NÂNG CAO TÍNH NGHỆ THUẬT TRONG HỆ THỐNG CHIẾU SÁNG CÔNG CỘNG TP.HCM Nếu trước đây chiếu sáng chỉ đẩy lùi bóng tối thì giờ đây với sự phát triển vượt bậc của cách mạng khoa học kỹ thuật, đời sống vật chất và tinh thần của con người được cải thiện đáng kể, mục đích và yêu cầu của kỹ thuật chiếu sáng có sự thay đổi quan trọng. Chức năng chiếu sáng ngoài việc phải đảm bảo điều kiện tiện nghi lao động, tiện nghi sinh hoạt của con người nâng cao giá trị thẩm mỹ cho các công trình kiến trúc, cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật còn phải tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Vì vậy việc nâng cao tính mỹ thuật trong hệ thống chiếu sáng công cộng là rất cần thiết của một khu đô thị phát triển trong giai đoạn hiện nay.
– Chiếu sáng công năng để phục vụ cho sinh hoạt, an ninh, giao thông,…
– Chiếu sáng mỹ thuật bao gồm chiếu sáng các công trình kiến trúc tượng đài, sân khấu sự kiện, lễ hội, quảng cáo,….
Để tạo định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống chiếu sáng công cộng của một đô thị thì chúng ta cần nắm bắt mục đích và yêu cầu của từng phân nhóm để có cái nhìn chung hài hòa với quá trình phát triển của đô thị tránh trường hợp xung đột nhau vừa gây ô nhiễm ánh sáng vừa giảm mỹ quan, lãng phí điện năng:
I. Chiếu sáng công cộng an ninh – giao thông :
I.1. Mục đích :
– Tạo môi trường ánh sáng tốt, giúp người lái xe xử lý nhanh chóng, chính xác các tình huống xảy ra trên đường đảm bảo lái xe an toàn với tốc độ quy định của từng cấp đường trong đô thị.
– Đảm bảo an toàn cho mọi phương tiện và con người lưu thông trên đường, giảm đến mức thấp nhất tại nạn giao thông.
– Đảm bảo an ninh cho người đi bộ, đi xe đạp và đi xe máy lưu thông trên đường phố.
– Làm sáng rõ các biển chỉ dẫn giao thông.
– Làm đẹp cảnh quan đô thị vào ban đêm.
I.2. Yêu cầu :
Chiếu sáng giao thông phải làm lộ rõ tất cả các đặc điểm của đường và dòng giao thông bao gồm các phương tiện giao thông chạy trên đường, người đi bộ, biển báo, vật chướng ngại. Nên để nâng cao tính thẩm mỹ và hiệu quả của chiếu sáng giao thông cần phải có quy hoạch cách bố trí kiểu dáng, chủng loại trụ và đèn phù hợp với cảnh quan quy hoạch đô thị xung quanh nơi bố trí hệ thống này. Hệ thống đèn phải phù hợp đặc điểm của con phố hay của không gian công cộng đang thiết kế. Những yếu tố như đặc điểm kiến trúc hay tính lịch sử của các công trình và không gian, cây xanh và sánh sáng đèn đều liên quan tới nhau. Nếu công năng chính của con đường là tuyến giao thông, việc thiết kế chiếu sáng sẽ khác hẳn so với các phố nằm giữa khu dân cư. Đối với các phố đi bộ hay các con đường nằm giữa khu dân cư, đèn đường phải được thiết kế là một phần của cảnh quan chung, phù hợp với các trang thiết bị công cộng khác như các băng ghế, trạm chờ xe buýt, thùng rác, phục vụ cho hoạt động đi lại và buôn bán, sinh hoạt văn hoá trên vỉa hè, quảng trường, mảng xanh công cộng. Các yếu tố cần quan tâm là số đèn lắp trên một cột đèn (một đèn, hai đèn hay nhiều hơn), vật liệu, màu sắc, hình dáng hiện đại hay cổ điển. Ngoài ra, nhiều loại đèn phục vụ những mục đích khác nhau cũng nên được lắp đặt kết hợp với nhau. Chúng nên đồng bộ cùng một kiểu, chỉ khác nhau theo yêu cầu chức năng đòi hỏi cho một tuyến đường quy hoạch trong một không gian giống nhau. Khi thiết kế cũng cần quan tâm tới các thành phần gắn kèm khác như biển báo giao thông, biển hướng dẫn v.v.
Loại ánh sáng và hình dáng đèn cũng phải phù hợp với các yếu tố sau: chiều rộng đường, chiều rộng vỉa hè, chiều rộng lối đi bộ (trong công viên hay trên quảng trường), chiều cao của các công trình xung quanh, số lượng, vị trí và loại cây xanh xung quanh, chiều dài của các công trình. Nhưng trước hết cần phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong bố trí hệ thống chiếu sáng để đảm bảo độ đồng đều và độ chói theo đúng cấp đường và lưu lượng xe đã được thiết kế cho đường. Ngoài ra sử dụng loại đèn có hiệu suất cao và chiếu đúng nơi cần thiết chiếu sáng tránh gây ô nhiễm ánh sáng cho môi trường xung quanh, đồng thời sử dụng các chủng loại đèn hoặc công nghệ điều khiển để có khả năng tiết giảm công suất khi cần thiết kế để phù hợp với lưu lượng các phương tiện giao thông vào từng thời điểm về đêm trên mặt đường, nhằm tiết kiệm tối đa lượng điện năng tiêu thụ nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho mục đích sử dụng mang lại hiệu quả trong chiếu sáng công cộng an ninh – giao thông.
II. Chiếu sáng mỹ thuật, công trình kiến trúc và tượng đài :
Trong kiến trúc màu sắc là một trong những yêu tố cấu thành quan trọng. Nó được sử dụng trong các công trình theo những nguyên tắc khoa học, nghệ thuật, tôn giáo. Những nguyên tắc đó từ lúc ban đầu cho đến nay đã có nhiều biến đổi theo các giai đoạn của lịch sử kiến trúc.
Nói đến màu sắc, không thể không đề cập đến ánh sáng. Không có ánh sáng, màu sắc chỉ là một vùng tối đen. Hay nói cách khác các vật chất không có màu mà chỉ hấp thu phản xạ ánh sáng để tạo ra màu sắc. Màu sắc luôn chịu sự chi phối lớn của môi trường ánh sáng. Ngược lại ánh sáng từ một vật thể cũng ảnh hưởng bởi màu sắc hấp thu của nó. Vì vậy khó có thể tách rời hai thành tố này.
( Hệ thống chiếu sáng mỹ thuật Uỷ ban Nhân dân TP.HCM )
Chiếu sáng sẽ thực sự tạo những hiệu quả thú vị bất ngờ khi việc tổ chức chiếu sáng chú trọng tập trung làm nổi bật con người, kiến trúc và các tác phẩm nghệ thuật. Sau khi lắp đặt hệ thống chiếu sáng theo một thiết kế hoàn chỉnh không gian kiến trúc sẽ được mở ra lung linh, đầy lôi cuốn, nên mục tiêu của chiếu sáng mỹ thuật công trình kiến trúc và tượng đài là :
Đưa công trình kiến trúc lịch sử hòa vào cảnh quan chung quanh nó chứ không coi mỗi công trình là một viên ngọc để trưng bày. Bí quyết đơn giản : “Là đưa ánh sáng đến đúng mục tiêu, không chệch đến chỗ khác”.
Tùy theo quy mô, tính chất và đặc điểm kiến trúc của công trình, hệ thống chiếu sáng kiến trúc và tượng đài phải thỏa mãn các yêu cầu sau :
– Chiếu sáng đều các bề mặt chính của công trình.
– Làm rõ giới hạn của công trình.
– Khắc họa các chi tiết đặc thù của công trình.
– Tạo sự tương phản sáng tối và tương phản màu sắc.
– Cần tránh bóng đen, sự chói lóa, phản chiếu gương, quá sáng…
– Lưu ý thiết kế chiếu sáng mỹ thuật cần phải xác định :
– Kiểu, phong cách kiến trúc.
– Các đường nét kiến trúc, cổng, vòm, mái, cửa sổ, tường, cột…
– Các họa tiết, phù điêu trang trí đặc trưng.
– Vật liệu, màu sắc.
– Hướng quan sát, chiêm ngắm chính của công trình.
– Các đặc điểm cần lưu ý theo hướng ngắm chính.
– Hướng nhìn toàn cảnh hay hướng nhìn cận cảnh.
– Cảnh quan môi trường xung quanh, mức độ ảnh hưởng.
( Hệ thống chiếu sáng mỹ thuật Cầu Thủ Thiêm )
Để chiếu sáng công trình kiến trúc và tượng đài người ta dựa vào cơ bản những thủ pháp sau :
– Tìm điểm nhấn của công trình tạo sự thu hút.
– Tìm hướng nhìn của công trình
– Tạo hiệu ứng màu sắc khác nhau
– Tạo hiệu ứng bề mặt thay đổi
– Hiệu ứng chiếu sáng ngược chẳng hạn như : Chiếu sáng bề mặt thứ hai của công trình và không chiếu sáng bề mặt thứ nhất, để tạo điểm nhấn về độ sâu, điểm nhấn của chi tiết ở bề mặt thứ hai và góp phần tạo cảm giác tối ở bề mặt thứ nhất tôn tạo điểm nhất.
– Tạo thang bậc cho công trình,…
Công trình chiếu sáng kiến trúc và tượng đài là công trình chiếu sáng đi vào chiều sâu, mang tính ổn định, bền vững nên đòi hỏi cần sử dụng những vật tư mang tính chuyên dụng có độ bền và tuổi thọ cao. Để mang lại hiệu quả chiếu sáng công trình kiến trúc và tượng đài cần phải phân cấp kịch bản cho công trình có cấp độ chiếu sáng khác nhau để chia vào những thời điểm khác nhau trong năm như : ngày thường, ngày lễ hội…Sở dĩ chia kịch bản như thế là vì nếu hàng đêm chúng ta thực hiện chiếu sáng công trình rực rỡ theo một cấp độ chiếu sáng thì qua năm tháng sẽ trở thành đơn điệu và không tạo được ấn tượng cho người thưởng ngoạn vào dịp lễ hội.
III. Chiếu sáng lễ hội sự kiện :
Chúng tôi cũng đã từng trang trí đèn cho nhiều con đường trong các sự kiện, lễ hội của Thành phố như đường Đồng Khởi, đường Lê Duẩn, đường hoa Nguyễn Huệ rất được người dân khen ngợi. Nhưng đó chỉ là chiếu sáng lễ hội sự kiện, đặc tính của chiếu sáng lễ hội sự kiện là mang tính rực rỡ đầy sắc màu xảy ra trong một thời gian ngắn theo chủ đề của từng sự kiện lễ hội, nhưng không có tính bền vững và chiều sâu như hệ thống chiếu sáng mỹ thuật công trình kiến trúc và tượng đài. Nên hệ thống chiếu sáng lễ hội khi thiết kế chú ý đến tạo vẻ rực rỡ muôn màu nơi không gian chiếu sáng tập trung vào chủ đề đặc trưng từng sự kiện lễ hội, ấn tượng tạo ra sẽ mạnh mẽ nhất khi ta bắt gặp nó tại những nơi thường ngày không có sự trang trí của chiếu sáng, bất ngờ nhất với cách chiếu sáng độc đáo, hiếm thấy. Tuy nhiên, trong quá trình tính toán thiết kế chiếu sáng trang trí lễ hội cần chú trọng đến tính an toàn cho người thưởng ngoạn về công năng nơi sử dụng không gian, an toàn điện và tiết kiệm điện, dễ tháo lắp trong quá trình thi công. Hiện nay với công nghệ LED phát triển rất mạnh mẽ nên việc chiếu sáng trang trí lễ hội thường sử dụng công nghệ này để thực hiện thiết kế, vừa an toàn vừa tiết kiệm đồng thời có tính thẩm mỹ rất cao.
( Hệ thống chiếu sáng mỹ thuật đường hoa Nguyễn Huệ )
IV. Chiếu sáng sáng quảng cáo :
Do việc chiếu sáng quảng cáo cần phải thực hiện theo cách bắt mắt rực rỡ, nên các đơn vị thực hiện công tác chiếu sáng quảng cáo ít quan tâm đến công suất sử dụng. Nên việc chiếu sáng quảng cáo theo cách trăm hoa đua nở dẫn đến tình trạng chiếu sáng quảng cáo tiêu tốn khá nhiều điện, nhiều nơi chiếu sáng quảng cáo và trang trí không những sử dụng điện lãng phí mà còn mất thẩm mỹ, do quảng cáo còn mang tính tự phát, thiếu tính quy hoạch. Cơ quan quản lý chuyên ngành cần có quy hoạch tổng thể, tạo cơ sở pháp lý để các đơn vị quảng cáo thực hiện theo luật, nhằm hòa mình vào trong quy hoạch chiếu sáng tổng thể chung của đô thị góp phần làm đẹp diện mạo chung của đô thị vào ban đêm.
( Chiếu sáng quảng cáo )
Ngày nay cảnh quan kiến trúc ban đêm của thành phố cũng được coi là một khái niệm kiến trúc mới, dưới tên gọi “ kiến trúc ánh sáng đô thị”. Đó là những tổng hợp những kiến thức về sử dụng ánh sáng nhân tạo làm nổi bật kiến trúc đô thị về đêm. Muốn có giải pháp hoàn hảo cho vấn đề này, một mặt đòi hỏi phải phân tích kỹ lưỡng cấu trúc qui hoạch đô thị : các vùng khác khác nhau trong đô thị; các cầu qua sông; các cảnh quang kiến trúc như: công trình lịch sử, tượng đài, kiến trúc đặc biệt,…; đặc biệt là các đường trục chính; chiếu sáng lễ hội;… Mặt khác phải hiểu biết sâu sắc các kiến thức kiến trúc, kỹ thuật và thẩm mỹ chiếu sáng để thực hiện ý tưởng chiếu sáng mỹ thuật nhằm tôn tạo kiến trúc quần thể của một đô thị. Vì vậy khi phân tích để tìm giải pháp chiếu sáng thường chia các công trình thành hai tỷ lệ :
– Tỷ lệ cảnh quan, tạo bởi các bộ phận không gian kiến trúc đô thị được quan sát từ khoảng cách xa.
– Tỷ lệ cá biệt, tạo bởi các tổ hợp nhà, màu sắc và trang trí của chúng được quan sát từ khoảng cách gần.
Nhằm mục đích phải biết kết hợp hài hòa cả hai tỷ lệ nói trên để qui hoạch tạo nên kiến trúc ánh sáng đô thị. Để đạt được hiệu quả cao trong chiếu sáng công cộng mà vẫn tiết kiệm điện, toàn bộ hệ thống về tiêu chuẩn, quy chuẩn chiếu sáng cần được xem xét lại, tìm ra những vấn đề chưa hợp lý nhằm nghiên cứu lập ra những quy định mới, phù hợp với tình hình thực tế. Trong quy hoạch kiến trúc, nội dung về chiếu sáng đô thị cần đưa vào như một yêu cầu trong xây dựng đô thị, coi đấy như một điều kiện bắt buộc có tính pháp lý trong quản lý qui hoạch đô thị.