8 năm chờ đợi tiến trình hòa bình và “cú hích” khiến Nga công nhận Donbass

41

 Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Moscow cho rằng, việc sử dụng Ukraine như một công cụ để đối đầu Nga là một mối đe dọa rất nghiêm trọng.

Đêm 21/2/2022, tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký 2 sắc lệnh công nhận độc lập cho 2 nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk. Tham gia lễ ký có lãnh đạo Donetsk và Lugansk, ông Denis Pushilin và ông Leonid Pasechnik.

Ngoài ra, Tổng thống V. Putin cũng đã ký với 2 ông Pushilin và Pasechnik 2 hiệp định hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ giữa Nga với các nước cộng hòa Donetsk và Lugansk.

Phát biểu với nhân dân Nga qua sóng truyền hình, Tổng thống V. Putin nói:

“Nga đã làm mọi thứ có thể để bảo tồn sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và trong suốt những năm qua đã đấu tranh không mệt mỏi và kiên nhẫn nhằm thực hiện Nghị quyết 2202 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bao gồm một nhóm các biện pháp Minsk để giải quyết tình hình ở Donbass … ”

“Tuy nhiên, mọi thứ đều vô ích, những người đứng đầu ở Kiev, các đại biểu của Rada ( Hội đồng tối cao Ukraine) không công nhận bất kỳ giải pháp nào cho vấn đề Donbass ngoài quân sự.”

Ông tuyên bố: “Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng cần phải thực hiện một quyết định đã được chờ đợi từ lâu là công nhận ngay nền độc lập và chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk.”

Tổng thống V. Putin đã chỉ trích cách chính quyền Kiev đối xử với những người nói tiếng Nga, lên án và đòi Ukraine chấm dứt ngay lập tức hoạt động quân sự tại các khu vực Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine.

Sau đó, ông đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang Nga thực hiện nhiệm vụ giữ gìn giữ hòa bình ở Donetsk và Lugansk.

Động lực nào thúc đẩy Nga?

Trong suốt quá trình lịch sử cổ đại và hiện đại người dân Nga và Ukraine đã có mối quan hệ gắn bó tuyệt vời, đặc biệt dưới thời Liên bang Xô Viết. Do có mối quan hệ tốt đẹp như vậy, nhà lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin đã chuyển giao Crimea cho Ukraine. Khu vực Donbass cũng vậy.

Sau khi Liên Xô tan rã, Nga vẫn thừa nhận thực tế này và không ngừng viện trợ kinh tế, tài chính cho Ukraine trong khi nước này gặp khó khăn, nợ nần chồng chất.

Tổng thống Nga V. Putin nói: “Ukraine luôn được hưởng lợi từ quan hệ đối tác và hợp tác với Nga mà không phải thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào, đặc biệt Nga luôn luôn cũng cấp khí đốt cho Ukraine với các điều kiện ưu đãi.”

Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Ukraine bắt đầu ngả sang phương Tây.

Từ năm 2014, Ukraine đã phải chứng kiến ​​một cuộc khủng hoảng chính trị, quân sự gay gắt sau các cuộc biểu tình rộng rãi với sự ủng hộ của phương Tây và sự tham gia đông đảo của các lực lượng trong nước nhằm thay đổi chính quyền thân Nga ở Kiev.

Một cuộc giao tranh giữa các lực lượng địa phương và chính phủ đã nổ ra ở vùng Donbass, miền đông Ukraine, nơi có nhiều người nói tiếng Nga sinh sống,

Sau khi chiếm được các vùng công nghiệp Donetsk và Luhansk giáp với biên giới Nga, tháng 4/2014, lực lượng ly khai đã tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân, tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Donetsk và nước Cộng hoà Nhân dân Luhansk. Cuộc xung đột giữa Ukraine và Donetsk, Luhansk bắt đầu từ đó.

Đề giải quyết cuộc xung đột năm 2014, chính quyền Ukraine và phe ly khai ở Donbass đã ký thỏa thuận Minsk-1, tới năm 2015, Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã ký thỏa thuận Minsk-2. Đồng thời năm 2014, Đức, Nga, Pháp và Ukraine đã ký “Định dạng Normandy” tại Paris.

Nội dung chính của các thỏa thuận này là các bên đồng ý ngừng bắn, tiến hành thương lượng để tìm ra giải pháp đáp ứng lợi ích của tất cả các bên liên quan. Theo thỏa thuận, Ukraine sẽ trao cho hai khu vực Donetsk và Luhansk quy chế đặc biệt và quyền tự quyết đáng kể để đổi lấy việc giành lại quyền kiểm soát biên giới với Nga.

Tám năm trôi qua, các thỏa thuận này đã không được thực hiện. Mỹ và các nước đồng minh châu Âu đồng ý nhưng không thúc giục các bên tôn trọng thỏa thuận. Trong khi đó, NATO thực hiện chính sách mở rộng liên minh sang phía Đông, sẵn sàng kết nạp Ukraine, triển khai các vũ khí chiến lược ở các nước giáp biên giới Nga.

Moscow cho rằng, việc sử dụng Ukraine như một công cụ để đối đầu Nga là một mối đe dọa rất nghiêm trọng, Nga không thể chấp nhận được. Trong tình hình như vậy, tháng 12/2021, Nga đã đưa ra đề xuất đảm bảo an ninh cân bằng cho cả Nga và châu Âu, nhưng Mỹ và NATO đã bác bỏ.

Trong khi đó, các vụ pháo kích vẫn xảy ra ở khu vực Donbass.

Đề đảm bảo an ninh của mình, đồng thời đáp trả lại các động thái của Mỹ, Ukraine và châu Âu, theo đề nghị của Duma quốc gia (Quốc hội) và yêu cầu của lãnh đạo hai nước cộng hoà Donetsk và Luhansk, Tổng thống V. Putin đã quyết định công nhận nền độc lập của khu vực này.

Phản ứng quốc tế

Nhìn chung, phản ứng quốc tế đối với việc Nga công nhận nền độc lập của Donetsk và Luhansk là có mức độ. Đến nay, mới chỉ có các Mỹ và phương Tây lên tiếng phản đối và chưa đưa ra bất kỳ hành động trả đũa nào cụ thể đối với Nga.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã hủy chuyến thăm dự kiến ​đến Cộng hòa Dân chủ Congo và trở về New York do tình hình ngày càng xấu đi ở Ukraine.

Ngày 23/2/2022, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp phiên khẩn cấp, nhưng cũng không lên án Nga và không đưa ra được bất cứ nghị quyết nào.

Tổng thống J. Biden đã thảo luận qua điện thoại ngay với Tổng thống Pháp E. Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz về cuộc khủng hoảng Ukraine.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Mỹ sẵn sàng đáp trả ngay lập tức và sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ với các đồng minh, bao gồm cả Ukraine về các bước tiếp theo liên quan đến sự leo thang liên tục của Nga ở biên giới Ukraine. Tổng thống J. Biden đã ký sắc lệnh cấm người Mỹ tiến hành các hoạt động đầu tư, thương mại hoặc tài chính ở Donetsk và Luhansk, đồng thời hứa sẽ bổ sung các biện pháp trừng phạt khi cần thiết.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley đã điện đàm với người đồng cấp Ukraine tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Washington đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Thủ tướng Anh Boris Johnson lên án việc Nga công nhận các nước cộng hòa ly khai ở miền Đông Ukraine, coi đây là hành động vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, thoái thác các thỏa thuận Minsk được ký kết vào năm 2015.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss lưu ý rằng, quyết định này của ông Putin “chấm dứt quá trình Minsk và là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc. London sẽ không cho phép Nga vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của mình mà không bị trừng phạt.”

Tổng thống Pháp E. Macron cũng lên án quyết định nêu trên của Nga, đồng thời kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã điện đàm với Tổng thống Mỹ J. Biden trước khi chủ trì cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine để thảo luận về phản ứng đối với quyết định của Nga công nhận độc lập của Donetsk và Luhansk.

Phát biểu trước người dân Ukraine sáng ngày 22/2/2022, ông V. Zelensky đã cáo buộc Nga phá hoại các cuộc đàm phán hòa bình và khẳng định không nhượng bộ bất kỳ lãnh thổ nào. Ông tuyên bố, Ukraine vẫn cam kết hòa bình và ngoại giao sau khi Nga chính thức công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai, đồng thời kêu gọi triệu tập một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp giữa các nhà lãnh đạo Ukraine, Nga, Đức và Pháp.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng lên án quyết định của Nga, cho đây là sự vi phạm các thỏa thuận Minsk mà Moscow đã ký kết, làm xói mòn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và gây suy yếu các nỗ lực giải quyết xung đột.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, trong một tuyên bố chung cho biết, Liên minh châu Âu sẽ đáp trả bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người tham gia vào động thái này.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố bác bỏ quyết định của Nga và cho rằng quyết định này là không thể được chấp nhận được, vì nó mâu thuẫn với các thỏa thuận Minsk và vi phạm chủ quyền, thống nhất chính trị và địa lý của Ukraine. Ankara kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Nebenzia nói, điều quan trọng là tập trung thảo luận làm thế nào để tránh được một cuộc chiến tranh và buộc Ukraine chấm dứt pháo kích vào khu vực Donetsk và Luhansk.

Ông Nebenzia nói thêm rằng, Nga sẵn sàng đối thoại về tình hình Ukraine và sẽ không để xảy ra đổ máu mới ở Donbass. Ông nói: “Donbass bị đe dọa bởi một cuộc phiêu lưu quân sự mới của Ukraine, và Moscow không thể cho phép điều này. Chính điều này đã thúc đẩy Nga đưa ra quyết định công nhận các nước cộng hòa Donetsk và Luhansk.”

Trước hành động của Nga, các bên sẽ bước vào đàm phán.

Một cuộc chiến tranh giữa Nga, Mỹ và NATO rất khó có thể xảy ra. Chiến tranh giữa Ukraine và Nga càng khó xảy ra hơn.

Các cố vấn quân sự của Mỹ, Anh và một số nước châu Âu đã rút khỏi Ukraine. Mỹ và NATO đã thất bại ở Iraq và Afghanistan thì không thể nào có thể đối đầu quân sự với Nga. Hơn nữa, nội bộ các nước NATO không đồng thuận trong việc xử lý các vấn đề thuộc quan hệ với Nga, thì rất khó có thể thông qua được một quyết định tuyên chiến với Moscow.

Trước khi ra quyết định công nhận 2 nước cộng hoà Donetsk và Luhansk, Nga vẫn tuyên bố 2 khu vực này thuộc lãnh thổ Ukraine. Nhưng Kiev không chấp nhận đàm phán, bây giờ sẽ phải chấp nhận mất một phần lãnh thổ hoặc phải tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang với một nước Nga láng giềng hùng mạnh hơn rất nhiều.

Mỹ và NATO không thể giúp gì được nhiều cho Ukraine, không thể hy sinh cho Ukraine mà để mất đi lợi ích to lớn trong trong quan hệ với Nga.

Trong mọi trường hợp, cuộc xung đột giữa Ukraine xung quanh khu vực Donbass không thể giải quyết được bằng quân sự. Các bên dù sớm hay muộn sẽ phải quay lại đàm phán trên cơ sở các thỏa thuận Minsk và định dạng Normandy. An ninh ở châu Âu cũng sẽ không được thiết lập nếu không xem xét tích cực các đề xuất an ninh của Nga.

Đến nay, Tổng thống V. Putin vẫn chưa trả lời đề nghị tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ J. Biden và Tổng thống Ukraine V. Zelensky. Trong tương lai, nếu các cuộc gặp này diễn ra thì ý nghĩa của nó cũng sẽ giảm đi rất nhiều.

 

Theo Doanh nghiệp và Tiếp th