THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

6

Thủ tướng bổ nhiệm Tổng giám đốc Đài Tiếng         nói Việt Nam

Tại Quyết định 898/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên nhiệm kỳ 2020-2025, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Hưng Yên, giữ chức Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).

Bổ sung kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung 238.301 triệu đồng kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cho các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương (đợt 3).

Cụ thể, kinh phí bổ sung cho các bộ, cơ quan Trung ương là 63.870 triệu đồng. Kinh phí bổ sung cho các địa phương là 174.431 triệu đồng.

Nguồn kinh phí: Sử dụng từ nguồn dự phòng kinh phí bầu cử đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là 30.479 triệu đồng; bổ sung từ nguồn dự toán chi quản lý hành chính ngân sách Trung ương năm 2021 đã được Quốc hội quyết định (ngoài nguồn kinh phí 1.500.000 triệu đồng đã bố trí từ nguồn dự toán chi quản lý hành chính ngân sách trung ương năm 2021 phục vụ bầu cử) là 207.822 triệu đồng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin và số liệu báo cáo; thực hiện thông báo kinh phí bổ sung (đợt 3) cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương căn cứ kinh phí được bổ sung nêu trên để thực hiện các nhiệm vụ phục vụ bầu cử năm 2021. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung bảo đảm đúng quy định, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch.

Sửa đổi chức năng BQL Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 892/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1296/QĐ-TTg ngày 3/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 1296/QĐ-TTg. Cụ thể, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố  Đà Nẵng, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư trong khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo quy định của pháp luật.

Ưu đãi thuế TNDN với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển

Chính phủ ban hành Nghị định 57/2021/NĐ-CP bổ sung điểm g khoản 2 Điều 20 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP) về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) đối với DN có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.

Cụ thể, DN có dự án đầu tư (đầu tư mới và đầu tư mở rộng) sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, thực hiện trước ngày 1/1/2015, đáp ứng các điều kiện của dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13 và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thì được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN như sau:

1- Trường hợp DN có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, mà thu nhập từ dự án này chưa được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN thì được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

2- Trường hợp DN có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, mà thu nhập từ dự án này đã hưởng hết ưu đãi thuế thu nhập DN theo điều kiện ưu đãi khác (ngoài điều kiện ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ) thì được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho thời gian còn lại, kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

3- Trường hợp DN có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, mà thu nhập từ dự án này đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN theo điều kiện ưu đãi khác (ngoài điều kiện ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ), thì được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Cách xác định thời gian ưu đãi còn lại

Nghị định quy định cụ thể cách xác định thời gian ưu đãi còn lại nêu tại (2) và (3) nêu trên. Cụ thể, thời gian ưu đãi còn lại được xác định bằng thời gian ưu đãi thuế thu nhập DN theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trừ đi số năm miễn thuế, số năm giảm thuế, số năm hưởng thuế suất ưu đãi đã được hưởng ưu đãi theo điều kiện ưu đãi khác, cụ thể như sau:

– Thời gian miễn thuế còn lại bằng thời gian miễn thuế theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trừ đi thời gian miễn thuế đã hưởng ưu đãi theo điều kiện ưu đãi khác.

– Thời gian giảm thuế còn lại bằng thời gian giảm thuế theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trừ đi thời gian giảm thuế đã hưởng ưu đãi theo điều kiện ưu đãi khác.

– Thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi còn lại bằng thời gian ưu đãi thuế suất theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trừ đi thời gian ưu đãi thuế suất đã hưởng theo điều kiện ưu đãi khác (nếu có).

Cắt giảm các chứng chỉ phải gắn với nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đối với đề nghị của Bộ Nội vụ về cắt giảm các chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với các Bộ trong quá trình thực hiện việc rà soát, cắt giảm các chứng chỉ bồi dưỡng theo yêu cầu. Bảo đảm nguyên tắc là việc bỏ các chứng chỉ phải gắn với nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức một cách thực chất, nhất là trình độ ngoại ngữ; phù hợp với vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý, tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Đồng thời, Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn chỉnh lại và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2017/NĐ-CP trong tháng 6 năm 2021. Trong đó, lưu ý nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức; phân cấp thẩm quyền; quy định rõ lộ trình thực hiện các nội dung liên quan đến chứng chỉ bồi dưỡng và trách nhiệm của các Bộ trong triển khai thực hiện.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức được giao quản lý cho phù hợp, bảo đảm cắt giảm những chứng chỉ bồi dưỡng mang tính hình thức, không phù hợp, trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; quy định về chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch công chức, chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp viên chức phù hợp với yêu cầu, tính chất hoạt động nghề nghiệp của công chức, viên chức.

Cùng với đó, rà soát, sửa đổi các chương trình bồi dưỡng đối với công chức, viên chức chuyên ngành được giao quản lý, tránh trùng lặp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Cắt giảm chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng trong cùng một nhóm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm./.