“Nghề điều dưỡng được tính bằng lương… tâm”

16

Trong trận chiến với Covid 19, chúng ta thường cầu nguyện cho bệnh nhân, thầm ngưỡng mộ các bác sĩ tuyến đầu nhưng ít ai nhắc đến những hy sinh thầm lặng của các điều dưỡng, những người không ngại hiểm nguy chăm sóc bệnh nhân Covid như chính người thân của họ

Ngày nào mẹ mình cũng gọi hỏi thăm hết. Lúc biết tin con đi nhận nhiệm vụ mẹ mình khóc quá trời…”

Lời tâm sự nhói lòng ấy của một nữ điều dưỡng đang chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Lê Văn Việt Thành phố Thủ Đức mở ra một câu chuyện khiến không ít người trào nước mắt…

Việc nặng không phân biệt nam hay nữ

Chị Nguyễn Bích Trâm là một trong số các điều dưỡngđang trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Lê Văn Việt Thành phố Thủ Đức, TP.HCM. Ròng rã hơn 3 tháng qua kể từ khi lên đường nhận nhiệm vụ, lượng bệnh nhân nhiều, bệnh viện lại trong tình trạng cách ly y tế song vẫn phải tiếp nhận điều trị các ca dương tính nên công việc của bác sĩ, điều dưỡng vất vả bội phần. Vì vậy chị Trâm và các đồng nghiệp phải luôn túc trực ở bệnh viện, “kề vai sát cánh” với bệnh nhân với mong muốn duy nhất giúp họ chiến thắng dịch bệnh sớm trở về với cuộc sống bình thường.

“Điều dưỡng Trâm cố lên!” là dòng chữ nhận diện duy nhất để phân biệt các bác sĩ, điều dưỡng và là lời cổ vũ tinh thần mãnh liệt hơn bao giờ hết

Nói về công việc chăm sóc bệnh nhân, điều dưỡng Trâm chia sẻ: Ca trực của mình chia làm 3 ca mỗi ca 8 tiếng (7h-15h, 15h-23h, 23h-7h hôm sau). Tầng của mình phải chăm sóc 80 bệnh nhân có triệu chứng và bệnh nhân chuyển nặng. Hồi trước là 1 bác sĩ – 2 điều dưỡng nhưng bây giờ được thêm người và hiện tại là 2 bác sĩ – 4 điều dưỡng. Công việc hàng ngày là đo huyết áp, nhiệt độ, Spo2 cho bệnh nhân và báo lại cho bác sĩ để cấp thuốc. Sau khi bác sĩ cho thuốc, điều dưỡng phải đi cắt thuốc và chia thuốc đem tới tận tay bệnh nhân và tiêm chích”

Nếu các bác sĩ tất bật điều trị, lo thuốc men thì điều dưỡng là những người trực tiếp lo ăn uống cho bệnh nhân. Những bệnh nhân nặng không tự sinh hoạt được sẽ được các điều dưỡng đút cơm, cho uống thuốc, vệ sinh và thay tả. Bởi lẽ hầu hết bệnh nhân không có người nhà bênh cạnh nên phụ thuộc hoàn toàn vào điều dưỡng chăm sóc từ ăn uống, tắm rửa cho đến đi vệ sinh.

Vừa chăm sóc vừa lo cơm nước cho bệnh nhân vừa ghi hồ sơ bệnh án. Chăm bệnh nhân liên tục vì phải lo chuyển nặng rất nhanh nên phải có người phản ứng kịp thời. Chị Trâm tâm sự: Hiện tại mình phụ trách 19 bệnh nhân thở oxy nên phải canh liên tục vì nếu có bất cứ vấn đề gì liên quan đến oxy mà không xử lý kịp sẽ gây nguy hiểm đến bệnh nhân. Bình oxy khoảng 20-30kg, mỗi bệnh nhân cần ít nhất hai bình như vậy. Một tua chăm sóc cho 19 bệnh nhân thì ít nhất cũng phải thay liên tục 40 bình. Lúc đấy không còn phân biệt nam nữ gì nữa, nặng cỡ nào cũng phải đẩy vào để đáp ứng cho bệnh nhân”

Mạnh mẽ vượt qua

“Ngày nào mẹ mình cũng gọi hỏi thăm hết. Lúc biết tin mình đi nhận nhiệm vụ mẹ mình khóc quá trời…” – lời tâm sự nhói lòng ấy của điều dưỡng Trâm khiến ai cũng phải nghẹn lại. Xa gia đình, xa người thân yêu, bỏ lại sau lưng người mẹ không lúc nào thôi thúc lo lắng cho con, giây phút chia tay gia đình, những lời dặn dò ngắn ngủi cũng chỉ kịp vội nói qua điện thoại trước lúc lên đường nhận nhiệm vụ… Những hy sinh lớn lao ấy của các chiến sĩ áo trắng thật không sao đong đếm được.

Ngày 19-8…

Hôm nay mình về lấy đồ có việc cần gấp, mình test nhiều lần rồi mới dám đi. Về tới nhà mình chỉ dám đứng ngoài cổng nhìn ba mẹ từ xa. Lấy đồ xong mẹ bảo đợi xíu mẹ làm cho mình mâm cơm ăn cho đỡ nhớ nhà, mình đứng ngoài cổng ăn cơm luôn, ăn xong xịt cồn đầy mâm xịt luôn chổ mới đứng rồi về lại bệnh viện. Thấy mẹ ốm nhiều mẹ nói “nhà có đồ ăn ngon lấy ra tính ăn nghĩ tới con mình làm cực khổ còn mình thì ăn ngon nên mẹ ăn không nổi mẹ cất vô nên mẹ xuống kg” nghe mà đứt ruột. Ăn được mâm cơm mẹ nấu ngon muốn rớt nước mắt…”Dòng nhật kí chị viết vội trên trang cá nhân khiến tôi không khỏi xúc động.

Mâm cơm gia đình điều dưỡng Trâm được mẹ nấu và ăn ngay ở cổng trong lần chị về nhà

Là một cô gái trẻ trung, năng động vì covid phải tạm gác lại những niềm vui cá nhân, cất đi sự vô tư của tuổi trẻ, giờ đây trên vai chị và các đồng nghiệp là gánh nặng, là trọng trách, là mạng sống của biết bao bệnh nhân nơi tiền tuyến nhưng cũng là nỗi lo của những gia đình nơi hậu phương. Nhà có mình mình, ba mẹ xót sợ mình đi có chuyện gì, sợ mình nguy hiểm nhưng rồi mỗi người mỗi công việc nên lúc khó khăn người ta cần mình mình phải góp sức – nữ điều dưỡng bộc bạch

1

“Nghề này được tính bằng lương… tâm”

Có những ngày TP.HCM lên đến hàng nghìn ca bệnh và không có dấu hiệu ngừng tăng, công việc của điều dưỡng lại bội phần cực khổ. Trong bộ quần áo bảo hội kín mít chỉ chừa đôi mắt thâm quần tỏ rỏ sự mệt mỏi, tôi vẫn cảm nhận được sự quyết tâm của các nhân viên y tế ngày đêm chăm sóc bệnh nhân.

Tôi hiểu được giấc ngủ của họ chỉ kéo dài vài ba tiếng ngắn ngủi, tôi thấm thía được từng ly mì họ ăn vội giữa đêm. Tuy nhiên câu nói của điều dưỡng Trâm đã khiến tôi thêm phần thán phục: Ngày nào tụi mình cũng lên mạng theo dõi tình hình dịch thế nào hễ ngày nào mà thấy bệnh nhân nhiễm ít hơn thì cảm giác vui lắm cứ như là ngày sắp về nhà đã đến gần vậy á

Tôi không thấy họ than mệt dù đôi mắt đã hiện lên điều đó, tôi không thấy họ cáu gắt dù chăm sóc người bệnh có áp lực, khó khăn. Tôi thấy các chiến sĩ áo trắng luôn lạc quan, luôn tràn trề hi vọng với mong muốn duy nhất công sức của họ được đền đáp bằng các ca nhiễm giảm dần. Ấy cũng là ngày họ được trở về với gia đình, người thân Vì đi ở đây không có ngày về khi nào hết dịch tụi mình mới được về. Nên chỉ trông chờ ca bệnh ngày một giảm để được về nhà nữa – chị Trâm nói.

Điều dưỡng Trâm luôn tận tình chăm sóc bệnh nhân như người thân của mình

Công việc điều dưỡng thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân F0, đứng trước nguy cơ phơi nhiễm cao nhưng với chị đây là trách nhiệm, dù có khó khăn đến đâu vẫn phải thực hiện. Công việc của họ tuy có gian nguy, có lúc buồn, lúc rơi nước mắt khi nhìn thấy bệnh nhân không qua khỏi. Nhưng cũng không thiếu những niềm động lực dù là nhỏ nhất. Họ lấy niềm vui khi bệnh nhân khỏe lại làm niềm vui lớn nhất cho mình.

Cũng có chuyện vui là bệnh nhân mà khoẻ hơn thấy tụi mình cực nên cũng hay phụ lắm ví dụ như phát phụ cơm , thỉnh thoảng thấy lăn oxy cực quá cũng hay phụmình nữa . Nhưng bù lại có mấy ngày bệnh nhân được ra viện ngày một nhiều, lúc mình thông báo cho bệnh nhân đủ tiêu chuẩn xuất viện họ hò hét họ mừng rỡ mình nhìn mình cũng vui lây

Trong lúc chăm sóc bệnh nhân mình chăm sóc như người nhà cứ nhìn bệnh nhân nằm vầy không có người thân mình cứ nghĩ “ví dụ một ngày nào đó không may ng thân mình cũng bị như vậy thì sao chắc sẽ đau lòng chết mất “ nên mệt nhưng vẫn ráng chăm sóc tốt nhất có thể vì mình nghĩ mình cũng đang chăm sóc cho một người cha, một người mẹ hay một người yêu quý của những người khác – cô điều dưỡng cho hay.

Covid 19 đã lấy đi của chúng ta quá nhiều, nhìn vào những gì các y bác sĩ, điều dưỡng hy sinh, thật khó để trả lời cho câu hỏi “Vì sao họ lại chọn công việc này?” Nhưng tôi biết họ đã sống và cống hiến hết mình, một cách trọn vẹn, đẹp đẽ khi khoác trên mình chiếc áo blouse…

Bích Dung