Site icon Hội chiếu sáng Việt Nam

Thanh tra làm khó doanh nghiệp, cách nào ngăn chặn?

Chiều 26/5, thảo luận tại Quốc hội về Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, việc thiếu các quy định, tiêu chí cụ thể, dễ dẫn đến tình trạng cơ quan thanh tra ‘trăm hoa đua nở’, khiến bộ máy phình to, trùng lắp trong hoạt động, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Chiều 26/5, thảo luận tại Quốc hội về Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, việc thiếu các quy định, tiêu chí cụ thể, dễ dẫn đến tình trạng cơ quan thanh tra ‘trăm hoa đua nở’, khiến bộ máy phình to, trùng lắp trong hoạt động, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Thanh tra sở “ngồi chơi xơi nước” nhiều

Theo Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), cơ quan thanh tra được thành lập theo cấp hành chính, bao gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện. Ngoài ra, ở cơ quan quản lý theo ngành, lĩnh vực cũng được thành lập lực lượng thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục trực thuộc bộ và tương đương do Chính phủ quyết định thành lập; Thanh tra sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.

Từng có thời kỳ công tác trong ngành thanh tra, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự ủng hộ hệ thống thanh tra theo hệ thống hành chính như hiện nay. Về việc giao cho chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định thành lập thanh tra sở, Chủ tịch nước nhận xét: “Dự thảo viết rất khéo”. Ông cho rằng, ít có vụ việc thanh tra sở làm được, thanh tra sở chỉ phục vụ giám đốc sở. “Bộ phận này phải được tính toán lại, thanh tra ở các sở “ngồi chơi xơi nước” nhiều, không phát huy được nhiều, chủ yếu phụ thuộc vào ông giám đốc sở”, Chủ tịch nước nói.

Trong khi đó, ĐB Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho rằng, không nên hình thức theo kiểu trung ương có gì thì địa phương cũng có. Lấy ví dụ ở huyện Mường Nhé (Điện Biên), ông Cừ cho biết, dân số thấp, ngân sách các xã thu được không bao nhiêu, nếu thanh tra thì thanh tra cái gì? Theo ông, với thanh tra cấp huyện, nên tùy theo tình hình thực tiễn từng địa phương để quy định cho phù hợp. Tương tự, việc tổ chức thanh tra ở các tổng cục cũng phải xem xét lại, bởi Chính phủ đang xem xét sắp xếp lại mô hình này. Để tránh việc tổng cục “trăm hoa đua nở”, ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đề nghị nên quy định rõ về tiêu chí thế nào để được thành lập, tránh bộ máy lại phình to, chồng chéo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho rằng, không nên có thanh tra cấp huyện. Thực tế, thanh tra cấp huyện có vài người, mỗi năm làm 1-2 việc; nên tập trung lực lượng cho thanh tra cấp tỉnh. Việc thành lập thanh tra tổng cục, cũng nên cân nhắc. Trong khi đó, ĐB Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) thẳng thắn đề nghị bỏ thanh tra cấp huyện để bảo đảm sự hoạt động mạnh mẽ và phát huy được hiệu quả của thanh tra tỉnh. “Tổ chức thanh tra huyện, lập thêm thanh tra tổng cục, vụ, thanh tra huyện, thanh tra sở tức là phải lập ra bộ máy. Khi có bộ máy thì phải có việc làm, không có việc làm dễ dẫn đến đi “kiếm ăn rong”, ông Minh nói. Theo ông, tổ chức các cơ quan thanh tra cần hướng đến tinh gọn hiệu quả, chứ tổ chức rộng, xuống dưới là nhàm. “Thanh tra vào thì doanh nghiệp phải tiếp, phải mời, rất mất thời gian. Cho nên hạn chế thanh tra để cho doanh nghiệp phát triển, không nên hình thành hệ thống thanh tra nhiều quá. Lập thanh tra là phải có phòng, có nhân viên, có trưởng, phó phòng…, rồi nhiều thứ lắm”, ông Minh nói.

Chỉ nên thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm

Về hoạt động của thanh tra, từ thực tiễn kinh nghiệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, việc quản lý

đoàn thanh tra rất quan trọng. “Tại sao thanh tra không giải quyết được một số việc vì đoàn thanh tra quá dễ dãi trong việc tiếp xúc với các đối tượng thanh tra. Anh phải ăn riêng, ở riêng, có chế độ thông tin riêng… Nếu không có cơ chế quản lý chặt chẽ đoàn thanh tra thì khó có thể phát hiện ra những vấn đề lớn của thanh tra. Phải tách riêng mọi việc trong sinh hoạt”, Chủ tịch nước nói. 

“Ít có vụ việc thanh tra sở làm được, thanh tra sở chỉ phục vụ giám đốc sở. “Bộ phận này phải được tính toán lại, thanh tra ở các sở “ngồi chơi xơi nước” nhiều, không phát huy được nhiều, chủ yếu phụ thuộc vào ông giám đốc sở”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Phản ánh hiện tượng cứ vào doanh nghiệp đang làm ăn tốt, hiệu quả để thanh tra, ĐB Đinh Ngọc Minh thắc mắc, vì sao trong tờ trình của Chính phủ về Luật Thanh tra chưa thấy lấy ý kiến bị tác động nhiều nhất là các doanh nghiệp? “Nói thật doanh nghiệp là đối tượng thường xuyên bị thanh tra, “trăm dâu đổ đầu tằm” nên cần được lấy ý kiến rộng rãi khi xây dựng Dự án Luật Thanh tra”, ông Minh nói. Cho rằng hoạt động thanh tra hiện nay vẫn trùng lắp, vị đại biểu đoàn Cà Mau đề nghị nên quy định nguyên tắc “trong một nhiệm kỳ chỉ được thanh tra một lần”. “Chúng ta cứ nói là không được trùng nhau, nhưng nói thật, có nơi cứ hết đoàn này, đến đoàn khác vào. Nay ông thanh tra bộ, mai ông thanh tra tỉnh… Có nơi dư luận phản ánh, có năm “đón” đến mấy đoàn thanh tra. Càng nhiều đoàn đến thì doanh nghiệp càng khổ”, ông Minh nói và đề nghị, chỉ tiến hành thanh tra khi đơn vị có dấu hiệu vi phạm. “Có thế mới bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển, doanh nghiệp mà không phát triển thì nói thật, chúng ta lấy đâu mà hưởng lương”, ông Minh nói.

“Có ý kiến đề nghị bỏ thanh tra huyện để khắc phục tình trạng “dàn đều” nhưng biên chế quá mỏng. Đồng thời, bổ sung nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cho thanh tra tỉnh. Điều này vẫn bảo đảm nguyên lý “ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra” vì nhiệm vụ của cơ quan thanh tra huyện sẽ được chuyển cho thanh tra tỉnh, các cơ quan chuyên môn khác thuộc Ủy ban nhân dân huyện”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói khi trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Thanh tra sửa đổi

Cho rằng hình thức thanh tra bây giờ nhiều quá, từ thanh tra thường xuyên, thanh tra đột xuất, thanh tra có kế hoạch, rồi thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đề nghị nên bỏ thanh tra thường xuyên, những trường hợp có dấu hiệu vi phạm thì thanh tra đột xuất. Trong khi đó, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, cho rằng, Luật Thanh tra (sửa đổi) phải có quy định để chống lạm dụng quyền lực trong hoạt động, bởi thanh tra là cơ quan có nguy cơ lạm quyền cao, cần phải quy định chặt chẽ. “Như một số đại biểu đã phản ánh, cán bộ thanh tra cứ lấy cớ, không thành lập đoàn, không có nghiệp vụ nhưng vẫn cứ đến “thăm” doanh nghiệp, rồi thông tin bâng quơ. Điều đó làm xấu đi hình ảnh của bộ máy nhà nước”, ông Vân nói.

Nguồn bài viết: https://fireant.vn/

Exit mobile version