Site icon Hội chiếu sáng Việt Nam

Trung tâm Cần Thơ sáng đẹp trong tăng cường khả năng thích ứng

Cuối năm 2024, trung tâm thành phố Cần Thơ thêm lung linh ánh điện soi dòng sông trong tiếng nhạc nghệ thuật, khi dự án tăng cường khả năng thích ứng cho 2.675 ha ở quận Ninh Kiều và Bình Thuỷ dần hoàn thành. Mục tiêu chống ngập lụt, tăng khả năng kết nối, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống cho 423.400 người, gồm 391.600 người sinh sống thường xuyên và khoảng 31.800 người không thường xuyên. 

Ba hợp phần với tổng vốn đầu tư 9.167 tỷ đồng

Đây là dự án được nghiên cứu và đầu tư đồng bộ để phát triển vùng lõi thành phố Cần Thơ kể từ ngày giải phóng. Vừa kiểm soát ngập lụt vừa phát triển các hành lang đô thị gồm mạng lưới giao thông gắn với kế hoạch sử dụng đất; đồng thời nâng cao năng lực quản lý đô thị bằng công nghệ hiện đại, kịp thời ứng phó thiên tai. Cụ thể có 3 hợp phần.

Quy hoạch tổng thể Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị

Hợp phần 1: Kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường. Nhằm giảm các nguy cơ liên quan đến tình trạng úng ngập trung tâm thành phố thông qua việc cung cấp hỗ trợ các hoạt động đầu tư ưu tiên cho công tác kiểm soát úng ngập gồm các bờ kè và phục hồi đường đô thị; Nâng cấp kênh mương, hệ thống thoát nước, công trình vệ sinh môi trường; Xây dựng các khu chứa nước mưa và lắp đặt trạm bơm nhỏ tại cửa cống thoát nước. Chú trọng quản lý hợp nhất rủi ro úng ngập và hệ thống cảnh báo sớm của thành phố, bao gồm hoàn thiện quy chế vận hành hệ thống kiểm soát úng ngập và thoát nước trong trường hợp khẩn cấp; điều phối và trao đổi thông tin với các tỉnh khác ở ĐBSCL; hoàn thiện hệ thống thông tin cảnh báo sớm.

Hợp phần 2: Phát triển hành lang đô thị. Tăng cường kết nối nội đô và phát triển đô thị theo hướng khuyến khích đi bộ, sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Nghiên cứu và xây dựng kế hoạch cho việc nâng cấp hệ thống xe buýt, gồm việc phát triển thí điểm hành lang tuyến xe buýt nhanh (BRT); phát triển hành lang nhằm xác định cơ hội thiết kế hướng tới người đi bộ và mạng lưới giao thông phi cơ giới. Phân tích hệ thống giao thông đô thị và mối tương quan với công tác sử dụng đất, phân bổ việc làm. Kết nối hệ thống đường và cầu, hỗ trợ kỹ thuật cho công tác giao thông, sử dụng đất. Xây dựng khu tái định cư.

Hợp phần 3: Tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu. Cung cấp hỗ trợ cho việc chuẩn bị quy hoạch không gian trên cơ sở các thông tin về rủi ro, gồm thu thập và số hóa dữ liệu, mua phần mềm, phát triển và cài đặt, đào tạo. Xây dựng mô hình rủi ro ngập úng thuỷ động lực, nâng cấp và sửa chữa hệ thống trợ giúp xã hội ứng phó với thiên tai của thành phố.

Dự án có tổng mức đầu tư 9.167 tỷ đồng, tương đương 402,25 triệu USD. Trong đó: Vốn ODA của WB gồm vay IDA và IBRD 250 triệu USD (tương đương 5.697,505 tỷ đồng, chiếm 61,25% tổng mức đầu tư); vốn không hoàn lại từ SECO 4 triệu USD (tương đương 91,167 tỷ đồng, chiếm 0,99% tổng mức đầu tư); Vốn đối ứng của Cần Thơ 3.378,584 tỷ đồng (tương đương 148,249 triệu USD, chiếm 36,86% tổng mức đầu tư).

Kết quả thực hiện đến tháng 9/2024

1/Bảo vệ 2.675 ha giảm ngập lụt. Đã xây dựng hệ thống kè dài hơn 10 km, gồm kè sông Cần Thơ hơn 6 km kết hợp đường giao thông từ Nhà khách số 2 đến cống Đầu Sấu; Kè rạch Cái Sơn – Mương Khai kết hợp đường giao thông dài hơn 4 km. Làm đường kiêm đê bao từ đường Cách mạng tháng 8 đến đường 918 dài 5,333 km, cao 2,83 m với 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp, cùng với đường Cách mạng tháng 8 tạo thành hệ thống đê bao khép kín bảo vệ vùng lõi thành phố.

Âu thuyền Cái Khế bảo vệ trung tâm thành phố, hình ảnh ban ngày và ban đêm chiếu sáng nghệ thuật cùng nhạc nước làm điểm du lịch, tổ chức các sự kiện văn hóa

Xây dựng 2 âu thuyền và 10 cống ngăn triều để điều tiết thủy triều, giảm rủi ro ngập lụt. Âu thuyền Cái Khế bảo vệ trung tâm thành phố kết hợp cảnh quan, chiếu sáng nghệ thuật, nhạc nước làm điểm đến của du lịch, nơi tổ chức các sự kiện vui chơi, giải trí của thành phố. Âu thuyền Hàng Bàng đảm bảo khi ngăn nước thì thuyền du lịch vẫn lưu thông dễ dàng. Cống ngăn triều gồm 4 cống trên sông Cần Thơ, 2 cống rạch Cái Sơn – Mương Khai và 4 cống trên đường nối đường Cách mạng tháng 8 với đường 918.

Hệ thống trạm bơm có Trạm bơm Ninh Kiều công suất 2 m3/s và Trạm bơm Châu Văn Liêm công suất 1,5 m3/s đảm bảo tiêu thoát nước hiệu quả khi thủy triều dâng phải đóng cống mà mưa lớn.

2/Kết nối giao thông khu trung tâm với Quốc lộ 1. Gồm có cầu Trần Hoàng Na (công trình cấp I đầu tiên của của thành phố được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước chấp thuận tại thông báo kết luận số 55/TB-HĐKTNN ngày 25/4/2024) và đường dẫn dài 820 m; riêng cầu dài 586 m với 11 nhịp thiết kế biểu tượng đàn chim tung cánh thể hiện khát vọng của người Cần Thơ, kết cấu vòm thép chiếu sáng nghệ thuật làm điểm nhấn du lịch. Cầu Quang Trung và đường dẫn dài 860m; riêng cầu dài 482 m với 11 nhịp, kiến trúc vòm thép chiếu sáng nghệ thuật tạo một cửa ngõ ấn tượng vào trung tâm thành phố.

Cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ, kết cấu vòm thép, ban ngày và ban đêm chiếu sáng nghệ thuật

Kết nối giao thông nội ô và chỉnh trang đô thị. Gồm có đường Trần Hoàng Na dài 2,631 km từ đường Nguyễn Văn Cừ đến cầu Trần Hoàng Na và đường Hoàng Quốc Việt dài 3,461 km từ Quốc lộ 91B đến đường 923. Cải tạo hệ thống cống thoát nước mặt và thảm nhựa 35 tuyến đường nội ô thành phố.

Khu tái định cư An Bình rộng 28,3 ha với 986 nền tái định cư, cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Khu này kết nối với khu dân cư Hồng Phát và đường Hoàng Quốc Việt tạo sự liên kết dân cư khang trang.

Hệ thống FRMIS là hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập lụt để tăng cường khả năng thích ứng của thành phố. Đây như bộ não, công cụ hỗ trợ quản lý rủi ro một cách thông minh, tự động điều chỉnh/kiểm soát mực nước trong vùng lõi đô thị, dựa vào các dữ liệu từ nhiều cơ quan để vận hành tự động đóng, mở các cống ngăn triều và âu thuyền.

Đường Hoàng Quốc Việt từ trung tâm thành phố về huyện Phong Điền năm trước còn thi công và hôm nay

Cụ thể FRMIS hỗ trợ thành phố ra quyết định: Quản lý tối ưu hoạt động của các cống và máy bơm trong vùng lõi thành phố để giảm ngập lụt, duy trì mực nước tối thiểu cho cảnh quan và giao thông thủy. Giám sát chất lượng nước trong các kênh rạch và sông của thành phố. Tích hợp quản lý ngập lụt trong quy hoạch đô thị, cải thiện các quyết định đầu tư và quy hoạch nhằm phát triển đô thị bền vững

Hiệu quả và những tồn tại cần giải quyết tiếp

Trước đây, thành phố Cần Thơ đã thực hiện hai dự án nâng cấp đô thị, tập trung mở rộng các con hẻm nhỏ; xây dựng và nâng cấp một số công viên, khu dân cư, trường học, trạm y tế.

Nay với “Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị” đã xây dựng, nâng cấp nhiều cầu đường giao thông, đảm bảo kết nối nhiều khu vực, làm thay đổi hẳn trung tâm thành phố, sáng đẹp hơn. Hệ thống kè, âu thuyền, cống ngăn triều, trạm bơm đảm bảo mục tiêu chống ngập úng vùng lõi trong các đợt triều cường, đáp ứng được nhu cầu cuộc sống bình yên trước tình hình biến đổi khí hậu.

Hiệu quả thấy rõ các dịp triều cường năm 2023 và 2024, khi các âu thuyền và cống ngăn triều được đóng mở tự động bằng hệ thống thông tin quản lý rủi ro, trung tâm thành phố không còn ngập úng nhiều tuyến đường như trước. Người dân không còn thấp thỏm khi triều cường trong nỗi bất an. Đường phố ít còn cảnh kẹt xe giờ cao điểm trong mùa lũ. Đây là điểm nổi bật nhất cho thấy hiệu quả đầu tư của Dự án so với các dự án chống ngập trong cả nước được WB đánh giá cao và nhiều địa phương đã đến tham quan, học hỏi.

Kè sông Cần Thơ kết hợp nâng cấp đường giao thông đã phát huy được giá trị đô thị vùng sông nước

Tuy nhiên, do khó khăn giải phóng mặt bằng được các quận đảm nhiệm nên dự án đang bị kéo dài, chưa hoàn thành được theo kế hoạch và còn những khó khăn, tồn tại.

Cụ thể, kế hoạch hoàn thành 18 gói thầu nhưng mới bàn giao được 3 gói theo quy định; còn 10 gói đã hoàn thành nhưng đang nghiệm thu đưa vào sử dụng và bàn giao cho đơn vị quản lý; 3 gói thầu cơ bản hoàn thành và 3 gói thầu không hoàn thành. Nguồn vốn ODA được đầu tư rất lớn tại quận Ninh Kiều, nhưng giữa Ban Quản lý dự án ODA và địa phương thụ hưởng chưa có tiếng nói chung làm ảnh hưởng lớn đến công tác thực hiện.

Ban Quản lý dự án ODA không bàn giao được công trình và không giải ngân được nguồn vốn ODA hơn 200 tỷ đồng là tiền bảo hành giữ lại 5%, sẽ phải sử dụng nguồn vốn đối ứng sau này khi điều chỉnh dự án.

Công tác vận hành cống ngăn triều, âu thuyền cũng còn những tồn tại. Hiện chưa có đơn vị chuyên nghiệp và nguồn kinh phí để vận hành hệ thống FRMIS cùng 2 âu thuyền, 10 cống ngăn triều và 2 trạm bơm một cách hiệu quả. Đơn vị tiếp nhận theo chỉ đạo của UBND thành phố là Chi cục Thủy lợi thuộc Sở NN&PTNN nhưng chưa có cán bộ quản lý, không có kinh phí vận hành, duy trì và bảo dưỡng nên đang trì hoãn hoặc chưa thống nhất tiếp nhận công trình.

Lãnh đạo thành phố đã quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn. Hy vọng sang năm 2025, dự án được đẩy mạnh để hoàn thành mỹ mạn, tăng cường khả năng thích ứng làm sáng đẹp rực rỡ hẳn lên trung tâm thành phố Cần Thơ, tương xứng trung tâm ĐBSCL.

SÁU NGHỆ

Exit mobile version