Site icon Hội chiếu sáng Việt Nam

Doanh nghiệp trẻ tái tạo để bứt phá

 

Sau chuỗi ngày dài nỗ lực thích ứng linh hoạt để vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây nên, các thành viên của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (Hanoiba) bước vào bối cảnh mới trong tâm thế tái tạo – đổi mới để bứt phá.

Các doanh nghiệp dù gặp nhiều khó khăn nhưng đã nỗ lực để thích ứng linh hoạt

Nhìn lại hơn hai năm diễn ra đại dịch, rất nhiều doanh nghiệp tham dự tọa đàm “Tái tạo – Đổi mới để bứt phá” do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (Hanoiba) tổ chức cho biết đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Chỉ có một số ít, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, không chịu quá nhiều tác động.

Dù vậy, với bản lĩnh của những người doanh nhân mang trong mình sứ mệnh lớn, họ đã tìm cách xoay chuyển, thích ứng linh hoạt với bối cảnh để vượt qua khủng hoảng, tìm cơ hội trong nguy nan.

Hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng nên khó khăn đối với Tổng giám đốc Eurowindow Nguyễn Cảnh Hồng là rất lớn. Dù vậy, ông Hồng cho rằng trong nguy luôn có cơ. Ông tận dụng thời điểm trầm lắng để chuyển đổi số doanh nghiệp.

Ông Phạm Đình Đoàn, chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cũng chẳng “ngồi yên” khi đại dịch diễn ra. Nhiều sự thay đổi đã được thực hiện trong doanh nghiệp này như chuyển đổi số, dịch chuyển nhân sự, cắt giảm chi phí và quan trọng, theo ông Đoàn, là thích ứng.

Không chịu cảnh “ngủ đông” như nhiều doanh nghiệp khác trên thương trường, CEO Canifa Đoàn Bích Ngọc lựa chọn tinh thần đối diện và linh hoạt khi đối mặt với khủng hoảng. Các giải pháp liên quan đến tinh gọn nhân sự và đàm phán giảm tiền thuê mặt bằng được đưa ra giúp Canifa giảm tới hơn 30% chi phí.

Tương tự, thích nghi và sáng tạo là hai yếu tố được áp dụng thường xuyên ở một công ty công nghệ như FSI, theo chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khoa Bảo. Nhờ chuyển đối số mà FSI tiết kiệm được hơn 30% chi phí sau hai năm. Bên cạnh đó, chỉ cần 50 người thực hiện trong ba tháng, FSI đã có thể hoàn thành một dự án mà trước đây cần tới 200 người thực hiện trong thời gian sáu tháng.

“Ngay cả khi cần giãn cách, chúng tôi vẫn triển khai được công việc với khách hàng”, ông Bảo nói.

Ban thường trực Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội khóa VIII

Tái tạo để bứt phá

Hai năm với nhiều tác động nặng nề của đại dịch qua đi, các doanh nghiệp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang bước vào một giai đoạn bình thường mới với nhiều tín hiệu tích cực dù dịch bệnh vẫn còn đó.

Theo Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, tỷ lệ phủ vaccine ở Việt Nam đang thuộc nhóm đầu thế giới. Nhờ vậy, niềm tin về một ngày không xa khống chế được đại dịch là rất lớn. Bên cạnh đó, dự báo của các tổ chức như Ngân hàng thế giới hay HSBC cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu khá lạc quan, tạo nên tín hiệu tích cực với Việt Nam khi phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Các chính sách tài khoá và tiền tệ sẽ là những cơ sở để cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp hồi phục trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Dù vậy, thách thức vẫn còn rất lớn, nhất là về quản trị nhân sự trong bối cảnh VUCA, câu chuyện phát triển bền vững và nhiều rủi ro khác về an ninh mạng và bảo mật thông tin trong quá trình chuyển đổi số…

Theo ông Thinh, có bốn việc quan trọng mà doanh nghiệp vừa và nhỏ cần làm bao gồm: tái cấu trúc, chuyển đổi số, quản trị doanh nghiệp mà đặc biệt là quản trị rủi ro, phát triển văn hoá doanh nghiệp.

Chia sẻ với các thành viên của Hanoiba, ông Đoàn nhấn mạnh năm nội dung quan trọng cần làm. Một là học cách bình tĩnh, thích ứng trong một thế giới không ngừng biến động, nhiều khủng hoảng khó lường khác có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Hai là đôi lúc chậm lại để tư duy về chiến lược, tìm cách rút ngắn con đường đến thành công và giảm thiểu nguy cơ thất bại thay vì chỉ mải miết làm. Ba là đẩy mạnh kết nối, hợp tác để cùng vượt qua khó khăn và làm việc lớn.

“Là doanh nghiệp nhỏ mà lang thang làm một mình thì khó. Không hợp tác bằng cách này thì hợp tác bằng cách khác, một cộng một bằng ba thì mới làm, thậm chí bằng 11”, ông Đoàn nói.

Bốn là suy nghĩ đến câu chuyện kế nghiệp bởi lẽ việc không có người kế nghiệp đang là rủi ro của nhiều doanh nghiệp. Năm là giữ mãi tinh thần tìm tòi, học hỏi và cầu thị để đúc rút ra nhiều bài học và cơ hội.

Có cùng quan điểm với ông Đoàn, ông Hồng nhấn mạnh giá trị của sự chia sẻ, hợp tác, liên kết một cách thực chất thay vì chỉ mang tính phong trào.

“Tôi ký với anh Hải (Alphanam) và anh Quyết (FLC) hàng trăm tỷ đồng giá trị thực tế. Còn nhiều hợp tác khác của anh Quyết với anh Hải và các anh khác ở trong câu lạc bộ, tạo giá trị kết nối”, ông Hồng lấy ví dụ ở Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ. “Khi thành lập công ty CP Sao đỏ Tây Nguyên, tôi, anh Đoàn và anh Hải… là cổ đông để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu. Đó là kết hợp thực tế đã và đang triển khai”.

Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa câu lạc bộ Sao Đỏ và Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (Hanoiba)

Ông Trần Đăng Nam, Chủ tịch Hanoiba kỳ vọng vào hoạt động hợp tác với các doanh nhân Sao Đỏ trong kế hoạch hỗ trợ năng lực cho các hội viên, mong muốn tạo sợi chỉ đỏ để thúc đẩy gắn kết và kết nối, bên cạnh đó là đổi mới tư duy, thích ứng linh hoạt để đối mới doanh nghiệp.

Đó cũng là lý do lãnh đạo Hanoiba đã ký kết hợp tác với Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ trong khuôn khổ chương trình Xuân đoàn viên năm 2022. Hanoiba cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA).

Các thoả thuận này đánh dấu mốc quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác mở rộng trong công tác hỗ trợ hội viên phát triển xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm… trong năm 2022 và những năm tới của Hanoiba nhiệm kỳ 2021 – 2024.

 Nguồn TheLEADER

Exit mobile version