Không có vùng cấm trong xử lí vi phạm điều chỉnh quy hoạch

47

Đã đến lúc, cần nghiêm túc rà soát lại các dự án sai phạm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước và xử lý đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành, không có vùng cấm nhằm tăng tính răn đe cho các dự án sau này.

Empty

Hơn 10 năm trước, khu đô thị Linh Đàm được đánh giá là khu đô thị kiểu mẫu duy nhất ở miền Bắc với 60% diện tích là sân chơi, vườn hoa, sinh hoạt cộng đồng và nhà ở chỉ chiếm 23%.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của 4 tổ hợp nhà chung cư HH Linh Đàm với khoảng 8 nghìn căn hộ đã phá vỡ quy hoạch ban đầu khiến khu vực này trở thành điểm “nóng” về giao thông vào mỗi giờ cao điểm sáng, chiều, đồng thời nảy sinh vô số các vấn đề phức tạp về quản lý dân cư, về giáo dục, sức khỏe, môi trường và an ninh trật tự, đều bắt nguồn từ sự quá tải.

Theo báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất ở đô thị giai đoạn 2013-2018, có tới 1.390 dự án có điều chỉnh quy hoạch từ 1-6 lần, có dự án tới 9 lần…Điều này phản ánh về chất lượng công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, công tác điều chỉnh quy hoạch còn khá tùy tiện.

Ảnh: TTTXVN

Ảnh: TTTXVN

Tình trạng quá tải giao thông, hạ tầng xã hội do sự  xuất hiện của hàng chục cao ốc trên các trục đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Lê Văn Thiêm… đã được Kênh VOVGT đề cập từ nhiều năm nay.

Nhưng chỉ đến khi, Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành Kết luận số 39 cùng với tình trạng đường biến thành sông sau những trận mưa lớn gần đây ở Hà Nội, thì các cơ quan chức năng, các đại biểu quốc hội và dư luận mới thực sự quan tâm đến vấn đề này.

Điều 47, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 đã nêu rõ căn cứ được phép điều chỉnh quy hoạch là khi có sự điều chỉnh về chiến lược, quy hoạch tổng thế phát triển kinh tế- xã hội; có sự điều chỉnh, thay đổi địa giới hành chính và mục đích phục vụ lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng.

Tuy nhiên, nhìn lại các dự án điều chỉnh quy hoạch theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, hầu hết các dự án được điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất, về mật độ, về tầng cao, gia tăng lợi nhuận cho các chủ đầu tư nhưng lại  làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, gây hệ lụy cho hệ thống hạ tầng giao thông, sự phát triển kinh tế- xã hội của đô thị.

Một quy hoạch để được phê duyệt phải thực hiện theo luật, mất nhiều năm, với sự tham gia của nhiều cơ quan, ban ngành. Tuy nhiên, khi  điều chỉnh lại đang được thực hiện theo nguyên tắc, cấp nào duyệt quy hoạch, cấp đó có trách nhiệm và quyền được điều chỉnh.

Bởi vậy mới xảy ra tình trạng một số dự án được lập chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc tỷ lệ 1/500 nhưng sau đó điều chỉnh nhiều lần, không công bố công khai minh bạch dẫn đến tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong quản lý đô thị không biết để quản lý, giám sát thực hiện.

Dù kéo dài chỉ 2km, đường Lê Văn Lương phải 'cõng' tới 40 tòa nhà cao tầng. Ảnh: TTXVN

Dù kéo dài chỉ 2km, đường Lê Văn Lương phải “cõng” tới 40 tòa nhà cao tầng. Ảnh: TTXVN

Điều 14, Luật quy hoạch đô thị năm 2009 chỉ rõ, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị tại địa phương theo phân cấp của Chính phủ.

Điều chỉnh quy hoạch không hướng đến lợi ích của phát triển kinh tế, xã hội, sự phát triển bền vững của đô thị có thể gây hệ lụy lâu dài đến hàng trăm năm. Thế nhưng, công tác thanh kiểm tra quyết định điều chỉnh quy hoạch dường như chưa thực hiện, và cũng chưa có trường nào bị xử lý trách nhiệm về sai phạm đó.

Sự buông lỏng trong công tác điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng cũng như kiểm gia, giám sát thực hiện quy hoạch thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan tham mưu điều chỉnh quy hoạch.

Dọc tuyến đường Lê Văn Lương, trong số 13 dự án nhà chung cư được thanh tra có 12 dự án không bố trí cây xanh, một dự án thiếu diện tích cây xanh, chỉ đạt 10%.

Dọc tuyến đường Lê Văn Lương, trong số 13 dự án nhà chung cư được thanh tra có 12 dự án không bố trí cây xanh, một dự án thiếu diện tích cây xanh, chỉ đạt 10%.

Đã đến lúc, Hà Nội nói riêng, và các đô thị khác nói chung cần nghiêm túc rà soát lại các dự án sai phạm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước – những người đã ký quyết định điều chỉnh quy hoạch và xử lý đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành, không có vùng cấm nhằm tăng tính răn đe cho các dự án sau này.

Đặc biệt, cần làm rõ: có hay không vấn đề trục lợi, tham nhũng từ điều chỉnh quy hoạch, và coi đây là tình tiết tăng nặng khi điều tra, truy cứu trách nhiệm của những cá nhân, tập thể liên quan.

Căn cứ vào thời gian của những điều chỉnh quy hoạch của các dự án sai phạm gây thiệt hại lớn cho kinh tế, xã hội, người đứng đầu chính quyền thành phố, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng Hà Nội phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và pháp luật về những chữ ký của mình. Điều chỉnh quy hoạch là cần thiết nhưng phải căn cứ trên cơ sở khoa học.

Siết chặt công tác quản lý quy hoạch và xây dựng đến thời điểm này dù đã quá muộn, nhưng vẫn cần phải làm và nhất định phải làm, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, thích ứng với sự thay đổi biến đổi khí hậu trong tương lai.

Theo https://vovgiaothong.vn