Site icon Hội chiếu sáng Việt Nam

TP.HCM vạch kế hoạch phát triển quỹ đất hai bên sông Sài Gòn

Đó là kế hoạch được đưa ra trong đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2020-2045” vừa được UBND TP.HCM phê duyệt.

Hiện nay quỹ đất hai bên sông Sài Gòn đã bị lấn chiếm rất nhiều
ĐÌNH SƠN

Theo đó, mục tiêu mà thành phố đề ra là phát triển hành lang sông Sài Gòn và kênh rạch nội thành nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái, tạo nét đặc trưng độc đáo của đô thị, sức cuốn hút và tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ cho TP.HCM và vùng thành phố sáng tạo.

Định hướng của thành phố là sẽ từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đa chức năng dọc bờ sông Sài Gòn, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan kết nối các tiện ích công cộng, tạo điều kiện phát triển hoạt động kinh tế, dịch vụ liên quan đến sông nước và hạ tầng xanh.

TP.HCM chia sông Sài Gòn ra 2 vùng, gồm vùng thượng lưu từ hồ Dầu Tiếng đến cầu Phú Long (quận 12) và vùng trung – hạ lưu từ cầu Phú Long đến ngã ba Mũi Đèn Đỏ (ngã ba sông Sài Gòn – sông Soài Rạp – quận 7). Dự án được chia theo lộ trình để thực hiện. Từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ triển khai chương trình hành động cải tạo, chỉnh trang hành lang sông Sài Gòn – khu vực trung tâm thành phố gắn với các đề án phát triển kinh tế, dịch vụ; ban hành và triển khai quy chế, quy định, hướng dẫn quản lý phát triển hành lang sông nước

Từ năm 2025-2045, triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp với hoạt động du lịch và kinh tế, dịch vụ giải trí, đồng thời hoàn chỉnh pháp lý về quy hoạch tại khu vực dọc sông…

Thành phố định hướng phát triển chuỗi không gian dọc bờ sông Sài Gòn có đặc trưng bản sắc môi trường bản sắc đô thị sông nước. Từng bước xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đa chức năng kết nối các tiện ích công cộng.

Liên quan đến việc phát triển và khai thác quỹ đất ven sông Sài Gòn, Sở Quy hoạch – Kiến trúc cho biết sẽ lập đề án phát triển bờ kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn cũng được đặc biệt chú trọng.

Ông Lê Hoà Bình, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc mời các chuyên gia, nhà khoa học, kiến trúc sư giàu kinh nghiệm để tạo phát huy hết giá trị của sông Sài Gòn. Làm sao để có được đường bờ sông đẹp từ quận 1 đến Củ Chi phục vụ cho người dân và du khách. Theo đó, tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn không chỉ là không gian sinh hoạt công cộng phục vụ người dân mà còn là điểm nhấn đặc biệt của thành phố.

Tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn là ý tưởng của Tập đoàn Tuần Châu đề xuất với UBND TP.HCM từ đầu năm 2017. Khi đó, Tập đoàn Tuần Châu đã tiến hành khảo sát, xây dựng và đề xuất xây dựng tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn dài khoảng 64 km nối từ cầu Bến Súc (huyện Củ Chi) dọc theo sông Sài Gòn đến điểm cuối là ngã ba Tôn Đức Thắng – Hàm Nghi (quận 1), đi qua các quận huyện: Củ Chi, Hóc Môn, 12, Bình Thạnh, 1.

Với tốc độ di chuyển 100 km/giờ, nếu được xây dựng người dân tại TP.HCM chỉ mất khoảng 25 – 30 phút đi từ Củ Chi về quận 1 (hiện nay mất khoảng 1 giờ 30 phút). Ngoài rút ngắn thời gian đi lại, tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn sẽ thúc đẩy phát triển vùng đất đầy tiềm năng ở khu tây bắc TP.HCM, giúp giãn hơn một triệu dân từ vùng trũng hay bị ngập lên một vùng đất cao hơn, hình thành các khu đô thị mới văn minh hiện đại trong tương lai.

Đình Sơn

Exit mobile version