5 năm qua, theo thống kê chưa đầy đủ cả nước đã xảy ra 17.000 vụ cháy, 433 mạng người và 7.000 tỉ đồng đã tan thành tro bụi. Bản đồ các vụ cháy gây chết người và thiệt hại trải dài từ Bắc tới Nam, tập trung ở những thành phố lớn, dân cư đông đúc, nơi nhu cầu hát karaoke và giải trí cao. Lại kết luận cháy do “ chập điện” hoặc do “ hàn xì”…
Nhưng những kết luận khô không khốc ấy lại cho thấy tinh trạng chủ quan trong phòng cháy chữa cháy cũng như thái độ đối phó với những cuộc thanh kiểm tra phần nhiều mang tính hình thức, lấy lệ và sự cần thiết phải tăng nặng hình phạt đối với các chủ cơ sở để xảy ra các vụ hỏa hoạn thảm khốc gây thiệt hại không gì bù đắp nổi về người và tài sản xã hội.
Dư luận xã hội đau xót trước việc mới đây đã có 32 người chết do cháy quán karaoke An Phú ở Bình Dương. 3 chiến sĩ phòng cháy chữa cháy hy sinh khi cứu người khỏi quán karaoke đang bốc cháy ở 231 Quan Hoa (Hà Nội). Theo thống kê chưa đầy đủ hàng chục nghìn vụ cháy, hàng trăm sinh mạng và còn rất nhiều người đã mang thương tật suốt đời trong các vụ cháy ở các cơ sở kinh doanh loại hình giải trí này tại nhiều tỉnh thành. Đây là những con số đau lòng và đáng báo động, phơi bày những sự thật, lỗ hổng trong nhiều khâu quản lý.
Theo thống kê, cả nước có khoảng 37.000 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, chủ yếu tập trung ở các thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Trong 37.000 cơ sở kinh doanh ấy, thử hỏi có bao nhiêu phần trăm đạt tiêu chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy, có bao nhiêu phần trăm luồn lót tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy để được hoạt động cốt “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi”, có bao nhiêu phần trăm không đủ tiêu chuẩn mà vẫn hoạt động chui?
Không ai rõ con số chính xác là bao nhiêu. Chỉ biết cứ sau một vụ cháy quán karaoke gây rúng động, các tỉnh, thành lại tổng kiểm tra toàn bộ các quán karaoke, quán bar, rồi rút giấy phép, rồi đình chỉ hoạt động hàng chục, hàng trăm cơ sở kinh doanh vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy. Mới nhất theo thông tin từ Công an tỉnh Bình Dương, trong hai ngày 9-10/9, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra 128 cơ sở kinh doanh karaoke, massage, nhà hàng. Rồi lại có một làn sóng thanh kiểm tra tương tự trên khắp cả nước, xử phạt, đóng cửa, rút giấy phép kinh doanh. Rồi tất cả lại lắng xuống cho đến khi có một vụ cháy mới.
Còn nhớ sau vụ cháy quán karaoke tại Quan Hoa, Hà Nội cũng có động thái tương tự. Riêng tại thủ đô, từ đầu năm tới nay, lực lượng chức năng xác định có 326 cơ sở không đạt yêu cầu về phòng cháy chữa cháy và cũng không thể khắc phục nên đã bị đình chỉ hoạt động.Chỉ tổng kiểm tra hàng loạt, rầm rộ sau khi xảy ra sự cố nghiêm trọng khiến dư luận cho rằng các cơ quan chức năng chỉ “mất bò mới lo làm chuồng”.
Dư luận không khỏi thắc mắc tại sao các vụ cháy quán karaoke tương tự vẫn xảy ra sau mỗi lần tổng kiểm tra? Quy định PCCC áp dụng với những cơ sở nhiều nguy cơ như karaoke là hết sức nghiêm ngặt. Cảnh sát PCCC và những cơ quan quản lý cũng khẳng định thường xuyên kiểm tra nhắc nhở. Nhưng cháy vẫn định kỳ xảy ra như 6 năm trước, vụ cháy kinh hoàng trong quán karaoke ở Hà Nội cướp đi 13 mạng người. Còn tại karaoke An Phú, cho đến thời điểm này, theo địa phương, cơ sở đáp ứng tất cả các quy định PCCC hiện hành.
Dư luận băn khoăn tại quy trình cấp phép kinh doanh lỏng lẻo trong vấn đề phòng cháy chữa cháy? Tại chủ cơ sở kinh doanh chỉ nghĩ tới doanh thu mà không coi trọng phòng cháy chữa cháy? Quy định về phòng cháy chữa cháy đã có, quy trình cấp phép kinh doanh karaoke, quán bar cũng đã có. Do đó, khi xảy ra những vụ cháy đau lòng, về phía lực lượng chức năng, chắc chắn có vấn đề về buông lỏng quản lý, bắt cóc bỏ đĩa; về phía các chủ cơ sở kinh doanh, chắc chắn có những cái “tặc lưỡi” cho qua hoặc làm để đối phó. Sau hỏa hoạn, công an tỉnh Đồng Nai phát hiện 50 cơ sở kinh doanh karaoke vi phạm PCCC. Tại TP.HCM, các đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều sai sót, vi phạm PCCC và cũng đã xử lý hơn 90 cơ sở. Trong khi đó, thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an Hà Nội, hiện thành phố có 58% cơ sở không đạt yêu cầu về công tác an toàn PCCC.
32 người chết là con số có thể nói là lớn nhất từ trước tới nay trong một vụ cháy quán karaoke. Đã đến lúc phải siết chặt, cải tổ thực sự và nghiêm túc mọi vấn đề liên quan, từ quy định cấp phép phòng cháy chữa cháy cho các cơ sở karaoke, bar, vũ trường; cho tới việc kiểm tra, xử phạt nặng liên quan công tác phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở này theo hình thức thường xuyên và đột xuất.
Ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh để cháy quán karaoke, do cẩu thả và hám lợi dẫn đến lơ là PCCC xét từ góc độ của một người sử dụng dịch vụ, có những việc mà khách hàng có thể quyết định ngay từ đầu để bảo vệ cho chính bản thân mình. Trước tiên, khách hàng phải trang bị cho mình kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn cơ bản trước các tình huống bất trắc như cháy nổ, lũ lụt, động đất… Đây là những thứ mà trẻ em cần được dạy dỗ ngay từ nhỏ, còn người lớn phải tự tìm hiểu và trang bị cho mình không để xảy ra tình trạng thấy cháy lại vào nhà vệ sinh và chốt cửa lại. Đây là điều đặc biệt không nên làm vì có nguy cơ cao thiếu không khí, bị hơi nóng bủa vây. Một chuyên gia phòng cháy chữa cháy khẳng định hành động này không khác gì tự sát. Tiếp đó, khách hàng phải là những người thông thái không lui tới những cơ sở không đủ tiêu chuẩn an toàn, nhất là tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy. Hát karaoke là loại hình giải trí, sinh hoạt tập thể được nhiều người lựa chọn, nhưng hình như đa số lựa chọn quán karaoke, bar theo các tiêu chí như giá tiền, địa điểm, chất lượng âm thanh, dịch vụ…mà ít để ý tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy. Trước những vụ cháy quán karaoke nghiêm trọng như thời gian qua, đã tới lúc yếu tố an toàn phòng cháy chữa cháy là một tiêu chí quan trọng để lựa chọn khi khách hàng hoàn toàn có thể quyết định vào hát hay không dựa trên tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy. Phải đề cao trách nhiệm của khách hàng đối với tính mạng của bản thân hình thành thói quen tìm hiểu đường thoát hiểm, quan sát lối ra vào khi bước vào một không gian kín không quen thuộc.. Chỉ có thể đề phòng, ngăn ngừa thảm họa bằng mọi biện pháp chủ động từ đầu, mà trách nhiệm thuộc về tất cả mọi người.
BOX
Trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy sáng 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Chú ý các cơ sở tập trung đông người, các nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro cháy nổ, nhất là các khu chung cư cao tầng; xử phạt nghiêm minh và bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở đưa vào hoạt động không bảo đảm các điều kiện an toàn.
TÂM GIAO