Tháo gỡ cho điện gió và điện mặt trời

43

 

Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính về cơ chế xác định giá bán điện gió, điện mặt trời với các dự án chuyển tiếp và nhiều nhà đầu tư cho rằng nếu không được tính toán hợp lý sẽ có nguy cơ bị phá sản.

Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam của Tập đoàn Trungnam

Tỷ lệ cao chưa kịp bán điện giá ưu đãi

Thống kê của Bộ Công thương, công suất các dự án điện gió được bổ sung quy hoạch 11.921 MW. Hiện đã có 146 dự án điện gió ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với công suất 8.171,475 MW. Tuy nhiên, chỉ có 84 dự án và phần dự án đã vận hành thương mại (COD) từ năm 2011 đến hết ngày 31/10/2021 với tổng công suất 3.980,265 MW; trong đó có 15 dự án mới COD được một phần công suất là 325,15 MW, còn 1.031,1 MW chưa kịp bán điện theo giá ưu đãi (FIT). Về điện mặt trời, công suất dự án bổ sung quy hoạch 15.400 MW, đến hết ngày 31/12/2020 mới có 148 dự án được công nhận COD với tổng công suất 8.652,9 MW.

Bộ Công thương nhận định nhiều dự án điện gió, điện mặt trời nằm trong quy hoạch đã và đang triển khai đầu tư nhưng do nhiều nguyên nhân nên không kịp mốc thời gian được áp dụng cơ chế mua bán điện cố định (giá FIT). Do đó, Bộ Công thương cho rằng cần có cơ chế xác định giá bán điện phù hợp với quy định hiện hành.

Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tạm dừng cấp chủ trương đầu tư đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã có trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được duyệt nhưng chưa triển khai đến ngày 26/1/2022. Đối với các dự án trong quy hoạch được duyệt và đã có chủ trương đầu tư đến ngày 26/1/2022 nhưng chưa đủ điều kiện áp dụng giá FIT, kiến nghị Thủ tướng cho phép chủ đầu tư đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để xác định giá. Đồng thời, kiến nghị để bộ này được giao xây dựng và ban hành quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện, hợp đồng mua bán điện đối với các nhà máy điện mặt trời, điện gió.

Nhiều nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời có dự án chưa kịp vận hành thương mại trước tháng 11/2021 chia sẻ lo lắng nguy cơ phá sản. Nhất là khi đã hết thời hạn hưởng giá FIT mà các cơ quan quản lý vẫn chưa có cơ chế giá cho các dự án chưa vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021.

Nhiều nhà máy điện gió hy vọng trong ánh bình minh

Khó khăn ở nhà máy điện mặt trời lớn nhất nước

Nhà máy điện mặt trời lớn nhất nước ta Trung Nam – Thuận Nam với công suất 450 MW đang lo mất khả năng cân đối trả nợ vay. Bởi vì, Công ty Mua bán điện (EVNEPTC – Tập đoàn Điện lực Việt Nam) vừa thông báo kể từ 0 giờ ngày 5/3/2022 sẽ dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá, tương ứng với 40% công suất của nhà máy.

Tập đoàn Trungnam (Trungnam Group) đầu tư dự án điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam tại Ninh Thuận kết hợp trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây đấu nối. Tổng vốn đầu tư 11.814 tỷ đồng, vốn của nhà đầu tư chiếm 30%, còn lại vốn vay. Trong đó, đầu tư nhà máy khoảng 9.500 tỷ đồng; Trạm biến áp 500 kV là 1.876 tỷ đồng; Đường dây 500 kV đấu nối khoảng 423 tỷ đồng và đường dây 220 kV đấu nối khoảng 22 tỷ đồng. Công trình hạ tầng truyền tải 500 kV được Trungnam Group đầu tư và bàn giao cho EVN quản lý, vận hành với chi phí 0 đồng.

Dự án đưa vào vận hành đồng bộ từ tháng 10/2020, tuy nhiên tới nay (khoảng 16 tháng), một phần công suất nhà máy chưa được xác định cơ chế giá bán điện. Nếu từ ngày 5/3/2022 dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá bán điện thì nhà đầu tư mất khả năng cân đối trả nợ vay.

Trungnam Group gửi văn bản tới Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và UBND tỉnh Ninh Thuận đề xuất các chính sách gỡ khó. Theo đó, kiến nghị sớm ban hành cơ chế giá bán điện đối với phần công suất nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Nhất là trong khi các nhà đầu tư khác cũng như EVN được hưởng lợi trên đường dây truyền tải 500 kV do Trungnam Group đầu tư xây dựng.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành xem xét tiếp tục huy động, không cắt giảm phần công suất 172 MW chưa có cơ chế giá của dự án. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn EVN làm việc với nhà đầu tư về việc bàn giao, tiếp nhận, quản lý lưới truyền tải điện 500 kV do nhà đầu tư bàn giao; đồng thời chỉ đạo EVN xác định giá điện hợp lý.

BOX1

Theo Dự thảo của Bộ Công thương, chủ đầu tư thực hiện đàm phán giá phát điện, ký kết hợp đồng mua bán điên với bên mua điện dựa trên số liệu trong báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc thiết kế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại thời điểm đàm phán. Giá hợp đồng mua bán điện do hai bên đàm phán, thỏa thuận và thống nhất phải đáp ứng không vượt quá mức giá tối đa của khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

BOX2

Thanh tra Chính phủ vừa quyết định thanh tra trong 85 ngày các dự án phát triển điện gió, điện mặt trời từ năm 2011 đến 2021, tập trung vào chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng. Quyết định thanh tra cũng được gửi tới UBND các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Bình Phước, Bạc Liêu và Đắk Nông là các địa phương phát triển nhanh năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà, điện gió…

Năm 2021, Bộ Công Thương cũng đã thanh tra các dự án điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà tại 10 địa phương nhưng kết quả đến nay chưa được công bố. Tại cuộc họp báo hồi tháng 1/2022, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện mặt trời mái nhà…) đạt 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống và tăng 3.420 MW so với năm 2020.

   NGỌC DUYÊN (tổng hợp)