Khuyến nghị gỡ nút thắt cơ chể để phát triển ĐBSCL

61

 

Ngày 1/8/2022, tại Cần Thơ, công bố Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL 2022 với thông điệp chủ chốt là chỉ bằng cách phá vỡ một số mắt xích của các vòng xoáy đi xuống về kinh tế – xã hội – môi trường, sau đó đảo ngược thành các vòng xoáy đi lên thì ĐBSCL mới có thể phát triển. Trước tiên, cần tháo gỡ nút thắt về cơ chế quản trị, điều phối và liên kết vùng.

Giám đốc VCCI tại Cần Thơ Nguyễn Phương Lam giới thiệu quá trình nghiên cứu hơn một năm qua

Gỡ nút thắt “thiếu hiệu lực và hiệu quả”

Kết luận và khuyến nghị chính sách của Báo cáo: “Một nút thắt xuyên suốt các thảo luận của cả Báo cáo thường niên 2020 và 2022 là cơ chế quản trị, điều phối và liên kết vùng. Như đã phân tích, các cơ chế này hiện nay thiếu hiệu lực và hiệu quả, trong khi lực “ly tâm” trong liên kết vùng thì mạnh, còn lực “hướng tâm” lại đang rất yếu. Trong bối cảnh này, Quy hoạch tích hợp ĐBSCL xuất hiện như một cơ chế có tính pháp lý từ bên trên, có tiềm năng tạo ra và thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng. Bản quy hoạch này, nếu được thực hiện, sẽ tác động một cách toàn diện đến nền kinh tế của Vùng, đặc biệt đối với chuyển đổi nông nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng và logistics.

Để có thể triển khai những định hướng mới của Quy hoạch tích hợp, đòi hỏi nhiều điều kiện có tính tiền đề, trong đó quan trọng nhất là phải thay đổi cơ bản về tư duy và tầm nhìn phát triển; phải xây dựng được thể chế quản trị và liên kết vùng thực chất, có hiệu lực; phải xác định rõ chủ thể của quy hoạch tích hợp vùng; phải tạo ra được sự tương thích về khuyến khích và động cơ với các tác nhân hữu quan; phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và đo lường kết quả cho toàn vùng; phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành và địa phương; xác định rõ nguồn lực và cách tiếp cận thực tế cho những mục tiêu đặt ra; phải khắc phục được các vấn đề kỹ thuật chắc chắn sẽ phát sinh trong quá trình triển khai; và phải được điều chỉnh định kỳ để cập nhật các nhân tố và diễn biến mới.

Để ĐBSCL phát triển, việc tháo gỡ các nút thắt là quan trọng, song đồng thời cũng phải không ngừng tìm kiếm những động lực phát triển mới. Trong hai năm 2020 và 2021, ngành năng lượng ở ĐBSCL nổi lên như một điểm sáng, tuy chiếm chưa tới 10% số dự án, song lại tiếp nhận tới hơn 60% tổng vốn FDI của toàn Vùng. Tuy nhiên, các địa phương cần “duy lý” với các kế hoạch và dự án phát triển năng lượng chứ không nên chạy theo thành tích thu hút FDI hay những hứa hẹn thiếu cơ sở về tăng ngân sách. Trong khi nhiệt điện khí đang phải đối diện với nhiều rủi ro, điện mặt trời đang gặp phải sự thay đổi chính sách, điện sinh khối chưa có khung khổ chính sách phù hợp thì với lợi thế đường bờ biển dài, dư địa cho phát triển điện gió ngoài khơi ở ĐBSCL rất rộng mở, đặc biệt ở các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh”.

Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, TS. Vũ Thành Tự Anh trình bày báo cáo

Cần đảo chiều ba vòng xoáy

Báo cáo cho biết có một “nghịch lý” đang tồn tại ở ĐBSCL: Tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp cao hơn hẳn so với công nghiệp và dịch vụ cho thấy hạn chế của hai khu vực này. Trong dài hạn, tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế không đến từ nông nghiệp mà đến từ sự chuyển đổi cơ cấu sang công nghiệp và dịch vụ. Vì vậy, nhận diện rõ nét và từng bước tháo gỡ những nút thắt cản trở sự phát triển công nghiệp và dịch vụ của ĐBSCL là điều kiện cần thiết để có thể phát triển vùng đất này.

“Vòng xoáy ngân sách” phản ảnh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở ĐBSCL. Do thiếu đầu tư của Nhà nước, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, của Vùng vừa thiếu, vừa yếu, vừa xuống cấp, do vậy không thu hút được nhiều dự án đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao cho Vùng, và đây là điểm khởi đầu của vòng xoáy thứ hai về lao động.

“Vòng xoáy lao động” xuất phát từ tình trạng thiếu cơ hội việc làm nên lao động trẻ di cư từ ĐBSCL đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam Bộ, làm suy giảm cả số lượng và chất lượng lao động của Vùng. Điều này, làm trầm trọng thêm vòng xoáy đi xuống về đầu tư do lợi thế lao động dồi dào không còn, và lợi thế giá rẻ lại đi đôi với chất lượng thấp.

“Vòng xoáy cơ cấu kinh tế” là căn nguyên của hai vòng xoáy trên. Với sứ mệnh “an ninh lương thực”, ĐBSCL phải ưu tiên thâm canh, tăng vụ lúa. Mặc dù chính sách này đã giúp Việt Nam xóa đói và trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu, nhưng lại không giúp ĐBSCL trở nên thịnh vượng. Không những thế, chính sách này còn kìm giữ ĐBSCL trong các hoạt động nông nghiệp có năng suất và giá thị gia tăng thấp, cấu trúc chậm chuyển đổi, và hệ quả là tụt hậu về kinh tế.

Các vòng xoáy đi xuống cứ thế xoắn quện vào nhau và tiếp tục trôi. Các vòng xoáy đi xuống về kinh tế còn gắn kết với các vòng xoáy đi xuống về xã hội và môi trường. Thông điệp chủ chốt trong Báo cáo là “chỉ bằng cách phá vỡ một số mắt xích của các vòng xoáy đi xuống về kinh tế – xã hội – môi trường, sau đó đảo ngược thành các vòng xoáy đi lên thì ĐBSCL mới có thể chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững”.

Đại biểu nhiều cơ quan trong nước và quốc tế dự buổi lễ

Bốn mắt xích cần phá vỡ

Báo cáo nêu, mắt xích quan trọng đầu tiên cần phải thay đổi là quan điểm về an ninh lương thực. Trong một thời gian dài, an ninh lương thực ở Việt Nam vô hình trung đồng nghĩa với sản lượng lương thực, trong đó chủ chốt là gạo, và hệ quả là phải kiên quyết giữ diện tích đất lúa. Quan điểm này có thể hợp lý cho đến đầu thập niên 1990 khi đất nước còn thiếu lương thực nhưng sau đó càng ngày càng trở nên lạc hậu. Theo dự phóng của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn và Ngân hàng Thế giới, ngay cả khi diện tích lúa giảm xuống 3 triệu ha thì Việt Nam vẫn đủ đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước và dư khoảng 3 triệu tấn gạo để xuất khẩu. Thay đổi quan điểm về an ninh lương thực là tiền đề then chốt cho việc thay đổi tầm nhìn về ĐBSCL.

Mắt xích quan trọng thứ hai cần phải đảo ngược là tình trạng đầu tư cho vùng ĐBSCL. Một ưu tiên hàng đầu của ĐBSCL trong 10, thậm chí 20 năm tới là khẩn trương hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Chỉ khi giao thông thuận lợi, chi phí vận tải và logistics có tính cạnh tranh, đồng thời kết nối thuận lợi với các thị trường chính, cả trong nước và xuất khẩu, thì ĐBSCL mới có sức hút với các nhà đầu tư.

Mắt xích quan trọng thứ ba cần phải đảo ngược là số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Thu hút thêm các dự án đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội sẽ góp phần hạn chế di cư. Bên cạnh đó, các tỉnh ĐBSCL vẫn phải tìm cách cải thiện kiến thức, kỹ năng và thái độ của người lao động trong Vùng, không chỉ để đáp ứng nhu cầu hiện tại, mà còn để chuẩn bị cho nền kinh tế ĐBSCL trong tương lai.

Mắt xích quan trọng thứ tư cần phải đảo ngược là giải phóng sức sống của khu vực nông nghiệp và tình trạng suy thoái môi trường. Lợi thế cạnh tranh của ĐBSCL chủ yếu đến từ điều kiện tự nhiên sẵn có. Thế nhưng các tài nguyên này hoặc đang bị tận khai tới mức thiếu bền vững, hoặc đang đứng trước rủi ro to lớn từ bên ngoài, hoặc đang dần mai một theo năm tháng, hoặc đang bị cơ chế chính sách cản trở nên không phát huy hết được nội lực phong phú, còn tác động rất lớn đến hệ sinh thái, bào mòn sức sống của đồng bằng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sinh kế của hơn 17 triệu dân ĐBSCL.

                                                                                                SÁU NGHỆ

Công trình này là kết quả hợp tác giữa VCCI cùng Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright liên tục hơn 1 năm. Chủ trì biên soạn và định hướng nội dung là Ths. Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI tại Cần Thơ và TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam. Các dữ liệu kinh tế được thu thập, tổng hợp bởi Phòng Tư vấn và Thông tin Kinh tế của VCCI tại Cần Thơ và do các tác giả dày công thu thập.