Tại Hội nghị COP27 ngày 9/11/2022 diễn ra tại Ai Cập, đại diện Việt Nam khẳng định những nỗ lực trong việc triển khai các cam kết tại COP26. Theo cam kết, Việt Nam phấn đấu mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ 21, chuyển dịch sang năng lượng sạch, phát triển các nguồn năng lượng mới thay thế các dạng năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, phát triển công nghệ thu hồi, lưu giữ và sử dụng carbon,….
Khủng hoảng năng lượng toàn cầu và nhu cầu năng lượng Việt Nam
Cuộc chiến Nga – Ukraine, cùng với việc Nga siết nguồn cung đang đẩy giá dầu và khí đốt tăng mạnh ở châu Âu, đẩy một số nền kinh tế lớn của châu Âu vào suy thoái. Điều đó buộc nhiều quốc gia châu Âu phải cuộc kêu gọi tiết kiệm năng lượng. Tây Ban Nha, Pháp, Italia, Đức… như giới hạn nhiệt độ làm mát đối với hệ thống điều hòa trong các tòa nhà công cộng, tắt hệ thống đèn chiếu sáng, các thiết bị điện khi không cần thiết, các tụ điểm thương mại không còn được chiếu sáng sau 22 giờ,…
Tại Việt Nam, Trong giai đoạn 2011-2019, tốc độ tăng trưởng năng lượng của Việt Nam tăng khoảng 7%, nhu cầu điện thì cao hơn 9,5%. Theo dự báo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhu cầu sử dụng điện trong giai đoạn 2020-2025 vẫn tăng trưởng 8-9%/năm, nhưng khả năng nguồn cung khó có thể theo kịp do thời tiết cực đoan, các nhà máy điện mới chưa đạt tiến độ, kế hoạch dẫn đến khả năng khó đảm bảo cân bằng cung và cầu năng lượng điện. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là đẩy mạnh các giải pháp, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và năm 2050
Theo Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định năm 2020 của Việt Nam gửi Ban thư ký Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính theo kịch bản phát triển thông thường từ lĩnh vực năng lượng và công nghiệp thuộc lĩnh vực công thương vào năm 2030 chiếm tới khoảng 80% tổng phát thải quốc gia. Theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương có trách nhiệm thực hiện các biện pháp quản lý và kỹ thuật để giảm 268,5 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu kể trên, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả (NLTK&HQ), hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững. Bộ Công Thương xác định, NLTK&HQ không những góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà còn là giải pháp hàng đầu kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng cho mục tiêu Net zero của VN đến năm 2050.
Cùng với chuyển dịch năng lượng, sử dụng NLTK&HQ được xem là một trong những trụ cột quan trọng mà Bộ Công Thương đang triển khai nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu Net Zezo vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.
Ông Phương Hoàng Kim, Chánh VP BCĐ Tiết kiệm năng lượng, Vụ trưởng Vụ TKNL và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương. |
Tiết kiệm năng lượng, giải pháp tất yếu
Việc kết hợp song song giữa khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp và sử dụng NLTK&HQ là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đảng và Nhà nước đã xác định được tầm quan trọng của sử dụng NLTK&HQ từ rất sớm thông qua việc ban hành các khung pháp lý về sử dụng NLTK&HQ. Cụ thể là Luật Sử dụng NLTK&HQ đã được ban hành từ năm 2010, có hiệu lực từ năm 2011.
Dưới luật, một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật như các nghị định của Chính phủ, các quyết định của Thủ tướng chính phủ, thông tư của Bộ Công Thương và các bộ ngành cũng được xây dựng và ban hành tương đối đồng bộ và kịp thời để thúc đẩy sử dụng NLTK&HQ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
- Luật Sử dụng NLTK&HQ (50/2010/QH12) được ban hành ngày 28/6/2010, có hiệu lực từ năm 2011
- Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/03/2011 của Chính phủ quy định chi tiết về biện pháp thi hành luật sử dụng NLTK&HQ.
- Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng NLTK&HQ
- Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính…
- Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11 tháng 2 năm 2020 của Bộ Chính Trị về Chiến lược phát triển ngành năng lượng đến 2030, định hướng đến năm 2045
Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng NLTK&HQ đã được triển khai nghiêm túc, thành công qua 2 giai đoạn 2006- 2010 và 2011-2015. Tiếp nối thành công đó, Thủ tướng chính Phủ đã ký QĐ 280/QĐ-TTg ban hành giai đoạn 2019 -2030 với mục tiêu tiết kiệm 8-10% tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc.
Một trong những hoạt động trọng tâm trong giai đoạn đầu của Chương trình là tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội về trách nhiệm và lợi ích của sử dụng NLTK&HQ và các giải pháp TKNL. Qua đó, ý thức TKNL của các doanh nghiệp Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt. Kết quả đánh giá của Bộ Công Thương, hơn 90% người dân và doanh nghiệp đã được tuyên truyền, phổ biến các biện pháp TKNL và đã hiểu được lợi ích của sử dụng NLTK&HQ.
Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11 tháng 2 năm 2020 của Bộ Chính Trị về Chiến lược phát triển ngành năng lượng đến 2030, định hướng đến năm 2045 khẳng định: Sử dụng NLTK&HQ, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội. Tăng cường kiểm toán năng lượng; xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị TKNL, thân thiện môi trường, góp phần thúc đẩy năng suất lao động và đổi mới mô hình tăng trưởng”
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng Việt Nam còn nhiều
Lĩnh vực công nghiệp chiếm đến 55% tổng năng lượng toàn quốc. Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam còn nhiều lãng phí. Cường độ sử dụng năng lượng trên GDP ở nước ta rất cao so với mức bình quân trên thế giới. Theo các khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, tiềm năng TKNL về mặt kỹ thuật trong nhiều ngành công nghiệp có thể đạt từ 20-30% như các ngành thép, sản xuất xi măng, hóa chất,….
Vì thế, việc các doanh nghiệp sản xuất tăng cường triển khai các giải pháp TKNL không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm chi phí vận hành mà còn góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn nhiên liệu, năng lượng ngày càng trở nên khan hiếm thì sử dụng NLTK&HQ còn góp phần giảm phụ thuộc nhập khẩu năng lượng. Tiêu tốn ít năng lượng hơn cũng đồng nghĩa giảm phát thải ra môi trường…
Ông Võ Quang Lâm, Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: “Cả nước hiện có hơn 3000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng số điện năng tiêu thụ mỗi năm của các cơ sở này là hơn 70 tỷ kWh, chiếm khoảng 40% tổng mức tiêu thụ điện toàn quốc. Các cơ sở này chỉ cần tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ mỗi năm thì hàng năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ kWh điện (tương đương tiết kiệm chi phí tiền điện khoảng 2.700 tỷ đồng)
Cần đồng bộ các giải pháp
Để đạt được mục tiêu tiết kiệm từ 8-10% tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc trong giai đoạn 2019-2030, Bộ Công Thương đề ra các nhóm giải pháp chính, trong đó, nhóm giải pháp về tài chính là giải pháp trọng tâm giai đoạn 2019 – 2030 cần được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát, sửa đổi Luật sử dụng NLTK&HQ nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong việc thực thi các quy định của Luật. Trong quá trình rà soát, Bộ Công Thương sẽ tập trung đánh giá lại 5 nhóm vấn đề: Thứ nhất là nhóm vấn đề đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; Nhóm thứ 2 là đối với các trang thiết bị sử dụng năng lượng; Nhóm thứ 3 liên quan đến các cơ sở đào tạo, đơn vị cung cấp nguồn nhân lực cho việc sử dụng NLTK&HQ; Nhóm thứ 4 liên quan đến các cơ chế hỗ trợ tài chính cho các dự án TKNL; Nhóm thứ 5 là nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, quy trách nhiệm rõ ràng hơn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực như giao thông vận tải, xây dựng,…
Theo ông Phương Hoàng Kim, Chánh VP BCĐ TKNL, Vụ trưởng Vụ TKNL và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, “Trước đây, việc sử dụng NLTK&HQ ở một số doanh nghiệp đang mang hình thức khuyến khích, nhưng trong thời gian tới đây chúng ta cần nâng lên một bước quản lý mới, đòi hỏi tính chặt chẽ hơn, yêu cầu chuyển từ cơ chế khuyến khích sang bắt buộc để tăng hiệu quả trong việc sử dụng năng lượng”.
“Việc sử dụng NLTK&HQ phải cần có những giải pháp mang tính tổng thể chứ không phải giải pháp của riêng một ngành nào, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp thì những công nghệ lạc hậu, những thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng cần có lộ trình loại bỏ dần dần, từ đó nền kinh tế của chúng ta mới có thể phát triển một cách bền vững hơn và xanh hơn. Trong thời gian tới, EVN sẽ xem xét các giải pháp về điều chỉnh giá điện để thay đổi hành vi sử dụng điện một cách tích cực hơn” – Chia sẻ của ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, đòi hỏi chúng ta phải có một khung pháp lý hoàn chỉnh hơn với những chính sách chặt chẽ nhưng lại khuyến khích được mọi người tích cực trong việc tiết kiệm năng lượng. Đây cũng là kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Và đặc biệt, TKNL chính là tiền đề quan trọng giúp Việt Nam sớm đạt được cam kết cân bằng phát thải khí nhà kính năm năm 2050.
Hùng Linh