Khi xung đột bùng nổ giữa Ukraine và Nga – hai quốc gia từng là 2 nước cộng hòa anh em trong Liên bang Xô viết, giới nghiên cứu nhìn lại quá trình tan rã của Liên Xô trước đây và mối liên hệ của nó với diễn biến địa chính trị hiện nay ở Ukraine.
LTS: Tiến sĩ lịch sử Andrey Kortunov – Tổng giám đốc Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga (RIAC) vừa có bài viết sâu (đăng vào giữa tháng 4/2022) về sự sụp đổ của Liên Xô và mối liên hệ với tình trạng xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine hiện nay. Theo tác giả này, sự thích ứng của Nga với bối cảnh hậu Xô viết vẫn chưa hiệu quả lắm và có nhiều thương đau. Báo điện tử VOV xin giới thiệu với quý độc giả bản dịch phần 1 của bài viết này.
Xe thiết giáp bốc cháy trên chiến trường Ukraine trong xung đột quân sự Nga-Ukraine tháng 2/2022. Ảnh: Africanews.
Ba mươi năm trước, khi Liên Xô giải thể, nhiều nhà quan sát bày tỏ ngạc nhiên trước bản chất tương đối hòa bình của quá trình tan rã nhà nước khổng lồ này. Trước đó, sự tan rã của các đế chế châu Âu (như Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) đều đi kèm với các xung đột vũ trang quy mô lớn, một số vụ còn kéo dài vài thập kỷ và gắn liền với việc hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người, trở thành nạn nhân. Không gian hậu Xô viết tất nhiên cũng có chứng kiến bạo lực quân sự và xung đột vũ trang trong thập niên 1990 (như ở Tajikistan, Nagorno-Karabakh, Abkhazia, Nam Ossetia, Transnistria, Chechnya và Dagestan) nhưng hầu hết đều có quy mô tương đối nhỏ và thời gian tương đối ngắn.
Xung đột quân sự bên trong lãnh thổ Liên Xô thường được “đóng băng” hiệu quả. Những lời tiên đoán về sự phổ biến vũ khí hạt nhân, hàng triệu người tị nạn đổ sang các nước láng giềng, thanh lọc sắc tộc diện rộng và sự gia tăng không thể ngừng của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, chủ nghĩa khủng bố quốc tế v.v. đã không thực sự trở thành hiện thực ngay sau khi Liên Xô tan rã.
Phải thừa nhận rằng giai đoạn đầu sau khi Liên Xô sụp đổ là rất hòa bình, thậm chí có trật tự, nhất là khi chúng ta tính đến việc không ai vạch ra từ trước kế hoạch dự phòng cho tình huống Liên Xô giải thể.
Giới phân tích đưa ra nhiều giải thích khác nhau cho đặc điểm đáng lưu ý này. Đặc biệt, họ đề cập các cựu lãnh đạo của Liên Xô đã nghiêng về cơ hội làm giàu bản thân hơn nỗ lực bảo tồn nhà nước Xô viết. Cần phải lưu ý rằng Liên Xô là một thực thể rất đặc biệt mà tại đó, khu vực trung tâm (tức Nga) không khai thác nhiều về mặt kinh tế đối với vùng ngoại vi, vì vùng lõi đã chấp nhận trợ cấp cho vùng ngoại vi, dù khi làm vậy sẽ phải hy sinh các dự án phát triển của riêng mình.
Liên Xô tan rã dần dần
Dưới đây là một cách giải thích khác – giả thuyết này không nhất thiết phải mâu thuẫn với các phương án ở trên: Liên Xô đã không thực sự sụp đổ vào cuối năm 1991 mà chỉ bước vào một quá trình tan rã dần, một quá trình dài lâu, phức tạp và đầy mâu thuẫn.
30 năm trước, lãnh đạo của các nước cộng hòa thành viên Liên Xô chỉ tuyên bố tạo ra các nhà nước độc lập trên cơ sở sự sụt lún dần dần của các thiết chế xã hội, kinh tế và chính trị của Liên Xô. Nhưng quá trình xây dựng các nhà nước mới thì lại kéo dài vài thập kỷ và vẫn tiếp diễn cho đến ngày hôm nay.
Trong một thời gian dài, phần chính của không gian hậu Xô viết (ngoại trừ 3 nước Baltic) vẫn cơ bản là một thực thể đơn nhất xét về quan hệ kinh tế, cơ sở hạ tầng vận tải và hậu cần, tiêu chuẩn giáo dục, khoa học, văn hóa, và quan trọng nhất là nếp suy nghĩ của giới chính trị và kinh doanh nắm quyền. Phải mất ít nhất một thế hệ nữa thì “thực thể” này mới bắt đầu chìm vào quá khứ. Do vậy, sự sụp đổ thực sự của Liên Xô vẫn đang diễn ra ngày hôm nay, theo nghĩa đen ngay trước mắt chúng ta, và các nước mới xuất hiện trong không gian hậu Xô viết vẫn chưa trải qua tất cả các thách thức, rủi ro và đau đớn của quá trình tan rã kéo dài này.
Bản chất mang tính bề nổi của quá trình tan rã Liên Xô vào cuối năm 1991 đặc biệt rõ khi so sánh nó với các sự kiện khá tương đồng trong lịch sử hiện đại, như việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Gần 4 năm trôi qua từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit vào tháng 6/2016 đến khi chính thức chấm dứt tư cách thành viên của Anh tại Liên minh châu Âu vào ngày 1/2/2020. Các năm này tràn ngập các cuộc thương lượng sâu, các tranh chấp chính trị cả ở London và Brussels, các cuộc tham vấn không ngừng với các chuyên gia, cũng như việc tìm kiếm đầy khó khăn các thỏa hiệp về điều khoản hợp tác giữa Anh và EU. Trong 4 năm này, người ta đã phải chuẩn bị nhiều tài liệu chi tiết và nhất trí về điều hòa các quyền và nghĩa vụ của London và Brussels đối với nhau. Hơn nữa, việc làm rõ các quyền và nghĩa vụ này vẫn tiếp tục cho tới ngày nay.
Hiệp định Belovezh – tuyên bố chấm dứt sự tồn tại của Liên Xô và việc thành lập Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG), đã được soạn thảo, nhất trí và ký kết trong vài ngày. Văn bản 14 mục này chỉ dài vỏn vẹn 2 trang. Trên thực tế, Hiệp định Belovezh chỉ thông qua tuyên bố chung nhất. Đây là bản ghi nhớ vắn tắt và rất mơ hồ, mỗi bên tham gia đều có thể giải thích theo ý riêng của mình. Tức là tương phản với rất nhiều thủ tục và thời gian cần thiết để đạt được một thỏa thuận Brexit.
Ngoài ra còn một khác biệt nữa. Brexit chỉ là sự rút lui của một nước khỏi một dự án tích hợp đa phương. Còn trong trường hợp Hiệp định Belovezh, nhiệm vụ là phá hủy một cách có trật tự đối với một nhà nước đơn nhất có lịch sử chung sống của nhiều nhóm dân tộc, tộc người và tôn giáo, có từ vài thế kỷ trước.
Ba thập kỷ trước, người ta không cho rằng tất cả các dự án dân tộc của các nước cộng hòa thành viên trong Liên Xô đều nhất thiết thành công. Họ hình thành các nghi ngờ có cơ sở về khả năng đứng vững về mặt chính trị và kinh tế, cũng như tính hiệu quả của nhiều nước trong số đó.
Tại Moscow, trong một thời gian dài, tâm lý chung vẫn là khá cao ngạo. Họ thầm nghĩ: “Bọn họ sẽ chẳng đi đâu đâu, sớm muộn gì họ sẽ quay trở lại với chúng ta”. Người ta có thể đã nghĩ về kịch bản các quốc gia hậu Xô viết dưới sự lãnh đạo của Nga sẽ hình thành một dạng hội nhập khả thi theo kiểu mô hình EU hoặc ít nhất là Cộng đồng Kinh tế châu Âu có trước cả EU.
Cơ cấu tích hợp mới
Không phải ngẫu nhiên mà trong các tài liệu chính sách đối ngoại chính thức của Nga, quan hệ với các đối tác nước ngoài ở cận kề đã nhất quán chiếm vị trí đầu tiên trong danh sách ưu tiên theo địa lý của điện Kremlin, bất chấp thực tế đường lối đối ngoại thực sự của Nga kể từ năm 1991 đã dồn sự chú ý sang hướng Tây. Trong một thời gian dài, Kremlin đã xem các cơ chế của Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG) không phải là công cụ “ly hôn văn minh” với các nước láng giềng của Nga thời kỳ hậu Xô viết, mà là phương tiện đầu tiên cho cơ cấu tích hợp mới.
Việc củng cố không gian hậu Xô viết được Nga coi là điều kiện tuyệt đối cần thiết để nước này lấy lại vị thế đại cường, cũng như bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững của quốc gia này.
Tuy nhiên, 30 năm kể từ đó, mục tiêu này vẫn chưa đạt được. Có nhiều lý do dẫn đến sự thất bại này. Một là kết cấu đa dạng và khác biệt của SNG, thiên về phân tán ra ngoài hơn là hội tụ với nhau về kinh tế, chính trị và văn hóa. Hai là quan điểm của phương Tây, luôn nghi ngờ bất cứ khả năng nào tái tạo lại Liên Xô dưới hình thức này hay hình thức khác.
Ngoài ra, còn có một sự bất đối xứng thấy rõ về tiềm năng kinh tế và chính trị giữa Nga và các nước láng giềng – điều này phức tạp hóa nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng đa phương ổn định về lợi ích được tất cả các bên chấp nhận. Tất nhiên cũng phải tính đến cả hội chứng “Anh Cả” có thể ít nhiều xuất hiện trong các chính sách của Nga, khiến Moscow không sẵn lòng tính đến đầy đủ các lợi ích cụ thể của các giới lãnh đạo tại các quốc gia mới tách ra khỏi Liên Xô.
Mô hình Nga chưa thực sự thuyết phục?
Việc Nga chưa thành công trong củng cố không gian hậu Xô viết xung quanh Nga xuất phát từ không chỉ các nhân tố nêu trên. Vấn đề cơ bản cho quá trình hội nhập “Á-Âu” hậu Xô viết là trong 30 năm tồn tại độc lập vừa qua, Nga chưa tìm được mô hình phát triển xã hội và kinh tế hiệu quả có thể được xem là mô hình làm gương cho các nước láng giềng.
Từ giữa thập kỷ thứ nhất của thế kỷ 21, điện Kremlin đã bắt đầu ưu tiên các nhiệm vụ duy trì ổn định xã hội và chính trị ở mức cao hơn so với nhiệm vụ hiện đại hóa xã hội và kinh tế.
Dường như việc Nga bảo tồn các hệ thống kinh tế và xã hội cũ là lý do chính giải thích vì sao trong thời kỳ hậu Xô viết, vai trò của Nga đối với các nước trong SNG không giống như vai trò của Đức đối với Cộng đồng Kinh tế châu Âu trong thập niên 1960 và 1970.
Cụ thể, vai trò động lực kinh tế chính của Á-Âu nằm bên ngoài sức mạnh của Nga. Hơn nữa, Nga phải cạnh tranh về ảnh hưởng trong không gian Á-Âu với các đối thủ đầy tham vọng và tràn trề sức lực như EU ở phía Tây, Trung Quốc ở phía Đông, và Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Nam. Trong cuộc cạnh tranh này, Moscow dần đuối sức, từ đó góp phần làm gia tăng tâm lý bị cô lập và bất an.
Moscow đã sử dụng các công cụ gì để thúc đẩy ảnh hưởng của mình trong lãnh thổ của Liên Xô cũ trong 3 thập kỷ qua? Công cụ đầu tiên đó là Nga tự định vị mình là người đảm bảo chủ chốt (hoặc có thể là duy nhất) cho an ninh quốc gia của các nước hậu Xô viết. Nga luôn có thái độ dị ứng đối với các nỗ lực của các nước, các tổ chức bên ngoài muốn mở rộng ảnh hưởng quân sự và chính trị trong vùng lãnh thổ này, bao gồm cả các đề xuất gửi lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tới khu vực xảy ra một cuộc xung đột cụ thể nào đó. Ban lãnh đạo Nga rõ ràng không thích bất cứ phương án bảo đảm an ninh khác ở “sân sau” của mình./. (Còn nữa)
Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch
Nguồn: RIAC, RT