Site icon Hội chiếu sáng Việt Nam

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Thủ tướng khen 14 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch tại Bắc Giang

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 10 tập thể và 04 cá nhân, đã có thành tích xuất sắc, trực tiếp tham gia phòng, chống dịch COVID-19, góp phần ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Cụ thể, 10 tập thể được tặng Bằng khen gồm:

1- Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế.

2- Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang.

3- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Giang.

4- Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Bộ Y tế.

5- Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

6- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội.

7- Công an huyện Việt Yên, Công an tỉnh Bắc Giang, Bộ Công an.

8- Nhân dân và cán bộ huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

9- Nhân dân và cán bộ xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

10- Nhân dân và cán bộ xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

4 cá nhân được tặng Bằng khen gồm:

1- Ông Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế.

2- Bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Trưởng khoa Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

3- Ông Ngụy Đình Hoàn, Giảng viên Khoa Xét nghiệm, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Bộ Y tế.

4- Thượng tá Thân Văn Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang, Bộ Công an.

Thủ tướng tặng Bằng khen 5 tập thể, cá nhân có thành tích phòng, chống dịch COVID-19

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 tập thể và 3 cá nhân thuộc Công an tỉnh Hải Dương, Bộ Công an, đã có thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

2 tập thể được tặng Bằng khen gồm: Công an thành phố Chí Linh, Công an tỉnh Hải Dương, Bộ Công an và Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hải Dương, Bộ Công an.

3 cá nhân được tặng Bằng khen gồm: Trung tá Nguyễn Văn Hải, Đội trưởng, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hải Dương, Bộ Công an; Đại úy Phạm Thị Hòa, Cán bộ Khoa Chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an và Thượng úy Lê Thị Hòa, Cán bộ Khoa Chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an.

* Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Tờ trình đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Công an tỉnh Hải Dương, Bộ Công an, đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Thay đổi thành viên Ủy ban Quốc gia về trẻ em

Thủ tướng Chính phủ quyết định ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em thay ông Phùng Xuân Nhạ.

Thay đổi thành viên BCĐ cải cách hành chính của Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính là thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ thay ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính theo phân công công tác.

Khẩn trương xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử

Tại Thông báo số 163/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Tư pháp khẩn trương xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo đúng quy định của Luật Hộ tịch, đảm bảo kết nối, liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì rà soát về kỹ thuật đảm bảo hiệu quả, không trùng lắp; sử dụng chung tối đa các hạng mục, nguồn lực đã đầu tư cho dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an chủ trì, hoàn thành trước ngày 20/6/2021. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương xử lý các đề nghị của Bộ Tư pháp về vốn theo quy định.

Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan rà soát các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; đề xuất giải pháp cụ thể đảm bảo kết nối, liên thông; chia sẻ và sử dụng chung nguồn lực, tài nguyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/7/2021.

Xây dựng Lâm Đồng trở thành một khu vực kinh tế động lực của vùng Tây Nguyên

Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Lâm Đồng nhanh, toàn diện và bền vững trên cơ sở tăng cường liên kết vùng, lấy liên kết là nền tảng phát triển. Xây dựng Lâm Đồng trở thành một khu vực kinh tế động lực của vùng Tây Nguyên.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện của cả nước. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp toàn diện và hiện đại, là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế; phát triển du lịch chất lượng cao, xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch của cả nước và khu vực Đông Nam Á và là trung tâm giáo dục nghiên cứu, sáng tạo khoa học;…

Theo đó, định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế-xã hội Lâm Đồng hướng đến tăng trưởng nhanh và bền vững với 3 trụ cột chính:

1- Nông nghiệp hiện đại, là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế.

2- Du lịch – dịch vụ chất lượng cao, xây dựng thành phố Đà Lạt thành đô thị thông minh, xanh, trung tâm du lịch chất lượng cao, trung tâm giáo dục nghiên cứu, sáng tạo khoa học.

3- Công nghiệp theo hướng chọn lọc, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thân thiện với môi trường, tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến dược liệu, dược phẩm và thực phẩm chức năng từ sản phẩm nông nghiệp.

Yêu cầu của nội dung lập quy hoạch là phải đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành, các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh và tăng cường liên kết vùng; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.

Ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng…/.

 

Exit mobile version