Điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo giữ vai trò thiết yếu trong nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu ,với hàng ngàn MW điện mặt trời đã vận hành và hơn 10.000MW điện mặt trời đang đề nghị bổ sung quy hoạch, cả nước đã có hàng chục triệu tấm quang điện (pin mặt trời) đang hoạt động. Tuy nhiên sau một thời gian phát triển ồ ạt, vấn đề xử lý pin năng lượng mặt trời( tấm quang điện) sau khi hết hạn sử dụng trở thành mối quan tâm lớn. Đây là bài toán không đơn giản và ngay cả trên thế giới, các nhà khoa học cũng có ý kiến khác nhau khi đánh giá về mức độ độc hại của nó, làm thế nào để xử lý những tấm pin này sau khi hết hạn để không gây ô nhiễm môi trường vẫn đang là bài toán nan giải. Ở Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Nhiều Dự án điện mặt trời lớn nhỏ đang ồ ạt lắp đặt.
Mạnh đầu tư điện, nhẹ xử lý pin
Trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt, nhu cầu sử dụng điện của người dân và doanh nghiệp ngày càng tăng cao, việc tìm kiếm các nguồn năng lượng mới là xu hướng tất yếu trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Trong khi thủy điện và điện gió đang phát triển không đáng kể, thậm chí có một số dự án bị đóng băng, thì năng lượng mặt trời đang được sử dụng rộng rãi và phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới. Theo số liệu và quy hoạch điều chỉnh điện của Bộ Công Thương, mục tiêu điện mặt trời đến năm 2025 tăng lên 4.000 MWp vào cán mốc 12.000 MWp năm 2030. Tuy nhiên, ngay khi có Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ, điện mặt trời đã bùng nổ tăng cấp số nhân trong khoảng 2 năm trở lại đây. Tính đến 31.12.2020 cả nước có 83 nghìn công trình điện mặt trời được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 4.700 MWp, chiếm 8.5% công suất lặp đặt hệ thống điện. Có thể thấy, so chỉ tiêu Quy hoạch điện VII điều chỉnh năm 2016, công suất điện mặt trời đang vận hành đã vượt chỉ tiêu năm 2020 (850MW) gấp nhiều lần.
Điều đáng nói, điện mặt trời phát triển như vũ bão khiến không ít người lo ngại đến vấn đề xử lý môi trường chất thải từ các tấm pin năng lượng, Với tuổi thọ trung bình của một tấm pin mặt trời vào khoảng 20-25 năm, nhiều công trình tiên phong từ đầu thế kỷ sắp sửa kết thúc vòng đời của chúng. Trong đó, trách nhiệm xử lý các tấm pin mặt trời sau khi dự án kết thúc vẫn chưa có. Trao đổi với PV, GS.TS Đặng Thị Kim Chi – Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam khẳng định, những tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ nếu chôn lấp không đúng quy định có khả năng gây ô nhiễm môi trường đất, nước do phát sinh kim loại nặng hoặc phát sinh khí thải độc hại, ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ con người.
“Pin năng lượng mặt trời là một trong những biện pháp, công cụ hữu ích giúp biến năng lượng mặt trời thành năng lượng điện. Nhưng cấu tạo của những tấm pin năng lượng mặt trời có đến 76% là pin, 10% polyme, 8% nhôm, 5% nguyên tố silic, 1% đồng và các loại kim loại như chì, thiếc… Nếu mang đi chôn lấp không đúng quy định thì các thành phần có trong tấm pin năng lượng mặt trời sẽ không được phân huỷ, gây ô nhiễm môi trường.
Vì không được phân huỷ, những chất thải này sẽ làm cho chất lượng đất vĩnh viễn không thể cải thiện được. Trường hợp những chất thải này hoà tan một phần hoặc tan vào nước thì cũng sẽ gây ô nhiễm môi trường nước, môi trường đất, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người” – bà Đặng Thị Kim Chi cho biết.
Nói về những khó khăn trong vấn đề xử lý các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi hết hạn, GS-TS Đặng Thị Kim Chi cho biết: “đối với các nước phát triển và đang phát triển, pin năng lượng mặt trời được xử lý theo 4 giai đoạn khác nhau: Chế tạo pin năng lượng mặt trời – vận chuyển pin đến nhà máy – sử dụng và thu hồi. Việc thu hồi pin mặt trời trở thành một trong những yêu cầu bắt buộc đối với nhà máy sử dụng pin mặt trời cho phát điện. Các nước phát triển rất quan tâm đến vấn để xử lý, thu gom pin mặt trời đã qua sử dụng, bởi vì nếu không xử lý tốt thì sẽ có khối lượng khổng lồ chất thải ra môi trường, làm huỷ hoại môi trường.”
Theo bà Chi, việc xử lý những tấm pin mặt trời rất khó khăn, bởi trong tế bào quang điện ở pin mặt trời có các thành phần nguy hại như: Antimomny, arsenic, barium, cadmium, chì, coban, kẽm, molybdennum, thuỷ ngân… Quá trình xử lý phải được tái chế hết sức chặt chẽ như tháo gỡ khung nhôm bằng phương pháp thủ công.
Sau đó tách các lớp vật liệu, tế bào và modum của tấm pin năng lượng mặt trời và dỡ bỏ tế bào quang điện. Trong việc dỡ bỏ tế bào quang điện phải sử dụng phương pháp hoá học và axit nitric, dung môi hữu cơ… để hoà tan, hoặc sử dụng phương pháp nhiệt phân. Đây đều là những phương pháp khó và phức tạp, đòi hỏi quá trình xử lý phải cẩn thận và kỹ lưỡng.
Đồng quan điểm, GS Trần Đình Long, Viện trưởng Điện lực Việt Nam nhận xét: “ bài toán phát triển điện mặt trời gắn với sự phát triển bền vững môi trường chưa được coi trọng, thậm chí bị bỏ quên. “Trong thời gian qua, chúng ta đã quá chú trọng giá mua điện hấp dẫn thế nào để thu hút nhà đầu tư mà bỏ quên chi phí xử lý liên quan môi trường với những tấm pin rất lớn”.
Trên thế giới, hầu hết các nước chưa có quy định rõ ràng, đầy đủ về việc xử lý các tấm pin sau khi hết hạn, cũng như việc xử lý, bóc tách các thành phần trong pin mặt trời. Hiện tại, chưa có chế tài cưỡng chế, bảo đảm rằng nếu nhà sản xuất đầu tư không thực hiện đúng cam kết thì phải chịu trách nhiệm và đền bù như thế nào.
Phế thải từ các tấm pin mặt trời sẽ là một vấn đề môi trường rất lớn trong những thập niên tới trên thế giới. Nếu không kịp thời nghiên cứu, phát triển các công nghệ thu gom, xử lý và tái chế cũng như ban hành các cơ chế chính sách phù hợp thì các quốc gia đang phát triển sẽ phải gánh chịu nguy cơ ô nhiễm môi trường. Tính tới thời điểm hiện tại, các nước Nigeria, Việt Nam, Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ đang là những nơi tập kết chính của rác thải điện tử.”
Không thể ràng buộc bằng lời hứa, cần đi trước một bước
Việc xử lý tấm pin năng lượng mặt trời hết hạn sử dụng vẫn còn bỏ ngỏ
ẢNH: NGUYÊN NGA
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, chất lượng của tấm pin năng lượng quyết định tỷ lệ rác thải ra môi trường. Nếu đầu tư làm pin chất lượng cao, tuổi thọ lên đến 30 năm, từ các quốc gia phát triển, đã có kinh nghiệm làm năng lượng tái tạo mấy chục năm qua như Đức, Pháp, Ý, Úc… giá thành rất cao.
Còn lại, pin năng lượng của Trung Quốc đang được sản xuất đại trà, giá rẻ tuổi thọ thường chỉ 7 – 10 năm, khó cao trên 15 năm như quảng cáo của họ là 20 – 25 năm. Trước mắt, cần có công nghệ… bảo quản các tấm pin để nâng tuổi thọ các tấm pin, song song công nghệ xử lý rác thải. Ông nói, Việt Nam đang phát triển các dự án ĐMT, khuyến khích phát triển là điều tốt, nhưng chúng ta chưa có quy định ràng buộc rõ ràng về trách nhiệm xử lý pin thải từ nhà đầu tư.
Hiện tại, các quy định đề cập trong Thông tư 18 của Bộ Công thương không có ràng buộc trách nhiệm. Trong quy chế đấu thầu sắp tới đối với các dự án ĐMT mà Bộ Công thương đang soạn thảo, cần đưa vào đủ 4 yếu tố bắt buộc. Đó là chất lượng tấm pin (bao gồm xuất xứ, thương hiệu, cam kết của nơi cung ứng hàng…), công suất thời gian phát điện, giá cả và thời gian khấu hao, pin được sử dụng bao lâu… Giá bán điện từ nhà đầu tư cho quốc gia cũng không nên và không thể là yếu tố đặt lên hàng đầu mà là chất lượng của tấm pin.
Đồng quan điểm, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Viện phó Viện Năng lượng (Bộ Công thương) bổ sung, Thông tư 18 thể hiện “niềm tin” của Bộ Công thương rằng các nhà sản xuất hứa sau khi hết thời gian sử dụng sẽ thu hồi lại, xử lý phần kim loại nặng từ các tấm quang điện, phần còn lại đem chôn lấp, xử lý như rác thải thông thường.
Họ cũng hứa sẽ chịu chi phí xử lý rác thải từ những tấm pin năng lượng mặt trời, người dân không phải bỏ tiền. Tuy nhiên tất cả chỉ là ràng buộc trên lời hứa, như 1 điều khoản thêm vào cho đủ thủ tục trong bối cảnh cấp thiết đầu tư các nhà máy ĐMT để kịp thời bù đắp thiếu hụt điện trong nước.
Chưa có chế tài cưỡng chế, đảm bảo rằng nếu các nhà sản xuất, nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết thì sẽ phải đền bù, chịu trách nhiệm. Quy định mỏng này có thể dẫn đến một tương lai màu xám như điện than, đánh giá tác động môi trường yêu cầu phải khử bỏ phần kim loại nặng nhưng vẫn không có đủ chế tài để làm, để xử lý, khiến điện than trở thành một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ô nhiễm và biến đổi khí hậu.
“Cần quy định cụ thể yêu cầu nhà đầu tư phải đền bù hoặc giảm giá thành như một khoản bù đắp về ô nhiễm, giống như điện than đang bị yêu cầu đóng thêm thuế ô nhiễm môi trường.
Kèm theo đó, phải có chế tài và biện pháp đủ mạnh, chính quyền địa phương đủ trách nhiệm để thực hiện chế tài đó. Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo nhưng không có nghĩa phát triển càng nhiều càng tốt. Cần có quy hoạch, chính sách phát triển năng lượng một cách hợp lý, sử dụng cân đối giữa các nguồn nhiên liệu sơ cấp, phát triển hài hòa theo từng giai đoạn vì có thể 10 năm sau, công nghệ, các biện pháp sẽ khác, hướng xử lý cũng sẽ có nhiều thay đổi”, vị này đề xuất.
Theo GS-TS Đặng Thị Kim Chi, hiện nay, việc quản lý chất thải rắn và nguy hại đã được Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ban hành, thông qua nhiều nghị định, thông tư khác nhau. Song, với chất thải là những tấm pin năng lượng mặt trời hết hạn – hiện vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền xếp vào dạng chất thải nguy hại hay chất thải rắn thông thường. Cũng bởi chưa có quy định cụ thể nên việc xử lý vấn đề này còn lúng túng, bị động – trong khi tốc độ phát triển các nhà máy năng lượng mặt trời đã bùng nổ trong thời gian qua.
“Theo quan điểm của tôi, để xử lý những tấm pin năng lượng mặt trời, tránh gây hại cho môi trường, trước hết là các giải pháp về chính sách. Trong đó, cần quan tâm vấn đề quản lý các tấm pin như thế nào, chính sách thu hồi ra sao? Ngoài ra, chính sách khuyến khích tái sử dụng và tái chế các loại pin này, cũng như các biện pháp để giảm khối lượng chất thải ra cũng rất quan trọng.
Bên cạnh đó, cần đi ngay vào các giải pháp kỹ thuật, làm sao có được đánh giá về các giải pháp công nghệ tái chế pin năng lượng mặt trời, xử lý pin năng lượng mặt trời thải ra, phù hợp nhất với điều kiện môi trường của Việt Nam” – bà Chi nói.
Theo chuyên gia này, trong luật Bảo vệ Môi trường mới được thông qua, không có điều luật nào quy định đối với chất thải là tấm pin năng lượng mặt trời, nhưng lại có nhiều văn bản và vấn đề liên quan đến việc xử lý các sản phẩm thải bỏ theo hướng tuần hoàn lại chất thải.
“Luật đã ban hành, nhưng việc quản lý chất thải tấm pin năng lượng mặt trời có thể đưa vào các thông tư, nghị định để hướng dẫn thu hồi, xử lý, tái sử dụng ở Việt Nam. Trong luật cũng đã đưa ra vấn đề về kinh tế tuần hoàn, nhấn mạnh các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải thống nhất quản lý, để giảm chất thải, nâng cao việc tái sử dụng, tái chế.
Hiện nay, chúng ta vẫn phải nhập khẩu những tấm pin mặt trời; các nhà sản xuất nước ngoài phải có cam kết thu hồi sản phẩm đó. Nhưng, cũng cần xem xét tính khả thi lâu dài, pin này có tuổi thọ rất cao từ 15-25 năm. Vậy không rõ đến thời điểm hết hạn, các nhà sản xuất đó có còn phát triển để cam kết thu hồi hay không? Do đó, chúng ta cần lo trước, cần xử lý pin mặt trời trước khi tin tưởng vào nhà sản xuất, nhà nhập khẩu sẽ thu hồi” – GS-TS Đặng Thị Kim Chi cho hay.
Quang Hùng (T/h)