30 năm – hành trình cất cánh của Bình Thuận

30
Nhớ lại 27 năm trước, đứng trên ngọn đồi Bài Nài – Bình Thuận, xem nhật thực, ai cũng bật cười khi nghe tiếng gà dưới chân đồi gáy le te bởi trời bỗng tối rồi bỗng sáng. Có ai ngờ đó lại là tiếng gà gáy đánh thức vùng biển này.

30 năm trước khi tách tỉnh, trong ngân sách tỉnh Bình Thuận chỉ có 2 tỉ đồng trong điều kiện điểm xuất phát của nền kinh tế rất thấp, kết cấu hạ tầng nghèo nàn, đến nay Bình Thuận đã thu ngân sách đạt hơn 13.000 tỉ đồng, đứng thứ 23 trên cả nước.

8 triệu USD mở hàng và câu chuyện nhật thực

Còn nhớ, sáu năm trước, ông Đặng Văn Hải (tức Ba Hải), người giữ chức chủ tịch tỉnh Bình Thuận đầu tiên khi tách tỉnh trong dịp trò chuyện với chúng tôi cho biết năm 1992 khi tách tỉnh, trong ngân sách chỉ còn đúng 2 tỉ đồng.

“Chính xác lúc đó có 3 tỉ nhưng khi tách tỉnh phải chia cho tỉnh Ninh Thuận 1 tỉ. Mới thoát bao cấp mấy năm, xuất phát điểm của Bình Thuận là rất thấp thậm chí thấp hơn cả Ninh Thuận…” – ông Ba Hải kể.

30 năm - hành trình cất cánh của Bình Thuận  ảnh 1
Một góc nhỏ Khu du lịch Quốc gia Mũi Né. Ảnh: BT

Đúng là thời điểm đó, Bình Thuận là một tỉnh quá nghèo dù vị trí, tiềm năng không phải tỉnh nào cũng có được. Đất rộng, người thưa, năm 1992 cả tỉnh lúc đó có 111 xã, phường, thị trấn thì mới chỉ có 44 địa phương với 35% dân số trong tỉnh có điện thắp sáng. Người người, nhà nhà đều thắp đèn dầu hột vịt, tối nhiều hơn sáng; nhiều nơi vẫn còn đom đóm bay lập lòe…

Hàng tháng, người dân phải lót dép giữ chỗ để xem chiếu phim lưu động; cả xóm người khá giả mới có cái tivi nhỏ xíu như hộp bánh Trung thu coi bằng bình ắc quy với ăngten bằng cây tre cao vút, muốn rõ phải đứng dưới xoay chỉnh như chong chóng… Văn hóa, giải trí thiếu thốn, nghèo nàn chưa từng thấy.

Toàn tỉnh chỉ có tám thị trấn và thị xã Phan Thiết. Đường Trần Hưng Đạo, con đường chính của Phan Thiết cũng là quốc lộ 1A nằm vắt dọc như một lưỡi kiếm băng qua sông Cà Ty đầy ổ voi, ổ gà và những căn nhà cổ xây từ thời Pháp với màu vôi vàng bạc thếch buồn hiu hắt. Ba cây cầu bắc qua sông Cà Ty cũ kỹ, nhiều người mỗi ngày chỉ biết ngồi đếm khách qua cầu…

Tuy nhiên với vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, có “mặt tiền” biển gần 200 cây số, cảnh quan tuyệt đẹp, Bình Thuận đã lọt vào mắt những nhà đầu tư nước ngoài. Năm 1993, Bình Thuận là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Thời điểm đó, Mỹ còn cấm vận nên tỉ phú Mỹ Larry Hillblom đã thông qua Công ty Regent International Overseas Corp của Hong Kong đầu tư sân golf Phan Thiết được xem là đẹp nhất châu Á với tổng mức đầu tư 8 triệu USD, một số tiền cực lớn lúc đó.

Địa lợi rồi cũng đến thiên thời khi các nhà khoa học công bố ngày 24-10-1995 sẽ diễn ra hiện tượng nhật thực toàn phần mà Phan Thiết là nơi nhìn thấy rõ nhất.

Ngoài hàng chục ngàn du khách thì hồ sơ của cả ngàn nhà khoa học khắp thế giới trong đó có 200 nhà vật lý thiên văn, vật lý hạt cơ bản từ 37 quốc gia và có nhiều người từng đoạt giải Nobel cũng đăng ký về Phan Thiết, đóng dấu thị thực mỏi tay.

30 năm - hành trình cất cánh của Bình Thuận  ảnh 2
Nhờ nhật thực, du lịch Bình Thuận đã phát triển vượt bậc. Ảnh: BT

Cả bộ máy chính quyền tỉnh Bình Thuận chạy đua để chuẩn bị đón sự kiện nhật thực toàn phần. Tuy vậy “đau đầu” nhất khi thị xã Phan Thiết lúc đó chỉ có vài cái nhà nghỉ, nhà trọ cũ mèm; mùi nước mắm bốc lên khắp nơi.

Cuối năm 1994, ông Đinh Trung, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, bay ra Hà Nội gặp ông Sáu Khải (Phan Văn Khải), Phó Thủ tướng Thường trực đề xuất cấp 6 tỷ đồng để xây khách sạn đón khách. Ông Sáu Khải gật đầu rồi hối sang Uỷ ban Kế hoạch làm thủ tục cho Bộ Tài chính chuyển tiền ngay để xây dựng cho kịp. Khách sạn 19/4 lớn nhất Phan Thiết được hối hả xây dựng nằm tuốt ở khu vực cầu Sở Muối, xung quanh chỉ lèo tèo vài ba căn nhà.

Nhờ nhật thực, Mũi Né chỉ là một làng chài với con lộ nhỏ xíu đầy cát, rợp bóng dừa được đánh thức và nay đã trở thành Khu du lịch Quốc gia, nổi tiếng trên bản đồ du lịch toàn cầu.

Câu chuyện ‘thịt ba rọi” và cầu nối

Ngày 20-10-1898, vua Thành Thái ra đạo dụ xác lập thị xã Phan Thiết, tỉnh lỵ của Bình Thuận. Phan Thiết nói riêng, Bình Thuận nói chung dù đã hình thành hơn trăm năm nhưng kỳ thực vẫn nửa nạc, nửa mỡ giống thịt ba rọi.

Năm 1883, Pháp sát nhập Bình Thuận vào Nam Kỳ nhưng chỉ một năm sau, Hòa ước Patenotre lại đưa Bình Thuận về lại Trung Kỳ. Từ điển Bách khoa Việt Nam xếp Bình Thuận vào vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Tuy nhiên Tổng cục Thống kê lại xếp Bình Thuận vào Đông Nam Bộ còn Bộ KH&ĐT lại xếp Bình Thuận vào vùng Duyên hải miền Trung…

Về mặt văn hóa, Bình Thuận là một trong 21 tỉnh, thành phía Nam có lịch sử đờn ca tài tử rất phát triển mà đờn ca tài tử là dòng nhạc mang đặc trưng của riêng vùng Nam Bộ. Thế nhưng ở Bình Thuận đơn vị hành chánh cơ sở lại là thôn trong khi các tỉnh Nam Bộ lại dùng ấp.

Chính vì thịt ba rọi, “nửa nạc, nửa mỡ” này mà Bình Thuận giống như cầu nối, cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội giữa miền Nam và miền Trung.

30 năm - hành trình cất cánh của Bình Thuận  ảnh 3
Mỏ dầu Sư Tử Trắng trên vùng biển Bình Thuận. Ảnh: ĐỖ HỮU TUẤN

Bình Thuận là tỉnh nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa tiểu vùng duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ; nằm trên tuyến hành lang kinh tế Bắc – Nam, có đường bộ, đường sắt, đường biển đều dài nhất cả nước; tiếp nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với biển, không quá xa TPHCM.

Với những lợi thế đặc biệt trên, sau nhật thực vùng đất này như bừng tỉnh, xe hơi xếp hàng đậu cắn đuôi nhau chờ được cấp chứng nhận đầu tư. Thu nhập bình quân đầu người từ 1,35 triệu đồng năm 1992 đã tăng lên 56,28 triệu đồng năm 2022, gấp 41 lần.

Năm 1992, Bình Thuận tái lập trong điều kiện điểm xuất phát của nền kinh tế rất thấp, chưa có tích lũy, kết cấu hạ tầng nghèo nàn, lao động thiếu việc làm. Đến năm 2021, Bình Thuận đã thu ngân sách đạt hơn 13.000 tỉ đồng, đứng thứ 23 trên cả nước.

30 năm - hành trình cất cánh của Bình Thuận  ảnh 4
Bình Thuận có lợi thế khi nằm sát vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của tỉnh đến năm 2021 là 69,58 triệu đồng, đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ 2/14 tỉnh, thành trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.

Phương pháp làm giàu nhờ… ‘canh trộm’

Ngoài là một trong ba ngư trường lớn nhất nước, cây thanh long chính là cây xóa đói giảm nghèo và giúp một bộ phận lớn người dân Bình Thuận không phải ly hương, giàu có.

Khi mới tách tỉnh, cây thanh long chủ yếu trồng trên trụ gỗ, trồng ăn chơi cho vui, trái nhiều thì cắt ra chợ ngồi bán theo kiểu bán cà rem. Vài năm sau, cả nông dân lẫn người tiêu dùng đều khá ngạc nhiên khi loại cây xuất xứ từ Colombia, Mexico lại vô cùng thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Bình Thuận thậm chí cả hình dáng và chất lượng đều vượt trội.

Thanh long giá cao không đủ bán nhưng chỉ ra quả từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm. Nông dân chỉ hái bán được sáu tháng còn sáu tháng chống cằm ngồi nhìn.

Có lẽ người “làm đường băng” cho thanh long Bình Thuận cất cánh chính là ông Sáu “rún” ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam có vườn thanh long giáp ranh Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc.

30 năm - hành trình cất cánh của Bình Thuận  ảnh 5
Nông dân chong đèn thanh long cho ra hoa trái vụ. Ảnh: ĐỖ HỮU TUẤN

Năm 1995, mua đàn vịt cỡ chục con về chuẩn bị ăn Tết nhốt ở vườn thanh long sau nhà. Sợ trộm nên ông Sáu kéo cái bóng điện tròn ra chong đèn mỗi đêm. Qua Tết, ăn hết đàn vịt nên tắt đèn, thu dây và chỉ mấy ngày sau gia đình ông Sáu đã tròn mắt khi phát hiện những búp như nút áo mọc dày đặc trên các trụ thanh long quanh nơi trước đây chong đèn ngừa trộm.

Phương pháp chong đèn cho thanh long ra hoa trái vụ từ một phát hiện tình cờ của ông Sáu ‘rún” đã giúp người nông dân trồng thanh long đổi đời. Tuy nhiên ban đầu do chưa đủ điện lưới thắp sáng, một số người mạnh dạn mua máy nổ vừa chong đèn cho vườn nhà mình vừa làm “nghề không ngủ”, hàng đêm thức canh chong đèn thuê cho những nhà có nhu cầu.

Sau này, nhà nhà, người người hạ thế bình điện để chong đèn thanh long góp phần rất lớn cho Điện lực Bình Thuận sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao, bình quân 42,23%/năm; góp phần đưa Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp năng lượng.

Diện tích thanh long năm 1992 chỉ vài trăm ha đến nay đã tăng lên 33.300 ha; hiệu quả sản xuất, giá trị sản phẩm cũng tăng lên gấp trăm lần.

30 năm - hành trình cất cánh của Bình Thuận  ảnh 6
Bình Thuận có nhiều thế mạnh như năng lượng, nông nghiệp. Ảnh: BT

Tuy nhiên ngoài những thành tựu đáng tự hào 30 năm qua, kinh tế của Bình Thuận vẫn tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu.

Trong đó phải kể đến hệ thống kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; sự hài lòng của dân chưa cao… Công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản vẫn chưa chặt chẽ, còn xảy ra sai phạm và sai phạm nghiêm trọng. Nhiều cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự… Trong khi vị trí địa lý, tài nguyên thiên là một trong những nguồn lực quan trọng và điểm mạnh của Bình Thuận so với các địa phương khác trong vùng lại chưa được phát huy.

Đáng mừng là hiện nay, kết cấu hạ tầng kinh tế, công trình hạ tầng giao thông đang đầu tư sẽ tạo điều kiện kết nối đồng bộ hạ tầng trong tỉnh với hạ tầng quốc gia. Đặc biệt là hai tuyến cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết -Dầu Giây sắp hoàn thành mở ra cơ hội rất lớn cho Bình Thuận.

Cuối tháng 8-2022, chúng tôi đứng trên đồi Bài Nài cạnh phế tích Lầu ông Hoàng nhìn Phan Thiết đang thay da đổi thịt từng ngày mà mừng.

Nhớ lại 27 năm trước cũng đứng trên ngọn đồi này xem nhật thực, ai cũng bật cười khi nghe tiếng gà dưới chân đồi gáy le te bởi trời bỗng tối rồi bỗng sáng. Có ai ngờ đó lại là tiếng gà gáy đánh thức vùng biển này.

Từ đồi Bài Nài hướng tầm mắt về Thiện Nghiệp nơi dự án sân bay Phan Thiết đang thi công mà Thủ tướng vừa đồng ý điều chỉnh quy mô thành một trong 3 sân bay lớn nhất miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng… Với quá nhiều lợi thế, tiềm năng, cơ hội…còn chờ gì nữa mà không cất cánh lên hỡi quê hương dấu yêu Bình Thuận!

https://plo.vn/30-nam-hanh-trinh-cat-canh-cua-binh-thuan-post696092.html?utm_source=coccoc&utm_medium=ccnews