Sớm luật hóa nhiều quy chuẩn

8
“Mọi mục đích của việc chiếu sáng đều phải dựa trên cơ sở tiết kiệm năng lượng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường”-Tiến sĩ Lê Hải Hưng nhấn mạnh điều này trong trả lời phỏng vấn của Nhân Dân cuối tuần về thực trạng của hoạt động chiếu sáng đô thị ở nước ta.
Tiến sĩ Lê Hải Hưng nguyên là giảng viên Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông hiện là thành viên Ban Khoa học công nghệ, Hội Chiếu sáng Việt Nam

– Thưa ông, ông có thể cung cấp một số số liệu so sánh, ngõ hầu giúp bạn đọc Nhân Dân cuối tuần hình dung rõ ràng hơn về mức độ tiêu thụ điện năng cho chiếu sáng ở nước ta đã thay đổi như thế nào theo thời gian?

– Trong cuộc sống hiện đại, điện năng được sử dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng riêng chiếu sáng vẫn chiếm một tỷ lệ lớn. Trong cuốn sách nổi tiếng về Diode phát quang, tức đèn LED, tiêu đề Light-Emitting Diodes (Cambridge University Press, Vương quốc Anh, 2006), tác giả, Giáo sư E. Fred Schubert, đưa ra con số rất đáng chú ý: Trước khi có đèn LED, 25%-28% điện năng do các nhà máy điện phát ra được dành cho chiếu sáng. Dựa vào kết quả nghiên cứu này, ta có thể đưa ra một vài con số để bạn đọc tiện hình dung: Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, năm 2022, tổng điện năng thương mại của nước ta đạt 251 tỷ kWh. Giả sử tại thời điểm này, chúng ta vẫn chưa có bất kỳ chiếc đèn LED nào, điện năng dành cho chiếu sáng sẽ là khoảng 62,75 tỷ kWh. Và nếu tính giá tiền điện trung bình là 1.500 đồng/kWh thì năm 2022, chúng ta đã tiêu tốn khoảng 94.000 tỷ đồng, tức khoảng 4 tỷ USD, cho chiếu sáng. Đây là con số rất lớn vì nó tương đương với 1,5% GDP của nước ta.

– Từ hơn 10 năm trở lại đây, việc sử dụng đèn LED và công nghệ điều khiển thông minh trong tiết kiệm năng lượng là xu hướng toàn cầu. Ở nước ta, mức độ bao phủ của việc sử dụng thiết bị này là như thế nào, thưa ông?

– Là một quốc gia nằm ở khu vực tam giác công nghệ LED là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nên việc “LED” hóa hệ thống chiếu sáng ở Việt Nam là khá nhanh. Theo tính toán, đến thời điểm này, Việt Nam đã “LED” hóa được khoảng 50% các loại hình chiếu sáng. Nói như thế tức là mỗi năm, chúng ta đã tiết kiệm được khoảng 2 tỷ USD. Và nếu áp dụng công nghệ chiếu sáng thông minh, chúng ta có thể tiết kiệm được 75% điện năng so công nghệ chiếu sáng cổ điển.

– Thưa ông, vậy giải pháp để thúc đẩy tiến trình bao phủ này được nhanh hơn có thể là những gì?

– Người Việt Nam mình, đặc biệt là lớp trẻ, luôn thích và chủ động tìm đến cái mới nên công nghệ chiếu sáng thông minh đã được ứng dụng rất nhanh. Không ít công viên và nhà riêng đã được trang bị bộ đèn năng lượng mặt trời đóng ngắt tự động. Vài năm trở lại đây, nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng trung tâm điều khiển chiếu sáng cho khu vực chiếu sáng đường, có thể kiểm soát chế độ chiếu sáng của từng con phố, từng bóng đèn… Tuy nhiên, tất cả những thí dụ kể trên mới ở mức tự phát, thử nghiệm, chứ chưa thành những điều kiện bắt buộc.

Trong quy chuẩn về chiếu sáng, thường chúng ta mới chỉ ghi “khuyến khích sử dụng các thiết bị chiếu sáng thông minh…”. Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của cá nhân tôi, trong các quy chuẩn chiếu sáng ở Việt Nam còn thiếu quy định về chỉ tiêu năng lượng, tức là bao nhiêu watt điện trên một mét vuông chiếu sáng hay mét dài một đoạn đường. Thiết nghĩ, khi luật hóa quy định chỉ tiêu này, các chủ công trình chiếu sáng sẽ buộc phải trang bị đèn LED có hiệu suất phát quang cao và áp dụng công nghệ chiếu sáng thông minh. Như vậy, mới có thể nhanh chóng phổ biến công nghệ chiếu sáng thông minh.

Phòng điều khiển và giám sát hạ tầng đô thị thành phố Bến Tre. Nguồn: Trung tâm R&D Chiếu sáng Rạng Đông.

– Có một vấn đề rất đáng được quan tâm trong quá trình thay thế chính là xử lý rác thải từ các thiết bị chiếu sáng cũ. Nếu không cẩn trọng, việc xử lý nguồn rác thải này vô hình trung lại dẫn đến ô nhiễm môi trường, góp phần làm tăng phát thải khí nhà kính. Các đô thị ở nước ta đã, đang xử lý vấn đề này ra sao?

– Cảm ơn Nhân Dân cuối tuần đã đặt câu hỏi này để cá nhân tôi có dịp trình bày một vấn đề ít được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trừ đèn sợi đốt, còn tất cả các loại đèn truyền thống khác, như đèn huỳnh quang, đèn huỳnh quang compact (chiếu sáng trong nhà) đến các loại đèn chiếu sáng đường, như Metal Halide, HPS… mà mọi người thường gọi chung là đèn cao áp, đều chứa thủy ngân, một nguyên tố vô cùng độc hại với sức khỏe của con người và vật nuôi nếu tiếp xúc trực tiếp. Chúng ta thường không khó bắt gặp hàng loạt đèn ống huỳnh quang nằm lăn lóc ở bãi rác thậm chí đã bị đập vỡ trong các thùng đựng rác công cộng ở cả thành thị và nông thôn. Nhiều công nhân môi trường, khi thu gom đèn ống còn chủ động đập vỡ vụn cho gọn hay những ngư dân đập vỡ các bóng đèn cao áp mà không hề biết rằng, chúng có chứa hơi thủy ngân. Trong trường hợp này, chính những người thu gom đã bị nhiễm độc do hít phải hơi thủy ngân hoặc đã vô tình gây nhiễm độc môi trường, do làm thủy ngân thâm nhập vào môi trường, nguồn nước sinh hoạt.

Tôi có một kỷ niệm nhớ đời liên quan việc này. Trong các năm 2019-2020, tôi được mời tham gia tư vấn cho dự án thay thế đèn LED tại trường học và đường phố ở thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) mà Đại công quốc Luxembourg viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam. Ban đầu, nhóm tư vấn chúng tôi đã thật sự không quan tâm việc tiêu hủy hàng vạn bóng đèn huỳnh quang và đèn đường truyền thống mà mặc nhiên phó thác việc này cho các cơ sở thụ hưởng hoặc nhà cung cấp thiết bị cho dự án. Tuy nhiên, đại diện phía viện trợ yêu cầu chuyên gia là tôi phải trình bày cụ thể, chi tiết quy trình thu gom và tiêu hủy các sản phẩm chiếu sáng cũ trước khi triển khai hoạt động khác… Từ thực tế, phải thẳng thắn nói với nhau: Chúng ta chưa làm tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền cũng như hoạt động thu gom, tiêu hủy các sản phẩm chiếu sáng cũ chứa nhiều thủy ngân.

– Để giúp bạn đọc tiện hình dung hơn nữa tôi muốn lấy thí dụ từ Thủ đô Hà Nội – nơi chúng ta đang sinh sống. Ông có nhận xét gì về chất lượng và hiệu quả chiếu sáng ở thành phố này?

– Phải công tâm mà nói rằng, trong nhiều năm trở lại đây, chúng ta đã thấy một Hà Nội đẹp hơn khi thành phố lên đèn. Nhiều công trình mang ý nghĩa biểu tượng quốc gia tại Thủ đô đã được chiếu sáng với những nét đặc trưng và có tính thẩm mỹ cao.

Tuy nhiên, nhìn toàn cục, việc chiếu sáng ở Hà Nội vẫn chưa thật sự đạt tới tầm vóc của một Thủ đô với lịch sử nghìn năm văn hiến.

Về mặt tiết kiệm năng lượng: Chỉ xét riêng khu vực chiếu sáng công cộng, hiện tại, phần lớn các đường phố đô thị vẫn còn thắp sáng bằng đèn cao áp Natri (High Pressure Sodium-HPS), có hiệu suất phát quang và chỉ số hoàn màu thấp. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện tại Hà Nội mới “LED” hóa được khoảng 25% trong tổng số khoảng 200.000 cột đèn chiếu sáng công cộng, tức là còn khoảng 150.000 cột đèn HPS. So tỷ lệ “LED” hóa trung bình 50% ở nước ta như đã nói từ đầu cuộc trò chuyện, Hà Nội còn phải cố gắng nhiều.

Khu vực các không gian vui chơi công cộng ở Hà Nội hầu như không được chiếu sáng hoặc được tổ chức chiếu sáng hết sức sơ sài, cẩu thả. Vì vậy, trừ những địa điểm nổi tiếng như đường Thanh Niên, chung quanh hồ Hoàn Kiếm…, vào buổi tối, chúng ta có cảm giác không an toàn khi đi vào các công viên, vườn hoa công cộng, cho dù đó là công viên Thống Nhất, địa điểm quen thuộc ở ngay trung tâm thành phố.

Về khía cạnh thẩm mỹ: Trừ một vài công trình nổi tiếng, nhìn chung, chiếu sáng ở Hà Nội chưa đạt tới ngưỡng thẩm mỹ mà chúng ta mong muốn. Đi bất kỳ tuyến phố nào vào ban đêm, chúng ta cũng gặp muôn hình vạn trạng biển hiệu, quảng cáo, đèn mầu, đèn nhấp nháy hết sức lộn xộn. Đó là biểu hiện của ô nhiễm ánh sáng, không những làm cho bộ mặt đường phố về đêm trở nên lòe loẹt, xấu xí mà còn lãng phí năng lượng và vi phạm an toàn cháy nổ.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới, Hà Nội cần có những quy định thật chặt chẽ, cụ thể về các hoạt động quảng cáo chiếu sáng bằng LED để giảm tình trạng ô nhiễm ánh sáng, góp phần làm cho thành phố thật sự xanh, sạch, đẹp và an toàn.

– Trân trọng cảm ơn ông!

https://nhandan.vn/som-luat-hoa-nhieu-quy-chuan-post747568.html?