CÒN NHIỀU SAI SÓT TRONG TCVN 11846:2017 VỀ LED

29

Trong vài năm trở lại đây, nhờ có những ưu điểm vượt trội nên đèn LED đã dần thay thế các loại đèn truyền thống trong tất cả các loại hình chiếu sáng. Hệ thống chiếu sáng bằng LED không những đã tạo ra những không gian chiếu sáng hiện đại, sinh động mà còn góp phần tiết giảm được lượng điện năng đáng kể, góp phần bảo vệ môi trường. Để tạo hành lang pháp lý về chất lượng của loại mặt hàng này, cơ quan chức năng mà ở đây là Viện tiêu chuẩn thuộc Tổng cục TC-ĐL-CL, Bộ Khoa học công nghệ đã kịp thời ban hành hàng loạt tiêu chuẩn quốc gia về các sản phẩm chiếu sáng bằng đèn LED. Bộ TCVN về đèn LED này đã có những đóng góp rất lớn trong việc góp phần nâng cao chất lượng của các sản phẩm LED trong lưu thông phân phối và xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, khi đọc kỹ bộ TCVN về LED, người viết thấy chúng còn rất nhiều sai sót trong nhiều mặt như: tính cập nhật, tính phổ quát và đặc biệt là sai sót về chuyên môn và hành văn, thậm chí có những sai sót mà theo người viết là nghiêm trọng, không thể không sửa. Các sai sót này ít nhiều đã gây khó khăn cho những người buộc phải sử dụng chúng.

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin liệt kê và đánh giá các sai sót trong TCVN 11846:2017:  “Bóng đèn LED hai đầu được thiết kế để thay thế bóng đèn huỳnh quang ống thẳng – Quy định về an toàn”. Những sai sót trong các TCVN khác xin được đăng tải trong các số sau của Ánh sáng và Cuộc sống

  1. Tên tiêu chuẩn chưa thật chính xác, dẫn đến hiểu sai

TCVN 11846:2017 “Bóng đèn LED hai đầu được thiết kế để thay thế bóng đèn huỳnh quang ống thẳng – Quy định về an toàn” được dịch từ IEC 62776:2014 “Double-Capped LED lamps designed to retrofit linear fluorescent lamps – Safety specifications”. Ta thấy rằng:

(1). Thứ nhất: Trong giao dịch hàng ngày và trong kỹ thuật thì người Việt đều gọi sản phẩm này là đèn LED tuýp hoặc đèn LED ống chứ không ai gọi là “đèn LED hai đầu cả”. Ví dụ khi ta nói “Em ơi, bán cho anh cái đèn LED hai đầu” thì người bán hàng ở Việt Nam sẽ không hiểu sẽ phải đưa cho ta cái gì. Còn trong tiếng Anh, trong wikipedia, người ta đều gọi là LED tube chứ không gọi là Double-Capped LED lamps (tất nhiên là trừ trường hợp trong IEC 62776: 2014)

(2). Thứ hai: Theo ý hiểu của người viết thì cụm từ “double capped” (được dịch trong văn bản là “hai đầu”) có hàm ý chỉ (cái) “đầu” nối với mạch điện vào chứ không phải là (cái) “đầu” như từ “đầu đuôi” trong tiếng Việt. Bằng chứng là trên thị trường quốc tế, trong đó có Việt Nam vẫn tồn tại hai loại đèn LED tuýp trong đó một loại lấy điện vào từ một đầu đèn (SINGLE ENDED) và loại thứ hai lấy điện vào từ hai đầu (DUAL ENDED) (Hình 1).

       Hình 1. Mô tả đèn LED tube điện vào một đầu (single) và hai đầu (dual)

Trong trường hợp không tranh luận “hai đầu” hay “một đầu” thì TCVN 11846:2017 cũng chỉ phục vụ cho một loại đèn lấy điện từ hai đầu (DUAL ENDED) mà thôi. Trong khi đó tại thị trường Việt Nam hiện có hai loại LED tube (điện vào một đầu và điện vào hai đầu) và hai loại máng đèn huỳnh quang (ballast sắt từ và ballast điện tử), nếu tổ hợp lại thì sẽ có rất nhiều phương án. Như vậy rõ ràng TCVN 11846: 2017 chưa thể gọi là một tiêu chuẩn phổ quát cho các loại LED tube

  1. Các sai sót khác

(3). Mục 3.1: Bóng đèn LED dùng để thay thế (double-capped retrofit LED lamp) và mục 3.2: Bóng đèn LED dùng để chuyển đổi (double-capped conversion LED lamp) viết khó hiểu và không mang lại thông tin giá trị nào

(4). Mục 3.3: Điện áp danh định (rated voltage) được giải thích là “Giá trị điện áp đối với đặc trưng của bóng đèn trong các hoạt động quy định” là dài dòng, khó hiểu và không thống nhất với các tài liệu khác đã ghi, đó là “là điện áp được ghi trên bóng đèn” như ở chính mục 3.4 của tài liệu này

(5). Mục 3.11: Từ “hazard” nên dịch là “nguy cơ” thay vì “nguy hiểm”. Lý do là các bức xạ UV không có trong ánh sáng của đèn LED, còn các bức xạ bước sóng màu xanh lam hoặc vùng hồng ngoại gần có cường độ thường rất thấp. Vì vậy chỉ nên nói là “nguy cơ” để mang tính cảnh báo là đủ, dịch là ‘nguy hiểm” sẽ gây hiểu lầm, thậm chí “oan” cho đèn LED

(6). Mục 4.2: Không hiểu “các thử nghiện b” là thử nghiệm gì, ở đâu (Người viết không thể tìm thấy ngay trong bản tiếng Anh)

(7). Mục 5.1.e: “Các bóng đèn LED hai đầu chỉ thích hợp với một số loại ballast (ví dụ ballast sắt từ)”. Điều này không đúng, vì LED tube không có ballast mà chỉ có bộ nguồn (Power Supply hoặc driver)

(8). Mục 5.1.g: “….tắc te LED thay thế…”. Điều này cũng không đúng, đèn LED tube không có tắc te và cũng không cần tắc te

(9). Mục 5.3.2.5: Cụm từ tiếng Anh trong IEC 62776 “Excluding for exampl explosiver atmospheres” được dịch là “không dùng cho các mục đích khác ví dụ trong khí quyển nổ” là không ổn. Theo người viết thì nên dịch là “không dùng trong các môi trường dễ cháy nổ”

(10). Mục 5.3.3. Hường dẫn (tháo lắp) bằng hình ảnh.

Trước hết về mặt văn bản, các hình này rất mờ ảo, không rõ ràng, gây khó khăn cho người đọc (Xin xem bản in của TC do Bộ KHCN phát hành)

Ngoài ra, đây là hướng dẫn chưa đúng. Nếu làm theo hướng dẫn này với các loại LED tuýp đang có trên thị trường Việt Nam thì chắc chắn sẽ gây cháy nổ “cái gọi là” tắc te LED (Xin mời đọc “Starter of LED tube’ trên internet). Ngoài ra, như đã nói, trên thị trường Việt Nam có hai loại máng đèn huỳnh quang là máng đèn huỳnh quang mắc với chấn lưu sắt từ cùng tắc te và máng đèn huỳnh quang với chấn lưu điện tử với hai kiểu mạch điện hoàn toàn khác nhau (Bạn đọc xem trên hình ở cuối bài viết thì thấy  dễ hiểu hơn là trình bày trong TCVN 11846: 2017)

(11). Mục 6.3.2. Xác định kích thước của bộ đèn khi tính đến dãn nở chiều dài của bộ đèn do nhiệt độ là hoàn toàn lý thuyết, hình thức và thiếu tính thực tiễn. Ví dụ trong công thức ở mục 6.3.6 ta phải tính độ dãn nở nhiệt của bóng đèn với chiều dài A (250C) = 1,2m. Nếu chọn tmax = 500C, hệ số dãn nở nhiệt của vật liệu là 11,7. 10-6 /0C ta sẽ được độ dãn nở là 0,00035m (khoảng 0,35 mm). Đây là con số tính quá nhỏ, không thể dây ra chèn ép giữa máng và ống đèn khi nhiệt độ tăng. Còn về mặt thực tiễn, một phòng thí nghiệm  trắc quang sẽ rất khó (nếu không nói là không thể) thực hiện được phép đo này. Ngoài ra “hệ số dãn nở nhiệt của vật liệu là 11,7. 10-6 /0C” là cụm từ do người viết “mô phỏng” chứ bản thân TCVN 11846: 2017 và ngay trong bản gốc tiếng Anh không chú thích nó là cái gì. Nhưng, giả sử đây đúng là hệ số nở dài vì nhiệt thì vẫn chưa chính xác vì thân đèn LED có ba kiểu vật liệu: kiểu nửa nhôm nửa nhựa, kiểu hoàn toàn bằng nhựa và kiểu hoàn toàn bằng thủy tinh với hệ số dãn nở vì nhiệt khác nhau và cũng không phải là con số mà TCVN 11846: 2017 đưa ra.

(12). Mục 6.4.1: “Ngoại trừ đầu đèn, nhiệt độ bóng đèn LED không được cao hơn 750C được đo trên vị trí bất kỳ của bóng đèn. Yêu cầu này áp dụng cho các bề mặt bóng đèn mà có thể chạm tới bằng ngón tay thử nghiệm”. Trên thực tế, đầu đèn LED tuýp làm bằng nhựa và cách xa các phần tử phát nhiệt là chíp LED và bộ nguồn, nghĩa là nó thường có nhiệt độ thấp hơn các vùng khác trên bộ đèn. Đoạn này, người viết đoán rằng tài liệu dịch này thiếu tính thực tế và được kế thừ từ tài liệu về đèn huỳnh quang,…

(13). Mục 6.5. “Phải thử nghiệm các tổ hợp sau:

                          – Tắc te huỳnh quang với đèn LED

                          – Tắc te LED với bóng đèn huỳnh quang….”

Người viết cho rằng, không có một PTN nào tực hiện được một hướng dẫn sai như thế này cả.

(14). Mục 7. “An toàm chân cắm trong quá trình lắp bóng đèn”. Ý tứ của đoạn này muốn nhắc nhở đến an toàn khi ghép bóng đèn LED tuýp vào máng khi đang có điện. Theo người viết, nhắc nhở này có thể là dài dòng vì trên thực tế, trong quy định an toàn, ai cũng phải ngắt điện nguồn khi lắp bóng đèn vào máng.

(15). Mục 7.3. “Chiều dài đường rò và khe hở không khí”, theo hiểu biết của người viết thì đây là yêu cầu đối với ballast sắt từ của đèn huỳnh quang chứ không phải của LED tuýp. Thực tế trong bộ nguồn của LED tuýp cũng có một biến áp, song có thể là biến áp ferit hình xuyến, nghĩa là không có khái niệm “đường rò và khe hở không khí”.

Các trị số dòng điện chạm nếu có trong hướng dẫn ở mục 7.4 nếu có là rất khác nhau phụ thuộc vào bộ nguồn và bo mạch của modul LED là nhôm hay chất hữu cơ cách điện…. Cho nên, mục này là không thể quy định chung cho mọi loại LED tube được

(16). Mục 10:  “Sự phù hợp: Độ tăng nhiệt của đầu đèn so với nhiệt độ môi trường không vượt quá 95K”. Câu này có ba điểm không chính xác: Thứ nhất nhiệt độ của đầu đèn LED tuýp bao gờ cũng thấp hơn các vùng còn lại, thứ hai: Giả sử có vượt thì cũng không thể vượt quá 950C, thứ ba: ghi 95K (Kelvil) là không thống nhất vì những mục khác đều ghi (0C)

(17). Mục 13.5: “…Trở kháng tổng của bóng đèn ở điều kiện ổn định không được thấp hơn các giá trị cho trong Bảng 4 dưới đây với các tham số của bóng đèn huỳnh quang tương ứng”. Đây là một sai sót, thiếu thực tế, vì đèn LED tube và đèn huỳnh quang có cấu tạo vật lý khác nhau. Đèn huỳnh quang có trở kháng do ballast gây nên còn đèn LED không có đại lượng này. Cho nên không thể lấy thông số của đèn huỳnh quang làm căn cứ cho LED tube được.

Để tìm hiểu thì còn nhiều sai sót trên cả ba khía cạnh: kỹ thuật, lời dịch và hành văn

  1. Kết luận

1.1. Theo nhận thức của người viết thì bản gốc IEC 62776:2014 là một văn bản “còn nhiều thiếu sót” nên dẫn đến bản dịch (TCVN 11846: 2017) là một tiêu chuẩn cũng “thiếu chính xác, thiếu tính thực tế” mà điều nhận thấy đầu tiên là không có tính phổ quát. TCVN 11846:2017 kế thừa  từ Tiêu chuẩn khác về đèn huỳnh quang với ballast sắt từ, nên  Tiêu chuẩn này xa rời thực tế và chưa đáp ứng  được mong đợi cuả nhà sản xuất và những người làm công tác đo lường. Các phép thử nghiệm trong Tiêu chuẩn này thực sự là một bài toán khó giải đối với các Phòng thí nghiệm

1.2. Phần dịch thuật thiếu thực tế, làm cho văn bản càng trở nên có nhiều sai sót hơn

1.3. Phần chuyên môn có chất lượng chưa cao và có vẻ thiếu sự kiểm soát của các chuyên gia kỹ thuật có hiểu biết về lĩnh vực LED

1.4. Về mặt tác quyền, TCVN 11846: 2017 nói riêng và hoàng loạt TCVN về LED khác được giới thiệu là “Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TCE11 Chiếu sáng biên soạn…”, người viết cho là thiếu chính xác, thiếu thực tế, vì nội dung tương tự nội dung của IEC 62776: 2014, dẫn đến hàm lượng của sự “biên soạn” rất thấp.

  1. Một số đề xuất.

4.1. Theo tác giả, Trung tâm Tiêu chuẩn cần gửi bản góp ý này đến các thành viên trong Hội đồng biên soạn TCVN 11846: 2017, Hội Chiếu sáng Việt Nam, các Phòng thí nghiệm chuyên đề của Quates 1, Quatest 3, Phúc Gia, Điện Quang, Rạng Đông, Heesun… để lấy ý kiến phản biện đối với văn bản này

4.2. Cá nhân người viết tài liệu này xin chịu trách nhiệm với tất cả những điều mình viết ra và rất mong mỏi được trao đổi, chia sẻ, đối thoại với mọi ý kiến phản biện. Đặc biệt, người viết sẵn sàng cùng làm thí nghiệm để tìm hiểu, phân tích chứng minh các thiếu sót của TCVN 11846:2017

4.3. Theo tác giả nên cần thiết rà soát, điều chỉnh, sửa đổi các nội dung thiếu sót của TCVN về LED mà tác giả bài viết cho là còn nhiều sai sót.

5. Một số hình ảnh gợi ý

  1. Lê Hải Hưng, ĐHBK Hà Nội      Ban KHCN Hội chiếu sáng Việt Nam