Ngày 14/6, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 930/QĐ-TTg về việc bổ sung kinh phí thực hiện một số chính sách phát triển thủy sản.
Đội tàu khai thác xa bờ của ngư dân neo đậu tại cảng cá Mỹ Tân (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN
Theo đó, Chính phủ đồng ý về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện một số chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ (bao gồm chi phí đào tạo, duy tu, sửa chữa định kỳ tàu cá vỏ thép; chính sách bảo hiểm và chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với năm 2018, 2019, 2020) theo cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2017-2020 tại Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ như đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 4398/BTC-NSNN nêu trên.
Kinh phí bổ sung là 462, 095 tỷ đồng, được trích từ ngân sách trung ương cho 27 địa phương thực hiện chính sách phát triển thủy sản từ năm 2015 đến năm 2019 (nguồn kinh phí thực hiện chính sách phát triển thủy sản đã được Quốc hội cho phép sử dụng đến hết niên độ ngân sách năm 2021 tại Nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12/11/2020 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021) như đề nghị của Bộ Tài chính. Trong đó, cấp bổ sung cho tỉnh Hải Phòng là 13,883 tỷ đồng; Quảng Ninh 500 triệu đồng; Nam Định 17,329 tỷ đồng; Ninh Bình 1,055 tỷ đồng; Thái Bình 3,912 tỷ đồng; Thanh Hóa 36,520 tỷ đồng…
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo, đề xuất và thông báo bổ sung kinh phí từ ngân sách trung ương cho các địa phương liên quan thực hiện theo quy định. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung bảo đảm đúng quy định, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Nguồn: Báo Tin Tức (TTXVN)