Site icon Hội chiếu sáng Việt Nam

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGÀY 3/7/2022

Thành lập Ban Chỉ đạo về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 790/QĐ-TTg ngày 3/7/2022 thành lập Ban chỉ đạo về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Quyết định nêu rõ: Thành lập Ban chỉ đạo về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội (Ban chỉ đạo), là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (Nghị quyết số 11/NQ-CP).

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến việc triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương trong việc thực hiện những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến việc triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Trưởng Ban chỉ đạo

Về thành viên Ban Chỉ đạo, Quyết định nêu rõ: Trưởng Ban chỉ đạo là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. Các Phó Trưởng Ban gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Phó Trưởng Ban thường trực); Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà.

Các Ủy viên Ban chỉ đạo gồm: Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi; Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm; Ủy viên Thường trực, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Hoàng Anh; Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy; Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng.

Trưởng Ban chỉ đạo ban hành Quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể đối với các thành viên Ban chỉ đạo.

Các cơ quan có thành viên tham gia Ban chỉ đạo sử dụng bộ máy hiện có của mình (phân công cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý làm đầu mối) để giúp việc cho thành viên Ban chỉ đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo phân công của Trưởng Ban chỉ đạo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo, có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ban chỉ đạo, sử dụng bộ máy của mình để thực hiện các nhiệm vụ của Ban chỉ đạo theo chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo.

Ban chỉ đạo có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động của Ban chỉ đạo định kỳ hằng tháng, quý, 06 tháng, cả năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

 

Trình UBTVQH Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn

 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 3/7/2022 của Chính phủ thông qua Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị thông qua để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo đề nghị của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu báo cáo.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 04/7/2022 cho phép bổ sung dự án Nghị quyết vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bộ Tài chính khẩn trương gửi hồ sơ, tài liệu liên quan cho Bộ Tư pháp theo quy định.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 04/7/2022 về dự án Nghị quyết nêu trên để cho ý kiến và thông qua theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định.

* Theo đề nghị của Bộ Tài chính, điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022 như sau:

– Xăng: Giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.

– Nhiên liệu bay: Giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.

– Dầu diesel: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít.

– Dầu mazut, dầu nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.

– Mỡ nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg.

– Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Từ ngày 01/01/2023, mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7/2022, đề nghị hiệu lực thi hành của Nghị quyết kể từ ngày 01/8/2022 để đảm bảo việc triển khai thực hiện.

Giảm mức thuế BVMT sẽ có tác động tức thì trong việc giảm giá bán lẻ xăng dầu

Theo Bộ Tài chính, hiện nay, các hoạt động kinh tế – xã hội đã chuyển về trạng thái như trước khi xảy ra dịch COVID-19. Do đó, dự kiến sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2022 tương đương như thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19 là năm 2019.

Với dự kiến sản lượng tiêu thụ như vậy, nếu áp dụng chính sách giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất nêu trên thì ước giảm thu ngân sách nhà nước bình quân một tháng (đã bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) là khoảng 1.400 tỷ đồng/tháng.

Trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7/2022 và có hiệu lực từ ngày 01/8/2022 thì ước giảm thu NSNN (đã bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) là khoảng 7.000 tỷ đồng.

Thuế BVMT là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường, nên chi phí thuế BVMT sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế BVMT. Việc điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn kịp thời trong bối cảnh giá xăng dầu đang ở mức cao được xem là giải pháp hiệu quả để giảm chi phí thuế trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, từ đó có tác động tức thì trong việc giảm giá bán lẻ xăng dầu.

Việc tăng, giảm giá xăng dầu nói chung sẽ tác động đến sản xuất và tiêu dùng trong nước. Đồng thời, sự thay đổi về giá của mặt hàng này sẽ kéo theo sự biến động nhất định về giá của các mặt hàng khác, thể hiện qua sự thay đổi của chỉ số CPI.

Cụ thể, việc giảm thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn, từ đó góp phần hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, góp phần giảm giá thành sản phẩm và góp phần ổn định lạm phát.

Nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 3/7/2022 về nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương 100% kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện chính sách vượt quá số nhu cầu kinh phí mà từng địa phương đã rà soát, báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; địa phương phải sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn lực hợp pháp theo quy định để chi trả cho người lao động theo đối tượng và mức hỗ trợ quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp cân đối ngân sách địa phương khó khăn không đủ nguồn lực để thực hiện, địa phương báo cáo Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra cụ thể việc bố trí, chi trả kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo số liệu (đối tượng, nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện chính sách) của các địa phương đảm bảo không vượt quá 6,6 nghìn tỷ đồng nguồn lực của ngân sách trung ương đã được quyết định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và Nghị quyết số 521/NQ-UBTVQH15 ngày 14/6/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021; phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021.

Bộ Tài chính căn cứ quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và nguyên tắc hỗ trợ quy định tại Quyết định này để xem xét, hỗ trợ kịp thời từ ngân sách trung ương cho từng địa phương.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo đúng khoản 5 Điều 13 Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; chịu trách nhiệm toàn diện về số liệu báo cáo (đối tượng, kinh phí, ngân sách nhà nước thực hiện chính sách) của địa phương và đảm bảo chính xác chi trả đúng đối tượng và chế độ quy định./.

 

Exit mobile version