Site icon Hội chiếu sáng Việt Nam

Vòng hoa gửi người hùng Biên Đông.

 

Hôm nay, bất cứ ai về Trường Sa cũng đều vui mừng trước những đổi thay trên từng điểm đảo. Nhưng có lẽ còn ít người biết về những hy sinh xương máu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ để bảo vệ từng tấc đất chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là những “dấu lặng” trong khúc tráng ca về tình yêu nước và bảo vệ biển, đảo Việt Nam…

Mâm lễ chuẩn bị được thả xuống biển theo sóng gửi đến các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại quần đảo Trường Sa.

Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ông cha ta đã đương đầu với biết bao khó khăn, thách thức. Bên cạnh bão dữ, cuồng phong là các thế lực ngang nhiên xâm phạm chủ quyền lãnh thổ nước ta một cách thô bạo, trắng trợn. Trong lòng biển khơi, đã có hàng trăm anh hùng liệt sĩ hy sinh. Máu của họ đã hòa nước biển Đông và thân xác họ đã hóa những rạn san hô trầm tích.

 

Trường Sa một phần máu thịt

Ngàn năm sau, tiếng hô “Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ vinh quang của Tổ quốc” của Anh hùng Liệt sĩ Trần Văn Phương trong trận quyết tử để bảo vệ đảo đá ngầm Gạc Ma trước sự xâm chiếm trái phép của quân đội Trung Quốc (ngày 14/3/1988) vọng mãi trong tiếng sóng biển Trường Sa…

Đoàn công tác thả vòng hoa xuống biển tại lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại thềm lục địa phía Nam.

Không xua đuổi được chiến sĩ ta rời đảo, ngày 14/3/1988, Trung Quốc cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma. Lính Trung Quốc xông vào định giật cờ của ta, cướp đảo, Thiếu úy Trần Văn Phương và Hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội anh dũng kháng cự, lập thành đội hình “vòng tròn bất tử”. Quân Trung Quốc đã dùng lê đâm Hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh trọng thương, Thiếu úy Phương lao vào cứu đồng đội đã bị chúng bắn hy sinh… Khi thấy tàu HQ 604 bị quân Trung Quốc bắn chìm dần, tình thế mất đảo trong gang tấc, Trưởng tàu HQ 505 đã chỉ huy lao hết tốc độ ủi được hai phần ba thân tàu lên bãi đảo Cô Lin thì bị trúng đạn bốc cháy. Tại đảo Len Đao, tàu HQ 605 của Việt Nam cũng bị đạn pháo Trung Quốc bắn dữ dội bốc cháy và bị chìm lúc 6 giờ ngày 15/3/1988…

Bức thư của một học sinh tiểu học ở quận Cầu Giấy được thả theo vòng hoa xuống biển tại lễ tượng niệm các chiến sĩ Gack Ma.

Đảo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988, quân ta giữ được đảo Len Đao và Côn Lin nhờ tinh thần quả cảm, mưu trí và thông minh của chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã cho tàu “ủi bãi” quyết hy sinh giữ đảo. Trong trận chiến này, Hải quân Việt Nam có 3 chiến sĩ hy sinh, 9 chiến sĩ bị quân Trung Quốc bắt làm tù binh và 61 cán bộ, chiến sĩ mất tích. Thân xác các anh mãi mãi nằm lại trong lòng biển khơi…

Chiến sỹ và thành viên đoàn công tac thả hạc giấy và hoa cúc tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ hi sinh tại quần đảo Trường Sa.

Trong lòng biển, là máu xương, là tuổi trẻ của các anh đã dâng cho Tổ quốc này. Không tắt khói nhang ở đó. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo, sư trụ trì và cả những ngư dân ghé chân chùa, ngày ngày đều để lại những nén nhang. Trong tâm thức của bao con dân Việt, Gạc Ma mãi mãi là một trong những biểu tượng về niềm tin chủ quyền. Một bản tráng ca bi hùng. Ai đó nói về “nghĩa trang đỏ” Gạc Ma, song, với tôi, những người lính ấy vĩnh viễn bất tử trong màu cờ Tổ quốc.

Tất cả các chuyến công tác khi ra thăm đạo,lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trọng công cuộc bảo vệ quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam luôn được tổ chức trang trọng.

Chúng tôi ra thăm Trường Sa và rồi trở về lại đất liền. Phía sau lưng, biển cả mênh mông với những đảo nổi, đảo chìm, những nhà giàn DKI và những người chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển trời. Ở đó, tuổi đời của các anh được tính qua từng mùa bão nổi và từng mùa cây bàng quả vuông nở hoa, kết trái. Ngoài hy sinh xương máu trong các cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bão dữ, cuồng phong của biển cả cũng vô cùng khắc nghiệt và lắm vô tình!

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam.

Nhà giàn DK/1 thành luỹ thềm lục địa phía Nam. 

Tại thềm lục địa phía Nam, hai cơn bão dữ (cơn bão số 10 năm 1990 và bão số 8 năm 1998) tràn qua khu vực nhà giàn DKI/6 và DKI/3 tại bãi Phúc Nguyên và Phúc Tần đã xô ngã các nhà giàn và hất tung 17 cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ xuống biển khơi. Trong đó, 6 sĩ quan, chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ đã anh dũng hy sinh. Đó là Anh hùng Liệt sĩ – Đại úy Vũ Quang Chương (Trưởng nhà giàn DKI/6, bãi Phúc Nguyên); Chuẩn úy chuyên nghiệp Ra đa – Liệt sĩ Lê Đức Hồng; Chuẩn úy chuyên nghiệp cơ điện – Liệt sĩ Nguyễn Văn An (Nhà giàn DKI/6 bãi Phúc Nguyên); Trung úy – Liệt sĩ Nguyễn Hữu Quảng; Trung úy chuyên nghiệp – Liệt sĩ Trần Văn Là; Hạ sĩ quân y – Liệt sĩ Hồ Văn Hiền (Nhà giàn DKI/3 bãi Phúc Tần)… Đây là những “dấu lặng” trong khúc tráng ca về tình yêu biển đảo Trường Sa, về tinh thần đấu tranh gian khổ và hy sinh của Hải quân Việt Nam anh hùng !

Lá thư gửi 64 anh hùng liệt sỹ hi sinh trong trận Gạc Ma được thả xuống biển cùng với nhưng bông cúc vàng.

Hàng năm, các đoàn công tác từ đất liền ra thăm các đảo, nhà giàn trên quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam đều neo tàu lại làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên các đảo và thềm lục địa phía Nam. Mọi người lặnng đi rất lâu trong tiếng nhạc buồn mênh mang, trong lời điếu văn truy điệu hòa trong tiếng gió biển. Có nhiều đại biểu xúc động không cầm được nước mắt. Và, những vòng hoa cùng hương khói, những bông hoa tươi… được thả xuống biển cùng với lời khấn cầu hương hồn các liệt sĩ siêu thoát. Đoàn người lặng im và những vòng hoa cứ trôi đi, trôi xa mãi đến tận cùng của đại dương…

Chiến sỹ và thành viên đoàn công tac thả hạc giấy và hoa cúc tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ hi sinh tại quần đảo Trường Sa.

Kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7) năm nay, hồi ức về những ngày đêm có mặt cùng với cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa, qua bài viết xin làm đóa hoa tươi gởi về hương hồn các liệt sĩ trên quần đảo Trường Sa niềm thành kính và lòng tri ân sâu sắc…

Vòng hoa tưởng niệm được thả xuống biển.

Trưởng đoàn công tác và chính trị viên tàu 561 thả vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại quần đảo Trường Sa.

Phóng viên và thành viên trên tàu 561 thả hoa cúc và hạc giấy tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa.

Chiến sỹ và thành viên đoàn công tac thả hạc giấy và hoa cúc tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ hi sinh tại quần đảo Trường Sa.

Võ Việt

 

 

Exit mobile version