Site icon Hội chiếu sáng Việt Nam

Việt Nam cùng 46 quốc gia ký tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi sang năng lượng sạch

Ngày 4/11/202, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra ở Vương quốc Anh, Việt Nam cùng 46 quốc gia khác đã ký Tuyên bố toàn cầu về việc chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch (Global Coal to Clean Power Transition Statement). Toàn văn nội dung có 4 điểm chính, xin giới thiệu bản dịch của GreenID để tham khảo với ghi chú cụm từ “sản xuất điện than” trong bản gốc tiếng Anh “unbated coal” được hiểu là sản xuất điện than không áp dụng công nghệ thu giữ các bon.

Nhà máy điện gió công suất thiết kế 100 MW của Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam Trà Vinh 1 xây dựng trên vùng biển tỉnh Trà Vinh hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm nay     Ảnh: Trung Nam Group

 

Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, ghi nhận rằng sản xuất điện than là nguyên nhân lớn nhất gây tăng nhiệt độ toàn cầu, nhận định rằng cần khẩn trương mở rộng quy mô triển khai năng lượng sạch để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.

Chúng tôi cam kết làm việc cùng nhau để khiến năng lượng sạch trở thành lựa chọn hợp lý nhất và dễ tiếp cận nhất trên toàn cầu, đồng thời đảm bảo những lợi ích kinh tế và sức khỏe khi chúng ta phục hồi sau đại dịch COVID.

Tầm nhìn chung của chúng tôi là đẩy nhanh chuyển dịch khỏi sản xuất điện than (bản gốc trong tiếng Anh “unbated coal” được hiểu là sản xuất điện than không áp dụng công nghệ thu giữ các bon-ghi chú của người dịch) bởi đây là yếu tố cần thiết để đáp ứng các mục tiêu chung của chúng ta trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris, theo cách thức mang lại lợi ích cho người lao động và các cộng đồng và đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng với giá cả phải chăng, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người vào năm 2030 (Mục tiêu Phát triển bền vững số 7).

Chúng tôi cam kết thực hiện các hành động sau đây để thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn cầu này và khuyến khích các bên tham gia cùng thực hiện các cam kết tương tự nhằm:

  1. Nhanh chóng mở rộng quy mô triển khai sản xuất điện sạch và các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả trong các nền kinh tế và hỗ trợ các nước khác làm điều tương tự, ghi nhận sự dẫn đầu của các nước có các cam kết tham vọng, bao gồm thông qua sự hỗ trợ của Hội đồng Chuyển dịch Năng lượng;
  2.   Nhanh chóng nâng cấp công nghệ kỹ thuật và chính sách trong thập kỷ này để thực hiện được việc chuyển dịch khỏi sản xuất điện than không áp dụng công nghệ thu giữ các bon vào thập niên 2030 (hoặc trong thời gian gần nhất sau mốc thời gian này) đối với các nền kinh tế lớn và vào thập niên 2040 (hoặc trong thời gian gần nhất sau mốc thời gian này) trên toàn cầu, phù hợp với mục tiêu khí hậu và Thỏa thuận Paris, ghi nhận sự dẫn đầu của các nước có các cam kết tham vọng, bao gồm thông qua Liên minh coi than là quá khứ;
  3. Ngừng cấp giấy phép mới cho các dự án điện than, ngừng xây dựng mới các dự án điện than và chấm dứt nguồn hỗ trợ mới và trực tiếp của chính phủ đối với sản xuất nhiệt điện than trên toàn thế giới, ghi nhận sự dẫn đầu của các nước có các cam kết tham vọng, bao gồm thông qua Thỏa thuận Không có Nhà máy Điện than mới;
  4.   Tăng cường các nỗ lực trong nước và quốc tế nhằm cung cấp một khuôn khổ hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính, kỹ thuật và xã hội đối với người lao động, các nhóm ngành và các cộng đồng bị ảnh hưởng để thực hiện một quá trình chuyển dịch công bằng và toàn diện khỏi điện than theo hướng có lợi cho các đối tượng này, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận năng lượng sạch cho tất cả mọi người, ghi nhận sự dẫn đầu của các nước thông qua Tuyên bố Chuyển dịch Năng lượng Công bằng COP26.

Chúng tôi ghi nhận rằng các quốc gia, người lao động và các cộng đồng tại các nước đang phát triển cần được hỗ trợ để chuyển dịch khỏi than và hiện thực hóa tương lai năng lượng bền vững, bao trùm mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế; và hợp tác quốc tế là cần thiết để thực hiện những hỗ trợ này.

Chúng tôi nhận thấy rằng tuy đã có tiến triển đáng kể trong việc thực hiện tầm nhìn chungđể tầm nhìn chung của chúng tôi được ghi nhận, chúng ta vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ, và chúng tôi kêu gọi các nước khác cùng chung sức với chúng tôi để tăng cường hơn nữa nỗ lực của chúng ta trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu trong những năm tới.

SÁU NGHỆ (giới thiệu)

Exit mobile version