Site icon Hội chiếu sáng Việt Nam

THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH LÀM VIỆC VỚI BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY BẾN TRE

Ngày 16/2, trong chuyến công tác tại Bến Tre, nhân dịp dự lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre, đánh giá kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, trao đổi, thảo luận phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và xử lý kiến nghị nhằm hỗ trợ Bến Tre phát triển nhanh, bền vững.

Cùng tham dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bến Tre, Tiền Giang.

Báo cáo của Tỉnh ủy Bến Tre và các ý kiến tại tại buổi làm việc đánh giá thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre đã quyết tâm, nỗ lực đạt được những kết quả tích cực.

Năm 2022, tỉnh đạt và vượt 15/25 chỉ tiêu; GRDP tăng 7,33%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; xuất khẩu ước đạt 1,51 tỷ USD, tăng 19,69%, đặc biệt là bưởi da xanh (loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ). Thu ngân sách Nhà nước đạt trên 5.635 tỷ đồng, vượt 6,43% dự toán Trung ương giao.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt gần 23.000 tỷ đồng, tăng 14,32%; thu hút được 63 dự án FDI và 267 dự án đầu tư trong nước. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, có 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 158 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Tình hình xâm nhập mặn được kiểm soát tốt.

Chỉ số PAR INDEX tăng 7 bậc, PCI xếp thứ 18/63, SIPAS xếp thứ 26/63. Hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp được đẩy mạnh, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao (tăng 56,25%), thúc đẩy mô hình kinh tế hợp tác (có 179 HTX, 1.129 tổ hợp tác).

Tỉnh chú trọng xây dựng quy hoạch tỉnh thời 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai một số công trình trọng điểm, quy mô lớn tạo động lực và mở ra không gian phát triển mới. Công tác phát triển đô thị được chú trọng.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm; triển khai hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội, nhất là trong dịp tết Quý Mão. Tỉ lệ tham gia BHYT đạt trên 96,6%.

Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của cấp đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.

Tỉnh Bến Tre nêu một số kiến nghị liên quan tới đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tỉnh, đặc biệt là sớm triển khai dự án tuyến đường ven biển; sử dụng đất; chính sách y tế; triển khai hoạt động lấn biển với quy mô và lộ trình phù hợp để thu hút, mời gọi đầu tư các dự án đầu tư…

Phát biểu kết luận, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bến Tre, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng và các đại biểu cho rằng, quy mô kinh tế của Bến Tre còn nhỏ, tốc độ, chất lượng tăng trưởng còn hạn chế; chưa cân đối được thu-chi ngân sách. Công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch chưa tạo đột phá.

Hạ tầng kinh tế-xã hội thiếu đồng bộ, nhất là giao thông. Việc triển khai một số công trình trọng điểm còn vướng mắc, chậm tiến độ. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa cao (năm 2022 đạt 80,19%).

Tỉ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản còn cao, chiếm 43,1%. Công tác đào tạo nghề và chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn chưa đạt yêu cầu đề ra.

Số doanh nghiệp giải thể còn cao. Chưa thu hút được các dự án quy mô lớn tạo đột phá cho phát triển. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính cần được đẩy mạnh hơn nữa, nâng cao năng lực cạnh tranh tụt hạng (Chỉ số PAPI xếp thứ 56/60, tụt 48 bậc; SIPAS tụt 6 bậc; PCI tụt 10 bậc).

Ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý khai thác tài nguyên và môi trường còn hạn chế. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn.

Thủ tướng và các đại biểu dành nhiều thời gian phân tích về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Bến Tre. Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh có lợi thế về con người, kinh tế biển, đất đai phì nhiêu.

Cụ thể, Bến Tre là vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của nhiều danh nhân xuất chúng như Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Đình Chiểu, nữ tướng Nguyễn Thị Định, đồng chí Huỳnh Tấn Phát… Tỉnh có dân số gần 1,3  triệu người (thứ 27/63 cả nước), khoảng 60% trong độ tuổi lao động, với nhiều đức tính quý báu: Kiên cường, trung hậu, nghĩa tình, cần cù, sáng tạo, có khát vọng vươn lên; truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng và vẻ vang.

Về  điều kiện tự nhiên, Bến Tre thuộc vùng ĐBSCL, diện tích tự nhiên gần 238.000 ha (thứ 47/63). Bến Tre có 65 km bờ biển, vùng biển đặc quyền kinh tế gần 20.000 km2, điều kiện thuận lợi phát triển các ngành kinh tế biển, logistics…; tiềm năng lớn phát triển điện gió.

Tỉnh có trên 180.000 ha đất nông nghiệp phù sa phì nhiêu; rừng ngập mặn rộng lớn; nguồn lợi thủy hải sản phong phú. Có 4 con sông lớn và hệ thống kênh, rạch dài khoảng 6.000 km, thuận lợi cho phát triển giao thông đường thủy, gắn kết với các tỉnh thuộc ĐBSCL và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Văn hóa Bến Tre đa dạng, phong phú, đặc sắc của 23 dân tộc, có nhiều di tích (2 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia, 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 56 di tích cấp tỉnh); nhiều lễ hội, làng nghề truyền thống; văn minh sông nước độc đáo là cơ hội, tiềm năng lớn phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, truyền thông, sinh thái.

Các đại biểu cho rằng, với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, nguồn lực phong phú là điều kiện, tiền đề để Bến Tre bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, tạo sự bứt phá vươn lên.

Bên cạnh đó, tỉnh có những điểm yếu, như giao thông đường bộ còn yếu trong khi giao thông đường thủy chưa được kết nối nhiều; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; chịu tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sạt lở…

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, với điều kiện, tiềm năng, lợi thế như trên, trong bối cảnh, tình hình có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, vấn đề rất trăn trở là tìm động lực mới thúc đẩy sự phát triển của Bến Tre.

Thời gian tới, tỉnh phải tăng tốc, bù lại thời gian vừa qua để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong nhiệm kỳ; tập trung giải quyết vấn đề giao thông, nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu, giải quyết vấn đề hạn hạn, ngập mặn…

Về quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, Thủ tướng đánh giá cao phương châm, định hướng phát triển tỉnh đề ra là “5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 nhiệm vụ đột phá, 11 công trình, dự án trọng điểm” và lưu ý thêm một số quan điểm.

Theo đó, phải bám sát, thực hiện hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL, Nghị quyết 78/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, quy hoạch vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại, đồng thời tăng cường phối hợp, kết nối giữa các địa phương trong vùng. Giữ vững bản lĩnh, kiên định, kiên trì những vấn đề nguyên tắc nhưng chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp tình hình thực tiễn.

Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Xác định rõ và khai thác hiệu quả những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả để tiếp tục phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao, đồng thời khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế, yếu kém.

Là địa phương có thế mạnh về phát triển kinh tế biển, du lịch văn hóa lịch sử-sinh thái, phải hết sức chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa-xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp.

Chú trọng công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.

Cơ bản nhất trí với các phương hướng, nhiệm vụ mà tỉnh Bến Tre và các đại biểu đã thảo luận, nhấn mạnh một số trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu Bến Tre tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng cơ chế, chính sách mở đường cho phát triển; sớm hoàn thành lập quy hoạch tỉnh với tinh thần coi quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phải đi trước một bước, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, vừa khắc phục hạn chế.

Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia. Quyết liệt thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng về tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với truyền thống văn hóa, con người Bến Tre.

Tăng cường hợp tác, liên kết vùng, trọng tâm là Tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL (Trà Vinh, Vĩnh Long và Tiền Giang) để mở rộng, tối ưu hóa nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nâng cao khả năng cạnh tranh; chú trọng xây dựng thương hiệu Bến Tre.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu tập trung phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, vừa góp phần phát triển kinh tế-xã hội, vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh, vừa ứng phó biến đổi khí hậu theo chủ trương, đường lối tại các nghị quyết của Đảng và theo quy hoạch ĐBSCL.

Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, phát triển dịch vụ, chú trọng đặc trưng miền sông nước, xứ dừa gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị văn hóa-lịch sử; đẩy mạnh thu hút nguồn lực phát triển hạ tầng, hình thành tuyến cụm du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường kết nối du lịch với địa phương khác.

Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ, cần cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu và theo chuỗi, đồng thời phát triển công nghiệp theo hướng tập trung chế biến sâu các sản phẩm có thế mạnh như hải sản mà đặc biệt là tôm, cây ăn quả mà đặc biệt là cây dừa. Khẩn trương xây dựng, triển khai các đề án cụ thể để hình thành, phát triển các trung tâm lớn nhằm phát huy các thế mạnh này theo hướng đồng bộ về quy hoạch, nguồn vốn, khoa học công nghệ, thị trường, thương hiệu.

Phân tích thêm, Thủ tướng cho rằng, Bến Tre có 2 lợi thế lớn là cây dừa và con tôm, trong đó cây dừa là biểu tượng của tỉnh, với rất nhiều sản phẩm chế biến hết sức tiềm năng; cần tập trung ứng dụng công nghệ, xây dựng thương hiệu, phát triển mô hình “trên dừa dưới tôm” trở thành chủ lực.

Nâng cao hiệu quả đánh bắt, phát triển nuôi trồng gắn với chế biến, xuất khẩu, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình có sức lan tỏa lớn, nhất là hạ tầng giao thông, viễn thông và điện, đặc biệt là các công trình giao thông liên vùng.

Thủ tướng cho rằng Bến Tre như một cù lao, cần nhất là kết nối giao thông, trong đó cơ bản nhất là đường bộ, đường thủy nội địa, đặc biệt là khẩn trương triển khai tuyến đường bộ ven biển kết nối giao thông từ TPHCM qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng.

Tập trung đột phá vào phát triển nguồn nhân lực với đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, lịch sử, giá trị tốt đẹp của người Bến Tre. Nghiên cứu xây dựng Trường Đại học Bến Tre thuộc Đại học quốc gia TPHCM; nâng cao chất lượng các trường nghề.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên nền tảng chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến. Tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp; chú trọng hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, vườn ươm phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trẻ.

Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm các sai phạm.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời cụ thể các đề xuất, kiến nghị của tỉnh. Cho thêm ý kiến về các nội dung này, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tổng hợp chung kiến nghị của các địa phương (trong đó có Bến Tre) trong quá trình lấy ý kiến và hoàn thiện các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật như sửa đổi Luật Đất đai, Nghị định quy định về hoạt động lấn biển, quy hoạch điện VIII…

Thủ tướng cho rằng, việc lấn biển về lâu dài là cần thiết, nhưng cần nghiên cứu, tính toán, đánh giá tác động kỹ lưỡng, vừa khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, tạo quỹ đất và không gian phát triển mới, vừa phòng chống sạt lở bờ biển, thích ứng với biến đổi khí hậu; nhưng trước hết cần tập trung khai thác tối đa tiềm năng trên diện tích đất đai hiện có.

Thủ tướng cũng đồng ý về chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất hydrogen xanh tại tỉnh Bến Tre. Tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, bảo đảm hiệu quả, triển khai các thủ tục đúng quy định pháp luật.

Thủ tướng cũng lưu ý việc phát triển điện gió – lĩnh vực mà Bến Tre có nhiều tiềm năng, lợi thế –  phải xem xét tổng thể cả 5 yếu tố: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện phải phù hợp, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, như thế việc hợp tác mới có hiệu quả bền vững.

Hiện công tác giải phóng mặt bằng cho dự án cầu Rạch Miễu 2 (nối Tiền Giang và Bến Tre) phía Tiền Giang đang chậm, gặp vướng mắc do chi phí phát sinh cao, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cân đối, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3; các cơ quan khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc kiểm tra hiện trường cầu Rạch Miễu ngày 15/2.

Liên quan tới việc sử dụng nguồn ngân sách tăng thu, Thủ tướng chỉ đạo phải khẩn trương xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, phương án để sử dụng công khai minh bạch, hiệu quả, chống “xin-cho”; ngoài phần dành cho tăng lương và các vấn đề đột xuất, bất ngờ, cần tập trung cho hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa…, ưu tiên cho các dự án hạ tầng kết nối vùng.

Về chính sách với cán bộ y tế, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ khẩn trương hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước để địa phương có cơ sở thực hiện. Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, các bộ, ngành sửa đổi khẩn trương các hướng dẫn liên quan…

Thủ tướng tin tưởng rằng, với định hướng, chiến lược phát triển đúng đắn, cùng với sự tâm huyết, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh, Bến Tre sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, tư duy đột phá, vươn lên mạnh mẽ, làm nên cuộc “Đồng Khởi mới” để “Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực ĐBSCL vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030”./.

Cong TTĐTCP

Exit mobile version