Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

2

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 1736/QĐ-TTg ngày
29/12/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm
2050.
Quy hoạch đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là phát huy mọi tiềm năng, lợi
thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Tây Ninh phát triển nhanh, toàn diện và bền
vững. Đến năm 2030, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh,
có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng
đến và đáng sống. Công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng
gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm
phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của Vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Nông
nghiệp phát triển theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu
chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua đẩy
mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, số hóa và
kinh tế tuần hoàn. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng
bộ, hiện đại.
Khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức được phát huy, trở thành nhân tố chủ yếu
đóng góp cho nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất
lượng cao. Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội toàn diện, hướng đến thuộc nhóm
tiên tiến của cả nước; đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của nhân dân
được nâng lên; mở rộng hợp tác, hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế.
An ninh, quốc phòng được bảo đảm, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Tây Ninh là cửa ngõ thương mại quốc tế
Tây Ninh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt
khoảng 9,5%/năm.
Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11%, công nghiệp
– xây dựng chiếm khoảng 58%, dịch vụ chiếm 25% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản
phẩm chiếm 6%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 210 triệu đồng (tương đương
khoảng 7.700USD).
Đến năm 2050, Tây Ninh trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào
công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao; thương mại, du lịch phát triển và là
cửa ngõ thương mại quốc tế của Vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Là tỉnh có hệ thống
quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn
dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng.
7 đột phá chiến lược
Tây Ninh tập trung thực hiện 07 đột phá chiến lược: (1) phát triển hạ tầng; (2)
phát triển nguồn nhân lực; (3) về thể chế; (4) phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; (5)
phát triển bền vững: Tây Ninh xanh; (6) phát triển du lịch; (7) phát triển kinh tế dịch
vụ.
Về phương hướng phát triển ngành công nghiệp, Tây Ninh sẽ tập trung phát
triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, thân thiện
với môi trường, ít phát thải, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm sử dụng đất đai và lao
động. Nâng cao hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp hiện có; thành lập mới, mở

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ : 080.44818 – 080.49195 – 080.43830
Fax: 080.43.829 – Email: thongtinbaochi@chinhphu.vn – Địa chỉ: Số 16 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội
rộng thêm một số khu công nghiệp ở những nơi có điều kiện. Điều chỉnh quy hoạch
Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với tầm nhìn mới theo mô hình công nghiệp – đô thị –
dịch vụ, phát triển xanh và bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút mạnh đầu tư
trong và ngoài nước.
Về du lịch, Tây Ninh sẽ phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh, coi
trọng tính chất sinh thái và tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ các dự án theo
các phân khu chức năng thuộc Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen theo quy hoạch tại
Quyết định số 1099/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ trở
thành khu du lịch đặc sắc, đẳng cấp quốc tế; các dự án thương mại – dịch vụ – du lịch
sinh thái trong khu vực Hồ Dầu Tiếng, khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trung
ương Cục miền Nam; khai thác các loại hình du lịch, dịch vụ phù hợp khu vực Vườn
quốc gia Lò Gò – Xa Mát; nghiên cứu định hướng phát triển các loại hình du lịch ven
sông, các điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử, tôn giáo, các khu di tích cách mạng trên
địa bàn toàn tỉnh… Phát triển đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch (văn hóa,
lịch sử, truyền thống, sinh thái…) gắn với thương mại và dịch vụ đô thị, vui chơi giải
trí thu hút khách, kích cầu du lịch. Thu hút đầu tư phát triển hạ tầng phù hợp với định
hướng, lộ trình phát triển cho các khu vực du lịch, nâng cao chất lượng giao thông kết
nối, khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng lưu trú, sân gôn và các dịch vụ phụ trợ chất
lượng cao phục vụ du lịch…

Cong TTĐTCP