Site icon Hội chiếu sáng Việt Nam

Chuỗi sản xuất chip toàn cầu: Cơ hội lớn cho Việt Nam

Ông Võ Xuân Hoài, phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), đã chia sẻ cùng Tuổi Trẻ như sau khi NIC ký nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác Mỹ trong lĩnh vực phát triển công nghiệp bán dẫn.

Công nhân làm việc trong nhà máy Intel tại Việt Nam – Ảnh: Intel cung cấp

Việc Việt Nam – Mỹ đặt trọng tâm hợp tác đầu tư khoa học công nghệ, chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip… đang mở ra cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước phát triển.

Để hợp tác hiệu quả với các “ông lớn” công nghệ Mỹ, doanh nghiệp Việt cần nâng cao chất lượng và trình độ công nghệ; xây dựng mối quan hệ đối tác đáng tin cậy; chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư, tăng cường quảng bá và tiếp thị để thu hút sự chú ý của các công ty công nghệ Mỹ.

Ông Võ Xuân Hoài

Ông Võ Xuân Hoài, phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia

Sẽ có nhiều hoạt động sôi nổi với Mỹ

* Đâu là những trọng tâm hợp tác về đổi mới sáng tạo giữa hai nước thời gian tới. Ông kỳ vọng gì từ sự hợp tác này, thưa ông?

– Trọng tâm hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo giữa hai nước là đầu tư khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip điện tử, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu và kinh tế tuần hoàn.

Khi Việt Nam xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những động lực chủ yếu cho phát triển đất nước thì sự hợp tác với Mỹ sẽ giúp chúng ta thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển xanh, nhanh, bền vững và bao trùm.

Cùng với những chương trình và kế hoạch triển khai đã được hai bên thảo luận và thống nhất, chúng ta có cơ sở để tin rằng lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao trong nước sẽ có nhiều hoạt động sôi nổi, đi vào chiều sâu trong thời gian tới với Mỹ.

* Theo ông, tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo giữa hai nước thế nào, sự hợp tác này có ý nghĩa ra sao với các doanh nghiệp công nghệ trong nước?

– Tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Mỹ là rất lớn và có thể mang lại nhiều lợi ích cho cả hai nước, trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu của tập đoàn công nghệ Mỹ, giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận và tận dụng cơ hội thị trường Mỹ, mở rộng quy mô kinh doanh và tăng cường xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ.

Hợp tác với Mỹ cũng mang lại cơ hội cho doanh nghiệp Việt tiếp cận công nghệ và kiến thức tiên tiến, đổi mới sáng tạo từ các tập đoàn công nghệ Mỹ. Đây là một lợi thế quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ và sản phẩm.

Sự hợp tác hai bên có thể thúc đẩy đầu tư và hợp tác nghiên cứu và phát triển (R&D) giữa doanh nghiệp hai nước theo kiểu phía Mỹ đầu tư hoặc hợp tác để phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng hoạt động sản xuất và tạo việc làm, tạo ra các sản phẩm, giải pháp đổi mới sáng tạo có giá trị cao.

Bên cạnh đó, việc hợp tác còn tạo ra môi trường thuận lợi để xây dựng quan hệ đối tác đi vào chiều sâu giữa doanh nghiệp hai nước, mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong lĩnh vực công nghệ.

* Chúng ta đã nói về tiềm năng của mối quan hệ này, tuy nhiên doanh nghiệp Việt cần phải có sự thay đổi nào?

– Để tận dụng được những cơ hội này, các doanh nghiệp Việt cần đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn trong chuỗi giá trị toàn cầu của tập đoàn công nghệ Mỹ. Điều này bao gồm việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư vào R&D, cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tuân thủ quy định về sở hữu trí tuệ, quản lý dữ liệu và tăng cường đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi từ Chính phủ để khuyến khích sự hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.

Điều này bao gồm việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận thương mại, tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch, đẩy mạnh việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ.

Công nhân hoàn thiện sản phẩm bo mạch điện tử tại Công ty TNHH MTV công nghệ cao Điện Quang trong Khu công nghệ cao TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Doanh nghiệp Việt có nhiều lợi thế

* Ông có nhận xét gì về lợi thế của doanh nghiệp Việt trong hợp tác với những “ông lớn” công nghệ Mỹ như Apple, Google, Meta, Microsoft, Intel?

– Các doanh nghiệp công nghệ Việt có nhiều lợi thế khi hợp tác trước hết là ở vị trí thuận lợi – nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, giúp Việt Nam có thể trở thành cầu nối quan trọng giữa công ty công nghệ Mỹ và thị trường khu vực. Mức lương của Việt Nam cũng còn thấp, vẫn còn là một lợi thế cạnh tranh.

Và với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển nhanh, Việt Nam đang nắm lợi thế có một nguồn nhân lực công nghệ thông tin đông đảo và có trình độ cao với rất nhiều trường đại học tham gia đào tạo.

Mặt khác, cơ sở hạ tầng số của Việt Nam phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng ấn tượng, cơ sở hạ tầng thanh toán trực tuyến ngày càng hoàn thiện và mở rộng cũng thu hút sự quan tâm của các tập đoàn Mỹ.

Đồng thời, lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sự nổi lên của các công ty lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử và fintech, nền kinh tế số của Việt Nam dự báo có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, ở mức 31% trong giai đoạn 2022 – 2025 cũng là một lợi thế của doanh nghiệp công nghệ trong nước.

* Ông đánh giá thế nào về tiềm năng các doanh nghiệp Việt có thể trở thành những vendor (nhà cung cấp) cấp 1 của tập đoàn công nghệ Mỹ?

– Tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt có tiềm năng để trở thành những vendor cấp 1 cho các tập đoàn công nghệ Mỹ như Foxconn và Luxshare. Thực tế các doanh nghiệp công nghệ trong nước đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và gia công.

Năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước trở thành những nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao cho các tập đoàn công nghệ Mỹ. Như đã nói ở trên, chúng ta vẫn còn lợi thế cạnh tranh về lương.

Năng lực R&D và đầu tư mạnh cho R&D cũng là lợi thế để doanh nghiệp Việt đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn công nghệ Mỹ về sự đổi mới và phát triển sản phẩm.

Khả năng R&D sẽ là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp trong nước trở thành nhà cung cấp cấp 1. Tất nhiên, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy chuẩn chất lượng cao và điều chỉnh quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Các tập đoàn công nghệ Mỹ thường yêu cầu nhà cung cấp phải có khả năng quản lý dự án và cung ứng linh hoạt. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đảm bảo khả năng quản lý dự án hiệu quả và đáp ứng đúng thời hạn, đồng thời cần tăng cường thích ứng với các yêu cầu thay đổi từ khách hàng.

Mặc dù các doanh nghiệp Việt có tiềm năng để trở thành nhà cung cấp cấp 1 cho các tập đoàn công nghệ Mỹ, cần lưu ý rằng cạnh tranh trong ngành công nghệ là rất khốc liệt. Các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao năng lực và đầu tư vào R&D để cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Nhân viên làm việc tại tòa nhà F-Town 3 của FPT Software trong Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Doanh nghiệp Mỹ nghiên cứu khả năng sản xuất chip tại Việt Nam

Ngày 19-9 (giờ Mỹ, sáng 20-9 giờ Việt Nam), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp giám đốc điều hành của các doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn.

Tại cuộc làm việc, các doanh nghiệp bán dẫn Mỹ đánh giá cao tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và cho biết đang nghiên cứu khả năng đặt nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp bán dẫn Mỹ tiếp tục hợp tác, đầu tư sâu rộng hơn trong tất cả các khâu từ đầu tư hạ tầng đến chuyển giao công nghệ, thiết kế, sản xuất và đào tạo nhân lực.

Về những ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp liên quan tới thuế, thủ tục hành chính, đất đai, đào tạo nhân lực, ông cho biết Chính phủ và các bộ ngành sẽ tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cho tất cả doanh nghiệp, bao gồm Mỹ.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) với Tập đoàn Cadence Design Systems về thúc đẩy năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam.

NIC cũng ký biên bản ghi nhớ với Đại học bang Arizona về việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo ký bản ghi nhớ với Tập đoàn Intel về phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao.

“Đây là một bước tiến tiếp theo để triển khai các hoạt động hợp tác giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ với các đối tác Việt Nam nhằm mang đến những cơ hội mở rộng thị trường và nâng cao năng lực của Việt Nam trong ngành công nghiệp này”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận xét về ba bản ghi nhớ mới giữa hai bên.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định Việt Nam có đủ năng lực phát triển công nghiệp bán dẫn cùng hệ thống chính trị được đánh giá ổn định, vị trí địa lý thuận lợi. Việt Nam cũng đang xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030.

Cùng với đó, Việt Nam đã và đang xây dựng được ngành công nghiệp điện tử đủ lớn ở trong nước cũng như thu hút ngày càng nhiều các đơn vị sản xuất điện tử lớn. Đây là thị trường trực tiếp của công nghiệp bán dẫn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao văn bản ghi nhớ về hợp tác bán dẫn giữa doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ – Ảnh: NIC cung cấp

Ðại học Việt Nam có thể đón đầu nhân lực số

Ông Thomas Vallely – chủ tịch hội đồng tín thác của Đại học Fulbright Việt Nam – cho biết những cơ hội từ việc nâng cấp mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ có nhiều kỳ vọng được đặt ra cho những hợp tác về khoa học, công nghệ. Một trong những lĩnh vực quan trọng nhất là chip hay bán dẫn.

Theo đó, trước mắt Việt Nam có thể tận dụng các dự án lớn về bán dẫn từ Mỹ để đảm nhận một vài khâu trong dây chuyền bán dẫn. Không nên đặt kỳ vọng quá cao như sớm có thể tự sản xuất chip mà nên chú trọng làm thật tốt một vài khâu trong chuỗi dây chuyền sản xuất chip.

Hai khâu khả thi nhất cho Việt Nam là lắp ráp và đóng gói. Như thế, Việt Nam sẽ có thể kết nối được với các “ông lớn” về chip trong khu vực như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và đảm nhận một khâu hoàn chỉnh trong dây chuyền sản xuất chip.

Theo ông Thomas Vallely, mức độ cạnh tranh giữa các quốc gia có tham vọng như Việt Nam cũng không hề nhỏ nên thử thách cho Việt Nam tham gia vào một ngành công nghiệp mới như bán dẫn đôi khi lại đến từ năng lực của một số ngành công nghiệp truyền thống như công nghiệp năng lượng.

Chẳng hạn, Việt Nam cần đảm bảo đủ nguồn điện cho các nhà máy bán dẫn và không thể để xảy ra những sự cố mất điện như mùa hè vừa qua tại một số tỉnh phía Bắc.

Đặc biệt, ông Thomas Vallely cho rằng các đại học là một thành tố để xây dựng một nền công nghiệp bán dẫn mạnh. Trong tương lai, Việt Nam cần số lượng lớn các kỹ sư, chuyên gia trong mảng bán dẫn nói riêng và công nghệ thông tin nói chung.

Các đại học Việt Nam hiện đang mở rộng các ngành học về trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thông tin. Các trường đại học đang đón đầu để cung cấp nguồn nhân lực AI cho tương lai.

Ông Thomas Vallely chia sẻ phía Mỹ sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án hợp tác có giá trị lớn cho các dự án hỗ trợ phát triển các đại học Việt Nam, ngoài tận dụng nguồn lực từ những dự án này để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ông cho rằng các đại học cần có những mối hợp tác để chia sẻ nguồn lực trong phát triển.

Bên cạnh đó có thể tận dụng nguồn “chất xám” Việt Nam đang hoạt động tại Mỹ cho các chương trình đào tạo về công nghệ.

Sẵn sàng đón “đại bàng”

Ông Trần Bá Linh – tổng giám đốc Công ty TNHH MTV công nghệ cao Điện Quang – cho hay các tập đoàn công nghệ Mỹ mở nhà máy ở Việt Nam có thể họ sẽ phát triển ở khâu lắp ráp thành phẩm.

Họ sẽ cần những doanh nghiệp Việt Nam đang có sẵn nhà máy, nguồn nhân lực, quy trình sản xuất, công nghệ và máy móc hiện đại để sản xuất, gia công cho các tập đoàn ở mảng này.

Các doanh nghiệp Việt như Điện Quang những năm qua đã chuẩn bị sẵn sàng để “ráp” vào quy trình này. Chỉ cần một công ty lớn đặt hàng theo tiêu chuẩn quốc tế thì Điện Quang sẵn sàng nhận gia công những bo mạch, sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng quốc tế.

Điện Quang đã chuẩn bị đội ngũ nhân sự với các kỹ sư R&D (nghiên cứu và phát triển) và đội ngũ thiết kế chất lượng cao, đã nghiên cứu phát triển các sản phẩm và thiết bị liên quan trực tiếp đến ngành vi mạch bán dẫn, công nghệ cao.

Những năm gần đây, Điện Quang cũng đã tập trung phát triển ngành vi mạch và bo mạch bán dẫn song vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong việc sản xuất ra các bo mạch, vi mạch bán dẫn cho các đối tác quốc tế.

Các kỹ sư Công ty Real-time Robotics Việt Nam (TP Thủ Đức) thiết kế bo mạch chủ máy bay không người lái trang bị hệ thống AI phục vụ cứu hộ, cứu nạn, sản xuất nông nghiệp – Ảnh: TỰ TRUNG

Sẽ có những nhà cung cấp Việt

Ông Lưu Anh Tuấn – chủ tịch HĐQT Công ty Đất hiếm Việt Nam – nhận định về cơ hội hợp tác công nghệ Việt – Mỹ sau khi hai nước nâng cấp quan hệ và thúc đẩy hợp tác đầu tư thương mại rằng doanh nghiệp Việt rất cần những đối tác Mỹ như Synopsys, Nvidia bởi bất cứ một ngành công nghiệp nào, trong đó có công nghiệp bán dẫn, đều cần thị trường.

Giờ thị trường có sẵn thì doanh nghiệp trong nước chỉ cần sản xuất đáp ứng nhu cầu nên sẽ nhanh hơn phải đi kiếm thị trường và tự sản xuất lấy.

Hơn nữa, việc hợp tác trực tiếp với các tập đoàn công nghệ Mỹ sẽ mang lại cơ hội lớn hơn cho doanh nghiệp trong nước. Nếu hợp tác qua đối tác thứ ba, chúng ta chỉ giải được bài toán nhân công, không nắm được chương trình sản xuất, dây chuyền, công nghệ sản xuất.

Theo ông Tuấn, năng lực các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn công nghệ Mỹ vì họ đã có giai đoạn đánh giá.

Trong ngành công nghiệp bán dẫn có rất nhiều công ty phụ trợ, bước đầu doanh nghiệp Việt có thể làm phụ trợ cho các tập đoàn Mỹ, sau đó tiến tới trở thành những nhà máy chính trong chuỗi cung ứng sản xuất của họ. Ví dụ như doanh nghiệp trong nước có thể tham gia khâu sản xuất silicon wafer – tấm silic kim loại có độ tinh khiết cao được sử dụng để in vi mạch.

Sau đó khi các doanh nghiệp trong nước phát triển hơn thì tham gia vào công đoạn in thạch bản giống như các công ty Đài Loan, Nhật Bản đang làm.

Tất nhiên, khâu này đòi hỏi kỹ thuật tiên tiến hơn nhưng chúng ta hoàn toàn có thể từ từ tiến tới. Hiện những công đoạn này Mỹ không làm vì nó đòi hỏi nhân lực, năng lượng và nhiều thứ liên quan.

Doanh nghiệp Việt có thế mạnh ở hai mảng chuẩn bị và lắp ghép. Chẳng hạn Intel mở nhà máy ở TP.HCM, họ không sản xuất chip tại đây mà chỉ xây dựng nhà máy lắp ghép chip. Tức là sau khi in thạch bản xong thì đến khâu ghép vào hệ thống đế để bán sản phẩm cuối cùng thì họ làm ở Việt Nam vì chúng ta có lao động trẻ, dễ đào tạo.

Mặt khác các dự án, nhà máy sản xuất chất bán dẫn đòi hỏi thời gian đầu tư lâu dài, thời gian qua Công ty Đất hiếm Việt Nam đã tham khảo dự án đầu tư nhà máy sản xuất tấm silicon wafer, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, lắp ráp con chip thì từ lúc khởi công nhà máy đến khi ra được sản phẩm làm nhanh mất khoảng 3 năm, còn với dự án in chip thì phải mất 5 năm mới xong.

Và trong khoảng 3-5 năm xây dựng nhà máy phải tiến hành đào tạo lao động để có đủ nhân lực vận hành các nhà máy sản xuất chất bán dẫn.

Một con chip lớn cỡ 1cm2 cần hàng trăm kỹ sư tham gia thiết kế. Hầu hết việc thiết kế phần mềm chỉ nằm trên máy tính, nhân công thiết kế con chip vô cùng lớn nên Việt Nam có tiềm năng lĩnh vực này.

Việt Nam cũng đang phấn đấu để thay thế Ấn Độ trong lĩnh vực thiết kế con chip. Ngay tại thủ phủ tập đoàn thiết kế chip hàng đầu Mỹ như Qualcom tại San Diego, California (Mỹ) hiện nay cũng có rất nhiều kỹ sư người Việt đang thiết kế chip. Và trong một con chip thì 90% lợi nhuận nằm ở phần mềm, chỉ khoảng 10% lợi nhuận thuộc về phần cứng.

Từng bước hình thành ngành công nghiệp bán dẫn

Cũng theo ông Tuấn, việc Chính phủ đã giao các bộ, ngành xây dựng đề án đào tạo 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn, nỗ lực phát triển nguồn nhân lực của Chính phủ và sự hỗ trợ từ Mỹ sẽ góp phần từng bước hình thành ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.

Nhân lực công nghệ là yếu tố đặc biệt quan trọng trong ngành công nghiệp điện tử nhưng có những khâu máy móc không thể thay thế con người. Vì thế phía Mỹ muốn đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh trình độ nhân lực hiện nay thì họ chọn hợp tác đào tạo nhân lực trước.

Theo https://tuoitre.vn/

Exit mobile version