Vượt đại dịch: Nhà máy điện gió trên biển Trà Vinh về đích đúng hẹn

97

Dự án Nhà máy điện gió Đông Hải 1 có công suất thiết kế 100 MW với 25 Turbine dựng trên vùng biển tỉnh Trà Vinh, khởi công ngày 25/5/2021, kế hoạch hoàn thành cuối tháng 10/2021. Ngay sau đó bùng phát đại dịch, chủ đầu tư và nhà thầu thi công có giải pháp hợp lý đảm bảo tiến độ, đến ngày 5/10 đã hoàn thành 98% khối lượng để về đích đúng hẹn.

Nhà máy điện gió Đông Hải 1 phô vẻ đẹp trên biển Trà Vinh

Vẻ đẹp hùng vĩ trên biển        

Bây giờ, ngắm mấy hàng Turbine gió khổng lồ từ đất liền vươn ra biển cả 3,5 km ở xã Đông Hải (Duyên Hải, Trà Vinh) không khỏi thốt lên: “Hùng vĩ quá khi sức người làm chủ kỹ thuật hiện đại!”. Mỗi trụ Turbine ấy có cột tháp tính từ bệ móng ở mặt nước biển lên đến trung tâm trục quay của Turbine là 105 m, chiều dài cánh quạt 72 m. Như thế, đường kính rotor, đường kính được quét bởi cánh quạt rộng 150 m.

Chuyên gia điện gió cho hay, những con số về Turbine ấy thể hiện nhà máy hiện đại. Ở Mỹ, các dự án điện gió ngoài khơi cũng chỉ đạt chiều cao cột tháp 100 m (330 feet) vào năm 2016 và đang có kế hoạch phát triển lên khoảng 150 m (500 feet) vào năm 2035; Còn đường kính rotor, vào năm 2010 chủ yếu 115 m (380 feet) và năm 2020 chủ yếu 125 m (410 feet), đã dài hơn một sân bóng đá.

Trong thiên nhiên, càng lên cao gió càng mạnh và đường kính rotor càng lớn thì hứng gió càng nhiều, ngay cả trong những khu vực ít gió. Chính vì vậy, mỗi Turbine gió ở Nhà máy điện gió Đông Hải 1 có công suất định mức 4 MW, gấp đôi nhiều nhà máy điện gió ở nước ta chỉ 2 MW.

Hồi tháng 6/2021, lúc cao điểm xây dựng móng trụ Turbine đã phô bày sự hùng vĩ của Nhà máy điện gió Đông Hải 1 và sức mạnh của con người làm chủ khoa học kỹ thuật. Giữa biển xanh sóng vỗ suốt ngày đêm, không ngừng nghỉ, con người cũng không ngừng nghỉ đã dựng nên những cấu kiện sắt thép bê tông đồ sộ từ đáy biển.

Xong phần cột móng một trụ Turbine

Anh kỹ sư trẻ quê miền Trung giới thiệu kết cấu móng trụ Turbine. Gồm một rừng cọc bê tông cốt thép có đường kính 0,8 – 1 m, đóng sâu vào đáy biển 45- 58 m, mỗi Turbine đóng 34-44 cọc, tùy vị trí Turbine. Đầu trên cọc móng được bẻ ra để đổ bê tông cốt thép làm bệ móng hình tròn với đường kính 20,5 m, cao 3 m, trong đó 1 m ở trên được vát mép vào đến cổ móng. Cổ móng cũng bằng bê tông cốt thép cường độ tới 45 MPa, hình tròn với đường kính 6 m, dày 1m. Từ cổ móng sẽ lắp trụ Turbine gió.

Nối các chân trụ Turbine là hệ thống cầu công tác, cũng để dẫn cáp điện từ các Turbine vào trạm biến áp trên bờ. Cầu công tác gồm 6 đoạn, có hai phần. Phần trên là cầu chính với đầm tiết diện hình chữ U bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều dài nhịp 20 m, 21 m, 22 m, chiều rộng cánh dầm 2,36 m, chiều cao dầm 1,1 m tại mặt cắt giữa nhịp và 1,35 m tại hai đầu nhịp, dầm được thi công bằng phương pháp kéo trước trên bệ đúc. Phần dưới là các trụ cầu có dạng trụ dẻo, xà mũ trụ bằng bê tông cốt thép được đúc tại chỗ trên các cọc PHC D500.

Những dấu mốc đáng nhớ     

Đi trên cầu công tác giữa biển xanh mênh mông có cảm giác khoáng đạt khó tả. Anh cán bộ Sở KH&ĐT tỉnh Trà Vinh cho biết, Dự án Nhà máy được Sở cấp Giấy chứng nhận đăng ký định đầu tư cho Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam Trà Vinh 1 lần thứ nhất vào ngày 10/11/2020 và điều chỉnh lần thứ nhất ngày 5/2/2021. Vốn đầu tư 4.990.750.000.000 đồng. Tổng thầu thi công xây dựng là Công ty Trung Nam EC.

Thi công bệ móng

Anh cán bộ kỹ thuật của Tổng thầu thi công cho hay: “Đây là một công trình tương đối phức tạp và có nhiều khác biệt so với thi công trên bờ bao gồm sự khác biệt chính về máy móc thiết bị, biện pháp thi công, an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Ngoài ra phạm vi công việc diễn ra trên biển nên công tác triển khai gặp nhiều khó khăn và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu, lại tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên với bề dày kinh nghiệm, khả năng cung ứng ở mọi cấp độ và quy mô trong lĩnh vực nên Công ty Trung Nam EC có giải pháp hợp lý đã đảm bảo chất lượng, tiến độ theo cam kết trong hợp đồng”.

Giai đoạn thi công đóng cọc, Trung Nam EC huy động các máy móc thiết bị có thể nói là siêu trọng như hệ thống sà lan cần cẩu 350 tấn và rất nhiều thiết bị khác. Thời gian đầu, dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực và máy móc thiết bị nhưng vẫn gặp không ít khó khăn do điều kiện địa hình, sóng to gió lớn, và ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch COVID-19. Phát huy kinh nghiệm thi công nhiều dự án lớn trên khắp cả nước, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân đã đoàn kết bám trụ, nỗ lực vượt khó.

Thi công phần cổ móng để lắp trụ Turbine

“Để đảm bảo tiến độ như mục tiêu đặt ra, Trung Nam EC tổ chức 13 dây chuyền thi công đóng cọc cho dù chi phí phát sinh 1 dây chuyền thiết bị như vậy là rất lớn. Nhưng với quyết tâm bằng mọi nguồn lực và kinh nghiệm vượt qua bất cứ khó khăn nào, Trung Nam EC đã thành công”, anh cán bộ kỹ thuật bày tỏ.

Tiếp đến thi công các bệ móng Turbine, Trung Nam EC đã huy động nhân công, thiết bị nhằm chủ động mọi tình huống, dù lúc này dịch COVID-19 đã ập tới hầu như bao vây tứ phía. Trong thời gian khoảng 2 tháng, Trung Nam EC tổ chức 11 dây chuyền thi công bệ; 3 dây chuyền phục vụ đập đầu cọc, lắp cùm kẹp, đà giáo. Bên cạnh còn có Đội cơ động (SOS) để hỗ trợ lắp thép trụ Turbine. Ngày 30/8, thi công xong 25 bệ móng trụ Turbine với tổng cộng hơn 20.000 m3 bê tông và 3.000 tấn thép.

Quang cảnh sắp hoàn thành một móng trụ Turbine

Giai đoạn lắp trụ Turbine, huy động 2 cẩu siêu tải 1.250 tấn và 1 cẩu siêu tải 700 tấn. Các thiết bị Turbine gió được cung cấp bởi Simens Gamesa Renewable Enegry với tiêu chuẩn châu Âu. Ở giai đoạn này, bên cạnh phương tiện máy móc hiện đại còn cần thao tác chính xác của các kỹ sư và công nhân trên công trường. Trụ Turbine điện gió đầu tiên hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế có ý nghĩa quan trọng, thổi luồng gió ấm khắp công trường. “Từ đó, Trung Nam EC càng vững vàng đi đến hôm nay, tự tin hướng tới mục tiêu đưa nhà máy vào vận hành trước ngày 31/10/2021”, anh kỹ sư quê miền Trung nở nụ cười tươi.

Lắp cánh Turbine

Thi công đường dây điện  Ảnh: Trung Nam EC

SÁU NGHỆ