Tuyên bố nhấn mạnh. Theo hướng: Một là, đưa ra khỏi quy hoạch các dự án điện than chưa triển khai xây dựng. Hai là, ưu tiên các giải pháp chính sách để tháo gỡ khó khăn trước mắt và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo bền vững trong tương lai.
“Người dân Việt Nam và thế hệ con cháu chúng ta sau này hoàn toàn có đủ điều kiện để mưu cầu một nền năng lượng xanh và sạch như các quốc gia khác. Và chúng ta đang có cơ hội để hiện thực hóa ước vọng này. Chúng tôi đồng thời cam kết sẵn sàng huy động trí tuệ và kiến thức chuyên môn, đóng góp tự nguyện và đồng hành cùng với Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan trong việc chỉnh sửa và hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch điện VIII nhằm đạt các yêu cầu đề ra để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, Tuyên bố kết luận.
SÁU NGHỆ (giới thiệu)