Bảo đảm an sinh xã hội và an toàn phòng, chống dịch

15

Văn bản số 6324/VPCP-KGVX ngày 10/9/2021 của Văn phòng Chính phủ gửi UBND các tỉnh, thành phố Hà Nội, TPHCM, Bình Dương nêu rõ: Để tiếp tục duy trì, bảo đảm an sinh xã hội và an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho người dân trong thời gian thực hiện tăng cường giãn cách xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện rà soát, khắc phục ngay các tồn tại ở một số xã, phường, thị trấn về hỗ trợ y tế, lương thực, thực phẩm cho người dân.

Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, rà soát việc bảo đảm trang bị phòng hộ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, tình nguyện viên, Tổ COVID-19 cộng đồng…

Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu phương án xem xét tổ chức cho người ở khu vực đông dân cư không bảo đảm yêu cầu giãn cách, cách ly theo quy định được đăng ký về quê theo nguyện vọng, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, khoa học, đồng bộ giữa các địa phương, bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

Hỗ trợ kết nối đầu ra cho nông sản đến vụ thu hoạch

Ngày 10/9/2021, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 6223/VPCP-KGVX ngày 10/9/2021 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc hỗ trợ kết nối đầu ra cho nông sản đến vụ thu hoạch tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Văn bản nêu rõ, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc chế biến, tiêu thụ nông sản tại một số địa phương phía nam, nhất là tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai gặp khó khăn, dẫn tới một số mặt hàng nông sản đến vụ bị tồn đọng khối lượng lớn, giá giảm sâu, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất và nguồn cung thời gian tới.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình tiêu thụ nông sản, kịp thời hỗ trợ kết nối đầu ra cho sản phẩm nông sản đến vụ thu hoạch.

Quy chế hoạt động Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh – Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương vừa ký Quyết định 89/QĐ-TCTĐB ngày 9/9/2021 ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác này.

Quy chế quy định nguyên tắc, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc; chế độ báo cáo và điều kiện bảo đảm hoạt động của Tổ công tác.

Theo đó, Tổ công tác làm việc theo nguyên tắc quy định tại Điều 3 Quyết định số 1242/QĐ-TTgngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương và Quy chế này.

Hoạt động của Tổ công tác được thực hiện thông qua cuộc họp, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc triển khai các hoạt động cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ của Tổ công tác. Ý kiến tham gia của các thành viên Tổ công tác là ý kiến chính thức của cơ quan nơi thành viên Tổ công tác làm việc.

Các thành viên Tổ công tác phân công Trưởng đơn vị thuộc cơ quan mình tham gia Nhóm giúp việc và làm đầu mối phối hợp giữa cơ quan công tác với Nhóm giúp việc để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác và sử dụng kinh phí, bộ máy tổ chức của cơ quan mình để thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối tiếp nhận các kiến nghị của bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ công tác để tổng hợp, báo cáo Tổng công tác theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 1242/QĐ-TTg.

Tổ công tác gồm Tổ trưởng, Tổ phó thường trực, Tổ phó và các thành viên theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 1242/QĐ-TTg.

Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Điều 2 Quyết định số 1242/QĐ-TTg. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Nhóm giúp việc gồm Trưởng một số đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan.

Xuất cấp hơn 1.847 tấn gạo hỗ trợ người dân 2 tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định 1470/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 1.847,265 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi để hỗ trợ gạo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 năm 2021.

Cụ thể, tỉnh Quảng Nam được hỗ trợ 1.154,520 tấn gạo và tỉnh Quảng Ngãi được hỗ trợ 692,745 tấn gạo.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính xử lý cụ thể theo quy định; chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo.

UBND tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo; thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, định mức theo quy định, phù hợp với công tác phòng, chống dịch tại địa phương.

Trường hợp sau khi thực hiện nếu vẫn còn khó khăn, UBND tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc

Xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến của các bộ, ngành, địa phương liên quan về việc triển khai Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, Kiên Giang, tại văn bản số 6345/VPCP-KGVX ngày 10/9/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến như sau:

Bộ Chính trị đã có chủ trương nghiên cứu cho thí điểm sử dụng Hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc, Kiên Giang (Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021). Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan, đơn vị liên quan, có văn bản lấy ý kiến các tổ chức, đoàn thể xã hội đại diện cho nhân dân Phú Quốc, các hiệp hội, các doanh nghiệp liên quan để xây dựng, ban hành Kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện vào thời điểm phù hợp; bảo đảm khả thi, đáp ứng yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch COVID-19, an ninh, an dân, trật tự an toàn xã hội và hạn chế tối đa các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao quy định, hướng dẫn cụ thể về việc cấp Giấy chứng nhận tiêm vaccine phòng COVID-19; ưu tiên phân bổ vaccine để kịp thời tổ chức tiêm cho nhân dân đang sống và lao động tại thành phố Phú Quốc, phù hợp với Kế hoạch và thời điểm thực hiện.

Các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, chủ động phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang thực hiện Kế hoạch.

Chỉ thị đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam

Ngày 10/9/2021, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam.

Chị thị nêu: Sau 06 năm triển khai, Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã góp phần nâng cao nhận thức của các bộ, ngành, địa phương về vai trò quan trọng và sự cần thiết của văn hóa đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, an toàn, với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, người dân thân thiện, yêu chuộng hòa bình và mến khách thông qua các sự kiện đối ngoại lớn tổ chức tại Việt Nam, các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến các quốc gia, các sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Các hoạt động văn hóa đối ngoại được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, với hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo và nhận được sự ủng hộ, phối hợp tích cực của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các đối tác trong và ngoài nước.

Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại, các cơ quan, địa phương còn gặp phải một số khó khăn như kinh phí còn hạn chế, chưa hình thành được cơ chế điều phối hiệu quả, tại một số địa phương, cơ sở vật chất, hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong bối cảnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã bước đầu chủ động kêu gọi, huy động nguồn lực của xã hội để tổ chức tốt các hoạt động văn hóa đối ngoại.

Trong những năm tới, tình hình khu vực và thế giới sẽ có nhiều thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới cao hơn, phức tạp hơn. Hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế lớn, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu.

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Đời sống nhân dân được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác văn hóa đối ngoại của Việt Nam, nhằm phát triển toàn diện văn hóa, con người Việt Nam, đưa văn hóa thành sức mạnh nội sinh, thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tăng cường giao lưu, sự hiểu biết, tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốclần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóanói chung, văn hóa đối ngoại nói riêng, các quan điểm, mục tiêu của Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

2. Tăng cường triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, song hành với công tác thông tin đối ngoại, gắn kết trong tổng thể chính sách đối ngoại, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Thúc đẩy phát triển văn hóa số, chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh triển khai hoạt động văn hóa đối ngoại sau khi đại dịch Covid 19 được đẩy lùi.

3. Xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, chính sách, đẩy mạnh đàm phán, ký kết, thực hiện các điều ước và thỏa thuận quốc tế phục vụ công tác văn hóa đối ngoại trong thời kỳ mới, trong đó có chủ trương, chính sách xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững về văn hóa.

4. Tăng cường công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, con người, quảng bá hình ảnh quốc gia ra nước ngoài dưới nhiều hình thức, phương thức thể hiện đa dạng, phong phú như Ngày/Tuần Văn hóa, Lễ hội Văn hóa – Du lịch Việt Nam, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, di sản văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, các môn thể thao dân tộc, kết hợp chặt chẽ với xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, các hoạt động đối ngoại nhân dân như liên hoan/Gặp gỡ hữu nghị nhân dân, phát huy các danh hiệu thế giới, giải thưởng khu vực và quốc tế, tôn vinh danh nhân, anh hùng dân tộc Việt Nam Tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện khu vực và quốc tế quy mô, uy tín như Triển lãm thế giới EXPO, Thế vận hội Olympic, liên hoan phim quốc tế, hội chợ du lịch quốc tế, các sự kiện thể thao quốc tế lớn, hội chợ sách quốc tế… Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng số, mạng xã hội, trao đổi đoàn phóng viên, báo chí, hợp tác với các đoàn làm phim quốc tế.

5. Tiếp tục chọn lọc triển khai việc xây dựng các Trung tâm văn hóa Việt Nam và Trung tâm dạy tiếng nước ngoài trên cơ sở nhu cầu, quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam với nước sở tại và phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước. Nâng cao chất lượng cán bộ và hiệu quả hoạt động của các Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

6. Tiếp tục đẩy mạnh công tác văn hóa đối ngoại gắn kết chặt chẽ với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần gìn giữ, phát huy tiếng Việt, bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, thu hút nguồn lực chất lượng cao ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.

7. Tích cực triển khai các hoạt động văn hóa đối ngoại cấp quốc gia và địa phương tại khu vực biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng thông qua các chương trình giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch, các hoạt động giao lưu, giao thương thường xuyên, góp phần làm tốt công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, tăng cường giao lưu và hiểu biết lẫn nhau của người dân khu vực biên giới.

8. Chủ động hội nhập quốc tế, tận dụng hiệu quả hợp tác đa phương, phát huy hơn nữa vai trò của công tác văn hóa đối ngoại tại các cơ chế, diễn đàn đa phương quan trọng như UNESCO, ASEAN, ASEM, IFACCA, WIPO…

9. Chủ động tiếp thu, giới thiệu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; đăng cai, tổ chức các sự kiện quốc tế có quy mô, uy tín; phát triển các thương hiệu festival, lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật chất lượng tại Việt Nam. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Đẩy lùi hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực do mặt trái của toàn cầu hoá về văn hoá; đấu tranh, phản bác kịp thời những luận điệu sai trái, xuyên tạc trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.

10. Tổ chức thực hiện:

a) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, các tổ chức nhân dân, doanh nghiệp tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này; đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị theo định kỳ hàng năm, sơ kết, tổng kết theo từng giai đoạn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kịp thời đề xuất các biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác văn hóa đối ngoại.

b) Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp triển khai Chỉ thị, hỗ trợ các hoạt động văn hóa đối ngoại ở nước ngoài, gắn kết với công tác người Việt Nam ở nước ngoài, chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa đối ngoại, phát triển đội ngũ tham tán, tùy viên văn hóa.

c) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở triển khai truyền thông quảng bá về văn hóa đối ngoại song hành, hiệu quả với công tác thông tin đối ngoại.

d) Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng, hợp tác, sản xuất, trao đổi, phổ biến chương trình, sản phẩm truyền thông, quảng bá văn hóa đối ngoại ở trong và ngoài nước.

đ) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt Chỉ thị, xây dựng kế hoạch đẩy mạnh triển khai các hoạt động văn hóa đối ngoại; báo cáo kết quả công tác văn hóa đối ngoại trong năm và kế hoạch dự kiến cho năm tiếp theo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 30 tháng 11 hàng năm.

Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công Thương Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 bổ nhiệm ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương giữ chức Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 bổ nhiệm bà Vũ Việt Trang, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, giữ chức Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

Kế hoạch thực hiện Kết luận của Ban Bí thư đối với công tác phòng cháy, chữa cháy

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định 1492/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư Khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy.

Theo đó, về nhiệm vụ chung, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả các nội dung, trong đó, tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng, toàn diện nội dung Kết luận số 02-KL/TW bằng hình thức phù hợp đến các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; ban hành hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Kết luận số 02-KL/TW (thời gian hoàn thành trong quý III/2021).

Xác định phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là một nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa và xử lý các tình huống nếu xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn, bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp… phải chịu trách nhiệm trước hết về bảo đảm an toàn cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình. Xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ để xảy ra cháy và xảy ra vi phạm nghiêm trọng, mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại địa bàn, cơ sở.

Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Kịp thời biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Kế hoạch cũng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và có biện pháp giải quyết, khắc phục những thiếu sót, bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Hướng dẫn, đôn đốc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, chủ hộ gia đình thường xuyên tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là trong quản lý, sử dụng hệ thống, thiết bị điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt và các chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ. Chủ động trang bị các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của đơn vị, cơ sở theo quy định của pháp luật.

Bố trí nguồn kinh phí trong dự toán ngân sách hằng năm để bảo đảm cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại, trong đó đẩy mạnh xây dựng, triển khai các hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung và phát huy lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Kế hoạch cũng giao nhiệm vụ cụ thể đối với các Bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế.

Các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kết luận số 02-KL/TW, Chỉ thị số 47-CT/TW và Kế hoạch này, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện. Định kỳ tổ chức sơ kết đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo Chính phủ (qua Bộ Công an) trước ngày 01 tháng 10 hằng năm (lồng ghép với báo cáo thực hiện Quyết định số 630/QĐ-TTg).

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan giúp Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, định kỳ hằng năm tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Công nhận huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 1495/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 công nhận huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2020.

UBND tỉnh Hà Tĩnh có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND huyện Cẩm Xuyên tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng NTM.

Phê duyệt Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định 1493/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 phê duyệt Chương trình “Can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030”.

Chương trình được triển khai trên quy mô toàn quốc, thực hiện theo lộ trình, phù hợp với các Chiến lược, Chính sách đã ban hành nhằm cải thiện sức khỏe, giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi. Ưu tiên tập trung khu vực miền núi khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Áp dụng các gói can thiệp, các thực hành đã được chứng minh có hiệu quả ở trong và ngoài nước.

Nội dung cụ thể của các can thiệp bao gồm: Chăm sóc phụ nữ khi mang thai, tại cuộc đẻ và sau đẻ; chăm sóc sơ sinh: thực hiện đúng các quy trình chuyên môn đã được Bộ Y tế ban hành; chăm sóc trẻ dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi: Xử trí hiệu quả các bệnh lý nhiễm khuẩn, phòng chống tai nạn thương tích, khống chế bệnh dịch mới nổi và các bệnh liên quan đến tiêm chủng mới xuất hiện trở lại.

Một trong các giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu là tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi. Trong đó, tuyên truyền, vận động, thay đổi nhận thức, hành vi của các nhà hoạch định chính sách, người làm công tác quản lý ở các cấp và các đại biểu dân cử để tạo môi trường xã hội thuận lợi, trong xây dựng chính sách, huy động nguồn lực, triển khai thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Huy động sự tham gia của các ban/ngành, đoàn thể, những người có uy tín trong cộng đồng, các cơ quan truyền thông đại chúng tham gia vào công tác truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Đa dạng hóa các hình thức truyền thông, kết hợp giữa truyền thông trực tiếp với truyền thông gián tiếp, chú trọng các hình thức truyền thông hiệu quả bao gồm cả mạng xã hội để thông tin đến được nhiều đối tượng đích.

Đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi có tỷ suất tử vong trẻ em cao, chú ý sử dụng các hình thức truyền thông phù hợp với đặc điểm văn hóa, phong tục, tập quán, ngôn ngữ và điều kiện kinh tế – xã hội của mỗi vùng miền, nhóm dân tộc.

Kết hợp chặt chẽ giữa truyền thông tại cộng đồng và truyền thông, tư vấn trong hệ thống cung cấp dịch vụ y tế. Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế để thực hiện nhiệm vụ truyền thông, tư vấn khi tiếp xúc với người dân đến với cơ sở y tế.

Nội dung truyền thông cần tập trung tuyên truyền, giáo dục, giải thích cho người dân thực hiện các hành vi có lợi, dần loại bỏ các hủ tục lạc hậu, các hành vi có hại trong chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Giải pháp và nhiệm vụ chủ yếu khác là bảo đảm nguồn lực thực hiện Chương trình.

Trong đó, xây dựng tiêu chí về số lượng bác sĩ, điều dưỡng và hộ sinh cho các đơn vị chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em theo lộ trình và tính khả thi trong thực tế; tối thiểu trung tâm y tế/bệnh viện tuyến huyện có ít nhất 1-2 bác sĩ chuyên khoa sản hoặc bác sĩ đa khoa được đào tạo định hướng chuyên khoa sản; 1 bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc bác sĩ đa khoa được đào tạo định hướng chuyên khoa nhi; các bác sĩ đang thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em được đào tạo về chăm sóc và điều trị sơ sinh bệnh lý. Bảo đảm số lượng điều dưỡng/hộ sinh đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em của địa phương.

Có chính sách thu hút cán bộ sản, nhi về công tác tại các vùng miền núi khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như chính sách thực hiện nghĩa vụ xã hội đối với các cán bộ làm việc tại các cơ sở y tế tuyến trên.

Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên ngành sản nhi cho các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện, đặc biệt ưu tiên cho bệnh viện huyện vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bảo đảm đủ thuốc thiết yếu, thuốc cấp cứu và điều trị bệnh thông thường cho phụ nữ có thai và ở trẻ em dưới 5 tuổi, ưu tiên cho y tế cơ sở.

Ưu tiên và tăng cường đầu tư cho các can thiệp giảm tử vong trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 5 tuổi thông qua các cơ chế tài chính như gói dịch vụ dự phòng, nâng cao sức khỏe ở trạm y tế xã; xây dựng cơ chế tài chính nhằm hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ mang thai, người chăm sóc đưa trẻ đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Vận động nguồn lực cho triển khai nhân rộng các mô hình đã được chứng minh có hiệu quả, kinh nghiệm tốt trong chăm sóc sức khỏe trẻ em như mô hình: “Quỹ sơ sinh”, “Hỗ trợ cô đỡ thôn bản thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn tại cộng đồng”…