Ngày 11/10 tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tổ chức hội nghị phổ biến Quyết định số 118-QĐ/TW ngày 22/8/2023 của Ban Bí Thư Trung ương Đảng về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương (Sau đây gọi tắt là Hội).
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương; Bộ Nội vụ; Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương; đại diện lãnh đạo Hội ngành Trung ương và toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động Cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, Quyết định số 118-QĐ/TW ngày 22/8/2023 của Ban Bí Thư Trung ương Đảng là một văn bản quan trọng đối với tổ chức và hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam, có nhiều điểm mới về định hướng tổ chức và hoạt động của Hội để làm cơ sở cho Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ và các ban ngành Trung ương, địa phương cụ thể hoá thành các quy định pháp luật để các Hội có tổ chức và hoạt động thống nhất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao.
Với những nội dung mới của Quyết định 118 và yêu cầu đổi mới phương thức hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam trong thời gian tới, Đảng đoàn, Đảng uỷ, Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đề nghị các quý vị cùng trao đổi, làm rõ những nội dung cần thiết, những vấn đề chưa thống nhất về cách hiểu xin trao đổi thẳng thắn để chúng ta cùng thống nhất hiểu đúng, hiểu kỹ, hiểu sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng đối với công tác Hội.
Đây là cơ hội rất tốt để chúng ta làm rõ các vấn đề, nội dung của Quyết định. Kết luận số 93-KL/TW, ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư đã chỉ rõ phải “Hoàn thiện cơ chế, phương thức lãnh đạo, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thường xuyên của Đảng đối với Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên; phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng đảng viên, người đứng đầu.” – Chủ tịch Phan Xuân Dũng nói.
Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Đoàn thể Nhân dân, Ban Dân vận Trung ương Vi Tư Liệu đã phổ biến nội dung Quyết định số 118-QĐ/TW; Phó Vụ Trưởng Vụ Tổ chức Phi Chính phủ Bộ Nội vụ Phạm Trung Giang đã trao đổi, cụ thể hóa việc triển khai Quyết định số 118-QĐ/TW theo thẩm quyền.
Chi tiết 30 Hội Trung ương
Theo Quyết định số 118-QĐ/TW ban hành, danh sách 30 Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương gồm: Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Đông y Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam
Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội giữ chức vụ không quá 2 nhiệm kỳ
Về tổ chức của Hội, quy chế quy định các cơ quan lãnh đạo của Hội gồm: Đại hội toàn quốc, Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Hội (gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch chuyên trách) là cơ quan điều hành công việc hằng ngày của Hội.
Về số lượng Phó Chủ tịch, Hội có Đảng đoàn được bố trí không quá 3 Phó Chủ tịch chuyên trách, Hội không có Đảng đoàn được bố trí không quá 2 Phó Chủ tịch chuyên trách.
Theo yêu cầu hoạt động, có thể bố trí một số Phó Chủ tịch không chuyên trách, số lượng do Hội trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về tiêu chuẩn, điều kiện, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có năng lực lãnh đạo, quản lý, có uy tín và kinh nghiệm công tác, đối với các hội chuyên ngành cần có chuyên môn phù hợp.
Đối với lãnh đạo Hội là người đã nghỉ hưu, nếu tiếp tục làm việc phải có đủ sức khỏe, uy tín cao, được Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đồng thuận, nhất trí giới thiệu.
Về độ tuổi, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội là người đã nghỉ hưu thì tuổi giới thiệu lần đầu hoặc tái cử không quá 65 tuổi. Đối với Chủ tịch Hội, trường hợp đặc biệt không quá 70 tuổi, do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về nhiệm kỳ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội giữ chức vụ không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp; trường hợp đã giữ chức vụ 2 nhiệm kỳ liên tiếp mà chưa đến tuổi nghỉ hưu theo quy định thì cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Quy chế nêu rõ về hoạt động của Hội. Trong đó, tổ chức hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của Hội, chỉ đạo, quản lý chặt chẽ hoạt động của các pháp nhân trực thuộc Hội.
Quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản được giao, các loại quỹ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và điều lệ Hội, chấp hành hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng…
Định kỳ 6 tháng, 1 năm và khi có yêu cầu gửi báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động đến các Ban Đảng được phân công theo dõi, chỉ đạo, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nếu hội là tổ chức thành viên), Bộ Nội vụ, bộ quản lý nhà nước đối với hội…
Quy chế quy định rõ Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến hội và quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của Hội.
Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo công tác quản lý nhà nước; quyết định biên chế, kinh phí hoạt động, điều kiện làm việc, chế độ, chính sách của hội gắn với nhiệm vụ được giao.
Ban Cán sự Đảng các Bộ, Ngành Trung ương chỉ đạo công tác quản lý nhà nước đối với ộHi; thanh tra, kiểm tra hoạt động của Hội và pháp nhân trực thuộc Hội, xử lý nghiêm vi phạm. Ban Tổ chức Trung ương theo dõi, hướng dẫn công tác nhân sự đối với Hội.
Chế độ, chính sách đối với người làm việc thường xuyên tại Hội
Quy chế quy định người làm việc thường xuyên tại hội gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch chuyên trách; người làm việc tại đơn vị tham mưu, giúp việc trong biên chế được giao; người làm việc theo hợp đồng.
Người trong độ tuổi lao động được phân công, điều động đến làm việc tại Hội theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và người được tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế của Hội thì hưởng lương, phụ cấp và chế độ, chính sách khác theo quy định đối với cán bộ, công chức.
Người đã nghỉ hưu giữ các chức danh lãnh đạo chuyên trách Hội được hưởng thù lao theo quy định.
Người làm việc theo hợp đồng (bao gồm cả những người đang hưởng lương hưu) được hưởng tiền công hoặc thù lao và chế độ, chính sách khác do Hội quyết định, phù hợp với yêu cầu công việc và tài chính của Hội…
https://vietnamhoinhap.vn/vi/lien-hiep-hoi-viet-nam-la-hoi-quan-chung-do-dang–nha-nuoc-giao-nhiem-vu-45421.htm?