Site icon Hội chiếu sáng Việt Nam

TP.HCM gấp rút khởi công 3 dự án để giải tỏa “điểm nóng” kẹt xe

TP.HCM sẽ khởi công 3 dự án là điểm nóng kẹt xe ngay trong năm nay và chuẩn bị lập các dự án giao thông liên vùng để xây dựng từ năm 2023.

Nhiều dự án ưu tiên cho 3 “điểm nóng”  

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký văn bản khẩn gửi các sở ngành về danh mục các công trình giao thông trọng điểm được khởi công trong năm 2022.

Trong đó, nút giao An Phú ở TP. Thủ Đức được lên lịch khởi công vào ngày 2/9/2022 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Dự án có tổng vốn đầu tư là 3.926 tỷ đồng bằng vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách TP.HCM.

Tại cửa ngõ phía Đông của TP.HCM vòng xoay An Phú, TP. Thủ Đức luôn trong tình hình kẹt xe kéo dài từ trạm thu phí cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đến nút giao An Phú.

Nguyên nhân do dòng xe đi từ 4 hướng đều gặp nhau ở nút giao này. Đây là một trong những điểm “nóng” về ùn tắc giao thông nghiêm trọng và TP.HCM ưu tiên vốn để đầu tư dự án này.

Kẹt xe ở vòng xoay An Phú

Tại cửa ngõ phía Tây Nam kết nối giữa TP.HCM với Long An qua huyện Bình Chánh “điểm nóng” kẹt xe trên Quốc lộ 50 cũng sẽ được mở rộng. Dự án có chiều dài gần 7 km, trong đó có đoạn dài hơn 4,3 km là xây mới song hành với Quốc lộ 50, đoạn còn lại dài hơn 2,5 km mở rộng đường hiện hữu lên 34 m. Dự án có tổng đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Thời gian khởi công trong quý 4 năm 2022.

Một điểm nóng kẹt xe nữa ở khu vực phía Tây Bắc là đường Cộng Hòa, quận Tân Bình cũng được mở rộng các tuyến đường kết nối. Trong đó, đường nối Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hoà (quận Tân Bình) dài 4 km, được mở rộng lên 25 đến 48m với 6 làn xe.

Dự án cũng chia làm hai đoạn đường nhánh kết nối với đường Trần Quốc Hoàn và  xây một cầu cạn và hai hầm chui tại nút giao Phan Thúc Duyện – Trần Quốc Hoàn và giao lộ Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý. Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hoà có tổng mức đầu tư 4.800 tỷ đồng. Thời gian khởi công cuối năm 2022.

Việc khởi công dự án đường nối Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hoà có ý nghĩa rất lớn vì đây là tuyến đường sẽ kết nối vào nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất (sắp được xây dựng).

Song song với nhóm dự án chuẩn bị khởi công, TP.HCM đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành các dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội; 4 tuyến đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm, nâng cấp đường Lương Định Của; nút giao Mỹ Thủy (Thành phố Thủ Đức); hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (quận 7).

Các dự án giao thông liên vùng vẫn trông chờ vốn ngân sách

Đối với các dự án chuẩn bị đầu tư, UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành chuẩn bị lập dự án tiền khả thi tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài; đường vành đai 3 và 4. Đây là những dự án đã được Chính phủ đồng ý giao cho các địa phương có dự án đi qua chịu trách nhiệm đầu tư.

Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn và Củ Chi ngày 11/5, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài, TP.HCM đang cố gắng trình Thủ tướng phê duyệt trong quý 2 năm nay. Về vốn cho dự án, TP.HCM bổ sung dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trình HĐND thành phố trong kỳ họp giữa năm. Thời gian triển khai dự án từ năm 2023-2027.

Phối cảnh nút giao An Phú, Thành phố Thủ Đức dự án sẽ được khởi công vào ngày 2/9/2022

Đối với các dự án đường vành đai kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận, đường vành đai 2 (gồm đoạn 1, đoạn 2 và đoạn 4) sẽ thông qua chủ trương đầu tư, tiến hành lập dự án đầu tư năm 2022.

Đường vành đai 3 TP.HCM, trong năm 2022 sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án. Sau đó tiến hành nghiên cứu tiền khả thi. Đối với đường vành đai 4 sẽ thông qua chủ trương đầu tư dự án và tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi giai đoạn 2022 – 2025.

Theo tính toán của Sở Gao thông Vận tải TP.HCM, từ nay đến 2025, nhu cầu vốn cho các dự án giao thông của Thành phố cần hơn 533.500 tỷ đồng bao gồm cả vốn ngân sách vốn ODA, PPP… Giai đoạn từ 2026 – 2030, nhu cầu vốn để đầu tư cho các dự án khoảng 437.125 tỷ đồng.

Hiện nay, vốn đầu tư theo hình thức BOT, BT không còn thu hút nhà đầu tư, còn hình thức đầu tư PPP còn nhiều hạn chế nên số lượng dự án làm theo hình thức này chưa nhiều. Chính vì vậy, vốn đầu tư cho các dự án giao thông tại TP.HCM vẫn phải trông chờ vào vốn ngân sách.

Theo https://baodautu.vn

Exit mobile version