Thách thức của người làm báo trong kỷ nguyên số

15

Trong kỷ nguyên số đòi hỏi những người làm báo phải nhanh chóng thay đổi phương cách tác nghiệp để thích ứng, theo kịp sự biến đổi và phát triển của công nghệ thông tin thời kỳ mới.

Tìm thời cơ trong thách thức

Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2023 với chủ đề “Đoàn kết-Chuyên nghiệp-Văn hóa-Sáng tạo”, ngày 18/3, Liên Chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Chi hội Tạp chí Người Làm báo-Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm: “Người làm báo trong kỷ nguyên số”. Đây là hoạt động thiết thực của những người làm báo, nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ nghiệp vụ về làm báo trong thời kỳ công nghệ, chuyển đổi số.

Tham gia buổi toạ đàm có các diễn giả: Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.Hà Nội, Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị; Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Báo điện tử Dân Việt/Nông thôn ngày nay.

Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm.

Nhà báo Nguyễn Minh Đức cho rằng, làm báo trước kia và giờ đây rất khác. Hơn 20 năm trước, phóng viên đi sự kiện hoặc thực hiện đề tài đều ghi chép ra giấy, viết bài xong phải chạy ra cửa hàng thuê đánh chữ để gửi bài về tòa soạn (bằng fax là phổ biến). Muốn tìm hiểu kiến thức hầu như chỉ dựa vào kênh thông tin lưu trữ trong sách, báo của thư viện. Còn bây giờ, công nghệ số trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho người làm báo.

Theo nhà báo Nguyễn Minh Đức, hiện nay nhiều cơ quan báo chí đã ứng dụng AI, Big Data, IoT tạo ra các sản phẩm mới: Ứng dụng trả lời tự động (Chatbot), hay các sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí thị giác… việc đổi mới và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới đi liền với cách thức tiêu dùng và thụ hưởng dịch vụ mới không chỉ đáp ứng nhu cầu mà còn là hướng đi kích thích nhu cầu phát triển, vừa gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, vừa mở ra cơ hội cho sự phát triển của đơn vị báo chí, truyền thông.

Thực tế cho thấy, trong kỷ nguyên số, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kết nối, số lượng các tờ báo điện tử cũng nở rộ khắp nơi trên thế giới, truyền tải thông tin dưới mọi hình thức. Công nghệ số làm cho báo chí có bước nhảy vọt về thời gian thông tin, không gian bao phủ, cách thức tiếp cận thông tin, tăng về số lượng bạn đọc, cũng như số lượng và chất lượng thông tin.

Mặc dù không ai có thể phủ nhận được công nghệ đã mang tới những tiện ích vượt bậc, nhưng đứng trước sự phát triển mạnh mẽ và rộng lớn của công nghệ thông tin, người làm báo cũng phải đối mặt với không ít thách thức, đòi hỏi phải nhanh chóng bắt kịp với xu thế thời đại.

Đồng quan điểm trên, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Báo điện tử Dân Việt/Nông thôn ngày nay cho biết, chính vì chuyển đổi số nên phóng viên trẻ có xu hướng chạy theo những thông tin giật gân, câu khách mà bỏ quên tính nhân văn của báo chí. Nhà báo trẻ bắt nhịp công nghệ làm báo nhanh hơn, nhưng bị trượt theo thông tin mà không đi sâu vào các vấn đề. Mạng xã hội ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ với truyền thông báo chí, có đề tài chưa được viết xong đã xuất hiện trên Facebook. Đặc biệt, người làm báo có thể lấy thông tin trên Facebook để viết bài. Cùng với đó, nhà báo kỷ nguyên số còn bị mất nhiều thời gian cho mạng xã hội, thiết bị công nghệ, điều này cũng làm giảm thời gian để họ chú tâm, đào sâu vấn đề.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho rằng, thời buổi công nghệ số, nếu tác phẩm không đặc sắc thì không có giá trị. Chính vì thế, người làm báo phải biết công nghệ, thông thạo ngoại ngữ, hiểu chuyên sâu về một số lĩnh vực. Đồng thời luôn hướng về giá trị cốt lõi của báo chí, xây dựng và trau dồi một bản lĩnh vững vàng để có thể vượt qua mọi cám dỗ.

Nội dung và công nghệ luôn song hành

Nhà báo Nguyễn Minh Đức cho rằng, khi nội dung và công nghệ luôn song hành với nhau, nhà báo và cơ quan báo chí sẽ khẳng định được vị thế, năng lực của mình. Trong kỷ nguyên số, câu chuyện viết cái gì, viết như thế nào bởi vậy càng được đặt ra cấp thiết. Người làm báo hôm nay phải biết luật chơi của công nghệ, thay đổi tư duy ngôn ngữ làm báo truyền thống sang tư duy của báo chí số. Tại một sự kiện, nhà báo phải kết hợp tác nghiệp trên nhiều nền tảng, tạo ra sản phẩm đa dạng loại hình để đáp ứng nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Giá trị của tác phẩm bên cạnh đề tài “độc”, còn nằm ở chỗ người viết phải chuyên sâu, gần như là chuyên gia của lĩnh vực đó.

Khi những phương tiện siêu việt trở thành công cụ đắc lực cho báo chí, nhất là khi mạng xã hội, internet… trở nên phổ biến với công chúng, việc nhà báo làm chủ công nghệ hay nắm được thông tin, vấn đề là chưa đủ.

Đồng tình với nhà báo Nguyễn Minh Đức, Nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết, trong bối cảnh kỷ nguyên số, nội dung báo chí đương nhiên phải có chất lượng tốt để có bạn đọc. Do đó, nội dung và công nghệ luôn phải song hành.

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, nếu nội dung là vua, thì công nghệ là hoàng hậu. Để có sản phẩm báo chí tốt cần phải có cả nội dung tốt, kết hợp với công nghệ. Tuy nhiên nhà báo phải làm chủ công nghệ, không được để công nghệ giết chết cảm xúc của nhà báo.

Báo chí cũng phải thường xuyên kiểm chứng thông tin nhanh nhạy, bám sát thông tin đại chúng, lắng nghe nguyện vọng của Nhân dân, đưa tin tức xác thực đến với Nhân dân một cách nhanh nhất. Đặc biệt trong kỷ nguyên số đòi hỏi những người làm báo phải nhanh chóng thay đổi phương cách tác nghiệp để thích ứng, theo kịp sự biến đổi và phát triển của công nghệ thời hội nhập. Người làm báo phải nhanh chóng thích ứng với sự phát triển công nghệ thông tin trong kỷ nguyên số.

Nhà báo Hồ Quang Lợi nhận định, chưa bao giờ nhà báo dễ đánh mất mình như trong thời đại truyền thông số hiện nay. “Sẽ không còn là nhà báo nếu chúng ta chỉ theo đuôi mạng xã hội, đánh mất lương tâm, đạo đức của người làm nghề. Sẽ không còn là nhà báo nếu tác phẩm báo chí không phục vụ xã hội mà phục vụ lợi ích của bản thân. Những thứ đó chính là thứ cạm bẫy nguy hiểm nhất mà người làm báo rất dễ rơi vào. Bởi vậy, làm báo trong kỷ nguyên số cần tinh thần dấn thân, tinh thần chiến đấu đặc biệt lớn” – Nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ./.

Theo https://dangcongsan.vn/