Site icon Hội chiếu sáng Việt Nam

THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH TIẾP XÚC CỬ TRI TẠI CẦN THƠ

 

 

Chiều ngày 17/11, tại huyện uỷ Phong Điền, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu TP. Cần Thơ đã có cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XV.

Tham dự có 300 cử tri đại diện cho các quận Ninh Kiều, Cái Răng, huyện Phong Điền và chức sắc, chức vị, chức việc của các tôn giáo trên địa bàn.

Quan tâm giải quyết vấn đề xăng dầu, thiếu thuốc, nhân viên y tế nghỉ việc…

Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, đánh giá cao kết quả của kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XV, thành tựu kinh tế – xã hội đạt được thời gian qua, cử tri phản ánh nhiều vấn đề “nóng” đang được xã hội quan tâm.

Cử tri Nguyễn Thị Phượng (phường An Cư, Ninh Kiều) nêu vấn đề về giải quyết khó khăn của ngành y như: Tình trạng đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế xin nghỉ việc nhiều; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở các bệnh viện.

Theo ông Trương Văn Dũng (phường An Bình, Ninh Kiều), hiện nay có rất nhiều công nhân, người lao động đang có nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp, trong đó có cán bộ công chức. Trong khi đó các dự án đầu tư về nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp ít được các nhà đầu tư quan tâm hoặc nếu có thì giá nhà quá cao so với mức thu nhập của người lao động. “Vậy, trong thời gian tới ngành chức năng có giải pháp gì để có nhiều dự án nhà ở xã hội giúp cho người có thu nhập thấp, có được ngôi nhà để an cư lạc nghiệp, để an tâm công tác”, cử tri nêu vấn đề.

Ông Dương Văn Bé (phường Lê Bình, Cái Răng) cho rằng, cử tri rất vui khi nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng 9 tháng cao nhất trong nhiều năm. “Chúng tôi rất mừng khi vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”. Nhân dân cũng mừng vì Quốc hội thảo luận sửa đổi Luật Đất đai.

“Cần giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết theo quy định của Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi chuyển mục đích sử dụng đất, nhất là đất ở tại khu vực đô thị”, cử tri phản ánh.

Các cử tri cũng đề nghị tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đảm bảo kiềm chế giá cả tăng vọt, nhất là mặt hàng xăng dầu, phân bón…

Cử tri bày tỏ quan tâm, hoan nghênh Chính phủ dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc tại ĐBSCL, kiến nghị đại biểu Quốc hội và các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra giám sát để kịp thời ngăn ngừa sự tiêu cực, tham nhũng trong quá trình triển khai thực hiện các dự án này.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, các lĩnh vực KTXH của Cần Thơ được khôi phục mạnh mẽ. 17/17 chỉ tiêu năm 2022 đều đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng qua đạt 17,56% so với cùng kỳ, cao nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương. Cả năm dự kiến tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ đạt 9,88%. Kết quả này góp phần làm tăng niềm tin của người dân, cử tri đối với Thành phố.

Tham gia trả lời kiến nghị của cử tri về nhân viên y tế nghỉ việc, thiếu thuốc, vật tư y tế, ông Trần Việt Trường cho biết, từ đầu năm đến nay, số nhân viên y tế nghỉ việc trên địa bàn Thành phố là 206 người, trong đó có 73 bác sĩ. Có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là áp lực công việc ngày càng cao, các bệnh viện ngoài công lập thu hút với mức đãi ngộ cao hơn. UBND Thành phố đã chỉ đạo ngành y thường xuyên quan tâm, động viên, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, tạo môi trường làm việc thuận lợi nhất; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt nhiệm vụ; đề xuất sửa đổi các quy định về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế.

Thành phố đã phê duyệt kết quả đấu thầu thuốc cho 21/21 cơ sở y tế công lập, hiện các đơn vị đang khẩn trương triển khai các thủ tục mua sắm.

Khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, đặt nhiệm vụ sát tình hình

Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Quốc hội đánh giá cao những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực của đất nước trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Lạm phát được kiểm soát dưới 3%. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 616 tỷ USD, xuất siêu 9,4 tỷ USD; xuất khẩu nông sản đạt 45 tỷ USD và xuất khẩu gạo trên 6 triệu tấn. Trên 178 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động; an ninh năng lượng, lương thực được cơ bản bảo đảm; thị trường lao động phục hồi. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng; đời sống người dân được cải thiện. Thu nhập bình quân tháng của người lao động đạt 7,6 triệu đồng, tăng 1,6 triệu đồng so cùng kỳ. Đã hỗ trợ  87 nghìn tỷ đồng cho gần 56 triệu lao động và gần 800 nghìn người sử dụng lao động.

Dự báo năm 2023, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, Thủ tướng nêu rõ, việc xác định nhiệm vụ phải sát với tình hình. Năm 2023, Quốc hội giao chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP là 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%…

“Nhu cầu phát triển tăng lên, yêu cầu, mong muốn của người dân cao hơn, nhiệm vụ nặng nề hơn”, Thủ tướng nói. Trong khi đó, nhiều trường hợp đột xuất, bất ngờ ập đến, không thể dự báo trước, nhưng chúng ta đã bình tĩnh ứng phó một cách phù hợp.

Lành mạnh hoá các thị trường

Thủ tướng nêu rõ, tạo hành lang pháp lý, quản lý Nhà nước chặt chẽ, kịp thời hơn, tăng cường giám sát, kiểm tra, đề phòng sai phạm để làm sao cho các thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản hoạt động an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch, phát triển bền vững, hiệu quả.

Đồng thời, khuyến khích các thị trường phát triển theo đúng quy luật thị trường, đúng pháp luật; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư, của nhân dân trong bất cứ trường hợp nào theo quy định của pháp luật. “Xử lý người làm sai để bảo vệ người làm đúng”.

Thủ tướng cũng cho biết về các giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận vốn như đẩy mạnh đầu tư công, đẩy mạnh hợp tác công tư, hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước (hiện đang nắm giữ gần 4 triệu tỷ đồng). Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, hiệu quả, kết hợp với chính sách tài khoá và các chính sách khác một cách chặt chẽ, hợp lý, an toàn, hiệu quả.

Thủ tướng cho biết, đang chỉ đạo ngành ngân hàng, tài chính có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc, sửa các quy định không phù hợp, cắt giảm thủ tục hành chính; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi. Miễn, giảm phí, lệ phí cho doanh nghiệp. Nghiên cứu việc nới room tín dụng hợp lý để vừa bảo đảm an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng.

“Các chính sách phải được phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ, cái này hỗ trợ cái kia”, Thủ tướng nói. Tình hình thế giới biến đổi khó lường, nền kinh tế có độ mở cao, sức chống chịu có hạn nên các chính sách phải thận trọng, linh hoạt, hiệu quả, không cứng nhắc, không điều hành giật cục.

Cùng với việc giải quyết vấn đề vốn cho doanh nghiệp thì điều hành chính sách để đưa tiền vào hay rút tiền ra khỏi thị trường một cách phù hợp, làm sao đồng tiền đưa ra đúng, trúng vào động lực tăng trưởng: tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư. Các chính sách phải phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa bảo đảm tỷ giá, lãi suất hợp lý để doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Thủ tướng cũng cho biết, vừa thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng.

Các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023

Trao đổi với cử tri về các nhiệm vụ, giải pháp năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

 Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Tập trung phòng chống, kiểm soát dịch bệnh; tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Cho rằng trên mạng có nhiều tin xấu, tin giả, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng kịp thời định hướng thông tin, dẹp tan thông tin xấu độc.

Quyết liệt khắc phục các bất cập

Tại cuộc tiếp xúc, Thủ tướng đã giải đáp, làm rõ các vấn đề cử tri quan tâm về phát triển năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, nhân viên y tế nghỉ việc, sách giáo khoa, nhà ở cho công nhân, thuốc, vật tư y tế, đầu tư xây dựng cao tốc…

Trả lời ý kiến của cử tri Nguyễn Thị Phượng ở phường An Cư, quận Ninh Kiều về giải quyết tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thiếu thuốc, vật tư y tế, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang giao Bộ Y tế hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập để trình Chính phủ ban hành, trong đó dự kiến nâng phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế dự phòng, y tế cơ sở từ mức 40-70% lên 100%. Đồng thời đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương cải cách tiền lương quan tâm tới chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ ngành y tế khi thực hiện chế độ tiền lương mới để nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho nhân viên y tế công lập.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng quy định về tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, đảm bảo nguồn lực tự chủ hoạt động của các bệnh viện công lập.

Đối với ý kiến của cử tri Trương Văn Dũng ở phường An Bình, quận Ninh Kiều về vấn đề xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, Thủ tướng cho biết, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy định pháp luật và chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho cho công nhân, cán bộ công chức, người thu nhập thấp tại đô thị với một số chính sách ưu đãi.

Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, số lượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại các địa phương trong thời gian qua còn nhiều hạn chế.

Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”. Hiện nay, Đề án đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt để các cấp, các ngành triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Đối với kiến nghị của cử tri Dương Văn Bé ở phường Lê Bình, quận Cái Răng về sửa đổi Luật Đất đai, Thủ tướng Chính phủ cho biết, các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét; việc xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dựa trên cơ sở tổng hợp những bất cập từ thực tiễn để đề xuất ban hành các quy định mới đảm bảo tính công khai, minh bạch góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất…

Đối với các vấn đề bất cập mà cử tri nêu, Thủ tướng cho biết, đã chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc quyết liệt, khắc phục dứt điểm, kể cả đổi mới, hoàn thiện thể chế, cách thức thực hiện. “Cố gắng khắc phục nhanh chóng, đáp ứng đòi hỏi chính đáng của người dân”.

 

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Exit mobile version